Thứ sáu, 26/04/2024 16:27 (GMT+7)

Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Quốc tế Lao động 1/5?

MTĐT -  Thứ tư, 01/05/2019 09:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày Quốc tế Lao động 1/5 là ngày người dân lao động trên khắp thế giới tổ chức lễ kỉ niệm nhằm nhắc lại cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của giai cấp công nhân với ngày làm việc 8 giờ.

Quốc tế Lao động bắt nguồn từ đâu?

Ngày Quốc tế Lao động hay ngày 1 tháng 5 là ngày lễ kỷ niệm và ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động.

Năm 1886, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: "...Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ". Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không thể kiếm cớ chối từ.

Ngày 1/5/1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mit-tinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ "Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!" Cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia.

Ngày 1/5 được xem là ngày mừng thắng lợi đã đạt được, nêu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới và biểu lộ tình đoàn kết với những người lao động các nước khác. Ngày 1/5 cũng là ngày biểu dương cho lực lượng lao động, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.

Ngày nay, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Quốc tế Lao động ở Việt Nam

Ở nước ta, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, chống đế quốc, giành độc lập, tự do, dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế-xã hội.

Tiêu biểu nhất là cuộc biểu tình lớn gồm hàng chục nghìn người đã diễn ra ở khu Đấu Xảo (Hà Nội), ngày 1/5/1938, với sự tham gia của 25 ngành, giới: Thợ hỏa xa, thợ in, nông dân, phụ nữ, người cao tuổi, nhà văn, nhà báo..v..v. Đây là cuộc mít tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ (1936-1939), do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nó đánh dấu một bước trưởng thành rất quan trọng về nghệ thuật tổ chức và lãnh đạo cách mạng của Đảng ta.

Từ 1945 đến nay, đây là ngày mà mọi người dân ai ai cũng được nghỉ ngơi, vui chơi, không phải làm việc và hiện nay công nhân, viên chức không phải làm việc vẫn được hưởng lương.

Ngày 1/5 đã trở thành ngày hội lớn của nhân dân Việt Nam, ngày biểu dương sức mạnh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, quyết tâm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đồng thời, đó cũng là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới, cùng đấu tranh cho thắng lợi của hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp.

Đó chính là tinh thần đoàn kết với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân lao động toàn thế giới trong cuộc đấu tranh giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tính hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”; “Bốn phương vô sản đều là anh em”; “Rằng đây bốn biển một nhà, Vàng, đen, trắng, đỏ đều là anh em”.

Đây chính là bước phát triển mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế. Sự đoàn kết dựa trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia; tự nguyện, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi và kết hợp giữa lợi ích quốc gia với lợi ích quốc tế.

Đó cũng chính là cơ sở nền tảng trong đường lối đối ngoại của Việt Nam ngày nay: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, mở rộng đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế… Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”.

Mặt khác, từ năm 2011, trong lễ Kỷ niệm 125 năm ngày Quốc tế lao động (1/5/1886-1/5/2011), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát động “Tháng Công nhân” năm 2011, và trở thành truyền thống của Việt Nam đến ngày nay.

“Tháng Công nhân” diễn ra từ ngày 01/5 đến ngày 31/5 thực sự là ngày hội của công nhân, viên chức, lao động, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đồng thời chủ động tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động.

Chính vì vậy, Lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 ở nước ta hàng năm, không chỉ là dịp để ôn lại lịch sử, ý nghĩa của ngày Quốc tế Lao động, củng cố và phát triển đoàn kết quốc tế, mà còn là thời điểm ôn lại lịch sử và truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân Việt Nam. Đồng thời không ngừng củng cố khối liên minh giữa công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của các Đại hội Đảng toàn quốc.

PV (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Quốc tế Lao động 1/5?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới