Thứ sáu, 26/04/2024 17:51 (GMT+7)

TP.HCM tiếp tục kiến nghị kéo dài cách ly xã hội hết ngày 30/4

MTĐT -  Thứ tư, 15/04/2020 17:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ hơn, để có chiến thắng cuối cùng, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, một lần nữa TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho tiếp tục thực hiện cách ly xã hội đến hết 30/4.

Chiều 15/4, tại cuộc họp trực tuyến với Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM đã báo cáo nhanh tình hình dịch bệnh tại thành phố.

Theo Vnexpress, tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ cho tăng mức phạt hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng, gây nguy cơ lây nhiễm Covid-19, thay vì chỉ phạt 300.000 đồng.

"Những ngày gần hết lệnh cách ly, người dân bắt đầu lơ là thực hiện các quy định chống dịch. Tôi đề xuất Chính phủ nghiên cứu chiến lược bậc thang - càng về sau càng kiểm soát nghiêm ngặt, để có thể đi đến chiến thắng cuối cùng", ông Nguyễn Thành Phong nói tại cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng và các tỉnh thành về công tác phòng chống Covid-19, chiều 15/4.  

Đánh giá kết quả phòng chống Covid-19 tại Việt Nam đang khả quan, song Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng diễn biến dịch bệnh còn tiềm ẩn yếu tố khó lường; nhất là nhiều trường hợp sau 14 ngày mới phát bệnh; có ca đã điều trị âm tính, sau đó lại dương tính, đi khắp nơi, gây nguy cơ cho cộng đồng. 

"Nếu chủ quan, lơi lỏng sẽ dẫn đến vỡ trận. Để kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ hơn, để có chiến thắng cuối cùng, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, một lần nữa TP HCM kiến nghị Thủ tướng cho tiếp tục thực hiện cách ly xã hội đến hết 30/4", ông Phong nói.

Chủ tịch TP.HCM cũng cho rằng, cách ly tập trung những trường hợp nghi ngờ là biện pháp ít gây tổn thương kinh tế. Tuy nhiên, việc kéo dài giãn cách xã hội sẽ ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. Do đó, để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng dịch, vừa phát triển kinh tế, thành phố đề nghị cho phép mở lại một số hoạt động thiết yếu ít có nguy cơ lây nhiễm, đáp ứng Bộ tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ.

Bộ tiêu chí kiểm soát dịch bệnh phải được ban hành song song với việc cho phép mở cửa một số hoạt động thiết yếu ít nguy cơ và giao chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát và đóng cửa nếu không đảm bảo các tiêu chí.

Ông Phong cho rằng đây là chính sách kép để kích thích kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh chưa xác định được thời gian kết thúc. Việc này sẽ góp phần tăng cường đạo đức và trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội; đồng thời, tạo ra văn hóa bảo vệ ngành nghề kinh doanh cho từng doanh nghiệp.

Theo ông Phong, tính đến nay TP.HCM có 54 ca nhiễm COVID-19, trong đó 35 trường hợp lây nhiễm ở nước ngoài (chiếm 65%), 19 trường hợp lây nhiễm ở cộng đồng (chiếm 35%). Hiện TP.HCM đã điều trị khỏi bệnh và cho xuất viện cho 46 người, còn 8 người đang điều trị.

Từ ngày 1/4, khi triển khai cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng, trong 12 ngày sau đó, TP.HCM không có ca nhiễm mới. Rõ ràng, hhi thực hiện chỉ thị thì số ca nhiễm đã giảm 66%. Việc thực hiện giãn cách xã hội có hiệu quả rõ rệt", ông Phong nói.

Tuy nhiên, theo ông Phong, hành động sớm là yếu tố then chốt, mặc dù số ca nhiễm ghi nhận khá thấp, nhưng cách ly xã hội là phản ứng nhanh, đáng ghi nhận và nên tiếp tục thực hiện.

"Việc tuân thủ của nhân dân là yếu tố quyết định trong việc chống dịch. Thành phố sẽ tiếp tục công tác truy lịch sử ca nhiễm, đó là "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để không bỏ sót mầm bệnh nào.

Việc kiểm soát tốt sẽ biết được mầm bệnh đến từ đâu để ngăn ngừa, dập kịp thời, không làm người dân hoang mang. Đồng thời, phải thực hiện xét nghiệm nhiều lần, để không bỏ sót ca nhiễm nào, kể cả ca nhiễm đã âm tính", Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM tiếp tục kiến nghị kéo dài cách ly xã hội hết ngày 30/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới