Thứ sáu, 26/04/2024 15:24 (GMT+7)

Xuất bản sách và bài toán... kiểm soát

MTĐT -  Thứ sáu, 07/07/2017 13:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Có thể nói số lượng đầu sách hay thuộc mọi thể loại, có nội dung, kiến thức thiết thực, bổ ích vẫn được xuất bản ở nước ta.

Có thể nói số lượng đầu sách hay thuộc mọi thể loại, có nội dung, kiến thức thiết thực, bổ ích vẫn được xuất bản ở nước ta. Tuy nhiên, thực tế cũng phản ánh, thời gian qua, ngành xuất bản cũng chứng kiến nhiều cuốn sách có chi tiết sai trái, phi thẩm mỹ ảnh hưởng đến đối tượng tiếp nhận.

Theo Cục Xuất bản - In và Phát hành (Bộ Thông tin - Truyền thông), trung bình mỗi năm, hệ thống các nhà xuất bản (NXB) trên cả nước đã xuất bản được khoảng 30.000 cuốn với gần 400 triệu bản; mức độ hưởng thụ bình quân đạt khoảng 4 bản sách/người/năm. Đi cùng với số lượng không ngừng tăng, thực tế cũng phản ánh chất lượng sách ở Việt Nam đã được cải tiến so với trước đây, thể hiện qua việc các NXB đã có định hướng rõ rệt trong việc lựa chọn đề tài cũng như kiểm soát chặt chẽ hơn về nội dung nên đã hạn chế được các loại sách kém chất lượng, xuất bản được nhiều cuốn sách có nội dung tốt, hình thức đẹp, được dư luận đánh giá cao. Dẫu vậy, trong ngành xuất bản, thực tế cũng cho thấy vẫn có những cuốn sách có nội dung sai lệch, yếu tố phản cảm khiến bạn đọc không khỏi lo lắng.

Điển hình, Cục Xuất bản gần đây đã liên tiếp “tuýt còi” những cuốn sách có nội dung sai phạm. Mới nhất, Cục Xuất bản có công văn yêu cầu NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Books không phát hành và thu hồi toàn bộ số sách Một cơn gió bụi của tác giả Trần Trọng Kim in trong quý I/2017. Theo Cục Xuất bản, qua kiểm tra lưu chiểu, NXB Hội Nhà văn đăng ký xuất bản đề tài Một cơn gió bụi với thể loại là thơ văn nhưng nội dung cuốn sách xuất bản không đúng thể loại và tóm tắt nội dung như đã đăng ký. Bên cạnh đó, nội dung cuốn sách này cũng có những chi tiết, đánh giá không phù hợp, không khách quan hoặc chưa được kiểm chứng.

Sách thiếu nhi nhưng có nội dung, hình minh họa phản cảm từng xuất hiện trên thị trường khiến dư luận bức xúc.

Ngược dòng thời gian, một số cuốn sách dành cho bạn đọc nhí của NXB Kim Đồng từng bị Cục Xuất bản yêu cầu dừng phát hành hoặc “kiểm tra, rà soát lại toàn bộ nội dung cuốn sách”. Điển hình Truyện cổ tích Việt Nam quyển I, truyện Thạch Sanh có một dị bản lạ, những chi tiết không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi: Mẹ Thạch Sanh trước khi qua đời đã cởi chiếc quần độc nhất của mình để nhường lại cho con; đoạn miêu tả Thạch Sanh giết trăn tinh đầy bạo lực, phản cảm với miêu tả “óc trăn tinh phọt ra chết tươi”. Ngoài ra, bộ truyện tranh Thần thoại Hy Lạp của NXB Kim Đồng cũng có hình ảnh không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi như tập Số phận và bi kịch, có trang vẽ hình một pho tượng lõa thể, minh họa cho chi tiết Pygmalion (một nhà điêu khắc tài ba trong thần thoại Hy Lạp) tiến tới hôn pho tượng. Kèm theo hình ảnh là những lời văn miêu tả: “Pic-ma-li-ông sung sướng ôm ghì lấy pho tượng hôn tới tấp như người bị mất trí”.

Bên cạnh đó, trên thị trường từng xuất hiện cuốn Truyện cổ tích Việt Nam có truyện Thỏ trắng và Hổ xám chứa ngôn từ tục tĩu. Nội dung truyện Thỏ trắng và Hổ xám kể về chú thỏ bằng mưu trí đã vượt qua sự rình rập, đe dọa của hổ xám gian ác nhưng truyện chứa ngôn từ thô tục, không phù hợp với các em nhỏ: “Thỏ nhẹ nhàng nhảy xuống bóp d... hổ” hoặc “Mẹ mày con thỏ!”... Với những ngôn ngữ trong Thỏ trắng và Hổ xám đã khiến nhiều người bức xúc bởi truyện cho trẻ em song lại có câu chữ dung tục như đầu độc thế hệ trẻ. Sau này khi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý thì vỡ lẽ cuốn sách có truyện Thỏ trắng và Hổ xám là sách in lậu chứ không do NXB đã in trên bìa sách xuất bản.

Dư luận bức xúc với cuốn Ngủ cùng sói của Diệp Lạc Vô Tâm.

Ở mảng sách dịch có nguồn gốc từ nước ngoài, dư luận từng nổi đóa với cuốn Những thứ họ mang (The Things They Carried) của nhà văn Mỹ Tim O'Brien do dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng dịch. Những thứ họ mang có câu thô thiển, tục tĩu dù rằng người dịch đã dịch sát nội dung của tác phẩm gốc. Sau đó, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng đã phải gửi lời xin lỗi tới độc giả, đồng thời sửa lại câu văn có ngôn từ chưa phù hợp với văn hóa người Việt. Ngoài ra, từng có thời gian dòng sách ngôn tình, đam mỹ của các tác giả Trung Quốc ồ ạt xuất hiện ở nước ta. Trong đó, dư luận bức xúc với cuốn Ngủ cùng sói của Diệp Lạc Vô Tâm vì nội dung loạn luân, có những chi tiết lạm dụng, quấy rối tình dục trẻ em, bạo hành ngược đãi trẻ em, chém giết... vô nhân đạo. Bên cạnh đó, nhiều cuốn sách “rác” khác của nước ngoài đã được xuất bản ở Việt Nam bị độc giả tẩy chay do nội dung trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa người Việt như: Thục nữ PK xã hội đen (tác giả Thuấn Gian Khuynh Thành), Chuyện cũ (Lịch Xuyên), Bảy ngày ân ái (Ân Tầm); Ngược ái (Ngạn Thiến)...

Theo ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành, hiện nay nhiều cuốn sách có nội dung sai sự thật nhưng vẫn được xuất bản và phát hành. Điều này cho thấy công tác quản lý lỏng lẻo của NXB, vì thế các NXB phải kiểm soát nội dung chặt chẽ hơn nữa, đồng thời siết chặt trình độ và trách nhiệm của các biên tập viên. Thiết nghĩ, khi làm sách, các đơn vị xuất bản ở nước ta cũng cần phải có tâm và có tầm, nếu không tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” sẽ còn tiếp diễn ảnh hưởng tới thẩm mỹ người đọc!

                                                                                         Theo SKĐS

Bạn đang đọc bài viết Xuất bản sách và bài toán... kiểm soát. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới