Thứ sáu, 03/05/2024 14:45 (GMT+7)

Đồng Nai khắc phục nhiều “điểm đen” về môi trường

Xuân Bắc -  Thứ ba, 22/08/2023 18:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Được biết, Đồng Nai có 157 cơ sở nằm trong danh sách “đen” về môi trường và 47 bãi rác tạm. Nhưng với nhiều giải pháp, đến nay tỉnh đã khắc phục xong các điểm đen ô nhiễm môi trường.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT), Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho biết, tỉnh đã khắc phục xong các “điểm đen” về môi trường. Ngoài ra, 47 bãi rác tạm tại các huyện, thành phố đã xử lý dứt điểm.

tm-img-alt
Tỉnh Đồng Nai đã khắc phục xong các “điểm đen” về môi trường. Ngoài ra, 47 bãi rác tạm tại các huyện, thành phố đã xử lý dứt điểm.

Cũng theo ông Đức, trước đây, theo kết luận của Thanh tra Sở TN-MT và báo cáo của UBND tỉnh có 157 cơ sở gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) nghiêm trọng. Phần lớn là cơ sở sản xuất thuộc nhiều lĩnh vực như: khai khoáng, chế biến nông lâm sản, sản xuất công nghiệp. Quá trình sản xuất, kinh doanh các cơ sở phát sinh chất thải rắn, khí thải, nước thải mà chưa hoặc đã xử lý nhưng không đạt quy chuẩn làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Hiện tại, mặc dù vẫn còn những cơ sở vi phạm về quản lý chất thải nhưng không phải thường xuyên, chậm khắc phục hậu quả. Để làm được điều này, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp trong đó có yêu cầu cơ sở vi phạm đầu tư hạ tầng khắc phục hậu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát và hậu kiểm. Tỉnh cũng trích kinh phí đầu tư nhiều công trình, dự án khắc phục và cải tạo môi trường như: xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung; lắp đặt hệ thống quan tự động ở khu vực có nguy cơ gây ÔNMT, quy hoạch các khu xử lý chất thải tập trung.

Bên cạnh đó, tỉnh ban hành nhiều chính sách quan trọng về môi trường như: chấm dứt chăn nuôi ở nội ô TP.Biên Hòa, di dời hơn 3 ngàn cơ sở ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Di dời, chấm dứt hoạt động nhiều cơ sở gạch ngói nung thủ công để phát triển vật liệu xây dựng không nung; đưa các cơ sở sản xuất gốm truyền thống vào cụm công nghiệp; di chuyển các nhà máy sản xuất ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, Đồng Nai đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường, phục hồi hệ sinh thái. Hiện hầu hết các chỉ tiêu về môi trường theo Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra đều đạt. Đó là: Tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 29%, chôn lấp rác thải sinh hoạt dưới 15%, 100% khu công nghiệp đủ điều kiện có trạm quan trắc tự động nước thải…

Mặc dù không còn khu vực ô nhiễm nghiêm trọng cần xử lý (trừ khu vực nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa đang xử lý) song do đặc thù tỉnh có hơn 40 khu và cụm công nghiệp đang hoạt động, gần 1,5 ngàn trang trại chăn nuôi quy mô lớn; hơn 40 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực nên nguy cơ ÔNMT vẫn rất cao.

Theo ông Trần Trọng Toàn, Phó giám đốc Sở TN-MT, trở ngại lớn hiện nay là hầu hết nước thải sinh hoạt tại các đô thị và nước thải tại các cụm công nghiệp chưa được thu gom, xử lý theo quy định. Công tác BVMT đất, nước, không khí tại các khu vực sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế. 

Để từng bước khắc phục các tồn tại, không phát sinh hay tái lập cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng, tỉnh đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng tỉnh triển khai đầu tư 13 dự án thuộc các dự án thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải đô thị; đang kêu gọi đầu tư dự án xử lý rác thải sinh hoạt phát điện quy mô 1,2 ngàn tấn/ngày, đồng thời yêu cầu các khu xử lý đến năm 2025 phải chuyển sang công nghệ đốt đối với rác sinh hoạt. Các cơ sở sản xuất công nghiệp phát thải lớn và các khu, cụm công nghiệp tập trung chậm nhất cuối năm 2024 phải hoàn thành đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động. Riêng với cơ sở sản xuất xây dựng mới phải đầu tư công nghệ tiên tiến, xử lý các loại chất thải đạt chuẩn môi trường. Các khu dân cư mới phải có hệ thống thoát nước mưa và thu gom nước thải độc lập.

Trong quy hoạch định hướng phát triển tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh xác định lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, hoàn thành mục tiêu phát thải về 0 vào năm 2050.

Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai khắc phục nhiều “điểm đen” về môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Hàng tấn cá chết bất thường trên sông Mã
Từ ngày 19/3 đến 28/4, trên địa bàn các xã Thiết Kế, Thiết Ống, Ban Công, Ái Thượng và thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước(Thanh Hóa) xuất hiện hàng tấn cá lồng nuôi chết bất thường có hàng chục trên sông Mã khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng.

Tin mới

Bắc Giang: Những bãi rác tự phát gây ô nhiễm
Phong trào dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được các địa phương quan tâm triển khai tạo chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn những bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường.
Bài thơ: Yên bình
Em hãy sống một đời bình yên nhé///Nhìn mọi điều như đứa trẻ giản đơn///Như bản chất vốn sinh ra là thế///Bận lòng gì vài ba chuyện thiệt hơn.