Thứ ba, 30/04/2024 18:34 (GMT+7)

Đồng Nai: Làm rõ trách nhiệm sai phạm tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh

MTĐT -  Thứ bảy, 23/03/2024 17:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (tỉnh Đồng Nai) đã phát sinh hàng loạt sai phạm cần phải được làm rõ trách nhiệm.

CCN gốm sứ Tân Hạnh ở phường Tân Hạnh, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận đầu tư từ năm 2009 để di dời các cơ sở sản xuất gốm trong khu dân cư và phát huy giá trị, truyền thống gốm Biên Hòa- Đồng Nai. CCN được xây dựng trên diện tích hơn 32ha với vốn đầu tư từ ngân sách khoảng 225 tỷ đồng. Để thực hiện dự án, TP Biên Hòa đã phải di dời giải tỏa hàng chục hộ dân, thậm chí phải cưỡng chế bắt buộc đối với nhiều hộ dân chây ì trong việc bàn giao mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất. Đến năm 2014, một số doanh nghiệp bắt đầu vào xây dựng nhà xưởng di dời cơ sở từ trong các khu dân cư vào CCN này để sản xuất kinh doanh.

Những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp đang sản xuất tại CCN này đã bất ngờ nhận quyết định xử phạt số tiền từ hàng trăm đến hàng tỷ đồng của do UBND tỉnh Đồng Nai ban hành về hành vi xây dựng không phép; chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị để thực hiện dự án trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; vi phạm về an toàn PCCC.

Làm rõ trách nhiệm sai phạm tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh -0
Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh.

Ông Đỗ Minh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Gốm mỹ nghệ Hoàng Mỹ cho biết, đã nhận quyết định xử phạt số tiền hơn 1,6 tỷ đồng về hành vi chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị và xây dựng sai phép của UBND tỉnh Đồng Nai. Trong quyết định xử phạt có kèm theo nội dung khắc phục hậu quả bằng việc buộc tháo dỡ công trình xây dựng sai phạm. Theo ông Sơn, công ty của ông là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thực hiện chủ trương kêu gọi của tỉnh Đồng Nai vào CCN gốm sứ Tân Hạnh từ năm 2016 để sản xuất dòng gốm đất trắng với các sản phẩm trang trí để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Kể từ đó đến nay, doanh nghiệp sản xuất ổn định, mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 100 thợ gốm. Hiện, công ty đã có 2 nhà xưởng với diện tích hơn 8.000m2 được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận xây dựng và được UBND TP Biên Hòa cấp giấy phép xây dựng. “Vừa bị xử phạt số tiền lớn như vậy, lại còn vừa phải bị buộc tháo dỡ công trình thì xem như công ty của tôi cũng bị khai tử”, ông Sơn than thở.

Doanh nghiệp tư nhân Thành Công trong CCN này cũng bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 700 triệu đồng về hành vi thực hiện dự án trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị và tổ chức thi công không có giấy phép xây dựng. Đại diện doanh nghiệp cho biết, giữa năm 2016 doanh nghiệp vào CCN gốm sứ Tân Hạnh làm nhà xưởng trên diện tích hơn 4.500m2 đất để chuyển toàn bộ cơ sở ở phường Hóa An vào đây hoạt động. Sau đó UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản chấp thuận cho doanh nghiệp thuê hơn 1.300m2 đất để xây dựng các công trình phụ trợ cho sản xuất. Hiện có hàng loạt doanh nghiệp khác đang hoạt động tại CCN gốm sứ Tân Hạnh cũng đang đứng ngồi không yên sau khi nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính của của UBND tỉnh Đồng Nai và UBND TP Biên Hòa ban hành với hành vi tương tự. Trong đó, doanh nghiệp bị xử phạt với số tiền nhiều nhất lên đến hơn 2,3 tỷ đồng.

Tháo gỡ những vướng mắc

Hơn 25 năm về trước, tỉnh Đồng Nai thực hiện chủ trương xây dựng Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh để di dời các cơ sở sản xuất gốm trong khu dân cư và phát huy giá trị, truyền thống gốm Biên Hòa - Đồng Nai. Năm 2002, Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh bắt đầu xây dựng hạ tầng trên diện tích hơn 32ha ở phường Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa với vốn đầu tư từ ngân sách khoảng 225 tỷ đồng.

Phải mất hơn 10 năm sau, hạ tầng cụm công nghiệp mới hoàn thành để giao đất trên thực địa cho các cơ sở. Năm 2014, những doanh nghiệp đầu tiên bắt đầu vào xây dựng nhà xưởng để sản xuất kinh doanh.

Tổng thư ký Hiệp Hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai Vòng Khiềng cho biết, quá trình hoạt động các doanh nghiệp ở Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh có vi phạm quy định pháp luật trong việc tuân thủ mật độ xây dựng, sử dụng đất khi chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất, sử dụng đất. Tuy nhiên, một phần cũng do điều kiện khách quan, sự bức bách trước những khó khăn trong hoạt động mà chưa được hướng dẫn, hỗ trợ đầy đủ và thực tế cũng đã hoạt động ổn định từ hơn 5 năm nay.

Do vậy, ông Khiềng kiến nghị, việc xử lý những vi phạm này cần được thấu tình đạt lý, thể hiện sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đối với những cố gắng, tâm huyết của các doanh nghiệp gốm trong việc bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống. Từ đó, góp phần giúp các doanh nghiệp có thêm động lực, tinh thần vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Liên quan đến các sai phạm tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh, cuối tháng 2 vừa qua, hai Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng và Võ Văn Phi đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa để xử lý và thống nhất kết luận:

Giao Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa phối hợp với Sở Tư pháp, các đơn vị liên quan rà soát tất cả hồ sơ, quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa ban hành. Đối chiếu với quy định pháp luật liên quan, thực hiện thu hồi, hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp không đủ cơ sở pháp lý đã ban hành.

Đối với các doanh nghiệp đủ cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm hành chính về xây dựng, đất đai, phòng cháy, chữa cháy thì kiên quyết xử lý vi phạm, cưỡng chế theo thẩm quyền và quy định, nhất là những trường hợp hoạt động không đúng ngành nghề, chuyển nhượng dự án trái pháp luật.

Riêng phần đất chưa sử dụng trong Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh, giao Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai khẩn trương thẩm định giá, tổ chức đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư sản xuất đúng chức năng của Cụm công nghiệp, tránh lãng phí về đất đai.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị các sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp nghề gốm đã đi vào hoạt động theo đúng chức năng ngành nghề thực hiện các thủ tục pháp lý về đầu tư, đất đai, xây dựng. Qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu gốm, phát huy truyền thống nghề gốm trên địa bàn.

Việc để xảy ra tồn tại, thiếu sót về đầu tư, xây dựng, đất đai, đăng ký kinh doanh thời gian qua là do Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh chưa có cơ quan quản lý, chưa có quy chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan để hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động theo quy định.

Giao Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Nội vụ thống nhất giải pháp quản lý, tổ chức hoạt động Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh.

Trước đó, vào tháng 9/2023, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã có buổi làm việc với các đơn vị nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp ngành gốm mỹ nghệ Đồng Nai gặp phải trong thời gian dài chưa có lối thoát.

Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét lại quy định đấu giá đất tại cụm công nghiệp, gồm: Quan tâm, giải quyết kiến nghị của Hiệp Hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai về việc sản xuất sản phẩm phụ liên quan đến ngành gốm, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp và thuê thêm đất để mở rộng sản xuất, chú ý thực hiện nhanh thủ tục hành chính.

Duy Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai: Làm rõ trách nhiệm sai phạm tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mốc son bằng vàng của dân tộc
70 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn mãi là niềm tự hào của dân tộc ta, để lại những bài học lịch sử vô giá, là động lực tinh thần to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Người dân cả nước hân hoan đón mừng ngày 30/4-1/5
Tại Hà Nội, các không gian ngoài trời như: Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, phố đi bộ… khá tấp nập. Tại Vườn thú Hà Nội (quận Ba Đình) khách du lịch nhiều địa phương đổ đến tham quan, tìm hiểu cuộc sống các loài động vật.
Hồ Sông Mây xả nước, 200 tấn cá chết trắng
Nhiều ngày qua, tại hồ Sông Mây (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) xuất hiện tình trạng cá chết nổi "trắng" mặt hồ, bốc mùi hôi thối ảnh hướng đến sức khỏe người dân và môi trường quanh khu vực.
Mùa xuân đẹp nhất
Chỉ có mùa xuân giải phóng mới biến ước mơ cháy bỏng của những công dân yêu nước Việt Nam thành hiện thực.