Thứ hai, 06/05/2024 12:01 (GMT+7)

Bình Dương: Đầu tư phát triển 4 cụm công nghiệp hỗ trợ

Bảo My -  Thứ tư, 24/04/2024 15:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian tới, Bình Dương đầu tư phát triển 4 cụm công nghiệp hỗ trợ, diện tích mỗi cụm 75 ha, trong đó xây dựng 1 cụm công nghiệp hỗ trợ chuyên ngành cơ khí.

Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024 và tháng 4 năm 2024 tại họp báo chiều ngày 23/4, đại diện UBND Bình Dương - cho biết: Trong 4 tháng đầu năm 2024, các ngành lĩnh vực kinh tế Bình Dương tiếp tục hồi phục, tăng trưởng và chuyển dịch theo hướng tích cực. Đặc biệt là công nghiệp, thương mại dịch vụ, xuất khẩu… đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ.

tm-img-alt
UBND tỉnh Bình Dương họp báo thông tin tình hình kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh quý I/2024 chiều ngày 23/4/2024 (Ảnh: Thanh Minh)

Đầu tư phát triển 4 cụm công nghiệp hỗ trợ

Chia sẻ về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại họp báo, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết Bình Dương đã hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may (công nghiệp sản xuất sợi, dệt vải, chỉ may, khuy nút, dây kéo, nhuộm, hoàn thiện sản phẩm dệt...); da giày (thuộc da, sản xuất đế giày, mũ giày...); cơ khí (sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm từ kim loại, sản xuất máy móc thiết bị và phụ tùng cho các ngành công nghiệp ô tô, xe máy và các phương tiện vận tải khác, chế biến gỗ, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng...), điện - điện tử (sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất, sản xuất thiết bị dây dẫn điện, cáp quang...).

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương hầu hết sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thành phẩm. Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung chưa đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất trong nước cả về số lượng lẫn chất lượng. Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và công nghiệp hỗ trợ của tỉnh chưa phát triển mạnh đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng các ngành công nghiệp trên địa bàn.

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho rằng, công nghệ của phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bình Dương mới chỉ đạt ở mức trung bình. Chỉ có sản phẩm của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này là có trình độ tiên tiến. Chính điều này đã dẫn đến việc phải nhập khẩu những linh kiện, chi tiết cho sản xuất.

Còn về năng lực công nghệ kỹ thuật, ngoại trừ một số ít doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được trang bị công nghệ, máy móc hiện đại và hoàn chỉnh, đa số doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ, máy móc cũ, lạc hậu. Do đó, chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của nhà lắp ráp. Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước chủ yếu sản xuất các linh kiện, phụ tùng, máy móc đơn giản, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp.

Bà Nguyễn Thanh Hà nhìn nhận, mặc dù phát triển nhanh trong thời gian gần đây, ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Các doanh nghiệp trong nước chỉ cung cấp chi tiết, linh kiện, nguyên phụ liệu đơn giản còn các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phần lớn sản xuất sản phẩm chủ yếu để xuất khẩu theo hình thức gia công theo đơn đặt hàng hoặc sản xuất cho công ty mẹ; sản phẩm cung cấp cho thị trường trong nước làm nguyên liệu không lớn. Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ yếu là gia công theo đơn đặt hàng từ nước ngoài với phần lớn nguyên liệu do đối tác nước ngoài cung cấp hoặc chỉ định, việc nội địa hóa chỉ dừng ở những sản phẩm phụ.

Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung, mặc dù đã được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất trong nước cả về số lượng lẫn chất lượng (đáp ứng được từ 40-45% cho ngành dệt may, da giày; 10-20% cho sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ, 15% cho điện tử, tin học, viễn thông, 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao…). Chính vì vậy, Phó giám đốc Sở Công Thương cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ phát triển của ngành công nghiệp.

Cũng theo bà Nguyễn Thanh Hà, đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, mặc dù, Chính phủ đã có những quy định về khuyến khích, ưu đãi nhưng quá trình triển khai trong thực tế còn nhiều vướng mắc, khó khăn, khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; các quy định chưa mở để các địa phương tùy thuộc vào tình hình thực tế đề xuất các chính sách đặc thù để phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương.

Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh, thời gian qua Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4108/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về phê duyệt “Đề án định hướng phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

“Theo đó, thời gian tới, tỉnh Bình Dương sẽ đầu tư phát triển 4 cụm công nghiệp hỗ trợ với diện tích mỗi cụm 75 ha, trong đó xây dựng 1 cụm công nghiệp hỗ trợ chuyên ngành cơ khí. Ngoài ra, Bình Dương cũng đã quy hoạch thêm 1 khu công nghiệp ngành cơ khí (khu công nghiệp Bắc Tân Uyên 1, tại thị xã Tân Uyên) để góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn” - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương thông tin.

Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thu hút đầu tư và nâng cấp hạ tầng

Tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội địa phương; tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Chuẩn bị các nội dung trình kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 của HĐND tỉnh khóa X.

Đồng thời, Bình Dương cũng tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp. Triển khai hiệu quả các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế, công bố danh mục để thu hút đầu tư công nghiệp thế hệ mới: năng lượng xanh, chíp bán dẫn, vi mạch điện tử....; xây dựng tiêu chí phát triển công nghiệp sinh thái công nghệ cao. Hoàn thiện đề án hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp từ phía Nam lên các khu, cụm công nghiệp ở các địa phương phía Bắc. Theo dõi sát diễn biến thời tiết, đảm bảo nước tưới và vật tư sản xuất nông nghiệp. Tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng chống thiên tai.

Hoàn thiện Kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021 - 2025); tập trung tháo gỡ khó khăn về thẩm định giá đất để phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và xác định nghĩa vụ tài chính về đất cho các nhà đầu tư triển khai dự án. Hoàn thiện Đề án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh giai đoạn 2024-2025 và định hướng đến năm 2030.

Hoàn thiện Quy hoạch tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thiết yếu các khu dân cư trong đô thị và nông thôn; thường xuyên kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thi công các công trình giao thông trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công.

Xây dựng và triển khai Kế hoạch sắp xếp, di dời cụm y tế trên đường Yersin và Bệnh viện đa khoa tỉnh; đẩy nhanh tiến độ đầu tư Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường.

Tại buổi họp báo, một số vấn đề lớn được các cơ quan báo chí quan tâm như: an ninh trật tự, y tế, giáo dục, an sinh xã hội; vấn đề giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm; tình hình lao động việc làm; kế hoạch triển khai xây dựng nhà ở xã hội; công tác quản lý các cơ sở giữ trẻ tự phát, tình trạng ô nhiễm môi trường… Đại diện lãnh đạo các sở và ngành liên quan đã trả lời thẳng thắn, cụ thể các nội dung của câu hỏi phóng viên đặt ra. 

Bạn đang đọc bài viết Bình Dương: Đầu tư phát triển 4 cụm công nghiệp hỗ trợ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khu công nghiệp trước sức ép "nâng tầm"
Việc chuyển đổi dần từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái không chỉ khắc phục được những hạn chế về môi trường, mà còn gia tăng chuỗi giá trị và thu hút được dòng vốn đầu tư bền vững.

Tin mới