Chủ nhật, 05/05/2024 08:45 (GMT+7)

Đưa ga hàng hóa lớn nhất phía Nam trở thành đầu mối phát triển logistics bằng đường sắt

Tuệ Nhi -  Thứ ba, 03/10/2023 09:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ga Sóng Thần đóng vai trò là nơi tập kết, vận chuyển, phân phối hàng hóa xuất nhập khẩu không chỉ của các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương mà còn các doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Vừa qua, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và UBND tỉnh Bình Dương phối hợp tổ chức “Lễ ra mắt đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc” tại Ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương).

Đây là kết quả bước đầu đánh dấu nỗ lực của 2 bên trong việc phát huy hiệu quả vận tải đường sắt liên vận quốc tế, góp phần phát triển kinh tế và xã hội của địa phương.

Đoàn tàu gồm 19 toa, vận chuyển tinh bột sắn với khối lượng khoảng 500 tấn, xuất phát tại ga Sóng Thần ngày 27/9 và dự kiến đến Phổ Điền, Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) ngày 5/10.

Sau chuyến tàu đầu tiên này, VNR sẽ chỉ đạo các đơn vị thành viên, các công ty vận tải đường sắt căn cứ nhu cầu thực tế, tổ chức tăng tần suất chạy tàu trên tuyến. Hiện Bộ Giao thông vận tải đã và đang triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo ga Sóng Thần.

tm-img-alt
Ga Sóng Thần là ga đường sắt liên vận quốc tế và là ga hàng hóa lớn nhất phía Nam đáp ứng được 1,6 triệu tấn hàng hóa/năm. (Ảnh: Internet)

Dự kiến giai đoạn năm 2025 - 2030, sau khi hoàn thành các dự án này, năng lực ga Sóng Thần sẽ đạt đến 3,5 triệu tấn/năm và trở thành ga hàng hóa đầu mối lớn nhất trong hệ thống các ga đường sắt Việt Nam.

Sau khi cơ sở hạ tầng tại ga Sóng Thần phục vụ hoạt động liên vận quốc tế được đầu tư hoàn thiện, ngành đường sắt sẽ tổ chức chạy tàu hàng ngày và cung cấp đầy đủ các dịch vụ phục vụ công tác xuất nhập khẩu hàng hóa cho khách hàng tại khu vực tỉnh Bình Dương và các tỉnh lân cận.

Ga Sóng Thần là ga đường sắt liên vận quốc tế và là ga hàng hóa lớn nhất phía Nam. Năng lực hiện tại của ga Sóng Thần đáp ứng được 1,6 triệu tấn hàng hóa/năm.

Hàng hóa vận chuyển chủ yếu là hàng tiêu dùng, dệt may, điện tử, ô tô xe máy và nông sản, thực phẩm.

Tuyến vận chuyển chính là từ ga Sóng Thần đi đến ga Yên Viên, Giáp Bát (Hà Nội). Sau đó chuyển tiếp vào các đoàn tàu liên vận quốc tế đi Trung Quốc và quá cảnh qua nước thứ 3 (Nga, Mông Cổ, Trung Á và châu Âu) qua các cửa khẩu Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) và cửa khẩu Lào Cai (tỉnh Lào Cai).

Việc đưa phương thức vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt sẽ góp phần vào quá trình đa phương thức, đa dạng hóa hình thức vận chuyển.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện đã vươn lên vị trí thứ 3 trên cả nước. Riêng thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 40%, chủ yếu vận chuyển bằng đường biển và một phần nhỏ bằng đường bộ.

Do đó định hướng quy hoạch phát triển của tỉnh Bình Dương, ga Sóng Thần trở thành ga liên vận quốc tế được mở rộng với quy mô trên 50ha, đáp ứng quá trình phát triển ngành dịch vụ logistics theo hướng vận chuyển đa phương thức.

Ga liên vận quốc tế Sóng Thần (tỉnh Bình Dương) là ga hàng hóa lớn nhất, là một trong những lợi thế giao thông nồng cốt của các tỉnh phía Nam với 13 đường xếp dỡ, 7 bãi hàng hóa với tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 1.726 km; đường đơn khổ 1.000 mm, chạy trục Bắc – Nam. Tuy nhiên, trước đây, ga này chưa phát huy hết tiềm năng vốn có.

Để khai thác thế mạnh vận chuyển bằng đường sắt phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận trong vùng, các cơ quan, ban, ngành có liên quan lập kế hoạch khai thác ga liên vận quốc tế Sóng Thần để tổ chức các đoàn tàu chuyên tuyến chạy thẳng từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc, quá cảnh sang nước thứ ba và ngược lại.

Bạn đang đọc bài viết Đưa ga hàng hóa lớn nhất phía Nam trở thành đầu mối phát triển logistics bằng đường sắt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khu công nghiệp trước sức ép "nâng tầm"
Việc chuyển đổi dần từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái không chỉ khắc phục được những hạn chế về môi trường, mà còn gia tăng chuỗi giá trị và thu hút được dòng vốn đầu tư bền vững.