Hình ảnh Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam qua các thời kỳ
Sáng 14/7, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2020) những hình ảnh về Thanh niên xung phong được tái hiện đầy xúc động
Sáng 14/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam và tôn vinh điển hình tiên tiến Thanh niên xung phong các thời kỳ. Trong ảnh, Thủ tướng trò chuyện với cựu Thanh niên xung phong trước Lễ kỷ niệm. |
Chương trình do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, T.Ư Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam phối hợp tổ chức. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thăm không gian, trưng bày hình ảnh về Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam. |
Cách đây 70 năm, ngày 15/7/1950, Đoàn Thanh niên xung phong công tác Trung ương đầu tiên được thành lập tại núi Hồng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên - nay là Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam. |
Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Lực lượng Thanh niên xung phong vẫn luôn là biểu tượng sáng ngời của thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. |
Mặc dù ra đời trong những năm tháng đầy cam go của 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam luôn nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. |
Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam được thành lập theo chủ trương của Bác Hồ, xuất phát từ tình hình thực tế của cuộc kháng chiến chống Pháp.Đầu năm 1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới Cao - Bắc - Lạng, đòi hỏi huy động lực lượng dân công phục vụ và đảm nhận những công việc quan trọng như mở đường, vận chuyển lương thực, vũ khí. |
Thực tế cho thấy, không phải việc gì bộ đội cũng có đủ lực lượng tham gia mà phải huy động nhân dân, dân công hỏa tuyến… Tuy vậy, những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm đòi hỏi phải có lực lượng thanh niên trẻ, khỏe, có tinh thần dũng cảm, có tổ chức quản lý và lãnh đạo chặt chẽ mới hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ nặng nề. Ý kiến của Bác về việc thành lập một lực lượng như vậy đã được T.Ư Đảng và Chính phủ nhất trí. Vậy là lực lượng Thanh niên xunh phong được thành lập vào ngày 15/7/1950. |
Ngay sau khi được thành lập, Thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao và lập công to lớn trên các chiến trường, chiến dịch lớn như: Biên Giới, Tây Bắc, Việt Bắc, Trung Du, Hòa Bình, Bình Trị Thiên, Liên khu 5, Miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng Bắc Bộ… |
Sau kháng chiến chống Pháp, bước sang thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, lực lượng thanh niên bừng bừng khí thế dấy lên các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang” (ở miền Bắc), “Năm xung phong” (ở miền Nam) để góp phần cho sự nghiệp "chống Mỹ, cứu nước" thắng lợi. |
Để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Ở miền Bắc, T.Ư Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam phát động phong trào “Ba sẵn sàng”, đó là: Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm và sẵn sàng nhập ngũ (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ); Sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập trong bất kỳ tình huống nào; Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần đến. |
Phát huy truyền thống của thế hệ Thanh niên xunh phong chống Pháp, để có lực lượng cơ động thường xuyên phục vụ bộ đội chiến đấu và tham gia chiến đấu, mở đường, bảo đảm giao thông phục vụ các chiến trường. Ngày 21/6/1965, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 71/TTg-CN về thành lập các Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước. |
Ngay sau đó ở miền Bắc đã có 14 vạn nam, nữ cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong gia nhập 170 đội và 50 đại đội trực thuộc với quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. |
Sau khi Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước, Lực lượng Thanh niên xung phong chuyển sang thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển kinh tế, bảo vệ Tổ quốc. Đã có trên 5 vạn nam, nữ Thanh niên xung phong cả nước tiếp bước cha anh lên đường phục vụ cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương Tổ quốc. Trong đó có gần 13.000 Thanh niên xung phong tham gia phục vụ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia (5/1975 - 8/1988) và trên 36.000 Thanh niên xung phong phục vụ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (2/1979 - 12/1988). |
Theo Dương Triều/Tienphong