Thứ năm, 02/05/2024 06:02 (GMT+7)

Hội thảo "Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế: Kinh nghiệm 35 năm đổi mới"

Tùng Anh -  Thứ tư, 27/04/2022 08:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng ngày 26/04/2022, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế: Kinh nghiệm 35 năm đổi mới”.

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì Hội thảo. Đồng chủ trì hội thảo có ông Dennis Quennet, Điều phối trưởng Cụm dự án Phát triển kinh tế bền vững, Giám đốc Chương trình cải cách vĩ mô/tăng trưởng xanh của GIZ; PGS.TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; GS.TS. Trần Thọ Đạt, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân; TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh.

Tham dự hội thảo trực tiếp và trực tuyến có hơn 200 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế, cùng đại diện một số vụ, đơn vị thuộc Ban Kinh tế Trung ương.

tm-img-alt
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì Hội thảo

Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, để khởi động sơ kết 5 năm Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 1/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; đồng thời gắn với việc nghiên cứu triển khai xây dựng đề án về “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, gắn với quá trình xây dựng, hoàn thiện các nội dung liên quan đến trao đổi của đồng chí Trưởng ban Kinh tế Trung ương với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh về các chuyên đề liên quan đến đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và trao đổi những vấn đề liên quan đến kinh nghiệm 35 năm đổi mới của Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với GIZ tổ chức hội thảo ngày hôm nay.

Đồng chí nhấn mạnh, qua thực tiễn đánh giá quá trình triển khai thực hiện một số chủ trương, chính sách liên quan đến đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế cho thấy những kết quả đạt được thể hiện rất rõ như: kinh tế vĩ mô cơ bản đã được ổn định; tăng trưởng kinh tế đạt được những kết quả quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức khá, mô hình tăng trưởng từng bước được chuyển đổi theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu; chất lượng tăng trưởng dần cải thiện dù còn ở mức độ khiêm tốn. Năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện, cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực hơn. Cơ cấu các ngành, lĩnh vực có sự chuyển dịch theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của một số ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế trong tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.  Các vấn đề trọng tâm về cơ cấu lại nền kinh tế gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng đã tập trung thực hiện và đạt được một số kết quả bước đầu. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước và khu vực công đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, việc chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Mô hình tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào gồm vốn, lao động, tài nguyên. Đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực ở cùng giai đoạn phát triển. Tăng năng suất lao động thời gian qua chủ yếu vẫn do tăng cường vốn đầu tư và sử dụng lao động chi phí thấp. Vốn vẫn chủ yếu dựa vào hoạt động kinh tế thông dụng lao động. Ở mức độ nhất định vẫn dựa vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài ngày càng tăng. Năng suất lao động còn thấp và chênh lệch giữa năng suất lao động của Việt Nam với các nước còn tiếp tục gia tăng. Các vấn đề về cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm mặc dù được triển khai thực chất hơn nhưng chưa hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra theo kế hoạch. Hiệu quả đầu tư công chưa cao và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm nhất là vốn ODA. Tiến trình thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm so với kế hoạch đề ra, chủ yếu tập trung vào việc sắp xếp thu gọn số lượng, chất lượng quản trị doanh nghiệp chưa được cải thiện. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp. Tiến độ xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn. Quá trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước và đơn vị sự nghiệp công vẫn còn nhiều hạn chế. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành, lĩnh vực còn chậm. Khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn chưa lớn mạnh, chưa đáp ứng được vai trò quan trọng của nền kinh tế. Thế chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được hoàn thiện.

Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung chủ yếu như: (1) Nhận diện, phân tích làm rõ kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và kinh nghiệm qua 35 năm đổi mới của Việt Nam, tập trung làm rõ những vấn đề nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. (2) Đánh giá đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với ba đột phá chiến lược đã nêu trong nghị quyết và yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế với các trọng tâm ưu tiên để hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia; cơ cấu lại ngành, lĩnh vực. (3) Thảo luận về bối cảnh, điều kiện mới của Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 để nhận diện rõ các bối cảnh tác động đến quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam; đề xuất các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp lớn.

tm-img-alt
Các chuyên gia thảo luận

Tại Hội thảo, các diễn giả đã trình bày các tham luận trong phiên báo cáo chính. TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn trình bày trực tuyến tham luận “Kinh nghiệm 35 năm đổi mới và đề xuất chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025”. TS. Đặng Kim Sơn đã trình bày một bức tranh toàn cảnh về quá trình 35 năm đổi mới của Việt Nam và phân tích các vấn đề đặt ra trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế và đề xuất một số định hướng như vai trò của môi trường vĩ mô phải sẵn sàng cho đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại ngành kinh tế theo lợi thế vùng; cơ cấu lại các đô thị động lực theo hướng phân cấp và gắn kết; cơ cấu lại doanh nghiệp và tổ chức kinh tế và cơ cấu lại thị trường tài nguyên một cách lành mạnh để bắt kịp các quốc gia trong khu vực và trên thế giới thông qua việc xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển.  

tm-img-alt
GS.TS. Trần Thọ Đạt, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân

GS.TS. Trần Thọ Đạt, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân với tham luận “Thực trạng Việt Nam dưới góc độ nền kinh tế thịnh vượng, xã hội hài hoà và tương lai bền vững: Khuyến nghị kinh tế số”. GS.TS. Trần Thọ Đạt cho rằng kinh tế số là động lực tăng trưởng mới trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế và đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số và gợi ý một số giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số như: Cần có bản chiến lược khung cho việc chuyển đổi số; Tạo các điều kiện căn bản để thu hút được nguồn vốn dành cho đầu tư số hóa nền kinh tế, cụ thể là hạ tầng và dịch vụ số; Đổi mới hệ thống giáo dục - đào tạo gắn chặt với số hóa; Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất; cải thiện sự sẵn sàng đối với kỷ nguyên công nghệ số; liên kết chặt chẽ với khu vực FDI; Ứng dụng công nghệ số cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo; ngành CNTT-TT và KHCN; ngành tài chính, ngân hàng bảo hiểm và bất động sản; Bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế số.

tm-img-alt
PGS.TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

PGS.TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trình bày tham luận về “Đổi mới mô hình tăng trưởng - Từ góc độ động lực phát triển kinh tế”. PGS. TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh những thay đổi cơ bản, nền tảng của nền kinh tế như: phát triển đồng bộ các loại thị trường, đặc biệt quan tâm phát triển các thị trường nguồn lực đầu vào, nhất là thị trường đất đai; xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển theo tinh thần phục vụ thị trường, phục vụ doanh nghiệp, thể chế quản trị phát triển hiện đại, phù hợp các cam kết hội nhập; tuân thủ nguyên tắc “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng” trong việc phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam và triển khai chiến lược thu hút FDI; và tận dụng tối đa lợi thế đi sau, nỗ lực xây dựng thể chế tốt, khuyến khích đổi mới sáng tạo, coi khoa học công nghệ và trí tuệ con người là động lực phát triển quan trọng nhất của giai đoạn tới.

tm-img-alt
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh có bài tham luận “Mô hình tăng trưởng/phát triển và Việt Nam: Xu hướng - Lựa chọn”. TS. Võ Trí Thành tập trung vào vai trò của thị trường, trong một nhà nước kiến tạo sáng tạo; chuyển đổi nền kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh; hội nhập một cách thông minh vào nền kinh tế thế giới và đề xuất một số giải pháp như hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo; điều chỉnh một số vấn đề cơ bản còn tồn tại của nền kinh tế liên quan đến các nhân tố sản xuất như Luật Đất đai, v.v. đồng thời bắt nhịp với những vấn đề mới như xây dựng Luật Dữ liệu, quản lý các dòng dữ liệu xuyên biên giới, quản lý thu hút nguồn nhân lực xuyên biên giới v.v.

Hội thảo có bài tham luận của TS. Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cấp cao, UNDP. TS. Jonathan Pincus cho rằng để thu hẹp được khoảng cách giữa Việt Nam với các quốc gia phát triển bên cạnh việc duy trì tỉ lệ xuất khẩu so với GDP cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác, Việt Nam cần giải quyết vấn đề nhập khẩu nhiều sản phẩm đầu vào chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đều rất nhỏ; doanh nghiệp tư nhân lớn lại không phải là doanh nghiệp chế biến chế tạo mà là doanh nghiệp bất động sản thông qua đầu cơ đất đai. Cần tạo ra cơ chế và sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước và fdi trong đó đặc biệt quan tâm đến cơ chế tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt doanh nghiệp siêu nhỏ. Bên cạnh đó Việt Nam cần chuyển hóa tốt hơn từ khâu lập chiến lược, kế hoạch đến khâu triển khai chiến lược, kế hoạch thông qua việc giảm phân mảnh quyền lực trong quá trình thực thi.

Tại phiên thảo luận bàn tròn, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung: Làm rõ thêm về thực trạng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và những kinh nghiệm qua 35 năm đổi mới; Tư duy và cách tiếp cận mới về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam phù hợp với bối cảnh và điều kiện mới của giai đoạn đến năm 2025, 2030; Đề xuất mô hình phát triển/tăng trưởng, các ưu tiên chiến lược trong cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Kết luận Hội thảo, đồng chí Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, có tính khoa học sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học. Những ý kiến tham luận đóng góp tại Hội thảo sẽ được Ban Kinh tế Trung ương, với chức năng là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; hoạch định đường lối, chủ trương, biện pháp lớn, quan trọng về kinh tế-xã hội, sẽ tiếp thu, tổng hợp, chắt lọc để tham mưu cho Đảng, Nhà nước đối với việc hoạch định chủ trương, chính sách về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm trong thời gian tới.

Bạn đang đọc bài viết Hội thảo "Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế: Kinh nghiệm 35 năm đổi mới". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mốc son bằng vàng của dân tộc
70 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn mãi là niềm tự hào của dân tộc ta, để lại những bài học lịch sử vô giá, là động lực tinh thần to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Mùa xuân đẹp nhất
Chỉ có mùa xuân giải phóng mới biến ước mơ cháy bỏng của những công dân yêu nước Việt Nam thành hiện thực.

Tin mới