Thứ ba, 30/04/2024 15:02 (GMT+7)

Khái quát vùng đất, con người Nhã Nam (Tân Yên - Bắc Giang)

MTĐT -  Thứ sáu, 11/11/2022 16:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhã Nam là vùng đất nằm ở phía Tây Bắc huyện Tân Yên, cách trung tâm huyện 7km về phía Tây Bắc; phía đông giáp xã Tân Trung; phía tây giáp xã Lan Giới, xã Quang Tiến; phía bắc giáp với xã An Thượng huyện Yên Thế; phía nam giáp xã An Dương và xã Liên Sơn.

1. Về vị trí địa lý và hành chính

Nhã Nam là vùng đất nằm ở phía Tây Bắc huyện Tân Yên, cách trung tâm huyện 7km về phía Tây Bắc; phía Đông giáp xã Tân Trung; phía Tây giáp xã Lan Giới, xã Quang Tiến; phía Bắc giáp với xã An Thượng huyện Yên Thế; phía Nam giáp xã An Dương và xã Liên Sơn.

Theo số liệu năm 2020, sau sáp thị trấn có diện tích tự nhiên trên 5,6km² dân số 8.200 người nằm ở 17 tổ dân phố. Nhã Nam có đường Tỉnh lộ 398 (nay là quốc lộ 17 - Bắc Giang đi Yên Thế), Tỉnh lộ 294 ( Cầu Ca - Phú Bình đi Kép - Lạng Giang) chạy qua.

Nhã Nam có vị trí địa lý khá quan trọng ở trong vùng, là nơi tiếp giáp giữa các huyện thuộc 3 tỉnh khác nhau: Thái Nguyên ở phía Bắc, Tây Bắc; Lạng Sơn ở phía Bắc, Đông Bắc và các xã thuộc 2 huyện của tỉnh Bắc Giang. Vì thế mà từ lâu, nơi đây đã trở thành đầu mối giao thông đường bộ để thông thương với các vùng, các tỉnh lân cận.

tm-img-alt

Nhã Nam đang có những bứt phá trong tiến trình xây dựng văn minh đô thị, phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại 5 và xứng đáng là trung tâm kinh tế đầu tầu của huyện Tân Yên, là khu đô thị phát triển kinh tế phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Giang. Ảnh ITN

Theo Lịch sử Đảng bộ thị trấn Nhã Nam (2016) và Lịch sử Đảng bộ xã Nhã Nam (2016): Trước thời Trần, Nhã Nam thuộc huyện Yên Thế (có nghĩa là vùng đất xa xôi nhưng yên bình); sang thời Lê, Yên Viễn lại đổi thành Yên Thế thuộc đạo Kinh Bắc. Đến thời Nguyễn lập tổng, Nhã Nam thuộc tổng Nhã Nam huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Ninh. Sau đó vào năm 1885 lập phủ, Nhã Nam lại thuộc Tổng Nhã Nam, Phủ Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Như thế địa danh Nhã Nam là tên cổ xưa để lại, cái tên này gắn với tổng Nhã Nam - Nhã Nam xưa.

Năm 1882, khi thực dân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ hai, Triều đình nhà Nguyễn đã cử Nguyễn Cao cùng với Hoàng Hòe - Một sỹ phu yêu nước khác lên xây dựng và củng cố Thành Tỉnh Đạo (xã Quang Tiến hiện nay) để khai khẩn đất và làm căn cứ chống thực dân Pháp, đây là một điểm có vị thế chiến lược của nhà Nguyễn, bởi Tỉnh Đạo án ngữ con đường đi Thái Nguyên, Lạng Sơn và Bắc Ninh, nó là một vị trí quân sự quan trọng ở vùng Yên Thế. Ngày 12/3/1884, khi thực dân Pháp chiếm xong thành Bắc Ninh thì ngày 15/3/1884 chúng chia quân theo hai đường từ Bắc Ninh tiến đánh Phủ Lạng Giang(Châu Xuyên, thành phố Bắc Giang ngày nay) và thành Tỉnh Đạo. Ngay trong ngày 15/3 chúng đã chiếm được cả hai vị trí này.

Ngày 16/3/1884, đạo quân của tướng Brière de I’Isle theo đường Tỉnh Đạo - Đức Lân (Phú Bình) tiến lên đánh chiếm Thái Nguyên, nhưng khi đến Đức Lân, chúng bị nghĩa quân của Thủ lĩnh Lương Văn Nắm (Đề Nắm) chặn đánh, bị thiệt hại phải quay trở lại Tỉnh Đạo. Thắng trận Đức Lân, nghĩa quân trở về Đình Hả(xã Tân Trung) tổ chức tế cờ, phát động cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp, mở đầu cuộc khởi nghĩa Yên Thế ngót 30 năm (1884-1913).

Năm 1885, nhận thấy vùng đất Nhã Nam có nhiều yếu tố thuận lợi về quân sự, chính trị, kinh tế và đặc biệt để đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế, thực dân Pháp đã bỏ thành Tỉnh Đạo, cho lập đồn Nhã Nam. Vì thế, đồn Nhã Nam, trở thành đại bản doanh của quân Pháp và quân triều đình chống lại nghĩa quân Yên Thế và việc lập đồn Nhã Nam là một bước ngoặt lớn đối với sự phát triển lịch sử của Nhã Nam, tạo tiền đề cho việc dần hình thành phố Nhã Nam, chính vì vậy mà các làng Vàng, Ngò, Lã… dần dần có dân ra ở. Cũng theo cuốn Địa chí Tân Yên: Trung tâm Nhã Nam xuất hiện khá sớm từ thời thuộc Pháp, trở thành phố Nhã Nam, có thời gian là thị trấn Nhã Nam là huyện lỵ của huyện Yên Thế trước và sau cách mạng tháng 8 năm 1945.

Ngay sau khi thành lập đồn Nhã Nam, thực dân Pháp đã cho xây dựng ở đây nhiều công trình lớn nhỏ như: đồn binh, dinh thự, nhà quan, nhà lính, chuồng trại, nghĩa địa... để phục vụ quan lại, sỹ quan và những binh lính Pháp - Việt. Đồng thời, vào năm 1900 chúng thành lập Phủ Yên Thế và đặt phủ lỵ tại Đồi Phủ(đồi này xưa là đồi Chùa do Phủ Lỵ đóng ở đây nên gọi là Đồi Phủ).

Như vậy, ở Nhã Nam có hai đơn vị hành chính, một là của thực dân Pháp với cái tên Đại lý Nhã Nam, hai là của triều đình nhà Nguyễn với cái tên là Phủ Yên Thế. Đại lý Nhã Nam là đơn vị hành chính mang tính chất quân sự do một viên quan Pháp điều hành, còn Phủ Yên Thế là đơn vị hành chính do một viên Tri phủ người Việt điều hành, nhưng quyền lực chủ yếu vẫn thuộc về phía chính quyền thực dân Pháp.

Thành lập Đại lý Nhã Nam, chuyển phủ lỵ Yên Thế về Nhã Nam, thực dân Pháp muốn nhanh chóng dập tắt khởi nghĩa Yên Thế nhưng dã tâm của chúng không thực hiện được và Nhã Nam chính là địa điểm ký hòa ước giữa thực dân Pháp và Hoàng Hoa Thám.

Những năm 1900-1910, khi có Hòa ước hòa hoãn, khu vực Nhã Nam đời sống nhân dân nhộn nhịp hơn. Những người dân các vùng xung quanh mang sản phẩm nông, lâm nghiệp ra bán, kết hợp với một bộ phận dân cư có điều kiện chuyển sang buôn bán, làm nghề thủ công, dịch vụ… Từ đó phát sinh nhiều nhu cầu về kinh tế, xã hội, đó là nguyên nhân, là điều kiện buộc chính quyền thực dân phong kiến phải quan tâm hơn đến sự ra đời của một đô thị. Như vậy, trong thời gian này, Nhã Nam đã trở thành một trung tâm cư dân gồm cả đồn binh Pháp thuộc Đại lý Nhã Nam lẫn Phủ lỵ Phủ Yên Thế.

Trước năm 1945, ở Nhã Nam có hai xã: trong làng gọi là làng Chuông có tên chữ là làng Nhã Nam và cũng có tên khác là xóm Phan (Nhã Nam cựu)- Ngoài phố gọi là Nhã Nam tân. Đến ngày 17/7/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là đồng chí Hà Thị Quế, Uỷ viên Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang, trực tiếp lãnh đạo và tiến hành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ở Phủ Yên Thế, trong đó có Nhã Nam. Cách mạng tháng Tám thành công, cuối năm 1946, làng và phố được hợp nhất gọi là xã Nhã Nam.

Đến tháng 2 năm 1948, xã Nhã Nam lại hợp nhất với xã Phúc Lộc, một phần của xã Quang Tiến lấy tên là xã Hợp Tiến. Tháng 12/1953, xã Hợp Tiến lại tách ra làm 5 xã: Nhã Nam, Quang Tiến, Hùng Tiến, Tam Hiệp và Tiến Thắng.

Ngày 20/7/1957, Bộ Nội vụ ban hành Nghị định số 483- NV/ND thành lập tại tỉnh Bắc Giang 5 thị trấn (thị trấn Đức Thắng – huyện Hiệp Hòa; thị trấn Bố Hạ - huyện Yên Thế; thị trấn Chũ – huyện Lục Ngạn; thị trấn Nhã Nam – huyện Yên Thế; thị trấn Lục Nam- huyện Lục Nam). Theo đó, đơn vị hành chính chính thức với tên gọi thị trấn Nhã Nam được bắt đầu từ đây.

Ngày 05/8/1978, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng có Quyết định số 135-BT “về việc vạch địa giới một số xã thị trấn thuộc huyện Tân Yên tỉnh Hà Bắc” để đến cuối năm 1978, thị trấn Nhã Nam hợp nhất vào xã Nhã Nam huyện Tân Yên.

Ngày 20/02/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2003/NĐ-CP “Về việc thành lập thị trấn thuộc các huyện Tân Yên và Việt Yên tỉnh Bắc Giang”. Theo đó thị trấn Nhã Nam thuộc huyện Tân Yên được tái lập và mở rộng, chính quyền ra mắt và đi vào hoạt động từ ngày 19/5/2003.

Ngày 21/11/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 813/NQ-UBTVQH14 cho phép sáp nhập xã Nhã Nam vào thị trấn Nhã Nam.

Như vậy, thị trấn Nhã Nam hiện nay là một đơn vị hành chính thay đổi tương đối nhiều lần. Trung tâm Phố xuất hiện khá sớm từ thời thuộc Pháp, có lúc là phủ lỵ của Phủ Yên Thế trước và sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nay là một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội của huyện Tân Yên. Nhưng dù có những thay đổi đơn vị hành chính, thị trấn Nhã Nam với vị trí “cửa rừng - trước núi”, lại nằm ở giao điểm giữa 2 tuyến giao thông quan trọng là quốc lộ 17 và tỉnh lộ 294 nên từ hàng thế kỷ nay, thị trấn Nhã Nam luôn có vai trò trong lịch sử thời cận đại của vùng đất Tân Yên - Cầu Vồng tỉnh Bắc Giang.

tm-img-alt
Thị trấn Nhã Nam nhìn từ trên cao. Ảnh ITN

2. Về đặc điểm tự nhiên

Nhã Nam là vùng đất của miền núi, có sông máng nhận nước của hệ thống thủy nông Sông Cầu, một phần nước của Hồ Cầu Rễ (Yên thế), cùng hàng chục ao hồ đưa nước về phục vụ tưới tiêu cho các cánh đồng trong vùng.

Theo cuốn lịch sử Đảng bộ xã Nhã Nam (năm 2016): Tại nơi đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều mảnh gốm của thời đại đồ đồng, đầu đồ sắt tại khu vực nghĩa địa Cành Sung qua đó bước đầu xác nhận vùng đất này cách đây khoảng 2.000 năm đã có người tới cư trú. Đồng thời tại khu vực làng Thượng, các nhà khảo cổ cũng phát hiện những hiện vật cuối thời Trần, đầu thời Lê.

Đó là những viên gạch ốp tháp (tập trung ở Đình làng Thượng, trên một số viên gạch có đắp phù điêu nổi, chữ đề trang trí là long ly…). Từ công trình kiến trúc (đình làng Thượng), tới làng Lã, làng Vàng, làng Nguộn, làng Chuông đã khẳng định rằng: Từ thời Lê con người đến Nhã Nam ở đã khá đông và phồn thịnh. Trải qua bao đời nay, con người đến đây định cư sinh sống và sản xuất đều trên các vùng đồi gò và lũng rộc, phần lớn đều bám ven theo các đồi và gò cao…

Nhã Nam có các trục đường giao thông lớn, thuận tiện cho việc chung chuyển từ miền ngược lên miền xuôi, rồi từ miền đồng bằng lên miền núi đi 5 tỉnh đồng bằng, trung du, miền núi bằng đường quốc lộ 17 và tỉnh lộ 294. Là nơi buôn bán giao thương nhộn nhịp trong vùng. Thời tiết khí hậu được quy định chung bởi địa hình chung của toàn huyện Tân Yên. Nhiệt độ trung bình hàng năm 23,5oC, lượng mưa trung bình cả năm là 1.594mm, là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, ít bị nạn lũ lụt, bão lũ hoành hành.

3. Về dân cư và truyền thống

Dân gian có câu truyền rằng: “Tiểu loạn cư Thăng Long - Đại loạn cư Yên Thế” (Nghĩa là loạn nhỏ vẫn có thể cư ngụ, sinh sống ở kinh đô Thăng Long, loạn lớn thì phải ngụ cư ở đất Yên Thế mới an toàn). Do đó, vùng đất Tân Yên (tức Yên Thế Hạ xưa ) chính là một vùng đất mà nhiều người dân trước đây chọn làm điểm đến để định cư, khai hoang lập ấp, an cư lạc nghiệp chính, vì vậy mà dân cư ở Nhã Nam hiện nay chủ yếu là quần cư.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, người dân từ nhiều nơi ở các tỉnh như: Thái Bình, Nam Định, Hà Tây, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Bắc Ninh… lên vùng đất Nhã Nam lập nghiệp, cùng với người dân bản địa sống hòa thuận, tạo nên cộng đồng dân cư đô thị. Hiện vùng đất này rất đa dạng về dòng họ, có hàng chục dòng họ cùng nhau sinh sống nhưng dòng họ Dương là lớn hơn cả vì dòng họ Dương là họ gốc ở trong vùng. Cuối thế kỷ XIX họ đã có nhà thờ họ và có bia Dương Tộc.

Về truyền thống văn hóa:

Vùng đất Nhã Nam hiện nay mang đậm dấu ấn của người Kinh Bắc với những phong tục tập quán, tín ngưỡng mang đặc trưng chung của người Kinh Bắc như: Thờ cúng tổ tiên, thờ Thành hoàng làng… và các phong tục tập quán khác như: ma chay, cưới hỏi, tuần rằm, mồng một, lễ tiết,... Về hôn nhân được tổ chức cũng như các vùng xung quanh, tục tang ma cũng vậy, duy chỉ có tục tang ma ở khu vực một số tổ dân phố trước đây (thuộc thị trấn Nhã Nam chưa sáp nhập ) khác ở chỗ khác là khi an táng, đưa tiễn người quá cố ra đồng người dân thường tổ chức vào buổi chiều, được hiểu là buổi sáng còn để bà con đi chợ.

Về truyền thống hiếu học:

Người dân Nhã Nam có truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” từ lâu đời. Dưới thời phong kiến, có những gia đình giàu có hay khá giả, có điều kiện trong vùng đã mời thầy về dạy chữ Hán cho con em mình học tại nhà. Còn cơ bản con nhà nghèo không có tiền để mua giấy bút, đóng tiền học nên phần nhiều chịu cảnh mù chữ. Đến đầu thế kỷ XX, có một trường công dạy chữ Quốc ngữ cho cả Phủ và một số trường tư là trường các ông giáo Xích, giáo Ngân, Phúc Tường….được mở thì việc học hành cũng phát triển với sự phát triển chung của địa phương để rồi sau đó, do yêu cầu thực tiễn ở Nhã Nam đã có trường học được xếp vào hàng trường tỉnh. Tiếp nối truyền thống hiếu học của các thế hệ ông cha, trong thời đại Hồ Chí Minh đã có hàng chục dòng họ gia đình hiếu học như họ Đào, họ Dương, họ Nguyễn, họ Vũ...

Về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao:

Ở Nhã Nam phong trào văn nghệ và thể thao có từ rất sớm. Trước 1945, có đoàn hát tuồng chuyên nghiệp gọi là phường tuồng Quảng Lạc, trình diễn ở rạp của ông Chấn Ký; có phố hát cô đầu (hát Ả Đào); có đội múa kỳ lân và hát trống quân; Có rạp chiếu bóng ở cửa hiệu chú Tắc Và người Tàu buôn ở phố gọi là rạp Xine ma câm, chỉ có hình mà không có tiếng.

Về thể thao:

Nhã Nam có phong trào bóng đá trong thanh niên rất mạnh và đã thành lập đội bóng đá thanh niên Nhã Nam, đội đã tham gia rất nhiều các trận đấu giao hữu và thi đấu giành được nhiều giải cao vì vậy đã trở nên nổi tiếng các vùng trong tỉnh Bắc Giang cho đến tỉnh Hà Bắc. Văn hóa sân khấu dân gian của huyện Tân Yên là một nét truyền thống, có từ rất lâu đời mà điểm sáng là Nhã Nam, Phố Nhã Nam cũng là trung tâm múa sư tử (múa lân) của toàn vùng. Hội thi năm nào cũng mở vào dịp Trung Thu. Các đội dự thi trang phục rực rỡ, nhạc trống vang lừng, đội ngũ chỉnh tề từ các ngả đổ về, diễu qua các phố một lượt, người xem đông vô kể.

Nhã Nam là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, thế kỷ XIX có những thủ lĩnh tài giỏi, dũng cảm đánh giặc giữ làng được ghi nhận và truyền tụng. Ông Dương Văn Truật (Đề Truật), năm 1871 đã chỉ huy dân binh chống giặc Tàu (Cờ Đen) kéo tới cướp phá và đã phối hợp với ông Lý Văn Thu(tức Đề Bảo) đánh và giết được nhiều tên ở Luộc Giới.

Ông là một vị tướng tài giỏi, giữ vai trò chủ chốt trong phong trào khởi nghĩa Yên Thế. Bà Dương Thị Phan dân binh đã phối hợp với ông Nguyễn Văn Hòa(Đề Trung) ở Dương Lâm đánh và diệt được nhiều tên ở Bãi Hin, Bò Hậu, Hố Lương…

Tiếp nối truyền thống cha ông ngày nay người dân Nhã Nam đời nối đời, giàu lòng yêu nước, yêu quê hương với lòng thiết tha muốn xây dựng một cuộc sống ấm no, yên bình. Kế thừa và phát huy truyền thống ấy, do điều kiện cũng như mưu cầu cuộc sống, nhiều người con đã xa quê đi công tác, học tập, làm ăn, sinh sống khắp mọi miền đất nước, thậm chí định cư hoặc làm ăn ở nước ngoài luôn hướng về quê hương với tấm lòng thành kính.

Theo dõi, sẻ chia, động viên, ủng hộ về vật chất và tinh thần, vận động bầu bạn xung quanh ủng hộ quê nhà mỗi khi có dịp. Đó là Hội đồng hương tại Bắc Giang, Hà Nội, Lạng Sơn, Đồng Nai, Lâm Đồng… hay một số bà con làm ăn, định cư ở nước ngoài.

tm-img-alt
Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân tại thị trấn Nhã Nam (Tân Yên). Đây là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống, nhắc nhở các thế hệ công an luôn giữ trong tim lời dạy của Người.

Xuất phát từ sự gắn kết hài hòa về phong tục tập quán, phong phú về tâm tư tình cảm; gắn với sự đa dạng về dân cư, với những nét đẹp về truyền thống văn hóa, lớp lớp các thế hệ cha ông ở thị trấn đã xây dựng và để lại cho con cháu những kho tàng giá trị lịch sử vô giá, bên cạnh giá trị văn hóa phi vật thể là những điểm di tích lịch sử đáng tự hào và trân trọng đó là Nhã Nam có 6 di tích vinh dự được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt địa điểm khởi nghĩa Yên Thế gồm: Đình làng Chuông, Đồi Phủ - Nghĩa Địa Pháp, Ao Ông Chấn Ký, Đền Gốc Dẻ (đền Cả Trọng), đền Gốc Khế, chùa Nam Thiên. 01 di tích quốc gia: Di tích chùa Tứ Giáp, 02 di tích cấp tỉnh: Đền Đề Truật, Đình Cầu Thượng ngoài ra còn có 12 di tích nằm trong danh mục kiểm kê của tỉnh. Về lễ hội truyền thống trong vùng hằng năm với 10 lễ hội truyền thống được tổ chức..

tm-img-alt
Chùa Tứ Giáp thuộc xã Nhã Nam, tổng Nhã Nam, phân phủ Lạng Giang, nay thuộc thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Gọi là chùa Tứ Giáp vì trước đây, xã Nhã Nam còn 4 làng, mỗi làng là một giáp, gồm: Giáp Chuông, Giáp Nguộn, Giáp Thượng, Giáp Hạ.

Như vậy, lịch sử vùng đất Nhã Nam luôn gắn liền với lịch sử vùng đất, con người Tân Yên. Đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; đức tính kiên cường, dũng cảm trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, tình cảm làng xóm, láng giềng gắn bó keo sơn…cộng với những phong tục tập quán mang tính “lệ làng” đã kết tinh thành sức mạnh của cả một cộng đồng làng xã.

Giá trị chân - thiện - mỹ của văn hóa làng xã với ưu thế về tư duy tiểu thương, buôn bán, đô thị là cơ sở bền vững giúp nhân dân Nhã Nam vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để cùng với nhân dân các dân tộc trong huyện Tân Yên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên thắng lợi vẻ vang trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 cũng như trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi đường lối mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Phòng Văn hóa huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang

(Nguồn: Kỷ yếu Khoa học Lịch sử vùng đất, con người và định hướng phát triển kinh tế - xã hội thị trấn Nhã Nam -2022

Bạn đang đọc bài viết Khái quát vùng đất, con người Nhã Nam (Tân Yên - Bắc Giang). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...

Tin mới

Mốc son bằng vàng của dân tộc
70 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn mãi là niềm tự hào của dân tộc ta, để lại những bài học lịch sử vô giá, là động lực tinh thần to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Người dân cả nước hân hoan đón mừng ngày 30/4-1/5
Tại Hà Nội, các không gian ngoài trời như: Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, phố đi bộ… khá tấp nập. Tại Vườn thú Hà Nội (quận Ba Đình) khách du lịch nhiều địa phương đổ đến tham quan, tìm hiểu cuộc sống các loài động vật.
Hồ Sông Mây xả nước, 200 tấn cá chết trắng
Nhiều ngày qua, tại hồ Sông Mây (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) xuất hiện tình trạng cá chết nổi "trắng" mặt hồ, bốc mùi hôi thối ảnh hướng đến sức khỏe người dân và môi trường quanh khu vực.
Mùa xuân đẹp nhất
Chỉ có mùa xuân giải phóng mới biến ước mơ cháy bỏng của những công dân yêu nước Việt Nam thành hiện thực.
Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.