Thứ bảy, 18/05/2024 21:29 (GMT+7)

Kỷ niệm ngày thành lập Hội Nông dân 14/10: Nông dân Tiền Hải: Xưa và nay

Phan Anh -  Thứ sáu, 13/10/2023 07:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhắc đến vùng quê Tiền Hải (Thái Bình), chúng ta không thể quên cuộc biểu tình lịch sử của nông dân nơi đây vùng lên chống thực dân Pháp năm 1930 - bản anh hùng ca bất diệt đánh dấu mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc.

tm-img-alt
Tượng đài về cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải ngày 14/10/1930 tại thị trấn Tiền Hải.

 Khí thế ngày ấy...

 Lịch sử Đảng bộ huyện Tiền Hải ghi rõ những ngày oanh liệt của những người nông dân luôn phải "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" để đổi lấy củ khoai, hạt lúa đã làm rạng rỡ giai cấp nông dân Việt Nam vào ngày 14/10/1930.

Ngày đó, theo chỉ thị của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Thái Bình đã phát động phong trào đấu tranh nhằm chia lửa với công - nông Nghệ - Tĩnh và chọn Tiền Hải làm ngòi nổ, mở đầu cho phong trào đấu tranh ở Thái Bình.

Ngày 14/10/1930, khoảng 5 giờ sáng, sau tràng pháo nổ, tiếng trống từ đình Nho Lâm (xã Đông Lâm, Tiền Hải) do đồng chí Lương Đồng thực hiện hòa cùng tiếng trống ở đình Thanh Giám do đồng chí Phạm Lịch thúc làm hiệu lệnh, tiếp đó là tiếng tù và, loa tay, tiếng trống ngũ liên vang lên khắp các làng.

Đoàn người Nho Lâm, Thanh Giám đi theo đường Đồng Châu vào Trái Diêm (ngã ba Tây Giang ngày nay); đoàn Đông Cao (xã Tây Tiến) đi theo hướng cầu Cát Già tiến về Trái Diêm hội nhập với 2 đoàn của Đông Lâm cùng tiến vào huyện lỵ. Một khí thế hào hùng, sôi động chưa từng có diễn ra trên đất Tiền Hải. Tri huyện Phan Huy Tiếp hoảng sợ bỏ trốn, chỉ còn tên lục sự Bế Văn Khánh và đội trưởng lính cơ Mai Hạ ở lại đối phó.

Đoàn biểu tình đã tổ chức diễn thuyết, hô vang các khẩu hiệu, đòi gặp tri huyện để đưa yêu sách. Trước khí thế quyết liệt, cuồn cuộn dâng cao của quần chúng, lục sự Bế Văn Khánh đã cho lính nổ súng bắn thẳng vào đoàn biểu tình làm 8 người ngã xuống, 13 người bị thương.

Sau đó, chúng còn bắt đi 40 người, trong đó có 6 đảng viên. Khoảng 10 giờ, đoàn biểu tình vừa giải tán thì Tổng đốc Vi Văn Định, Chánh mật thám Sô-đa và Thanh tra Ri-gan cùng một tiểu đoàn lính khố xanh kéo về lùng bắt người tham gia biểu tình. Để triệt hạ tận gốc mầm cách mạng, chúng tiến hành khủng bố trắng ba làng Nho Lâm, Đông Cao, Thanh Giám cũng như các làng phụ cận.

Trong vòng một tuần lễ, giặc cho lính vào cướp của, đốt 64 nóc nhà, bắt 78 người, trong đó có 33 đảng viên. Đồng chí Phan Ái, người chỉ huy cuộc biểu tình bị treo ngược trên cây thị trước cửa đình Nho Lâm. Bị đánh đập, tra khảo dã man nhưng khí phách của người cộng sản đã làm kẻ thù khiếp sợ: "Tất cả công việc xảy ra là do tao làm, tao chỉ huy. Việc chúng tao làm là chính nghĩa, chúng mày không cần phải hỏi".

Tháng 9/1931, giặc đưa các chiến sĩ cách mạng ra xét xử tại Thái Bình. Khí phách hiên ngang của những người cộng sản đã làm cho chúng không dám xét xử công khai. Chúng đã áp đặt tội trạng và kết án tổng cộng tới 225 năm tù đối với 44 đồng chí và đưa đi thụ án tại các nhà lao Hòa Bình, Sơn La, Hỏa Lò, Hải Phòng.

Mặc dù bị thực dân Pháp dìm trong máu nhưng cuộc đấu tranh của nông dân Tiền Hải năm 1930, như Xứ ủy Bắc Kỳ ngày ấy gửi thư cho các cấp bộ đảng đã đánh giá: "Cuộc biểu tình lưu huyết ở Tiền Hải có thể là bước đầu hết thảy công - nông, quần chúng đấu tranh kịch liệt ở Bắc Kỳ...".

Nó chứng tỏ tinh thần yêu nước quật cường và tiềm năng cách mạng to lớn của nhân dân Tiền Hải; khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo của Đảng. Cuộc biểu tình ngày 14/10/1930 của nông dân Tiền Hải đã góp phần đưa Thái Bình trở thành nơi có phong trào cách mạng mạnh nhất Bắc Kỳ như đánh giá của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ngày 18/11/1930.

Tiếp nối truyền thống cách mạng

Theo năm tháng, lớp lớp thế hệ người Tiền Hải vẫn truyền miệng những dòng chữ viếng được bí mật viết trên mộ các liệt sĩ ngày đó:

Trai gái một lòng non với nước

Tiếng thơm muôn thuở, thác như còn!

tm-img-alt
Đình làng Nho Lâm, nơi tập trung cuộc biểu tình ngày 14/10/1930.

 Ngày nay, không chỉ Đông Lâm, Tây Tiến, hào khí năm 1930 ấy luôn sục sôi trong lòng người Tiền Hải, cả trong kháng chiến và dựng xây quê hương, đất nước hôm nay.

Trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc, Tiền Hải đã đóng góp to lớn về sức người, sức của với trên 22.000 người tham gia quân đội. Trong đó có 4.928 liệt sĩ, 618 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 2.500 thương binh, bệnh binh, 2.200 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 427 lão thành cách mạng, 66 gia đình có công với nước, trên 11.000 người tham gia hoạt động kháng chiến. Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Tiền Hải được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Huyện Tiền Hải đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm năm 1962. Đó là những tài sản vô giá của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Hải.

 Theo Chủ tịch UBND huyện Phạm Ngọc Kế, phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, Tiền Hải ngày nay đang đổi mới, hội nhập và phát triển, mà ở đó lấy nông dân làm chủ thể, làm trung tâm.

 Những năm qua, giai cấp nông dân Tiền Hải dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện các nhiệm kỳ đã tạo bước đột phá vươn lên, đưa Tiền Hải phát triển, giành được nhiều thành tựu khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm (2021 - 2023) ước đạt 11,01% (giá so sánh 2010), trong đó cơ cấu kinh tế năm 2023: nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản ước đạt 23,7%; công nghiệp, xây dựng ước đạt 63,05%; dịch vụ, thương mại ước đạt 13,25%.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 63,5 triệu đồng/năm. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Đến tháng 10/2023, toàn huyện có 5 xã đạt nông thôn mới nâng cao.

Thực hiện Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg, ngày 29/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu kinh tế Thái Bình; Quyết định số 1486/QĐ-TTg, ngày 28/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện Tiền Hải đã tích cực phối hợp với các sở, ngành triển khai quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế.  

Đến nay, 5 phân khu được phê duyệt quy hoạch: khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Hải Long; khu du lịch, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ; khu cảng Ba Lạt; khu nuôi trồng thủy sản chất lượng cao xã Nam Hưng - Nam Thịnh - Nam Phú; khu công nghiệp Hưng Phú; hoàn thành đồ án quy hoạch và xây dựng đề án công nhận thị trấn Tiền Hải đạt đô thị loại IV... Đạt được kết quả trên có phần không nhỏ của những người nông dân đã chung sức, đồng lòng tự nguyện hiến đất, hiến nhà, tạo "quỹ đất sạch".  

Tự hào với trang sử 195 năm hình thành và phát triển (14/10/1828- 14/10/2023), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiền Hải nói chung, nông dân Tiền Hải nói riêng đã và đang đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết thống nhất, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển văn hóa - xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đổi mới phương thức lãnh đạo, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước đột phá, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, để huyện Tiền Hải phát triển nhanh và bền vững.

Bạn đang đọc bài viết Kỷ niệm ngày thành lập Hội Nông dân 14/10: Nông dân Tiền Hải: Xưa và nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc lễ hội hoa sim biên giới Móng Cái
Ngày 18/5, Lễ hội “Hoa Sim biên giới năm 2024” có chủ đề “Biên cương Tổ Quốc tôi” được tổ chức trên địa bàn xã Hải Sơn, TP Móng Cái, Quảng Ninh với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giải trí phong phú, lành mạnh mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc.