Thứ sáu, 26/04/2024 18:21 (GMT+7)

Lý do 2 bệnh nhân ở Chợ Rẫy không thể dùng thuốc giải độc botulinum

MTĐT -  Thứ năm, 25/05/2023 17:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Người đàn ông 45 tuổi ngộ độc botulinum ở TP.HCM tử vong ngay trong đêm thuốc giải được chuyển từ Thụy Sĩ về Việt Nam. Hai trường hợp đang điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy cũng không kịp sử dụng vì quá thời gian.

tm-img-alt
Cận cảnh lọ thuốc giải độc botulinum được chuyển về TP.HCM tối 24/5.

Theo nguồn tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), các bệnh nhân ngộ độc botulinum tại đây sẽ không được truyền thuốc giải độc do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ. Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 2 lọ giải độc BAT vào 21h đêm qua.

Lý do là bệnh nhân đã qua thời gian truyền thuốc hiệu quả nhất. Hai người bệnh (18 tuổi và 26 tuổi) cầm cự hơn 10 ngày bằng thở máy trong tình trạng liệt cơ gần như hoàn toàn.

Trong khi đó, người đàn ông 45 tuổi ngộ độc botulinum ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định tử vong tối qua, 24/5, sau 10 ngày chờ đợi thuốc giải. Kết quả xét nghiệm cho thấy ông nhiễm độc tố botilinum type A. Vào 20h cùng ngày, bệnh viện tiếp nhận 1 lọ thuốc giải nhưng không kịp truyền cho bệnh nhân.

“Đó là thiếu sót của chúng ta, là vấn đề trách nhiệm, tầm nhìn”, bà Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội, Trưởng ban An toàn thực phẩm TP.HCM chia sẻ khi biết thông tin về ca tử vong do ngộ độc botulinum. 

Bà Lan cho rằng, từ vụ ngộ độc botulinum trong pate chay (năm 2020), nhu cầu về thuốc giải độc BAT đã được đặt ra nhưng đến nay, ngành y tế vẫn cứ "loay hoay". Bà cùng nhiều chuyên gia đã liên tục có ý kiến về việc cần có dự trữ thuốc hiếm cấp quốc gia nhằm ứng phó trong tình huống phát sinh ca ngộ độc.

Không chỉ với thuốc giải độc botulinum, nhiều thuốc/huyết thanh giải độc khác có giá thành rẻ cũng rơi vào cảnh khan hiếm, bấp bênh. 

“Giống như nhà nước dự trù gạo để khi thiên tai thảm họa xảy ra sẽ xuất gạo cứu dân, thuốc hiếm cũng cần dự trù để có thể huy động ngay. Việc này cần vai trò điều phối của quản lý nhà nước”, bà Lan nói.

Theo Thạc sĩ, dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP.HCM, việc thiếu thuốc hiếm đã xảy ra trong nhiều năm.

Các loại thuốc hiếm được dùng trong tình huống đặc biệt, ít gặp, không có hiệu quả trong kinh doanh nên các công ty dược không nhập về. Do đó, khi xảy ra sự cố như ngộ độc botulinum, các bệnh viện trên cả nước đều khó khăn. 

Để giải quyết, Sở Y tế TP.HCM đã nhiều lần đề xuất cần giao cho một đơn vị kinh doanh nào đó đảm nhận công việc trên với quan điểm phục vụ là chính. Tuy nhiên, ông Dũng cũng xác nhận việc này rất khó trong nền kinh tế thị trường.

Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM còn đề xuất cần dựa trên nhu cầu của nhiều đơn vị để mua số lượng thuốc lớn thì các công ty mới quan tâm nhập khẩu. Việc cấp phép nhập khẩu và số đăng ký cho thuốc hiếm phải nhanh, đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị.

“Theo quan điểm của chúng tôi, thuốc hiếm phải lưu trữ quốc gia, nguồn tiền từ ngân sách, sẵn sàng điều phối đến nơi có yêu cầu để cứu bệnh nhân tốt nhất”, ông Dũng chia sẻ. 

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM tổng hợp nhu cầu thuốc hiếm của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của khu vực phía Nam. Danh mục này đã được gửi về Bộ Y tế, chờ các kế hoạch tiếp theo. 

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã tích cực kết nối, làm việc với các cơ quan liên quan và tiếp nhận 6 lọ thuốc giải độc botulinum do WHO tài trợ. Ngay sau đó, thuốc được phân về các bệnh viện: Nhân dân Gia Định (1 lọ), Chợ Rẫy (2 lọ), Nhi đồng 2 (3 lọ). Sở Y tế hiện theo sát diễn tiến của các bệnh nhân nghi ngộ độc botulinum trên địa bàn. 

Thuốc giải độc botulinum cần dùng đúng lúc, kịp thời

Trước đó, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng đơn vị Chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, không phải cứ có thuốc giải độc BAT thì bệnh nhân sẽ được cứu. Hiệu quả cứu chữa phụ thuộc vào việc truyền thuốc đúng lúc, kịp thời và lượng độc tố bệnh nhân nhiễm phải.

Thời gian truyền thuốc tốt nhất là ngay khi bắt đầu có các triệu chứng của yếu liệt cơ. Thuốc sẽ giúp trung hòa chất độc.

Trong trường hợp không có thuốc giải, độc tố tiếp tục tấn công vào hệ thống thần kinh khiến dẫn truyền không còn, các cơ không điều khiển được và gây liệt. Khi liệt cơ hô hấp, bệnh nhân sẽ suy hô hấp, tử vong nếu không được điều trị hỗ trợ.

Những ngày qua, khi không có thuốc giải độc BAT, 2 trường hợp ngộ độc botulinum ở Bệnh viện Chợ Rẫy được điều trị cầm cự bằng thở máy.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, thuốc giải độc tố botulinum cần được dự trữ với tính chất dự phòng quốc gia. Đây là loại thuốc hiếm, đắt tiền, ít khi cần dùng.

"Khi nhập một số lượng thuốc hiếm phải chấp nhận các nguy cơ như thuốc hết hạn phải tiêu hủy. Tôi cho rằng không nên nói đến chuyện thuốc đắt bao nhiêu tiền vì chỉ cần cứu được một mạng người, chúng ta đã 'lời' rất lớn. Mạng người lớn hơn nhiều”, ông nhấn mạnh.

Bạn đang đọc bài viết Lý do 2 bệnh nhân ở Chợ Rẫy không thể dùng thuốc giải độc botulinum. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Vietnamnet

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới