Thứ sáu, 26/04/2024 10:15 (GMT+7)

Người dân vùng ngập Chương Mỹ mong muốn được di cư

MTĐT -  Thứ ba, 07/08/2018 09:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đã nửa tháng trôi qua người dân Chương Mỹ phải sống chung với cảnh ngập lụt, cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn và đối diện với nguy cơ bệnh dịch, ô nhiễm môi trường do lũ gây ra.

Báo Thanh Niên đưa tin, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội, lúc 17h ngày 6/8, mực nước sông Bùi (tại Yên Duyệt) đã về mức trên 4,3 m (dưới báo động 2), rút được 3,2 m so với đỉnh lũ.

Các hộ bị ngập nước trên toàn TP. Hà Nội giảm còn 784/3.683 hộ (bao gồm cả hộ ngập lối đi). Chính quyền địa phương đang hỗ trợ người dân dọn dẹp vệ sinh để từng bước ổn định cuộc sống.

Ông Hoàng Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ trao đổi với báo Lao động cho biết, theo thống kê sơ bộ, toàn huyện bị thiệt hại hơn 1.380 ha lúa; gần 308 ha rau màu và 603 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, diện tích nhà ở bị sập đổ lên đến 170m2; 1,8 km đường giao thông nông thôn bị sạt lở và 850 m kênh mương bị hư hỏng, hàng chục nghìn gia súc gia cầm bị chết và mất, chuồng trại bị hư hỏng nặng…

Hơn 2 tuần sống trong cảnh ngập lụt, người dân Chương Mỹ thiếu thốn đủ điều. Ảnh: Dân Trí. 

Ngoài ra, 6 nhà văn hóa, 4 trường học và 4 di tích bị ngập và hư hỏng. Toàn bộ hơn 3.600 hộ bị ngập nước, không chỉ đời sống kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Ước tính, ngập lụt tại huyện Chương Mỹ gây thiệt hại khoảng 264,564 tỉ đồng.

Nguyên nhân ngập lụt trầm trọng ở Chương Mỹ được xác định là do: Mưa nhiều; Chịu tác động của nhiều con sông và đây là vùng thoát lũ của sông Bùi. Những nguyên nhân mà nhiều người cho là không có gì mới. Bởi gần 30 năm trước, bằng Nghị định 62/1999, Chính phủ đã xác định khu vực hữu Bùi của Chương Mỹ là vùng ngập lụt khi phân lũ sông Hồng vào sông Đáy để bảo vệ nội thành Hà Nội.

Những ngày này nước tại khu vực này đã bắt đầu rút nhưng họ lại bắt đầu đối mặt với nỗi lo dịch bệnh, rác thải, thiếu nước sạch, thiếu điện, nhà cửa ngập úng, đồ đạc hư hỏng...

Môi trường bị ô nhiễm, nguy cơ bệnh dịch hoành hành. Ảnh: Dân Trí.

Trước đó, nhiều người cho rằng, huyện Chương Mỹ bị ngập là do các hồ thủy điện xả lũ, thế nhưng theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, việc xả lũ thực hiện theo đúng quy trình vận hành liên hồ, đồng thời mực nước các sông hạ du các hồ đang thấp, do đó không ảnh hưởng lớn đến vùng hạ du.

Trước khi tiến hành xả lũ, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện gửi các địa phương chủ động ứng phó với diễn biến mưa, lũ và việc xả lũ từ các hồ chứa. Việc xả lũ không ảnh hưởng đến tình trạng ngập lụt tại huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội.

Chương Mỹ mênh mông trong biển nước. Ảnh: Internet. 

Trong khi người dân Chương Mỹ đang phải gồng mình chống chọi với lũ thì vào khoảng 1h hôm nay (7/8), dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp có vị trí ở vào khoảng 14,5-15,5 độ Vĩ Bắc; 114,0-115,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 320-380km về phía Đông Nam.

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp hầu như ít di chuyển và có khả năng mạnh thêm. Đến 1h ngày 8/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 15,0-16,0 độ Vĩ Bắc; 114,0-115,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 270-320km về phía Đông Đông Nam và chưa có khả năng tác động gây gió mạnh, mưa lớn cho đất liền các tỉnh miền Bắc.

Trước tình hình biến đổi khí hậu, gây ra những trận lụt thất thường thì người dân tại nhiều xã của huyện Chương Mỹ lại có tâm nguyện được di chuyển đến nơi ở mới.

Anh Nguyễn Hữu Kết (xóm Trong, thôn Nam Hài) trao đổi với báo Nông nghiệp VN cho biết, hầu hết người dân vùng ngập lụt tại các thôn Nhân Lý, Hạnh Bồ, Nam Hài (xã Nam Phương Tiến) đều đã được nhà nước chia đất canh tác tại các khu vùng cao (nơi không bao giờ lo ngập úng).

Bởi vậy, chúng tôi rất mong TP. Hà Nội và chính quyền địa phương có cơ chế đặc thù cho vùng phân lũ xã Nam Phương Tiến, chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp tại các khu đất cao thành đất thổ cư. Người dân sẽ xây nhà, chuyển đến nơi ở mới và ổn định cuộc sống lâu dài.

Tuy nhiên, theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT: Phương án di dân mà địa phương đưa ra là không hợp lý, nếu xét theo tính chất đặc thù của một địa bàn nằm trong vùng phân lũ. Chẳng hạn, như phương án phòng chống thiên tai của UBND huyện Chương Mỹ đưa ra, thì trong mục địa điểm và phương tiện hỗ trợ khi sơ tán người dân tại các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến… chỉ đề cập duy nhất một dòng “sơ tán nội bộ từ nơi thấp lên nơi cao”.

Tôi cho rằng, người lập phương án như vậy là vô trách nhiệm. Bởi tôi được biết, mỗi khi các địa phương xảy ra ngập lụt, phải mất hàng tháng trời nước mới có thể rút. Vậy trong thời gian đó, người dân sẽ ở chỗ nào? Ăn uống, sinh hoạt ra sao? Tất cả câu hỏi đó đang bị quan chức năng bỏ ngỏ.

Ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, Hà Nội cũng khẳng định: “Chỉ khi nào thực hiện công tác di dân ra toàn bộ khu vực trũng thấp thì người dân thì mới hết sống chung với lũ”. Nhưng, ông cũng đưa ra thông tin khiến nhiều người thất vọng: “Đấy là chủ trương tương lai. Có khi nào có điều kiện kinh tế phát triển thì chúng ta sẽ thực hiện. Trước mắt trong thời gian 10 - 20 năm bà con vẫn phải xác định là sống chung với lũ”.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Người dân vùng ngập Chương Mỹ mong muốn được di cư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.