Thứ ba, 19/03/2024 13:03 (GMT+7)

TTYT huyện Tiên Lữ: Hộ lý có kinh nghiệm nhưng vẫn làm sai?

AN TRANG -  Thứ hai, 22/07/2019 10:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ban đầu TTYT Tiên Lữ khẳng định hộ lý là những người đã được đào tạo và có kinh nghiệm, tuy nhiên đến khi PV phản ánh những tồn tại thì lại cho rằng đó là lỗi do nhân viên.

Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử có đăng tải bài viết: “TTYT huyện Tiên Lữ: Rác sinh hoạt, rác nguy hại được để chung 1 kho?”, phản ánh về những tồn tại trong công tác quản lý chất thải tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Lữ.

Trong buổi làm việc với PV, bà Cao Thị Minh – Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ Trung tâm Y tế huyện Tiên Lữ cho biết: Trước đây đơn sử dụng lò đốt rác để xử lý chất thải y tế, tuy nhiên, từ đầu năm 2018 trung tâm đã ký hợp đồng thu gom xử lý với Công ty URENCO 11.

Trung tâm Y tế huyện Tiên Lữ.

Tần suất giao nhận chất thải y tế nguy hại cho bên URENCO 11, bà Minh thông tin: “Thời gian, tần suất giao nhận chất thải y tế nguy hại cho bên URECNO 11 là theo hợp đồng, đảm bảo thời gian lưu giữ như quy định (tức là không quá 48 tiếng)”.

Thế nhưng trái ngược với thông tin trên, theo sổ nhật ký giao nhận chất thải lại cho thấy chất thải y tế nguy hại trong đó có cả chất thải giải phẫu của Trung tâm Y tế huyện Tiên Lữ tần suất giao nhận là khoảng 4 – 6 ngày.

Nhật ký giao nhận chất thải của Trung tâm Y tế huyện Tiên Lữ.

Theo Thông tư 58 của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về thời gian lưu giữ: Đối với chất thải lây nhiễm phát sinh tại cơ sở y tế, thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm tại cơ sở y tế không quá 02 ngày trong điều kiện bình thường. Trường hợp lưu giữ chất thải lây nhiễm trong thiết bị bảo quản lạnh dưới 8°C, thời gian lưu giữ tối đa là 07 ngày.

Như vậy, rõ ràng kho lưu giữ chất thải y tế nguy hại của trung tâm không hề có tủ bảo ôn hay nhà lạnh thế nhưng lại lưu giữ chất thải từ 4 – 6 ngày (quá 48 tiếng) không đảm bảo thời gian theo quy định.

Kho lưu giữ chất thải y tế nguy hại của trung tâm không hề có tủ bảo ôn hay nhà lạnh thế nhưng lại lưu giữ chất thải từ 4 – 6 ngày (quá 48 tiếng)

Trước những mâu thuẫn trong lời nói và sổ nhật ký giao nhận, bà Minh lý giải: “Lấy đâu ra chất thải giải phẫu, chắc là nhân viên họ chia tỷ lệ rác ra theo công thức thôi, nó chỉ là bông băng chứ không phải giải phẫu đâu, nếu ghi sai như thế là phạt luôn”.

Mặc dù trước đó vị Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ còn khẳng định các hộ lý của đơn bị được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm làm việc từ lâu năm, có khoa kiểm soát nhiễm khuẩn do dược sĩ đại học phụ trách chịu trách nhiệm giám sát. Một năm trung tâm tập huấn tối thiểu 2 lần cho nhân viên về Thông tư 58/2015. Thế nhưng khi PV chỉ ra các tồn tại trong công tác lưu giữ chất thải y tế của đơn vị thì bà Cao Thị Minh lại cho rằng đó là lỗi do nhân viên.

Cuối buổi làm việc, phía Trung tâm Y tế huyện Tiên Lữ đã dẫn PV đi “mục sở thị” nơi lưu giữ chất thải. Dường như có sự chuẩn bị trước, nên mọi thứ đã sạch sẽ và gọn gàng hơn. Xe rác nằm trước kho lưu giữ chất thải nguy hại đã được chuyển về nơi lưu giữ chất thải sinh hoạt, xung quanh đã được quét dọn sạch sẽ hơn.

Xe rác mà trước đó để trước cửa kho lưu giữ chất thải y tế nguy hại giờ đã được chuyển về kho lưu giữ chất thải thông thường.

Kho lưu giữ chất thải nguy hại được quét dọn sạch sẽ, chỉ có những thùng chuyên dụng màu vàng đựng chất thải y tế nguy hại. Tuy nhiên tại đây lại có dán biển phân khu vực để chất thải rắn thông thường mà trước đó cũng tại vị trí này có sự xuất hiện của những thùng chuyên dụng màu xanh đựng rác sinh hoạt và những túi đựng rác y tế tái chế xếp chồng lên nắp thùng.

Trong kho có dán biển phân khu để chất thải thông thường mà rước đó cũng tại vị trí này có sự xuất hiện của những thùng chuyên dụng màu xanh.

Trả lời vấn đề này, phía Trung tâm Y tế huyện Tiên Lữ cho rằng: Tấm biển đấy là trước đây dán ở đấy, nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường bảo không được để, từ đó đến giờ chúng tôi cũng quên chưa gỡ xuống chứ không phải chỗ đó để chất thải y tế thông thường.

Theo hồ sơ tài liệu mà bà Minh cung cấp, Trung tâm Y tế huyện Tiên Lữ có Hợp đồng vận chuyển xử lý chất thải nguy hại với Công ty URENCO 11, Hợp đồng vận chuyển xử lý chất thải tái chế, Đề án bảo vệ môi trường được phê duyệt tháng 7/2018, Kết quả quan trắc môi trường (tháng 11/2018 có chất NO3- vượt quy chuẩn),...

Còn về Giấy phép xả thải vào nước ban đầu bà Minh khẳng định "Có chứ, nhưng cái này là do Sở Y tế Hưng Yên làm nên trên đấy họ giữ, các bạn có thể lên đó hỏi", nhưng về sau bà Minh lại cho biết đã làm hồ sơ nhưng không hiểu sao giờ vẫn chưa thấy có.

Trước những vi phạm trong công tác lưu giữ chất thải y tế nguy hại của Trung tâm Y tế huyện Tiên Lữ, Sở Y tế và Sở TNMT tỉnh Hưng Yên sẽ có ý kiến như thế nào? Lời lý giải mà bà Minh đưa ra có phải tiếp tục "bao biện" cho việc buông lỏng công tác quản lý chất thải y tế hay không?

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết TTYT huyện Tiên Lữ: Hộ lý có kinh nghiệm nhưng vẫn làm sai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái chú trọng bảo vệ môi trường y tế
Thực hiện xử lý chất thải, góp phần hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn trong các bệnh viện và tạo môi trường xanh, sạch, đẹp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, ngành y tế tỉnh Yên Bái đã chú trọng quản lý chất thải tại các cơ sở y tế.
Khánh Hòa: Một cái Tết ấm áp bên những người bệnh nghèo
Gần Tết, các bệnh viện ở Khánh Hòa sôi động với các hoạt động thiện nguyện. Các tổ chức và mạnh thường quân không chỉ tặng quà mà còn tổ chức sân chơi, chuyến xe đưa bệnh nhân về quê, mang lại niềm vui và hy vọng cho họ trong cuộc chiến với bệnh tật.

Tin mới