Thứ sáu, 26/04/2024 14:54 (GMT+7)

Gần 20 năm cải tạo nhưng rạch Xuyên Tâm vẫn chưa thể hồi sinh

Chu Trung – Châu Bình -  Thứ tư, 22/07/2020 14:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Được phê duyệt cải tạo từ năm 2002, nhưng gần 20 trôi qua rạch Xuyên Tâm vẫn chưa thể hồi sinh, ô nhiễm và bốc mùi nặng đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân…

Nguyên nhân là việc cải tạo trở nên ì ạch, thiếu kinh phí và thậm chí có thời gian dự án đứng hình.

Rạch Xuyên tâm hiện nay vô cùng ô nhiễm, mùi hôi thối nặng nề

Rạch Xuyên Tâm (phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM) dài 6,2 km, có 3 tuyến nhánh dài 1,94 km (gồm nhánh cầu Sơn, Bình Triệu, Bình Lợi). Rạch Xuyên Tâm xuất phát từ Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận Bình Thạnh) chảy đến sông Vàm Thuật (Gò Vấp).

Vào năm 2002, TPHCM đã phê duyệt dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất ven rạch Xuyên Tâm. Thế nhưng, dù đã 18 năm trôi qua nhưng chương trình cải tạo rạch Xuyên Tâm vẫn nằm trên giấy.

Tại buổi thực địa kiểm tra của HĐND thành phố năm 2019 về công tác chống ngập, ông Hồ Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho biết, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (chiều dài toàn tuyến khoảng 6,2 km) được thành phố giao cho quận từ tháng 8/2016, yêu cầu bằng mọi cách phải hoàn thành dự án chậm nhất vào 12/2018.

Theo ông Phương, dự án không thể triển khai do mức đầu tư quá lớn và khó kêu gọi các nhà đầu tư. Trong đó, ước tính phải dùng khoảng 4.000 tỉ đồng bao gồm hơn 1.000 tỉ đồng để bồi thường và giải phóng mặt bằng. Đồng thời, dùng 2.000 tỉ đồng làm chi phí xây lắp. Nhưng vì quá chậm trễ, đến nay chi phí giải phóng mặt bằng ước tính đã vượt lên hơn 3.000 tỉ đồng.

Nhiều hộ gia đình bất chấp xây dựng lấn rạch Xuyên Tâm

Đến tháng 8/2019, UBND TPHCM đã có văn bản yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo và nạo vét rạch Xuyên Tâm. Thế nhưng, đến nay tình hình vẫn không có nhiều thay đổi, người dân vẫn sống trong cảnh ô nhiễm của con rạch này.

Qua tìm hiểu và ghi nhận, hiện nay người dân vẫn sống sát bên cạnh rạch Xuyên Tâm. Nhiều hộ dân còn lấn chiếm rạch và cơi nới vượt ra ngoài bờ rạch. Rạch Xuyên Tâm ngày càng ô nhiễm và bốc mùi hôi thối hơn.

“Chúng tôi cũng muốn thành phố ngày càng sạch đẹp hơn chứ. Nhưng thành phố cần phải tính phương án bồi thường sao cho hợp lý thì người dân mới có thể đi được. Nhiều năm trước có nghe sẽ tiến hành cải tạo và xây dựng lại rạch Xuyên Tâm nhưng rồi cũng không thấy thực hiện…”, một người dân sống gần rạch Xuyên Tâm cho biết.

Tương tự, kênh Hy Vọng (quận Tân Bình, TPHCM) có chiều dài hơn 1,8 km và được kết hợp làm đường giao thông hai tạo điều kiện tiêu thoát nước chống ngập cho lưu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Năm 2013, thành phố đã chấp thuận phương án cải tạo kênh Hy Vọng là kênh hở toàn tuyến kết hợp làm đường giao thông (10m mỗi bên), trồng cây xanh hai bên bờ kênh theo quy hoạch và có tổng kinh phí dự toán gần 430 tỷ đồng. Trong đó, vốn cho xây lắp là hơn 70 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 266 tỷ đồng và phí dự phòng gần 90 tỷ đồng.

Vào tháng 6/2017, UBND quận Tân Bình đã có buổi làm việc với chủ đầu tư dự án, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành các thủ tục trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng.

Trước đó, thành phố đã phê duyệt sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) để đầu tư quản lý rủi ro ngập nước ở khu vực TPHCM, trong đó có kênh Hy Vọng và thời gian thực hiện từ năm 2016 – 2018.

Tuy nhiên, đến giữa năm 2017, thành phố bất ngờ có thông báo kết thúc dự án không sử dụng vốn ODA và WB. Nguyên nhân là do Ngân hàng Thế giới kết thúc tài trợ. Sau đó, UBND TPHCM đã giao Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước tìm nguồn vốn khác để thực hiện dự án.

Đến tháng 8/2018, Trung tâm điều hành chống ngập nước TPHCM tiếp tục kiến nghị UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo kênh Hy Vọng bằng nguồn ngân sách với mức đầu tư khoảng 150 tỉ đồng. Dù vậy, đến nay dự án vẫn đang còn gặp nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn vốn và thủ tục đầu tư nên chưa thể triển khai.

Trả lời báo chí, ông Hứa Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, cho biết dự án cải tạo kênh Hy Vọng đã được đăng ký kế hoạch sử dụng đất năm 2015, được người dân trong khu vực rất quan tâm vì sẽ góp phần giảm ô nhiễm và thoát nước.

UBND quận đã nhiều lần kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh pháp lý, thực hiện dự án và bàn giao để UBND quận Tân Bình có cơ sở triển khai công tác thu hồi đất thực hiện dự án.

“Thế nhưng, đến nay dự án vẫn giậm chân tại chỗ, gây ra tình trạng bức xúc cho nhiều người dân. UBND quận Tân Bình tiếp tục kiến nghị UBND thành phố về nội dung trên. Đồng thời quận cũng kiến nghị thành phố xem xét, bố trí vốn để UBND quận triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư triển khai dự án xây lắp…” ông Hưng cho hay.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), chỉ cần có giải pháp và nguồn lực đúng sẽ thực hiện được ngay. Hiện nay Chính phủ đã cho phép thành phố thực hiện rút gọn về thời gian, phương thức đền bù. Ông Châu nhấn mạnh:“Cần áp dụng cách làm của chung cư cũ, đó là kêu gọi đầu tư theo hình thức BT. Cụ thể, nếu giải tỏa nhà trên ven kênh rạch, cần có cơ chế cho doanh nghiệp vừa làm dự án chỉnh trang, vừa được làm chủ đầu tư cả dự án bất động sản sau này, được đổi các khu đất…”.

Bạn đang đọc bài viết Gần 20 năm cải tạo nhưng rạch Xuyên Tâm vẫn chưa thể hồi sinh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.