Thứ bảy, 27/04/2024 08:45 (GMT+7)

Làm thế nào Bắc Kinh thoát khỏi TP ô nhiễm không khí nhất thế giới?

MTĐT -  Thứ tư, 13/11/2019 15:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ô nhiễm không khí là vấn đề ở nhiều thành phố trên thế giới trong đó có thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Vào năm 1998, Bắc Kinh có tên trong danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Một trong những nguyên nhân khiến không khí ở Bắc Kinh ô nhiễm nghiêm trọng được xác định là do khí thải xe cộ và đốt than. Để cải thiện chất lượng không khí, chính quyền Bắc Kinh thực hiện một loạt giải pháp.

Tháng 9/2013, Quốc vụ viện Trung Quốc đưa ra kế hoạch hành động về phòng chống ô nhiễm không khí, đóng vai trò là hướng dẫn để ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí ở cấp quốc gia.

Để làm được điều này, Trung Quốc đã công bố kế hoạch hành động quốc gia về chất lượng không khí, yêu cầu mọi khu vực đô thị phải giảm nồng độ ô nhiễm bụi mịn ít nhất 10%, một số thành phố bị yêu cầu cao hơn. Để đạt chỉ tiêu giảm ô nhiễm 25%, Bắc Kinh đã chi 120 tỷ USD cho nỗ lực này.

Bắc Kinh từng là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.

Trung Quốc đã đóng cửa gần 2.500 nhà máy, từ chối gần 20.000 đơn xin thành lập nhà máy mới. Chính quyền cũng tuyên bố sẽ đóng cửa khoảng 1.000 nhà máy nữa tại Bắc Kinh tới năm 2020 trong kế hoạch giảm ô nhiễm không khí. Khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, vốn là nơi ô nhiễm nghiêm trọng, được xác định là trọng điểm trong cuộc chiến chống ô nhiễm.

Chính quyền sẽ cải thiện mạng lưới giao thông ở Hà Bắc, tăng cường các tiêu chuẩn phúc lợi và giáo dục ở khu vực này để thu hút nhà đầu tư chuyển tới đây. Các công ty chuyển từ Bắc Kinh sang Hà Bắc được khuyến khích đầu tư vào công nghệ chất lượng cao hơn, thân thiện với môi trường hơn.

Trung Quốc cũng cấm xây dựng các nhà máy nhiệt điện mới tại các khu vực ô nhiễm nặng nhất, bao gồm Bắc Kinh, trong khi những nhà máy đang hoạt động bị yêu cầu giảm lượng khí thải. Những thành phố lớn, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, bị hạn chế số lượng ôtô lưu thông trên đường. Trung Quốc cũng giảm công suất thép và đóng cửa nhiều mỏ than.

Bắc Kinh từ tháng 11/2008 bắt đầu chính sách cấm xe theo biển số vào khu vực Vành đai 5 mỗi ngày. Chẳng hạn như xe có biển số kết thúc bằng 1 và 6 bị hạn chế vào thứ hai, 2 và 7 vào thứ ba... Người vi phạm phải nộp phạt 200 nhân dân tệ (28 USD) và bị bấm ba lỗ trên bằng lái. Nếu bị bấm quá 12 lỗ trong một năm, lái xe sẽ bị thu hồi giấy phép, phải đi học lại và xin giấy phép mới.

Lệnh cấm cũng áp dụng với phương tiện đăng ký ngoài Bắc Kinh. Xe biển ngoại tỉnh không được lưu thông ở Bắc Kinh quá 7 ngày liên tục. Sau 7 ngày, xe phải rời khỏi thủ đô và xin giấy phép khác với mức phí 50 nhân dân tệ (7 USD).

Đến tháng 8 vừa qua, chỉ số mật độ bụi mịn PM 2.5 trung bình tại Bắc Kinh giảm đáng kể. 

Bắc Kinh cũng đang đẩy nhanh tiến độ thay thế 70.000 taxi thông thường sang taxi chạy điện. Đến cuối năm 2020, thành phố dự kiến có 20.000 taxi điện, với khả năng chạy liên tục 300 km và chỉ mất ba phút mỗi lần sạc. Bắc Kinh đến nay đã thiết lập 100 trạm sạc và sẽ mở thêm 190 trạm nữa tới cuối năm 2020.

Bằng các biện pháp cụ thể và hành động quyết liệt như trên của chính quyền, ô nhiễm không khí đã được cải thiện đáng kể, bầu trời xanh đã xuất hiện trở lại ở Bắc Kinh và nhiều nơi khác.

Tháng 3 năm nay, cơ quan về môi trường của Liên Hợp quốc ra báo cáo nói rằng nỗ lực thành công của Trung Quốc trong việc giảm ô nhiễm không khí là hình mẫu cho các nơi khác học tập.

Tháng 8/2019, chỉ số mật độ bụi mịn PM 2.5 trung bình tại Bắc Kinh lần đầu tiên giảm xuống mức thấp kỷ lục 23 microgram/m3 không khí kể từ khi Trung Quốc tiến hành đo đạc chỉ số này đến nay.

Theo nghiên cứu của IQ AirVisual có trụ sở tại Thụy Sĩ và Greenpeace (Hòa bình xanh), trong 30 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới có tới 22 thành phố của Ấn Độ.

Tám thành phố còn lại thuộc Pakistan, Bangladesh và Trung Quốc nhưng Bắc Kinh đứng ở vị trí 122. Bảng xếp hạng được đưa ra đựa trên chất lượng không khí trung bình năm.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Làm thế nào Bắc Kinh thoát khỏi TP ô nhiễm không khí nhất thế giới?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới