Thứ bảy, 27/04/2024 06:28 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí, cần phải triển khai giải pháp tổng thể

MTĐT -  Thứ sáu, 20/12/2019 09:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ TN-MT chủ trì, rà soát, đánh giá kết quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, nhất là ở các đô thị lớn, đề xuất giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường

Trước thực trạng ô nhiễm không khí tại TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh như hiện nay, nhận thấy rõ tác hại của ô nhiễm không khí. Cũng như xem xét đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường về các giải pháp bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường không khí, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao bộ này đề xuất giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường không khí, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/1/2020.

Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, đề xuất mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ; tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các thành phố; nghiên cứu, áp dụng các giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông; phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thúc đẩy các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải chất gây ô nhiễm môi trường không khí; chuyển đổi sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng sạch đối với phương tiện giao thông cơ giới; chuyển đổi sử dụng xe cơ giới cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng; chuyển đổi vận tải hàng hóa đường bộ sang vận tải hàng hóa bằng đường sắt, vận tải ven biển.

Ô nhiễm không khí trở thành vấn đề báo động tại Hà Nội và nhiều thành phố lớn.

Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương tăng cường chỉ đạo công tác quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, đặc biệt trong công tác lập và phê duyệt quy hoạch. Tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, như: nhiệt điện than, dầu khí, thép, hóa chất và phân bón hóa học, chế biến và khai thác khoáng sản…
Bộ Xây dựng đẩy mạnh việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện công tác quản lý vệ sinh lao động, môi trường trong thi công xây dựng công trình; nghiên cứu, sử dụng vật liệu chống ồn tại các công trình xây dựng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hướng dẫn, kiểm soát các hoạt động xử lý phụ phẩm, sản phẩm thải sau thu hoạch đảm bảo được xử lý an toàn, đúng quy định.
UBND thành phố Hà Nội và Tp.HCM được giao nghiên cứu, đánh giá toàn diện chất lượng môi trường không khí trên địa bàn. Triển khai đồng bộ các giải pháp để hạn chế, giảm thiểu nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh, đặc biệt đẩy nhanh việc xây dựng kế hoạch, lộ trình và thực hiện di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm, có nguồn phát thải cao ra khỏi khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung, thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc môi trường, hoàn thiện hệ thống cung cấp thông tin về môi trường để làm cơ sở cảnh báo, khuyến cáo người dân về chất lượng môi trường không khí.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục bố trí nguồn lực, tăng cường thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 1/6/2016 về kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025.

Đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, trong phạm vi thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động ban hành quy định kiểm soát chặt chẽ ngay từ nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường không khí, nhất là từ các phương tiện giao thông vận tải, hoạt động của các ngành công nghiệp, xây dựng và hoạt động dân sinh đảm bảo phù hợp với điều kiện của địa phương.

Chiều 19/12, Bộ TN-MT chủ trì cuộc họp về các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí. Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo Bộ TN-MT, Văn phòng Chính phủ, các bộ: Công thương, NN-PTNT, GTVT, Xây dựng, KH-CN, GD-ĐT, Tài chính, KH-ĐT, Nội vụ, TT-TT, Y tế và UBND cùng Sở TN-MT TP Hà Nội và TPHCM. Các phóng viên chỉ được mời dự phần đầu cuộc họp.

Liên tiếp nhiều ngày, chất lượng không khí ở Hà Nội ở ngưỡng nguy hiểm cho sức khỏe con người. Trong ngày 14/12, ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí Airvisual xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI lên tới 271.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, chất lượng không khí ở 2 thành phố lớn, theo số liệu quan trắc chính thức của trung ương và địa phương bị ô nhiễm, có những thời điểm vượt ngưỡng, ảnh hưởng sức khỏe con người. Khí thải từ phương tiện giao thông là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất. Vấn đề nhiên liệu tới đây cũng phải đặt ra; cần phải xây dựng lộ trình phù hợp để hạn chế nguồn gây ô nhiễm. Quy chuẩn đối với nhiên liệu và phương tiện ở Việt Nam so với thế giới còn rất thấp.

Cùng ngày, TP Hà Nội cũng đã có cuộc họp về vấn đề này. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Sở TN-MT chuẩn bị địa điểm lắp đặt 50 - 70 trạm quan trắc cố định và trên cao để quan trắc chất lượng không khí. Bắt đầu từ thứ bảy, chủ nhật tuần này, các quận huyện, thị xã sẽ phát động người dân tham gia tổng vệ sinh môi trường; bên cạnh đó tiếp tục phát động chương trình trồng cây xanh; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không đốt rơm rạ, nhất là đốt rác tại các làng nghề. Thành phố sẽ xây dựng, đề xuất HĐND TP ban hành nghị quyết về chế tài xử lý cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm, có chế tài xử phạt cụ thể; ban hành định mức thu liên quan xả thải làng nghề, hộ kinh doanh gây ô nhiễm môi trường.

P.G (TH)

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không khí, cần phải triển khai giải pháp tổng thể. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới