Thứ sáu, 26/04/2024 14:59 (GMT+7)

Quảng Ngãi xin nhận chìm 15 triệu m3 vật chất nạo vét xuống biển

MTĐT -  Chủ nhật, 11/11/2018 16:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tỉnh Quảng Ngãi và Cty Thép Hòa Phát Dung Quất đang kiến nghị lên Bộ TN-MT xin nhận chìm khoảng 15 triệu m3 vật chất nạo vét cảng Dung Quất xuống biển.

Theo TTXVN, ngày 9/11, ông Đinh Văn Chung, Phó Giám đốc Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết, công ty đang đề xuất với Bộ TN-MT về việc nhận chìm khoảng 15 triệu m3 vật chất trên vùng biển của tỉnh Quảng Ngãi.

Theo ông Đinh Văn Chung, thành phần của toàn bộ vật chất này có đến trên 87% là cát còn lại là vỏ sò, bùn... được nạo vét từ việc làm 11 bến cảng của đơn vị phục vụ cho nhà máy thép 60.000 tỷ đồng. Trong số này, hoàn toàn không có mét khối vật chất dư thừa nào ở trên bờ được đưa ra để nhận chìm xuống biển. Đây chỉ là việc di chuyển vật chất từ nơi này sang nơi khác, từ khu vực gần bờ ra vùng biển xa bờ hơn.

Được biết, tỉnh Quảng Ngãi có văn bản 3383/UBND-CNXD thống nhất thỏa thuận lại vị trí nhận chìm ở biển đối với chất nạo vét trong quá trình thi công xây dựng dự án.

Địa điểm dự kiến đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi lựa chọn nằm phía ngoài khơi vịnh Dung Quất, cách đảo Lý Sơn 28,3km về phía Đông, cách khu vực nạo vét luồng tàu khoảng hơn 6,8km và cách khu nguồn lợi thủy sản tiềm năng vùng biển ven bờ vịnh Dung Quất phía Tây Bắc 10km. Đây cũng chính là khu vực mà các đơn vị khác như Doosan, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn... nhận chìm trong quá trình thi công nạo vét làm bến cảng của các đơn vị này.

Diện tích khu vực nhận chìm khoảng 1,8km2, có độ sâu từ -51 đến -55m, độ dốc khoảng 2%.

Ảnh: Báo Nhân dân.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn khẳng định việc nhận chìm ở biển đối với vật chất nạo vét trong quá trình thi công là phương án khả thi nhất hiện nay, đáp ứng được yêu cầu tiến độ triển khai dự án (theo công văn số 4697/UBND-CNXD).

Trên cơ sở đánh giá của các cơ quan khoa học, Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất cũng như tỉnh Quảng Ngãi cho rằng tại vị trí nhận chìm không có hệ sinh thái cần quan tâm đặc biệt như san hô, cỏ biển; tính đa dạng các sinh vật đáy thấp. Phạm vi phát tán lan truyền vật chất xa nhất là 4,62km về phía Tây Bắc và 2,96 km về phía Đông Nam, không phát tán rộng ra các vùng xung quanh.

Liên quan đến việc nhận chìm của dự án, theo báo TN-MT mới đây, Đoàn công tác của Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT đã đến kiểm tra hiện trường vị trí dự kiến nhận chìm vật, chất nạo vét ở cảng biển chuyên dụng của Khu liên hợp gang thép Dung Quất.

Đồng thời, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo tỉnh ủy, HĐND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các huyện Lý Sơn, Bình Sơn cùng các tổ chức, sở, ban ngành liên quan của tỉnh Quảng Ngãi về đề nghị cho nhận chìm vật, chất nạo vét trong quá trình thi công cảng biển của chủ đầu tư là Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã yêu cầu Chủ đầu tư trình bày rõ các phân tích liên quan đến thành phần cơ lý, hóa học của vật chất nhận chìm; hiện trạng đa dạng sinh học vùng nhận chìm, vùng chịu sự tác động; trình bày mô hình, tính toán sự phát tán vật chất trong quá trình nhận chìm và công nghệ, biện pháp nhận chìm.

Thứ trưởng cho biết, Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM của Dự án do Bộ TN&MT thành lập gồm 22 thành viên là đại diện các Bộ: TN&MT, KH&CN, Xây dựng, Công Thương và các chuyên gia về môi trường, gang thép, xây dựng, cảng biển… đã thẩm định báo cáo ĐTM này.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng thẳng thắn có ý kiến, cho phép nhận chìm là việc cần hết sức thận trọng, tính toán kỹ lưỡng và phải xem xét vấn đề trên cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý và điều kiện thực tế. Chủ đầu tư phải cam kết việc tính toán mô hình lan truyền vật, chất đảm bảo chính xác, khoa học và chịu trách nhiệm về kết quả phân tích, dự báo; làm rõ tác động thủy động lực theo mùa trong năm; thực hiện đúng cam kết về biện pháp, giải pháp công nghệ nhận chìm đảm bảo tính tiên tiến, hiện đại.

Nếu chưa đảm bảo những yêu cầu nêu trên thì chưa thể chấp thuận được. Đồng thời, Chủ đầu tư phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình triển khai Dự án và lắp đặt thêm các thiết bị quan trắc tự động, trực tiếp hàng ngày đối với hoạt động nhận chìm của nhà thầu. Lập kế hoạch giám sát, bổ sung giám sát nước biển (độ đục, TSS) với tần suất 1 lần/ngày, giám sát đa dạng sinh học (động vật đáy) với tần suất 1 lần/tuần.

Đề nghị UBND tỉnh, cần chỉ đạo các sở, ngành địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện trước, trong và sau quá trình nhận chìm. Bộ TN&MT giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Môi trường phối hợp với địa phương để kiểm tra, giám sát vấn đề này.

Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có tổng diện tích 366,4 ha, trong đó xây dựng nhà máy 339,5ha và xây dựng cảng chuyên dụng 26,9 ha; công suất thiết kế 4 triệu tấn/năm,công suất của cảng cho tàu trọng tải lên đến 200.000 DWT.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Quảng Ngãi xin nhận chìm 15 triệu m3 vật chất nạo vét xuống biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới