Thứ sáu, 26/04/2024 13:47 (GMT+7)

Sơn La: Vướng mắc trong công tác quản lý tài nguyên nước

MTĐT -  Thứ hai, 28/11/2016 14:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(phapluatmoitruong.vn) - Sở TN&MT Sơn La vừa có công văn gửi Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ TN&MT, đề nghị hướng dẫn triển khai thực hiện một số nội dung trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Trong những năm gầy đây, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước đã và đang được ban hành, triển khai thực hiện theo hướng đồng bộ, chi tiết, tạo hành lang pháp lý góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Tuy nhiên, trong quá trình tham mưu tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước, vẫn còn một số nội dung chưa cụ thể, gây khó khăn cho quá trình tham mưu quản lý.

Theo Sở TN&MT Sơn La, hiện có 3 khó khăn, vướng mắc lớn, đề nghị Cục Quản lý Tài nguyên nước sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý tài nguyên nước tại địa phương.

Thứ nhất, Nhà máy tinh bột sắn Sơn La đã được UBND tỉnh Sơn La cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số 3346/GP-UBND ngày 08/12/2014 với lưu lượng xả nước thải lớn nhất 1800 m3/ngày đêm. Công nghệ xử lý nước thải theo Đề án xả nước thải vào nguồn nước gồm 2 hồ biogas và 3 hồ xử lý sinh học. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành thử nghiệm theo công nghệ trên, nước thải của Nhà máy vẫn còn một số chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép của QCVN 40:2011/BTNMT cột B.

Để đảm bảo nước thải sau khi xử lý đảm bảo chất lượng theo các quy chuẩn hiện hành, Nhà máy đã thay đổi một số hạng mục của hệ thống xử lý nước thải cũ theo công nghệ mới gồm: 1 bể lắng cát, 2 hồ biogas, 1 mương oxi hóa, 1 hố thu nước sau xử lý và 1 hồ chứa nước sau xử lý.

Như vậy, công nghệ xử lý nước thải mới đã thay đổi so với công nghệ tại Đề án đã được phê duyệt. Ngày 22/10/2016, Nhà máy đã có Công văn số 74/NMSL về việc đề nghị Sở TN&MT chấp thuận thay đổi của công trình xử lý nước thải trong Đề án xả nước thải vào nguồn nước.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 3 Điều 23, Điều 27 Nghị định 201/2013/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước thì Nhà máy không thuộc trường hợp phải điều chỉnh hoặc cấp lại giấy phép. Do đó, hiện Sở TN&MT Sơn La đang gặp vướng khi thực hiện nội dung này.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT ngày 09/9/2016 của Bộ TN&MT Quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/10/2016, thì “Đối với công trình khai thác nước dưới đất để cấp cho sinh hoạt có quy mô từ 10 m3/ngày đêm đến dưới 3.000 m3/ngày đêm, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt không nhỏ hơn 20 m tính từ miệng giếng”.

Quy định trên được hiểu là các công trình khai thác nước dưới đất để cấp cho sinh hoạt là giếng (giếng khoan, giếng đào) có quy mô từ 10 m3/ngày đêm đến dưới 3.000 m3/ngày đêm thì phải lập vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt với phạm vi nhỏ nhất là 20m. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014 của Bộ TN&MT thì: “Công trình khai thác nước dưới đất là hệ thống gồm một hoặc nhiều giếng khoan, giếng đào, hố đào, hành lang, mạch lộ, hang động khai thác nước dưới đất…”. Như vậy, trường hợp các mạch lộ, hang karst nêu trên có áp dụng quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư 24/2016/TT-BTNMT hay không?

Thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La có rất nhiều các công trình khai thác nước dưới đất từ mạch lộ, hang karst để cấp nước cho sinh hoạt. Đơn cử, Công ty CP cấp nước Sơn La được UBND tỉnh cấp 15 giấy phép khai thác nước dưới đất, trong đó có 5 công trình khai thác từ mạch lộ, hang karst. Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Mộc Châu được UBND tỉnh cấp 4 giấy phép khai thác nước dưới đất, trong đó có 3 công trình khai thác từ mạch lộ, hang karst...

Đối với các công trình này thì miền cấp nước rất đa dạng, có nguồn cấp nước cách vị trí khai thác vài km (công trình khai thác nước từ hang karst). Như vậy, nếu áp dụng theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 trên thì khoảng cách 20m không đáp ứng đầy đủ mục tiêu, nguyên tắc khi xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.

Bên cạnh đó, theo quy định tại mục b, khoản 1, Điều 11 của Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT thì đối với các công trình đã được cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước trước ngày 25/10/2016 phải hoàn thành việc xác định, phê duyệt và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt không quá ngày 25/10/2018. Vậy, đối với các công trình khai thác nước dưới đất dưới hình thức hang karst, mạch lộ đã được cấp giấy phép trước ngày 25/10/2016 thì xác định vùng bảo hộ vệ sinh như thế nào?

Thứ ba, trên địa bàn tỉnh Sơn La, hoạt động nuôi trồng thủy sản tập trung chủ yếu trên các hồ chứa thủy điện, thủy lợi với hình thức chủ yếu là nuôi cá lồng. Các hồ chứa này có dòng chảy liên tục do hoạt động của nhà máy thủy điện.

Song, theo quy định tại Điều 28 Nghị định 201/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước thì Giấy phép xả nước thải đối với nuôi trồng thủy sản xác định thứ nguyên là m3/ngày đêm. Như vậy, công thức, nguyên tắc xác định lưu lượng nước xả thải đối với các  hồ chứa có dòng chảy liên tục như thế nào cũng đang là một vướng mắc lớn với tỉnh Sơn La.

Nguyễn Nga/TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Sơn La: Vướng mắc trong công tác quản lý tài nguyên nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.