Thứ bảy, 27/04/2024 10:11 (GMT+7)

Mũi tiêm 3h sáng và những ngày sục sôi xét nghiệm, tiêm vaccine ở Hà Nội

MTĐT -  Thứ hai, 13/09/2021 09:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những ngày này, trên địa bàn thành phố Hà Nội có những nơi 23h đêm có nhiều người dân chờ tiêm, cá biệt có điểm 3h sáng vẫn tiêm vaccine COVID-19

Những ngày này, trên địa bàn thành phố Hà Nội có những nơi 23h đêm có nhiều người dân chờ tiêm, cá biệt có điểm 3h sáng vẫn tiêm vaccine COVID-19 - đây là lời chia sẻ của Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong, cho thấy nhịp độ khẩn trương, tăng tốc, không quản ngại ngày hay đêm của thành phố trong chiến dịch xét nghiệm và tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay. Trong đó có sự góp sức của những y bác sĩ, nhân viên y tế chi viện từ 11 tỉnh, thành phố.

Cả nước vì Hà Nội

Ngày 8.9, đoàn xe đưa hơn 800 nhân viên y tế tỉnh Bắc Giang chi viện cho Hà Nội đã có mặt tại Thủ đô, sẵn sàng bắt tay ngay vào công việc trong kế hoạch xét nghiệm, tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay của thành phố.

tm-img-alt

Sau hơn 1 tháng chống dịch tại quê nhà, bác sĩ Đặng Quang Lượng – Trung tâm y tế huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) cùng các đồng nghiệp di chuyển đến Đồng Tháp để hỗ trợ tỉnh bạn. Và hiện tại anh đang có mặt tại Hà Nội để tiếp sức cho Thủ đô.

Bác sĩ Lượng cho biết, với cương vị là một bác sĩ trẻ, một đoàn viên thanh niên, nên anh luôn muốn được cống hiến, được mang một phần tuổi trẻ của mình đến những “điểm nóng” của dịch bệnh. Và mỗi một chuyến đi, mỗi một ngày trôi qua, anh lại lan toả được thêm nhiều kinh nghiệm chống dịch của Bắc Giang và cũng học hỏi thêm được nhiều điều ở đội ngũ y bác sĩ của tỉnh bạn.

Bác sĩ Lượng tâm sự: “Sau khi chống dịch tại Bắc Giang, mình và các bác sĩ trẻ tiếp tục xung phong vào các tỉnh thành phía Nam để hỗ trợ chống dịch. Lên đường chống dịch với mong muốn được cống hiến, thế nhưng, mình cũng được nhận về rất nhiều tình cảm, sự quan tâm của người dân. Đó là những ngày tháng mà mình sẽ chẳng thể nào quên”.

Điểm đến tiếp theo trong nhật kí nghề y của bác sĩ Lượng là Thủ đô Hà Nội. Tối muộn 8.9, bác sĩ Lượng cùng hơn 800 nhân viên y tế tỉnh Bắc Giang đặt chân đến Hà Nội. Theo bác sĩ, khi Bắc Giang “ốm”, cùng với lực lượng y tế từ nhiều địa phương trên cả nước, lực lượng y tế Hà Nội về hỗ trợ Bắc Giang rất nhiệt tình, kể cả về trang thiết bị y tế cho đến nhân lực. Bởi vậy, khi Hà Nội cần hỗ trợ, Bắc Giang “chẳng thể làm ngơ”.

tm-img-alt

Lên đường đi chống dịch, bác sĩ Lượng đã tạm gác công việc gia đình sang một bên để dốc sức dập dịch, giúp người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường. Và trong hơn 3 tháng qua, số ngày mà bác sĩ ở bên cạnh đứa con trai 3 tuổi chẳng quá 10 đầu ngón tay.

“Đi chống dịch liên miên nên mình ít có thời gian bên con. Ngày mình từ Đồng Tháp về, con trai cứ quấn lấy bố không thôi. Mình đi đâu là thằng cò lại đi theo từng bước chân, nói sợ bố sẽ đi làm tiếp. Nghe vừa thấy ấm áp mà cũng vừa thấy thương con, nhưng làm sao được, thời điểm dịch bệnh mà.

20.9 là sinh nhật của con trai. Mình rất mong dịch sớm ổn định để về sinh nhật với con. Nhưng trong tâm thái của mình, mình vẫn luôn sẵn sàng ở lại chống dịch với tinh thần cao nhất. Bé nhà mình rất là ngoan, mong con sẽ hiểu được công việc của bố và tiếp thêm sức mạnh cho bố”, bác sĩ Quang Lượng nói.

Câu chuyện của bác sĩ Lượng là 1 trong số hơn 800 câu chuyện của hơn 800 con người từ Bắc Giang đến Hà Nội chi viện chống dịch. Còn nhớ những ngày Bắc Giang trở thành điểm nóng nhất của dịch bệnh, những sinh viên y khoa, những y bác sĩ từ các bệnh viện của Hà Nội đã khoác balo lên đường, đi sâu vào tâm dịch, hỗ trợ y tế cho tỉnh bạn, và giờ đây với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, Bắc Giang lại gửi những sự hỗ trợ khi Hà Nội cần như một sự tri ân.

Ân tình của Hà Nội

Là trái tim của cả nước, với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội", trong những lúc tỉnh bạn gặp khó khăn do thiên tai hay dịch bệnh, Thủ đô luôn có những hành động “chia lửa”, giúp tỉnh bạn vượt qua giai đoạn khó khăn.

Những ngày tháng 5, tháng 6 vừa qua, khi Bắc Giang là điểm nóng của dịch bệnh, các cán bộ y tế Hà Nội đã không quản ngại khó khăn chung tay, tích cực hỗ trợ tỉnh Bắc Giang trong công tác phòng, chống dịch. Sự hỗ trợ của Đoàn công tác đã góp phần giúp cho tỉnh Bắc Giang có thể ứng phó, kiểm soát được tình hình dịch COVID-19 trong giai đoạn khó khăn nhất.

tm-img-alt

Cùng với đội ngũ nhân viên y tế, những sinh viên y khoa từ Hà Nội với sức trẻ hừng hực khí thế cũng đã lên đường đến Bắc Giang, đương đầu với những thách thức, khó khăn. Thành phố Hà Nội còn hỗ trợ kết nối cung cầu, hỗ trợ tối đa để tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, nhất là nông sản của các tỉnh trên địa bàn thành phố.

tm-img-alt

Hay khi TP Hồ Chí Minh bùng phát dịch, mỗi ngày hàng nghìn ca mắc mới khiến áp lực y tế đè nặng, nhân viên y tế kiệt quệ, Hà Nội lại chung tay, góp sức. Những đoàn xe chi viện nối đuôi nhau lên đường với quyết tâm vì miền Nam yêu thương, tiếp sức cho tuyến đầu, cứu sống biết bao con người giữa lằn ranh sinh tử. Hà Nội cũng đã gửi tặng TP HCM hệ thống xét nghiệm PCR tự động 72 giếng cùng với máy tách chiết tự động 96 giếng và test chẩn đoán COVID-19; dành 54 tỉ đồng hỗ trợ 18 tỉnh, thành phố phía Nam đang gặp khó khăn do dịch COVID-19 (mỗi địa phương 3 tỉ đồng).

tm-img-alt

Đến nay, khi Hà Nội bước sang ngày thứ 50 trong đợt giãn cách xã hội được đánh giá là “chưa có trong tiền lệ”. Những nỗ lực bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng vẫn đang được triển khai khẩn trương, nhanh chóng nhằm sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Tuy nhiên, trái tim của cả nước vẫn đang phải đương đầu với những thách thức, những khó khăn chưa từng có của dịch bệnh, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của đợt giãn cách, vẫn ghi nhận nhiều F0 trong cộng đồng. Đợt giãn cách xã hội kéo dài kéo theo nhiều áp lực đè nặng.

tm-img-alt

Trước tình hình đó, trong Kế hoạch số 206/KH-UBND về việc xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vaccine phòng, chống COVID-19 cho người dân trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn đến ngày 15.9.2021 trên cơ sở số vaccine được Bộ Y tế phân bổ và giao.

Yêu cầu của kế hoạch là đến ngày 15.9.2021 tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao: hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần); tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác: hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần); xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh và tại cộng đồng. Xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động tại các cơ sở khám, chữa bệnh và các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.

tm-img-alt

Để làm được điều này, 11 tỉnh, thành phố sẽ tham gia hỗ trợ Hà Nội trong công tác xét nghiệm, tiêm chủng gồm 7 tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71/CĐ-TTg là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên và 4 tỉnh, thành phố Hà Nội đề nghị hỗ trợ là Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng.

tm-img-alt

Không thể ngồi yên

Tại điểm tiêm chủng, xét nghiệm ở huyện Gia Lâm, đoàn y bác sĩ đến từ Bắc Ninh bắt tay vào công việc ngay khi đặt chân đến. Bác sĩ Nguyễn Huy Phong cho biết, anh cùng 570 nhân viên y tế của đoàn chia thành 2 đợt đã có mặt ngay khi Hà Nội cần, đoàn làm việc từ sáng đến đêm, không quản ngại, mục tiêu duy nhất là làm sao xét nghiệm thần tốc và tiêm chủng đầy đủ cho người dân.

tm-img-alt

Còn nữ bác sĩ Lê Thị Viên (Bắc Ninh), không giấu nổi sự xúc động khi được góp một phần nhỏ bé vào công tác phòng chống dịch chung của cả nước cũng như Hà Nội.

Trong buổi thị sát, kiểm tra, động viên công tác phòng dịch tại 2 điểm tiêm chủng vaccine phòng COVI-19 ở quận Đống Đa và Long Biên, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. huy động sự vào cuộc của lực lượng y tế các tỉnh, thành phố bạn, để "thần tốc" tiêm chủng, xét nghiệm xong trước ngày 15.9 và nhấn mạnh:

tm-img-alt

Mũi tiêm lúc 3h sáng

Nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho người dân, một số quận huyện tại Hà Nội đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 cả ngày lẫn đêm cho người dân (bao gồm cả nhóm đối tượng trên 65 tuổi).

Tối 9.9, dù đã muộn, điểm tiêm tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô vẫn sáng đèn. Những hàng ghế ngồi xếp ngay ngắn, giãn cách đủ tiêu chuẩn được sắp xếp cẩn thận. Người dân được hướng dẫn đến theo từng khung giờ nên dù khá đông nhưng không xảy ra tình trạng lộn xộn. Sau khi đo thân nhiệt và khai báo các thông tin cơ bản, người dân ngồi tại các hàng ghế để chờ thực hiện các bước tiếp theo. Nhiều người già trên 65 tuổi có mặt tại điểm tiêm, có người phải nhờ sự hỗ trợ của nhân viên y tế hay những chiếc xe đẩy, những chiếc gậy chống mới có thể đi lại, nhưng vẫn tích cực, quyết tâm với mong muốn sớm được tiêm vaccine.

tm-img-alt

"Hôm nay tôi đưa bố đi tiêm, vì ông yếu nên lúc đầu đến đây cũng khá lo lắng vì đông người. Tuy nhiên chúng tôi đã được lực lượng chức năng tạo điều kiện để nhanh chóng hoàn thành mũi tiêm. Mất khoảng từ 15-20 phút cho cả quá trình tiêm", anh Nguyễn Tiến Định (Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay.

Ghi nhận đến khoảng hơn 23h đêm nay, vẫn còn khá đông người đến tiêm tại điểm tiêm này. Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân khai báo những thông tin cơ bản trước khi vào tiêm.

Trao đổi với báo chí tại điểm tiêm, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho hay, hiện tại trên địa bàn quận có 120.000 dân, trong đó số trên 18 tuổi có khoảng 89.000 người. Thời gian qua, quận đã tập trung triển khai song song vừa lấy mẫu xét nghiệm vừa triển khai tiêm chủng.

Những điểm tiêm chủng, xét nghiệm không quản ngày đêm, mưa nắng. Cơn mưa sáng 8.9 tại Hà Nội vẫn không ngăn được không khí khẩn trương, nhanh chóng tại điểm tiêm chủng phường Yên Hoà, Hà Nội. Người dân được bố trí ngồi giãn cách, khám sàng lọc trước khi tiêm và test COVID-19. Người dân đều tin tưởng với mục tiêu 100% xét nghiệm và tiêm chủng và người dân.

tm-img-alt

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga – Phó trưởng trạm y tế phường Yên Hoà cho biết, với tốc độ tiêm chủng như hiện nay, cơ bản sẽ đáp ứng được mục tiêu 100% người từ 18 tuổi, điều này cũng phụ thuộc vào sự phân bổ vaccine của Bộ Y tế. Với sự vào cuộc, cố gắng của tất cả ban ngành, đoàn thể thì mục tiêu này sẽ đạt được. Người dân cũng đang rất mong muốn mục tiêu này sớm hoàn thành.

Nhiều kỷ lục tiêm chủng được xác lập

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để thần tốc xét nghiệm và tiêm vaccine nhằm kiểm soát dịch bệnh, đơn vị đã huy động lực lượng y tế trên địa bàn, bao gồm cả các bệnh viện Trung ương, bộ, ngành, cơ sở y tế thuộc Hà Nội tham gia chiến dịch. Đồng thời, thành phố cũng nhận được sự hỗ trợ của 11 tỉnh lân cận trong việc tiêm chủng và xét nghiệm.

"Mỗi tỉnh sẽ phụ trách một địa bàn quận/huyện để phối hợp với địa phương vừa xét nghiệm vừa tiêm chủng. Các tỉnh đều đưa đội ngũ cán bộ y tế có kinh nghiệm, thành thục để hỗ trợ Hà Nội đẩy nhanh tiến độ trong chiến dịch" - bà Hà nói. Theo bà Hà, kết quả xét nghiệm cũng giúp Hà Nội đánh giá được nguy cơ dịch bệnh để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp, sớm giúp người dân trở lại trạng thái "bình thường mới".

Việc có những vùng xanh an toàn cũng giúp việc đi lại của người dân thuận tiện hơn. Để làm được điều này, Hà Nội đang thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng ngoài giờ hành chính, cả thứ bảy, chủ nhật. Trong đó, có những điểm tiêm chủng được ngành Y tế thực hiện đến 0h đêm. Tại mỗi dây chuyền tiêm đều được bố trí lực lượng cấp cứu để xử trí những tác dụng của vaccine.

tm-img-alt

Những ngày đầu, từ khắp các quận, huyện, xã, phường đều sôi sục trong chiến dịch tiêm chủng và xét nghiệm lớn nhất từ trước đến nay của Hà Nội. Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết: Trong ngày 11.9, toàn thành phố đã tiêm được 411.452 mũi tiêm vaccine phòng COVID-19. Tổng số mũi tiêm thực hiện trên địa bàn thành phố qua các đợt tiêm chủng là 3.906.597 mũi, đã sử dụng 3.538.826 liều vaccine/4.591.476 liều vaccine được cấp, đạt tiến độ 77,1%. Đây tiếp tục là một kỷ lục mới về số mũi tiêm trong ngày được Hà Nội xác lập trong chiến dịch đẩy nhanh xét nghiệm và tiêm chủng cho người dân.

Trong ngày 12.9 toàn thành phố đã tiêm được 573.829 mũi vắc xin phòng COVID-19. Cộng dồn tới 18h00 ngày 12.9.2021, toàn thành phố Hà Nội đã tiêm vaccine COVID-19 cho các đối tượng trong thuốc Nghị quyết 21 của Chính phủ và Phương án 170 của UBND thành phố Hà Nội 4.480.426 mũi tiêm, sử dụng 4.088.460 liều vắc xin/4.591.476 liều vaccine được cấp, đạt tiến độ 89%.

tm-img-alt

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có những nơi 23h đêm vẫn tiêm, cá biệt có trường hợp 3h sáng vẫn tiêm vaccine COVID-19 - đây là lời chia sẻ của Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong trong hội nghị thông tin báo chí mới đây, cho thấy nhịp độ khẩn trương, tăng tốc, không quản ngại ngày hay đêm của thành phố trong chiến dịch xét nghiệm và tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay.

Hai mũi giáp công đúng đắn

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: "Muốn nới lỏng dần dần giãn cách xã hội, đưa cuộc sống nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới thì chúng ta phải tầm soát bằng được các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng để cách ly, khoanh vùng dập dịch một cách triệt để".

Do đó, công tác xét nghiệm rất quan trọng, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đều triển khai xét nghiệm nhanh, nhiều vòng; kinh nghiệm tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, quận 7, Củ Chi (TPHCM), Cần Thơ là những bài học thực tiễn về mặt khoa học của việc phải bóc tách bằng được F0 không để lây lan ra cộng đồng. Với biện pháp đó, Bộ trưởng đánh giá, Hà Nội đang triển khai rất tích cực.

Nhấn mạnh, chủ trương "thần tốc" phủ vccine mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi của Hà Nội là hoạt động rất quan trọng, Bộ trưởng cho rằng, đây là cách để tạo ra miễn dịch, bảo vệ những quần thể người dân của Thủ đô.

tm-img-alt

Đánh giá cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch của Thành phố thời gian qua, GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, đây là giai đoạn tốt nhất để thành phố Hà Nội đẩy nhanh mục tiêu hoàn thành tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên. Kinh nghiệm từ thực tế cho thấy, việc tiêm vaccine cho người dân cần có thời gian để sinh kháng thể. Vì thế, khi dịch COVID-19 tại Hà Nội còn chưa bùng phát mạnh như các tỉnh miền Nam thì cần hoàn thành việc tiêm vắc xin cho người dân để tạo miễn dịch cộng đồng.

Còn PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội cho rằng, việc tổ chức tiêm chủng an toàn, hiệu quả theo quy định cho tất cả các trường hợp trong diện được tiêm vaccine phòng COVID-19 đang sinh sống và làm việc trên địa bàn là cần thiết, với phương châm “vaccine tốt nhất là loại vaccine được tiêm sớm nhất”. Vì thế, sau ngày 21.9, khi Thành phố kết thúc đợt giãn cách xã hội thì chúng ta tiếp tục thực hiện nghiêm việc tuân thủ quy định 5K + vaccine.

tm-img-alt

Văn bản về việc thực hiện ứng trực nghiêm 24/7, tập trung cao độ cho công tác xét nghiệm và tiêm vaccine phòng chống dịch COVID-19 được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký, nêu rõ:

“Thần tốc, thần tốc hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút” để hoàn thành việc xét nghiệm diện rộng toàn thành phố, đảm bảo an toàn, hiệu quả, kịp tiến độ nhằm phát hiện sớm nhất nguồn lây, kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch.

Nguyên tắc “vaccine tốt nhất là vaccinec tiêm sớm nhất”, “vaccine về đến đâu phải tiêm hết ngay đến đó” đảm bảo an toàn, hiệu quả, kịp tiến độ, không được để chậm trễ, có vaccine nào tiêm hết ngay loại đó.

15.9 là dấu mốc quan trọng mà Hà Nội đang chạy đua từng giờ, từng ngày để hướng tới. Hà Nội sẽ làm được và sẽ khống chế được dịch bệnh sớm đưa cuộc sống của người dân Thủ đô trở lại trạng thái bình thường mới.

Bạn đang đọc bài viết Mũi tiêm 3h sáng và những ngày sục sôi xét nghiệm, tiêm vaccine ở Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Lao Động

Cùng chuyên mục

Tình hình khí hậu năm 2024 dự kiến sẽ tồi tệ hơn năm 2023
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) giữa tháng 1/2024 cho biết năm 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận trên hành tinh. Nhưng ảnh hưởng liên tục của hiện tượng khí hậu El Nino trong nửa đầu năm 2024 sẽ có nguy cơ lập kỷ lục nhiệt độ mới trong năm nay.
[Infographic] Kỹ năng phòng chống rét đậm, rét hại
Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh cường độ mạnh, toàn miền Bắc đã xảy ra rét đậm, rét hại, vùng núi cao xuất hiện băng giá, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và sản xuất nông nghiệp.
Toàn cảnh vụ rơi máy bay quân sự tại Quảng Nam
Máy bay Su 22, số hiệu 5880 do Đại úy phi công Đỗ Tiến Đức, Phi đội trưởng Phi đội 1 điều khiển; cất cánh lúc 11 giờ 4 phút, ngày 9/1, đến 11 giờ 14 phút cùng ngày phi công báo máy bay gặp sự cố không thể về hạ cánh được.

Tin mới

Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề