Thứ bảy, 27/04/2024 01:09 (GMT+7)

Người lao động ủng hộ các biện pháp chống dịch của TP. Hải Phòng

Nguyên Khang -  Thứ sáu, 13/08/2021 15:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều người dân đang sinh sống và làm việc tại địa phương bày tỏ sự tin tưởng, ủng hộ các biện pháp chống dịch của thành phố và hy vọng, Hải Phòng sẽ luôn an toàn, cùng cả nước sớm đẩy lùi đại dịch.

Trước làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 tấn công các tỉnh, thành phố lớn trong đó có Hải Phòng, nhiều người dân đang sinh sống và làm việc tại địa phương bày tỏ sự tin tưởng, ủng hộ các biện pháp chống dịch của thành phố và hy vọng, Hải Phòng sẽ luôn an toàn, cùng cả nước sớm đẩy lùi đại dịch.

Tăng cường các biện pháp chống dịch COVID-19

Thông tin từ Bộ Y tế tối 12/8 cho biết, Việt Nam có thêm 9.667 ca mắc COVID-19 (trong đó thành phố Hồ Chí Minh có 3.841 ca và Bình Dương là 3.028 ca). Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước của đợt dịch kể từ ngày 27/4 đến nay là 242.603 ca, trong đó có 86.371 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tại Hải Phòng, địa phương ghi nhận được 35 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 29 ca đã xuất viện và 6 ca đang được điều trị cách ly. Các cơ sở cách ly y tế và một số khách sạn trên toàn thành phố đang thực hiện cách ly tập trung cho 842 người. Hiện có 1.569 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, Hải Phòng đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường ứng phó, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn. Cụ thể, ngày 7/5/2021, thành phố có Quyết định số 1279/QĐ-UBND về việc thành lập 7 chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 liên ngành để kiểm soát hướng vào thành phố bằng đường bộ. Cùng với đó, lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu UBND các huyện Thủy Nguyên, An Dương, An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng thành lập các chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh tại các đường mòn, lối mở, bến đò, bến phà tiếp giáp với hai tỉnh Hải Dương và Thái Bình.

Một cuộc họp trực tuyến về tăng cường chống dịch của Thành phố Hải Phòng

Căn cứ diễn biến dịch ở các địa phương bạn và tại Hải Phòng, thành phố đã tiếp tục có những văn bản điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp cũng như áp dụng những biện pháp cấp bách hơn nữa để ứng phó với tình hình dịch bệnh, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Thực hiện công văn số 4958/UBND-VX ngày 24/7 của UBND Thành phố, hơn 20.000 lao động ngoại tỉnh (Hải Dương và Hưng Yên) đã được các doanh nghiệp bố trí chỗ ở hoặc hỗ trợ bằng tiền mặt để người lao động yên tâm ở lại Hải Phòng phòng dịch. Ngoài ra, nội dung văn bản trên cũng đề cập, dừng hoạt động kinh doanh phục vụ ăn uống trong nhà (chỉ cho phép bán mang về) kể từ 0 giờ ngày 25/7…
Ủng hộ các biện pháp chống dịch của thành phố
Theo chia sẻ của nhiều công nhân là người Hải Dương đang phải ở lại Hải Phòng để chống dịch, việc “bất ngờ” phải ở trọ làm phát sinh nhiều chi phí và bất tiện khác. Song, những người này cho rằng, việc làm trên là cần thiết và ủng hộ chủ trương chống dịch của thành phố.
Chị Nguyễn Thị Sánh (35 tuổi, HKTT tại xã Kim Tân, huyện Kim Thành, Hải Dương), công nhân công ty TNHH Công nghiệp nhựa Kyowa Việt Nam-KCN Tràng Duệ, huyện An Dương, Hải Phòng cho biết, được công ty hỗ trợ tiền nhà ở 50.000 đồng/ngày, chị và một đồng nghiệp cùng quê bảo nhau thuê chung một căn nhà trọ gần công ty để tiết kiệm chi phí. “Yêu cầu người lao động ngoại tỉnh ở lại là một chủ trương đúng đắn của thành phố Hải Phòng. Phòng dịch là phòng cho tất cả mọi người chứ không riêng ai, riêng địa phương nào nên mỗi người cần chủ động, khắc phục khó khăn của bản thân. Bởi chỉ cần xuất hiện 1 ca F0 trong nhà máy, doanh nghiệp phải đóng cửa, chúng tôi có thể mất việc làm, thậm chí mất cả tính mạng”, chị Sánh đánh giá.

Chị Sánh tranh thủ nhặt rau nấu bữa cơm chiều ở xóm trọ

Có 2 con nhỏ phải gửi ông bà ngoại trông giúp, anh Nguyễn Văn Trung (31 tuổi, quê ở xã Đại Đức, huyện Kim Thành, Hải Dương) chia sẻ, công ty của anh tại KCN Tràng Duệ, huyện An Dương, Hải Phòng có chính sách hỗ trợ 100.000 đồng/ngày cho người lao động ngoại tỉnh phải ở lại Hải Phòng trong thời gian này. “Việc ở trọ tuy có phát sinh nhiều chi phí sinh hoạt, phải mua sắm đồ dùng… song công việc được duy trì nên thu nhập của chúng tôi vẫn đảm bảo để nuôi gia đình. Chỉ mong sao dịch bệnh sớm kết thúc để cuộc sống trở lại bình thường”, anh Trung nói.

Quán bún chả của anh Trung treo biển bán cho khách mang về

 Thuê mặt bằng mở quán bún chả trên phố Hàng Kênh (quận Lê Chân) được khoảng 1 năm, anh Trần Văn Trung (33 tuổi) kể lại, số tiền anh đầu tư vào quán lên đến hàng trăm triệu nhưng đợt dịch này kết thúc chưa được bao lâu lại đến đợt dịch khác khiến quán phải hoạt động cầm chừng, thậm chí có lúc phải đóng cửa. “Tôi rất biết ơn lãnh đạo thành phố Hải Phòng có những chủ trương đúng đắn, kịp thời bảo vệ sự an toàn cho người dân thành phố, giúp chúng tôi có cuộc sống sinh hoạt bình thường nhất có thể như hiện nay. Chúng tôi mong thành phố và các đơn vị, cá nhân liên quan tiếp tục có sự hỗ trợ người dân chúng tôi ổn định đời sống. Mong ngành Điện lực giảm 30% hóa đơn tiền điện”, anh Trung bày tỏ.

Bạn đang đọc bài viết Người lao động ủng hộ các biện pháp chống dịch của TP. Hải Phòng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới