Thứ sáu, 26/04/2024 17:26 (GMT+7)

Ô nhiễm môi trường trong sản xuất miến dong Án Lại (Cao Bằng)

MTĐT -  Thứ ba, 08/12/2020 16:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dòng suối Án Lại, xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An (Cao Bằng) đang gồng mình gánh lượng nước thải ô nhiễm từ làng nghề sản xuất miến dong, gây ô nhiễm môi trường.

Trong đó phải kể tới xưởng sản xuất bột dong của Hợp tác xã miến dong Án Lại ngay cạnh Quốc lộ 3, đoạn qua xã Nguyễn Huệ là một trong những cơ sở lớn đang từng ngày gây ô nhiễm nguồn nước.

Xưởng đang trong quá trình xây dựng nhưng đã lắp đặt máy móc để sản xuất bột. Dong riềng thu hái từ ruộng, rẫy về chất đống xung quanh chờ cho vào băng tải rửa sạch đất rồi qua máy nghiền nhỏ đưa vào các bể xi măng lắng để lọc lấy bột. Toàn bộ nước thải trong quá trình sản xuất được đưa vào một hồ chứa. Tuy nhiên do dung tích hồ chứa nước thải có hạn nên hầu hết nước thải không được chứa trong hồ mà xả thẳng ra môi trường khiến cho nước trong dòng suối đen kịt, bốc mùi hôi thối, ô nhiễm nghiêm trọng.

Chất thải chất đống xung quanh xưởng sản xuất. (Ảnh: Báo Cao Bằng).

Hợp tác xã Án Lại là nơi đầu tiên trong xã đầu tư máy xát dong công suất lớn. Ông Hoàng Văn Tư, Giám đốc HTX thông tin: Mỗi ngày, HTX xát khoảng 10 tấn củ dong. Gia đình tôi có bể chứa thải rộng hơn 700 m2 nhưng vẫn không đủ để chứa nước thải. Mong các cấp chính quyền sớm đầu tư bể chứa thải diện tích lớn để hỗ trợ các hộ có máy xát dong, không để nước thải chảy ra suối như hiện nay.

Hiện nay, trên địa bàn xã Nguyễn Huệ có khoảng 30 cơ sở sản xuất bột dong, mỗi ngày sản xuất hàng tấn bột dong. Nhưng tất cả các cơ sở này đều không có biện pháp xử lý nước thải mà xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước. Ðề nghị UBND huyện Hòa An và các cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Nguyễn Huệ.

Anh Trịnh Hoàng Ninh, xóm Nà Danh, một hộ dân nghiền bột dong cho biết: “Mỗi ngày, máy của gia đình nghiền từ 5 - 10 tấn củ dong. Trước đây gia đình tôi còn để nước thải chảy vào ruộng của nhà nhưng sợ nước ngấm xuống các mạch nước ngầm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của dân nên hiện nay nước thải ban đầu sẽ cho vào bể chứa. Khi nước thải ở các bể chứa đầy thì lại cho chảy ra suối. Dù biết xả nước thải ra suối sẽ gây ô nhiễm môi trường nhưng do không có chỗ xử lý nên gia đình tôi vẫn phải xả nước thải ra dòng suối Án Lại.

Nghiền dong tại Hợp tác xã Án Lại, xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An. (Ảnh: Báo Nông nghiệp).

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Hương, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huệ cho biết: Nhiều năm trước đây, những hộ làm sản phẩm miến dong Án Lại sẽ tự thành lập các nhóm để mua máy xát nhưng máy công suất nhỏ nên lượng chất thải ra suối chưa nhiều. Mấy năm gần đây, thấy nghề trồng dong, làm miến đem lại hiệu quả kinh tế cao nên người dân mở rộng diện tích trồng dong.

Thấy nhu cầu bột dong ngày càng cao, nhiều hộ dân, hợp tác xã đầu tư máy xát công suất lớn để xát củ dong nên lượng nước thải mỗi ngày quá lớn không có chỗ xử lý nên đã cho chảy ra suối Án Lại. Xã đã nhiều lần báo cáo tình trạng này lên huyện Hòa An. Tuy nhiên, kinh phí để xây các bể chứa thải quá cao nên huyện vẫn chưa tìm được nguồn kinh phí hợp lý để đầu tư cho địa phương, ông Hương cho biết thêm.

Việc giữ nghề truyền thống để phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương là  việc tốt. Tuy nhiên, hàng trăm khối nước thải từ hoạt động xát dong chảy ra suối Án Lại gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến nhiều hộ dân sống quanh khu vực xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An. Vì vậy rất cần sự quan tâm, đưa ra những giải pháp tốt nhất để vừa có thể phát triển làng nghề truyền thống lại đảm bảo vệ sinh môi trường.

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm môi trường trong sản xuất miến dong Án Lại (Cao Bằng). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

PV (T/h)

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới