Thứ bảy, 27/04/2024 01:28 (GMT+7)

PGS. TS Bùi Thị An: “Thiếu khung pháp lý, dựa vào đâu để quản lý khu công nghiệp sạch?“

MTĐT -  Thứ ba, 07/09/2021 09:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đó là nhận định của PGS.TS. Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng khi bàn luận về câu chuyện phát triển “khu công nghiệp sạch”.

PV:Hiện có nhiều dự án mới mang tên “KCN sạch”, nhưng theo tìm hiểu thì trong các quy định, pháp lý hiện tại chưa có quy định rõ ràng về “KCN sạch”. Điều này đang đặt ra nhiều lo ngại trong việc triển khai và quản lý loại hình này, bà nhìn nhận như thế nào?

PGS.TS. Bùi Thị An: Trong thời gian gần đây, có nhiều dự án những KCN mang tên KCN xanh, sạch nhưng thực tế cho đến nay tôi chưa thấy có các tiêu chí cụ thể để đánh giá như thế nào là khu công nghiệp sạch, "sạch" về môi trường đất, nước và không khí, hay sạch trong khu làm việc hay sản phẩm sạch, sản xuất sạch… (hay là đã có nghị định nào của Chính phủ quy định mà chúng tôi chưa biết).

Nếu có KCN sạch là tốt, cần thiết và đây cũng là mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, do đó, cần phải làm rõ tiêu chí cụ thể để đánh giá, kiểm định và có cơ chế quản lý, quy trách nhiệm rõ ràng. Ai là người phê duyệt, ai giám sát, ai đánh giá, ai quản lý… loại hình này?

Nếu không có quy định cụ thể mà cứ thế triển khai thì sẽ rất nguy hiểm. Trên thực tế có nhiều cụm công nghiệp ban đầu xác định các tiêu chí sạch nhưng đến cuối lại gây ô nhiễm, gây bức xúc cho người dân bởi vì không biết dựa vào đâu để kiểm định chất lượng. Nếu không dựa trên quy định chung, thì doanh nghiệp cứ mạnh ai nấy làm. Tự xưng là khu công nghiệp sạch còn chất lượng thực tế có chuẩn “sạch” không thì khó để xác định và cũng khó quy trách nhiệm nếu nó không “sạch”.

Khu công nghiệp sạch

PV:Tức là chủ đầu tư dự án “khu công nghiệp sạch” cũng sẽ không biết dựa vào đâu để triển khai dự án ngoài pháp luật về đầu tư nói chung nên sẽ triển khai theo ý mình, nhà quản lý cũng không biết dựa vào đâu để quản lý cho đúng?

PGS.TS. Bùi Thị An: Phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn trước thì khi triển khai mới có cái để dựa vào đó mà đối chiếu xem việc thực hiện có đúng hay không đúng, phù hợp hay không phù hợp. Còn hiện giờ, nghe thấy chỗ này chuẩn bị làm khu công nghiệp “sạch”, chỗ kia chuẩn bị làm khu công nghiệp sạch nhưng “sạch” như thế nào thì chưa ai biết cả. Trong luật mới chỉ có quy định về khu công nghiệp sinh thái, cũng bao gồm tiêu chí sản xuất sạch hơn. Vậy tại sao không sử dụng tên gọi “khu công nghiệp sinh thái” và thống nhất một mô hình để dễ dàng triển khai, quản lý? Đây cũng là điều cần làm rõ.

Nếu sử dụng danh xưng “khu công nghiệp sạch” thì phải làm rõ khái niệm này để tránh sự mơ hồ, nhập nhèm trong quá trình triển khai sau này. Việc quản lý cũng vậy, nếu như pháp luật không quy định rõ thì biết dựa vào đâu để quản lý.

Khu công nghiệp sạch
Khu công nghiệp sạch có thể chỉ "sạch" trên bản vẽ, trên tên gọi nếu không có pháp lý quy định cụ thể. (Ảnh minh họa)

PV:Hệ lụy có thể nhìn thấy rõ khi triển khai một mô hình khu công nghiêp chưa được pháp luật điều chỉnh là gì, thưa bà?

PGS.TS. Bùi Thị An: Vì tiêu chí chưa rõ ràng, cho nên các khu công nghiệp nói là “sạch” nhưng chưa chắc đã “sạch”. Chưa có tiêu chí cụ thể, chuyện các dự án tự “ngộ nhận” là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Việc gọi tên một loại hình phải cẩn trọng đặc biệt là khi gắn với các từ ngữ như “sạch”, “xanh”. Bởi trong bối cảnh hiện tại, khi môi trường ngày càng ô nhiễm, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, các khu công nghiệp thời gian qua lại tác động xấu tới môi trường thì xu hướng xanh, sạch sẽ được quan tâm. Do đó, cũng không loại trừ khả năng, các tổ chức, cá nhân lợi dụng vào những cụm từ này để nhằm đạt được lợi ích nào đó. Đơn cử như, một thời có trào lưu các dự án bất động sản đua nhau gắn chữ “eco”, “green” “xanh” vào tên gọi, quảng cáo dự án với giá trị lớn hơn nhưng thực tế là dự án nhà ở đó có “xanh” hay không thì không ai kiểm định. Nhiều khách hàng “vỡ mộng” khi nhận nhà dù họ phải bỏ ra khoản tiền nhiều hơn. Với khu công nghiệp cũng vậy, việc các doanh nghiệp xin làm dự án khu công nghiệp sạch để dễ bán hơn, dễ cho thuê hơn hay giá trị đất đai được nâng lên cũng là vấn đề hoàn toàn có thể xảy ra. Người thiệt sẽ là người dân, nhà đầu tư.

Đề nghị các cơ quan quản lý cũng phải làm rõ vấn đề này. Pháp luật phải theo kịp thực tiễn để kịp thời điều chỉnh. Nếu không sẽ dẫn đến nạn tự phong là khu công nghiệp sạch. Thấy dự án này sạch thì dự án kia cũng sạch. Nhà đầu tư có thể phải trả một cái giá cao hơn nhưng chất lượng hạ tầng khu công nghiệp đó có thể không tương xứng. Kể cả bất động sản xung quanh khu công nghiệp gọi là “sạch” cũng sẽ được đẩy lên cao hơn vì yếu tố “sạch” chưa được định lượng đó. Thị trường sẽ khó có thể minh bạch mà ắt sẽ có sự nhiễu loạn. Việc phát triển khu công nghiệp cũng khó có thể ổn định và bền vững.

PV:Bà đánh giá như thế nào về các quy định pháp lý liên quan đến khu công nghiệp và quản lý khu công nghiệp hiện tại?

PGS.TS. Bùi Thị An: Về các tiêu chí liên quan đến khu công nghiệp và quản lý khu công nghiệp hiện tại, đặc biệt liên quan đến yếu tố môi trường trong luật đã quy định rõ. Có điều ở đây, về vấn đề quản lý, có nơi chặt, có nơi không chặt, có những cơ quan làm tốt, cơ quan làm chưa tốt dẫn đến thực trạng ô nhiễm môi trường rất nặng hiện nay. Ví dụ, trong luật đã quy định khí thải thải ra phải bao nhiêu %, hay nước thải ra phải đạt tiêu chuẩn như thế nào mới được xả ra môi trường nhưng trước hết là do các chủ đầu tư đã không tuân thủ luật, hay có hiện tượng vì các cơ quan quản lý làm chưa đúng chức năng, quản lý không chặt dẫn đến môi trường quanh nhiều khu công nghiệp bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Khu công nghiệp sạch
Cần có mô hình khu công nghiệp theo hướng phát triển bền vững và có quy định pháp lý cụ thể. (Ảnh minh họa)

Xin nhấn mạnh lại, việc có những mô hình khu công nghiệp mới theo hướng sạch, sinh thái là rất cần thiết để khắc phục những hạn chế của các khu công nghiệp tại Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, quy định về khu công nghiệp nói chung mặc dù đã có nhưng vẫn chưa đảm bảo được việc phát triển đúng hướng, đảm bảo không gây ảnh hưởng môi trường, thì lấy gì để đảm bảo rằng, một mô hình mới gọi là “khu công nghiệp sạch” sẽ phát triển đúng như tên gọi khi không được nhắc tới trong bất kỳ văn bản pháp lý nào hiện tại?

PV:Việc kêu gọi nhà đầu tư FDI vào các khu công nghiệp Việt Nam phải chăng cũng cần dựa trên các tiêu chí cụ thể để chọn lọc?

PGS.TS. Bùi Thị An: Việt Nam luôn chủ trương việc trải thảm đỏ thu hút vốn đầu tư FDI và các khu công nghiệp là nơi thu hút dòng vốn FDI rất lớn trong thời gian qua. Tuy nhiên, phải nói rằng, chúng ta không thu hút FDI bằng mọi giá mà cần lựa chọn những nguồn vốn chất lượng, tức là phải đảm bảo phát triển bền vững theo 3 trụ cột: Kinh tế - Xã hội - Môi trường. Những nhà đầu tư được lựa chọn là những doanh nghiệp đem lại lợi ích kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, sử dụng công nghệ cao, sản xuất sạch, không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Nhưng trước hết, để thu hút được “đại bàng” đến làm tổ tại các khu công nghiệp của ta thì “chiếc tổ” cũng cần đáp ứng các nhu cầu của họ, không chỉ đơn thuần là giải phóng mặt bằng mà phải tạo thành một hệ sinh thái hạ tầng trong khu công nghiệp.

Khu công nghiệp sạch

Mặt khác, việc hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan là rất quan trọng để vừa đáp ứng các yêu cầu phát triển trong thực tế, vừa tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI hoạt động. Các doanh nghiệp FDI rất "ngại" rủi ro pháp lý, họ muốn tuân thủ đúng pháp luật của đất nước mà họ đến đầu tư. Nhưng muốn vậy thì các quy định pháp luật phải rõ ràng, công khai, minh bạch.

Nếu chúng ta triển khai mô hình khu công nghiệp sạch, muốn thu hút các nhà đầu tư này vào đầu tư sản xuất và giữ chân họ thì phải có quy định chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi của họ. Đồng thời, phải có pháp lý dẫn đường thì doanh nghiệp mới dễ dàng hoạt động, nếu mọi thứ mù mờ, không cụ thể thì khi thực hiện sẽ rất rủi ro. Và thực tế là không ai muốn đầu tư ở một môi trường ẩn chứa nhiều rủi ro./.

- Trân trọng cảm ơn bà vì những chia sẻ!

Bạn đang đọc bài viết PGS. TS Bùi Thị An: “Thiếu khung pháp lý, dựa vào đâu để quản lý khu công nghiệp sạch?“. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Reatimes

Cùng chuyên mục

Tin mới