Thứ sáu, 03/05/2024 20:28 (GMT+7)

Phạm Xuân Thời - Cánh chim không biết mỏi!

Ghi chép của Nguyễn Lộc -  Thứ hai, 28/02/2022 14:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày đầu gặp, hắn giới thiệu: “Tôi là Thời ròm đây!”. Tôi lặng im nhìn hắn, miên man nghĩ đến câu thơ của Nguyễn Duy: “… Thân gầy guộc, dáng mong manh, mà sao nên lũy nên thành tre ơi!...”...

Không sai, trước mặt tôi là “Tre Việt Nam” chính hiệu có biệt danh “Thời ròm”. Với cái body gầy guộc, ốm tong ốm teo vật vờ trước gió, mà khi lao vào công việc thì lại thông minh đa tài, kiên cường nhanh nhẹn, có chút ngông cuồng nhưng lại tốt bụng đến lạ …

tm-img-alt

Vợ chồng Phạm Xuân Thời

Người của …Covid-19 !

Một con số đáng nể phục: Hơn 1 tỷ  đồng, 20 tấn gạo, hàng trăm thùng sữa, mì gói, nước yến, cháo yến … do Thời ròm tự bỏ ra và kêu gọi mọi người giúp sức thông qua Facbook. Người dân Dầu Giây tốt bụng tin tưởng nên hưởng ứng chung góp, chuyển đến tận tay người nghèo, người tha hương làm ăn ở TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai bị ảnh hưởng dịch bệnh phải trở về quê, người bị cách ly F0 tại nhà…

tm-img-alt

Những hình ảnh Phạm Xuân Thời cùng bà con Dầu Giây hỗ trợ người dân mùa Covi-19

“Tôi ra đường, thấy dòng người tuôn chảy về miền Trung mà nghĩ đến sự gian khổ trong hành trình hồi hương của họ. Một số người dân đem bánh mì và nước bỏ bao đứng giúp người về quê đầu tháng 10 nhưng họ nhanh chóng không còn gì để phát vì người về quá đông. Ngay lập tức, tôi gọi điện cho vợ mang sữa và nước yến, có cái gì lấy cái đó, tập trung tại một điểm phát rồi livestream kêu gọi. Người dân xung quanh nhìn thấy tôi, họ mang vác đủ thứ đến, cùng nhau đứng phát cho người hồi hương”,  Thời tâm sự

Một thoáng trầm tư, hắn tiếp: “Có một anh chủ nhỏ, cầm xấp tiền 200 ngàn phát cho từng chiếc xe máy đi qua, không ngờ chỉ thoáng một giờ hết hơn 40 triệu bạc. Bốn bạn trẻ đứng phát 20 triệu xong thấy nhiều người đáng thương quá đem thêm 20 triệu nữa. Nhiều người dân đem đến đưa tận tay mình 5, 10, 17, 20 triệu, mình đổi ra tời 100 ngàn giao cho 2 em phát kèm phần ăn, sữa và nước. Có nhiều bạn trẻ đứng phát cơm hộp, nước uống, bánh trái…đứng phát suốt mà không ca thán gì. 4 ngày chúng tôi được dân đưa đến gần 1000 thùng sữa, hàng trăm thùng bánh và hàng ngàn thùng nước suối. Mỗi ngày chúng tôi dùng hơn 10 ngàn bao nilon nên chúng tôi ước tính đã cho đi hơn 1 tỷ trong 4 ngày đầy tình người… Mọi cảnh ngộ, từng đoàn người ghé nhận, nói lời cảm ơn rồi chia tay bằng nụ cười hiền hậu, biết ơn. Vậy là đủ, dù chiều nào cũng dầm mưa đứng phát nhưng người thiện nguyện Dầu Giây chúng tôi đã thấy ấm lòng..”

tm-img-alt

Mấy ngày này, thấy Thời ròm chạy ngược chạy xuôi lo miếng ăn, sữa và thuốc sủi C để cho bệnh nhân F0 bị cách ly tại nhà, tôi không tài nào hiểu nổi năng lượng đâu trong cơ thể con người nhỏ thó này lại nhiều đến thế, như cánh chim không biết mỏi!

Tranh thủ thời gian tôi vào tận rẫy thăm Thời ròm, đem theo nhíp cắt móng tay cho hắn để hắn thấy vậy mà thương bản thân. Hắn nói chuyện điện thoại liên tục, tôi lăn đùng ra ngủ trưa lúc nào không biết. Thức dậy thấy một trái bưởi đã bóc vỏ để sát bên mình còn Thời ròm biến mất tiêu. Bước ra ngoài vườn loay hoay đi dạo thì bất thình lình chuông điện thoại đổ. Đầu bên kia là chị Thảo (vợ của Thời ròm- PV) nói giọng con gái Đà Lạt nhão nhoẹt: “Mẹ” Thời (tiếng gọi yêu của vợ Thời ròm) chạy về nhà ngoài Dầu Giây lấy sữa gạo nước yến chở đi giúp F0 rồi!”

tm-img-alt

Một đêm Thời ròm chỉ ngủ 4 tiếng đồng hồ. Hai tay 2 chiếc điện thoại, người dân gọi đến liên tục, Thời ròm nói như sáo không ngừng nghỉ. “Làm gì thì làm, mỗi tối tôi phải dành thời gian livestream, xong rồi thỉnh thoảng phải chạy ra với anh em đội tự nguyện phản ứng nhanh, giúp người đi qua cầu vượt ban đêm bị thủng bánh xe hoặc tai nạn. Ai bị tai nạn gọi là chạy ngay, bất kể giờ giấc đêm hôm khuya khoắt.

Còn ban ngày, phải tranh thủ về chăm vườn bưởi, nuôi yến, chơi với chim bồ câu, bìm bịp”- Thời ròm nói nhẹ tênh mà tôi nghe hoa tai chóng mặt.

tm-img-alt

Khi nhận thông tin, Thời ròm gọi điện chuyển cho chính quyền địa phương xử lý. “Nhiều người hiểu thì thương, còn lại phần lớn là họ chỉ rắc rối phiền hà”,  hắn nói.  Đứng ở góc độ người dân, Thời ròm nói thay tiếng nói của người họ. Bức xúc lắm Thời ròm mới viết báo, nhờ công luận lên tiếng rồi chuyển đường link cho cơ quan chức năng. Thời có thêm cái may mắn tân Bí thư tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Hồng Lĩnh rất gần gũi và chịu lắng nghe. Thêm Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng lúc nào cũng nghe máy nên nhiều vụ việc cũng được giải quyết ngay, cả những vụ đã có báo cáo cho Tỉnh uỷ nhưng cũng được yêu cầu điều tra lại… “Chẳng hạn, vụ giá test  nhanh Covid-19 giá trên trời, nhờ mình la làng mà bà con đỡ khổ!”- Thời ròm nhớ lại.

Điệp khúc…bất đắc dĩ!

Chưa sống và làm việc với Thời ròm, tôi cũng có lúc nhìn Phạm Xuân Thời qua Facebok là đối tượng ngông cuồng, chửi bới lung tung để câu like kiếm tiền. “Gần gũi hắn có ngày chuốc họa vào thân” - nhiều người khuyên tôi như vậy. Gặp những trường hợp như vậy, tôi chỉ biết an ủi mình: “Bắt bớ một mạng người, tống vào tù thì rất dễ, nhưng để định hướng đồng hành cảm mến, yêu thương nhau mới là điều khó. Bao giờ cái suy nghĩ cứ hở tí là bắt tống tù của một số người mới chịu dẹp bỏ đây!”.   

tm-img-alt
Phạm Xuân Thời tự tay vẽ biển báo hướng dẫn giao thông tại cầu vượt Dầu Giây

Cũng từ những suy nghĩ bâng khuâng đó, tôi quyết định xuống nhà Thời ròm ở Dầu Giây lăn lê bò càng một đêm để…trải nghiệm! Đang uống trà thì có khách bên Ủy ban thị trấn Dầu Giây qua nhờ Thời ròm vận động người dân đi bầu cử. Một trong hai người lên tiếng: “Sao nhìn anh Thời hốc hác quá vậy!”. Thời ròm không cần suy nghĩ, hóm hỉnh đáp: “Tối qua có ông phóng viên đẹp trai hơn tôi ở lại nhà nên tôi phải thức để canh chừng, sợ mất vợ, hì hì…”. Câu chuyện đang vui thì bị tiếng chuông điện thoại tôi cắt ngang. Đầu bên kia nói: “An ninh nhờ em hỏi, anh chơi thân và còn ở lại nhà anh Thời nữa, có thấy ảnh nhận hối lộ, tiền bạc gì không?”. Vì tế nhị và quá nhạy cảm nên tôi cúp máy. “Thì ra có người theo dõi Thời ròm. Trong khi tôi đang nợ Thời ròm một bữa cơm tối, nương thân qua đêm, sáng ra đang chè cháo. Ai mà non nớt hỏi tôi mấy chuyện chết người như vây!”- tôi nghĩ thầm. Tiễn khách, tôi đem câu chuyện kể lại cho Thời ròm nghe, hắn phá cười nói: “Con vợ tui mê tiền lắm, nhưng chưa bao giờ nhận một đồng tiền của ai. Giúp người dân, con gà củ khoai trông rẫy đem ra tui cảm động quá nên mới nhận cho họ vui”…

Nói nhiều thế để biết tính nết của Thời ròm. Trở lại vấn đề duyên nợ với nghề báo, trước đây, Thời ròm chỉ chơi Facbook, phản ánh nhiều bức xúc của người dân, quanh khu vực Dầu Giây (huyện Thống Nhất, Đồng Nai). “Thấy Thời ròm livestream là người dân vào nghe, còn quan chức địa phương thì theo dõi ngán ngẫm, xem có nói gì liên quan đến mình không”- Thời ròm tiết lộ.

tm-img-alt

Tự chơi các loại nhạc cụ và sáng tác nhạc tặng các y bác sĩ tuyến đầu cuộc chiến Covid-19

Sau này tôi biết được, thông qua Facbook, Thời ròm cũng “bốc phốt” hạ bệ hàng loạt quan chức địa phương. “Mấy ông quan về vườn giờ gọi điện cám ơn tui. Nhờ tui mà bây giờ họ dám công khai tài sản, làm nhà to của rộng không giấu diếm như lúc trước làm việc Nhà nước nữa!”- Thời ròm vừa nói vừa cười.

Bao năm lăn lộn tại Dầu Giây, Thời ròm là kho báu về thông tin. Nhiều nhà báo lớn cũng muốn kết giao để có đề tài. Thời ròm cũng hăng hái nhiệt tình đưa các bạn nhà báo đi viết bài phản ánh nhiều vấn đề bức xúc ở hai huyện Trảng Bom và Thống Nhất (Đồng Nai). Nhưng khi về gặp cầu vượt Dầu Giây thi công chậm như rùa bò  (Dân địa phương gọi là cầu… “Cụ Rùa”) thì bó tay, không nhà báo nào theo đuổi tới cùng!

Quá bức xúc, Thời ròm viết bài luôn gửi cộng tác nhiều báo, nhưng đề tài cầu vượt Dầu Giây thì luôn bị gạt ra. “Tôi trực tiếp trao đổi với Trưởng đại diện Phía nam của Tạp chí Ngày Nay ở TP HCM. Với năng lực mình, tôi đã được ban biên tập đồng ý, nộp hồ sơ và quyết định làm “nhà báo” để không lệ thuộc ai”, Thời ròm nói về về sự bất đắc dĩ trở thành phóng viên của Tạp chí Ngày Nay, một cơ quan ngôn luận của Hiệp hội UNESCO như vậy.

tm-img-alt

Tự chơi các loại nhạc cụ và sáng tác nhạc tặng các y bác sĩ tuyến đầu cuộc chiến Covid-19

Thời ròm còn nhớ như in loạt bài đầu tay viết về cầu vượt Dầu Giây: Huyết mạch giao thông bị tắc nghẽn vì vốn; Ngừng thi công, cầu vượt thành … cầu giăng bẫy! Công trình chậm tiến độ, trách nhiệm thuộc về ai? … Cứ như vậy, Thời ròm viết bằng cả trái tim, đến nay cầu vượt thi công được hơn 4 năm 10 tháng thì Thời ròm cũng ký hợp đồng chính thức làm phóng viên hơn một năm!“Nhờ cầu cụ rùa mà Thời ròm làm phóng viên, cầu xây xong, sức khoẻ không cho phép chắc cũng thôi làm báo!”- Thời ròm cười nghiêng ngả.

Bí thư Tỉnh uỷ và Chủ tịch HĐND tỉnh “Yêu cầu cơ quan chức năng xem xét và cầu điều tra hình sự đơn vị thi công cầu vượt Dầu Giây vì chậm và gây mất an toàn” sau nhiều bài viết tâm huyết của tôi về cây cầu Cụ rùa là tôi cảm thấy mình sắp đạt đích. Mấy hôm nay họ làm tổng lực nên nhanh và an toàn”, Thời ròm lại cười khà kha…

Khi bạn đọc những dòng này về Thời ròm thì cầu Cụ Rùa đã tăng tốc thi công, sắp hoàn thành, còn “Cụ Thời” nhà ta cũng thôi làm báo! Đối với Phạm Xuân Thời, vậy là đủ. Cuộc sống của hắn hầu như rất khó phân biệt vì ngày và đêm, từ thiện hay việc làm cứ đan xen liên tu bất tận. Thiện nguyện với xã hội đã là một phần tất yếu của “cây tre made in Việt Nam” này rồi!

Bạn đang đọc bài viết Phạm Xuân Thời - Cánh chim không biết mỏi!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.