Thứ sáu, 26/04/2024 20:08 (GMT+7)

Đơn vị nào xây dựng sai phép trong vùng lõi Di sản Tràng An?

Nhóm PV -  Thứ hai, 16/12/2019 10:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Năm 2020, Ninh Bình được chọn là địa điểm tổ chức năm Du lịch Quốc gia với chủ đề: Hoa Lư - Cố đô ngàn năm. Thế nhưng thời gian này, vùng lõi di Di sản Tràng An đang bị xâm phạm nghiêm trọng.

Sáng 10/12, tại Hà Nội, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức Họp báo thông tin về Năm Du lịch quốc gia 2020 – Hoa Lư, Ninh Bình với chủ đề “Hoa Lư –Cố đô ngàn năm”.

Quang cảnh buổi họp báo.

Tại buổi Họp báo, ông Phạm Quang Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh: Đây là sự kiện kinh tế - văn hóa - xã hội có ý nghĩa chính trị rất quan trọng đối với tỉnh Ninh Bình cũng như ngành Du lịch Việt Nam.

“Thông qua 38 hoạt động chính tại Ninh Bình (27 hoạt động do tỉnh Ninh Bình chủ trì tổ chức và 11 hoạt động hưởng ứng do các cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức) cùng với 79 sự kiện do 24 tỉnh, thành phố tổ chức nhằm hưởng ứng và chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2020, chúng tôi tin tưởng rằng qua sự kiện năm Du lịch quốc gia 2020 Hoa Lư – Ninh Bình, những giá trị, tiềm năng của du lịch Ninh Bình nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục được khai thác, phát huy và quảng bá hiệu quả, góp phần thiết thực chào mừng đại hội đảng các cấp và hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như kỳ vọng của Đảng, Chính phủ và Nhân dân cả nước”, ông Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh.

Theo thông tin từ Ban Tổ chức, trong chuỗi các hoạt động thuộc khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia có 6 hoạt động được coi là điểm nhấn quan trọng gồm: Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2020 diễn ra vào 20h ngày 20/2/2020 tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, TP. Ninh Bình; Lễ hội Hoa Lư diễn ra từ ngày 1-3/4/2020 tại Khu Di tích Lịch sử Văn hóa Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.

Vùng lõi Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới Tràng An lại đang bị xâm phạm, chính quyền địa phương ở đâu?

Tuần Du lịch “Sắc vàng Tam Cốc – Tràng An” diễn ra trong quý II/2020 tại khu du lịch Tam Cốc – Bích Động và Khu du lịch sinh thái Tràng An; Hội thảo Quốc tế về Nghệ thuật hát Xẩm diễn ra trong quý II/2020; Tổ chức giao lưu nghệ thuật các tỉnh có di sản thế giới, một số tỉnh bạn trong nước và quốc tế kết nghĩa với Ninh Bình; Lễ bế mạc sẽ diễn ra vào tháng 12/2020.

Tuy nhiên, trong thời gian này, tại vùng lõi Di sản văn hoá và thiên nhiên Thế giới Tràng An lại đang bị Công ty Cổ phần Dịch vụ thương mại và Du lịch Doanh Sinh (Công ty Doanh Sinh) ngang nhiên xây dựng hàng loạt công trình sai phép, tàn phán thiên nhiên nghiêm trọng tại Khu du lịch sinh thái Thung Nham (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình)

Cụ thể, Nhà dịch vụ xông hơi Massages có ký hiệu số 24 trên tổng mặt bằng: Diện tích xây dựng thực tế 18m x 40m = 720m2 (đã đổ xong móng bê tông cốt thép, đang lắp dựng cốt théo cột). Diện tích xây dựng theo giấy phép được cấp là 480 m2;

Cụm nhà nghỉ 2 tầng có ký hiệu số 25 trên tổng mặt bằng: Diện tích xây dựng thực tế 99,5m x 20m = 1.990m2 (đã xây dựng xong tầng hầm, đang làm thép sàn mái tầng 1). Diện tích xây dựng theo Giấy chứng nhận đầu tư được cấp là 600m2, diện tích sàn 1.200m2;

Nhà nghỉ dưỡng loại 1 có ký hiệu số 18** trên tổng mặt bằng: Diện tích xây dựng thực tế 13,5m x 23m = 310,5m2 (đã đổ xong mái bê tông cốt thép tầng 2). Diện tích xây dựng theo giấy phép được cấp là 130 m2. Riêng Cụm nhà nghỉ 2 tầng có ký hiệu số 25 trên tổng mặt bằng ngoài việc xây dựng sai quy mô còn xây dựng sai vị trí so với tổng mặt bằng đã được cấp trong Giấy phép xây dựng.

Trong buổi thảo luận sửa Luật Xây dựng ngày 18/9 mới đây tại nghị trường Quốc hội, nhiều ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tập trung nêu những bức xúc với các công trình xây dựng sai phạm hiện nay.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu: "Hiện tượng phạt cho tồn tại đang phổ biến khiến người dân băn khoăn, mất lòng tin và khó hiểu". Bà cho rằng, khi sửa Luật Xây dựng, cần đưa ra nguyên tắc để triệt tiêu việc này. "Phạt theo quy định rồi thì phải xử lý, cắt, thậm chí tháo dỡ, phá bỏ nếu nó ảnh hưởng đến đời sống của người dân", bà Hải đề nghị.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga thì nêu bức xúc về tình trạng các công trình sai phạm lớn ngang nhiên tồn tại thời gian dài. "Người dân xây nhà đổ đống cát, gạch trước cửa là có lực lượng quản lý đô thị đến nhắc nhở, phạt ngay. Trong khi những công trình lớn sai phạm lớn thì không biết, hoặc biết thì chỉ phạt hành chính và vẫn tồn tại", bà Nga nêu.

Liệu có xảy ra câu chuyện "hợp thức hóa cho sai phạm" ở vùng lõi di sản Tràng An.

Theo nguồn tin riêng của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, hiện nay chính quyền tỉnh Ninh Bình và huyện Hoa Lư đang yêu cầu Công ty Cổ phần Dịch vụ thương mại và Du lịch Doanh Sinh khẩn trương hoàn thiện thêm các giấy tờ, thủ tục trong vòng 60 ngày đối với các phần sai phạm của các công trình trên. Nếu không, sẽ tiến hành cưỡng chế tháo dỡ phần vi phạm.

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên Công ty Doanh Sinh vi phạm nghiêm trọng trong việc bảo vệ Di sản Thế giới Tràng An. Trước đó, ngày 12/7/2019 UBND tỉnh Ninh Bình đã có quyết định số 363/QĐ-XPVPHC, xử phạt Công ty Doanh Sinh 400 triệu đồng vì hoạt động Khu du lịch sinh thái Thung Nham không có đánh giá tác động môi trường.

Trước đó nhiều năm, Công ty Doanh Sinh đã ngang nhiên xây dựng cổng, bốt bảo vệ, lập barie chiếm đường để làm nơi bán vé thăm quan. Điều đáng nói, tuyến đường này của nhà nước đầu tư để phục vụ cho các hoạt động phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ rừng đặc dụng Hoa Lư – Vân Long. Thế nhưng, sai phạm của Công ty Doanh Sinh đã diễn ra nhiều năm nay mà không hề bị các cơ quan chức năng của huyện Hoa Lư và tỉnh Ninh Bình xử lý.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Đơn vị nào xây dựng sai phép trong vùng lõi Di sản Tràng An?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới