Chủ nhật, 05/05/2024 19:33 (GMT+7)

Quản lý khai thác hồ Tây từ 7 sở, ngành sẽ thu về một mối

Tuệ Nhi -  Thứ tư, 16/11/2022 10:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cơ chế quản lý hồ Tây là một trong những nội dung được cử tri quận Tây Hồ đặt ra với UBND Hà Nội sau kỳ họp thứ 7 của HĐND thành phố.

Trước đó, cử tri kiến nghị Hà Nội phân cấp cho quận Tây Hồ trực tiếp quản lý toàn diện các lĩnh vực trên Hồ Tây và vùng phụ cận theo địa giới hành chính; các sở, ngành liên quan thuộc thành phố thực hiện chức năng quản lý theo chuyên ngành và quy định của thành phố. Ngoài ra, UBND quận Tây Hồ sẽ là đầu mối liên hệ các sở, ngành khi thực hiện các thủ tục hành chính chuyên ngành theo quy định pháp luật.

Trả lời cử tri, UBND TP Hà Nội cho biết, từ tháng 9/2016 đến nay, công tác quản lý khai thác hồ Tây được thực hiện theo Quy định về phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn TP tại Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 và Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 6/9/2021.

tm-img-alt
Ảnh: Internet

Để bảo tồn, phát huy các giá trị tiềm năng, lợi thế của hồ Tây góp phần xây dựng quận Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch - văn hóa của Thủ đô, UBND quận Tây Hồ đã 2 lần báo cáo, đề xuất với UBND TP về hiện trạng công tác quản lý hồ Tây. Đồng thời, quận này cũng kiến nghị UBND TP giao cho địa phương trực tiếp, toàn diện quản lý và khai thác hồ Tây.

Về vấn đề này, UBND quận Tây Hồ đã phối hợp với các Sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa và Thể thao, Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến đóng góp và các bên đều đồng thuận với nội dung đã đề xuất.

Ngày 31/5, các bên liên quan đã ban hành tờ trình liên ngành có nội dung đề xuất UBND TP chấp thuận giao quận Tây Hồ trực tiếp quản lý toàn diện các lĩnh vực trên hồ Tây và vùng phụ cận theo địa giới hành chính… và đã được Hà Nội thống nhất.

Ngoài ra, Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát nội dung tại các văn bản mà Hà Nội đã ban hành rồi từ đó đề xuất, báo cáo UBND TP.

Đến nay, Sở Xây dựng đang phối hợp với sở, ngành có liên quan đến tham mưu cho UBND TP ban hành quyết định về Quy định quản lý hồ Tây, trong đó, UBND quận Tây Hồ sẽ là đầu mối trong việc quản lý, khai thác hồ Tây.

Theo UBND Hà Nội, hiện, khu vực tiếp giáp Đầm Bảy còn 34 phương tiện của 6 doanh nghiệp gồm 5 tàu, 4 sàn nổi, 7 xuồng máy, 3 phao nổi và 15 xe đạp nước.

Để giải quyết, thành phố đã giao Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn UBND quận Tây Hồ thực hiện việc di chuyển các phương tiện, đồng thời có phương án cụ thể để tổ chức cưỡng chế, di dời, thanh lý để đảm bảo cảnh quan môi trường.

Cùng với đó, Sở Văn hóa và Thể thao cần lập phương án kinh doanh trên hồ Tây.

Trong thời gian chờ kết quả thực hiện của các sở, UBND quận Tây Hồ đã vận động các doanh nghiệp tự giác di dời phương tiện thủy của đơn vị mình ra khỏi hồ Tây.

Địa phương cũng đã báo cáo, đề xuất thành phố thành lập tổ công tác liên ngành để tổng hợp cơ sở pháp lý, tham mưu trình tự thủ tục và biện pháp xử lý triệt để đúng quy định với các doanh nghiệp.

Bạn đang đọc bài viết Quản lý khai thác hồ Tây từ 7 sở, ngành sẽ thu về một mối. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới