Thứ bảy, 04/05/2024 02:44 (GMT+7)

Quảng Ngãi: Đẩy mạnh phát triển đô thị

Minh Trí -  Chủ nhật, 05/06/2022 19:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Gần đây, huyện miền núi Trà Bồng đã điều chỉnh quy hoạch, đầu tư nhiều dự án khu dân cư, chỉnh trang đô thị và xây dựng nhiều công trình trọng điểm.

Quy hoạch, phát triển đô thị  

Có mặt tại Khu đô thị mới Trà Bồng, PV Môi trường và Đô thị điện tử ghi nhận nhiều công trình, dự án đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Mỗi dự án là một công trường sôi động đang tập kết vật tư, san lấp mặt bằng và hàng trăm công nhân hối hả thi công.

Dự án cầu Suối Nang 3 (thị trấn Trà Xuân) – một công trình trọng điểm của huyện, có tổng mức đầu tư trên 35 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022 – hiện đã giải phóng xong mặt bằng với hàng chục hộ dân được di dời tái định cư ổn định. Ngay trên công trình, nhà thầu doanh nghiệp tư nhân xây dựng cơ giới Việt Linh đã bố trí hàng chục kỹ sư, công nhân thi công nhộn nhịp. Hiện nay, công trình đã đúc hoàn thiện trên 30 dầm cầu dị ứng lực và đang đẩy nhanh tiến độ thi công đường dẫn vào hai mố cầu.

Dự án Công viên cây xanh Trà Xuân – một công trình tiêu biểu của Khu đô thị mới Trà Xuân – cũng đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Mỗi ngày, hàng chục phương tiện cơ giới chuyên dụng khẩn trương san lấp mặt bằng, hàng chục kỹ sư, công nhân thi công điện, thoát nước và trồng cây xanh… Hiện dự án đang hoàn thiện các hạng mục công trình như: Điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước, cây xanh, đường nội bộ, khu vui chơi, giải trí… Được biết, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 10 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng dịp kỷ niệm 02/09 năm nay.

Theo ông Phạm Ngọc Tuấn – Giám đốc BQL dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất Trà Bồng, hiện nay, ngoài nguồn vốn quỹ đất bố trí đầu tư những công trình khẩn cấp, huyện cũng đã huy động nhiều nguồn kinh phí khác khoảng trăm tỷ đồng để đầu tư cho các dự án khu dân cư, khu đô thị mới, bước đầu đã tạo bộ mặt mới ở nông thôn và điểm nhấn nơi trung tâm huyện lỵ. Nơi đây, huyện đã đầu tư quảng trường, tượng đài khởi nghĩa Trà Bồng, nhà trẻ, trung tâm văn hóa – thể thao, chợ trung tâm, bến xe, các cụm thương mại, dịch vụ và nơi vui chơi giải trí…

tm-img-alt
Công trình Suối Nang 3.

“Cách đây 5 năm, thị trấn Trà Xuân còn nằm trong top cuối của tỉnh Quảng Ngãi về phát triển kinh tế – xã hội; số hộ nghèo khá cao; cơ sở hạ tầng dường như không có gì; nhiều tuyến đường nội thị bị xuống cấp khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn. Gần đây, khi nhân dân ủng hộ, đồng tình chủ trương phát triển đô thị của huyện, thì trung tâm huyện Trà Bồng đã trở thành một khu phố khá sầm uất, tạo cuộc sống mới cho người dân nơi đây”, ông Tuấn cho biết thêm.

tm-img-alt
Dự án Công viên cây xanh Trà Xuân đang hoàn thiện.

Giảm nghèo bền vững

Song song với phát triển đô thị, huyện miền núi Trà Bồng đã mạnh dạn mở hướng phát triển kinh tế đồi rừng, từng bước giảm hộ nghèo ở các xã vùng cao. Hiện nay, nhiều xã đã đầu tư sản xuất nông – lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, trong đó nhiều mô hình trồng rừng, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Nông dân được chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật một cách căn bản và ứng dụng trong sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng. Nhiều loại cây trồng chủ lực được thay đổi giống mới phù hợp với từng chân đất, đã tăng năng suất, chất lượng và trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo cho đồng bào vùng cao.

Theo ông Hoàng Anh Ngọc – Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng: “Chuyện xóa nghèo cho đồng bào Trà Bồng không phải đến bây giờ chúng tôi mới đề ra. Lâu nay, huyện đã tập trung triển khai nhiều chương trình, dự án nhưng hiệu quả thấp, thiếu tính bền vững. Do đó, nhiều hộ đã xóa được nghèo nhưng vẫn liên tục tái nghèo. Gần đây, huyện đã có giải pháp giảm nghèo một cách thiết thực, được người dân đồng tình ủng hộ, đó là cho “đồng bào cái cần câu” để tạo việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống lâu dài”.

tm-img-alt
Một góc Khu đô thị mới Trà Xuân.

Như vậy, một trong những mục tiêu hàng đầu của huyện Trà Bồng hiện nay là giảm nghèo bền vững. Đảng bộ huyện vẫn đang tiếp tục đề ra các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình giảm nghèo cho người dân. Đó là tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững gắn phát triển kinh tế rừng; tiến hành quy hoạch phát triển ngành nông – lâm nghiệp và nông thôn phù hợp với từng vùng theo hướng tập trung sản xuất cây lương thực, thực phẩm, cây quế và duy trì diện tích, tăng năng suất các loại cây trồng gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm…

“Huyện tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025; Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, nhanh chóng triển khai xây dựng các khu tái định cư cho đồng bào ở khu vực có nguy cơ bị sạt lở núi; Tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ đô thị Trà Xuân đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2025; Chú trọng hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân địa phương. Ngoài ra, huyện cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước, đảm bảo thực hiện tốt chương trình xóa nghèo bền vững cho người dân, tạo động lực để huyện sớm trở thành trung tâm kinh tế – văn hóa ở phía Tây Quảng Ngãi” – ông Ngọc nhấn mạnh.

Bạn đang đọc bài viết Quảng Ngãi: Đẩy mạnh phát triển đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.