Thứ năm, 02/05/2024 17:47 (GMT+7)

Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ Việt Nam hơn 650 triệu USD trong phòng chống dịch bệnh

Duy Anh -  Thứ tư, 10/05/2023 16:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, với sự hỗ trợ quý báu cả về kỹ thuật và kinh phí từ Quỹ Toàn cầu, chúng ta đã có những kết quả đáng tự hào trong phòng, chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét.

Sáng 10/5, tại Hà Nội diễn ra hội nghị cấp cao lần thứ 49 của Ban Điều hành Quỹ Toàn cầu, diễn ra trong 4 ngày (8-12/5). Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan dự và phát biểu khai mạc hội nghị. Lãnh đạo một số bộ, ngành cùng tham dự hội nghị. 

Về phía Quỹ Toàn cầu có ông Donald Kaberuka, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét cùng các đại biểu là thành viên của Quỹ dự hội nghị.

Năm 2023, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 49 của Ban Điều hành Quỹ Toàn cầu nhằm góp phần triển khai đường lối đối ngoại chủ động tích cực hội nhập quốc tế, phù hợp với chủ trương tại Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

tm-img-alt
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, các đồng chí Lãnh đạo một số bộ, ngành chụp ảnh lưu niêm cùng các đại biểu quốc tế tham dự hội nghị cấp cao lần thứ 49 của Ban điều hành Quỹ Toàn cầu.

Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ cho Việt Nam hơn 650 triệu USD 

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, vào năm 2002, trong một hành động thể hiện tinh thần đoàn kết và lãnh đạo toàn cầu phi thường, thế giới đã cùng nhau thành lập Quỹ Toàn cầu để chống lại những đại dịch nguy hiểm nhất mà nhân loại phải đối mặt lúc bấy giờ, đó là dịch bệnh AIDS, Lao và Sốt rét.

Đây là một phong trào toàn cầu nhằm đánh bại dịch bệnh Lao, Sốt rét và AIDS và đảm bảo một tương lai lành mạnh hơn, an toàn hơn cho tất cả mọi người. 

Trong hơn 20 năm vừa qua, Quỹ Toàn cầu đã nỗ lực tài trợ hơn 55 tỷ đô la Mỹ, cứu sống 50 triệu người và giảm được hơn một nửa tỷ lệ tử vong do 3 căn bệnh này ở các quốc gia được tài trợ.

Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được tài trợ của Quỹ toàn cầu từ vòng đầu tiên vào năm 2003. Kể đó đến nay, Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam hơn 650 triệu USD cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét.

"Với sự hỗ trợ quý báu cả về kỹ thuật và kinh phí từ Quỹ Toàn cầu cùng với những cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ và sự đồng lòng của nhân dân, chúng ta rất đáng tự hào về kết quả phòng, chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét đã đạt được đến ngày hôm nay", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

tm-img-alt
tm-img-alt
Ông Peter Alexander Sands, Giám đốc Điều hành Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét thắp nến và cùng các đại biểu tham dự hội nghị tưởng niệm những người đã tử vong vì HIV/AIDS, Lao và Sốt rét

Về công tác phòng chống HIV/AIDS, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ: Sau hơn 30 năm kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1990, đến nay năm 2023 là năm thứ 15 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục đà giảm trên cả 3 tiêu chí đó là: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện; giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS.

Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư luôn được kiểm soát ở mức dưới 0,3%, giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con dưới mức 0,2%, ước tính dự phòng được khoảng nửa triệu người không bị nhiễm HIV, cứu được khoảng 200.000 người không bị tử vong do AIDS.

Mỗi năm, ngân sách của Quỹ Toàn cầu hỗ trợ cho hơn 120.000 khách hàng tiếp cận các dịch vụ dự phòng HIV; Hơn 300.000 khách hàng được tiếp cận xét nghiệm HIV, trong đó có hơn 50.000 phạm nhân trong trại giam; Cung cấp toàn bộ 100% thuốc điều trị HIV cho trẻ em nhiễm HIV trên toàn quốc, Hỗ trợ thuốc điều trị HIV cho khoảng 50.000 bệnh nhân HIV. Điều trị viêm gan C cho hơn 16.000 người nhiễm HIV và người tiêm chích ma túy năm 2022.

Về phòng, chống Lao, trong 20 năm trở lại đây, Việt Nam đã cứu sống được khoảng 1 triệu người mắc lao. Chương trình chống Lao quốc gia hiện tại đã triển khai bao phủ được 100% số quận huyện và 100% số xã, phường trên toàn quốc, 100% dân số được tiếp cận với chương trình phòng, chống Lao.

"Nguồn kinh phí từ Quỹ Toàn cầu cùng các nguồn ngân sách của Việt Nam đã được sử dụng tối ưu để tăng cường chất lượng trên tất cả các lĩnh vực từ chẩn đoán, điều trị, cung cấp hệ thống máy GeneXpert trên toàn quốc, hệ thống X-quang di động được cung cấp để thực hiện hoạt động phát hiện chủ động, và đặc biệt là nguồn thuốc điều trị Lao hàng hai để điều trị cho nhóm bệnh nhân Lao kháng thuốc" - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Về phòng chống Sốt rét: Vào những năm 1991, toàn quốc ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc sốt rét, gần 5.000 ca tử vong và gần 200 vụ dịch, nhưng đến hết năm 2022 chỉ còn hơn 400 ca mắc sốt rét (giảm trên 90%), không có dịch sốt rét và không còn trường hợp tử vong do sốt rét, Việt Nam đã có 42/63 tỉnh loại trừ được sốt rét. Nhà nước cũng đầu tư ngân sách cho công tác phát hiện, chẩn đoán sốt rét sớm, điều trị kịp thời trên toàn quốc.

"Đạt được những thành công như vậy có sự hỗ trợ quý báu của Quỹ Toàn cầu thông qua các hoạt động phòng chống sốt rét như: cung cấp hơn 3 triệu màn đôi, màn đơn, cung cấp hàng trăm kính hiển vi, hàng nghìn máy vi tính để phục vụ hệ thống phát hiện chẩn đoán sốt rét sớm, điều trị kịp thời" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, khi cả thế giới và Việt Nam phải đối mặt với dịch COVID19, Quỹ Toàn cầu đã kịp thời chung tay với Việt Nam để giảm thiểu tác động của dịch bệnh COVID-19 ngay thời điểm dịch bùng phát mạnh ở Việt Nam, bao gồm: cung cấp máy móc, thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán và điều trị COVID-19, trang bị phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế, kiểm soát lây nhiễm, đảm bảo duy trì các dịch vụ dự phòng, chăm sóc điều trị...

tm-img-alt
Quỹ Toàn cầu nhận bằng khen vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển y tế Việt Nam

Việt Nam mong muốn tiếp tục được sự ủng hộ, tài trợ của và bạn bè quốc tế

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các chiến lược với mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 là "Cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, Lao và loại trừ Sốt rét". 

"Chúng tôi xác định và nhận thức rõ các khó khăn và thách thức, dịch HIV/AIDS đã có những thay đổi về hình thái lây truyền và nhiều diễn biến phức tạp", người đứng đầu ngành y tế Việt Nam nói.

Mỗi năm, Việt Nam vẫn ghi nhận hơn 10.000 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện và có khoảng 2.000 người tử vong do AIDS. Vẫn còn khoảng gần 30.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Việt Nam vẫn đang đối mặt với gánh nặng về xã hội và chăm sóc sức khỏe cho khoảng hơn 220.000 người nhiễm HIV còn sống.

Dịch Lao ở Việt Nam còn cao, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân Lao cao trên thế giới, đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Hiện nay, mỗi năm vẫn có khoảng 40% số bệnh nhân lao mắc mới chưa được phát hiện trong cộng đồng, đặc biệt là sau dịch bệnh COVID-19, tỷ lệ hộ gia đình bệnh nhân lao phải chịu gánh nặng về chi phí thảm họa lên đến 63%.

Dịch Sốt rét hiện nay đã giảm nhiều với số ca mắc chỉ còn vài trăm ca mỗi năm. Nhưng để loại trừ sốt rét vẫn còn nhiều thách thức như: mắc sốt rét kháng thuốc và nguy cơ lan tràn sốt rét kháng thuốc còn hiện hữu; sốt rét ngoại lai từ nước ngoài; nguy cơ sốt rét quay trở lại ở các vùng đã loại trừ rất cao nếu không duy trì được bền vững thành quả can thiệp.

Trước những kinh nghiệm, thành công đã đạt được trong 20 năm qua và các thách thức mới trong tương lai, trong bối cảnh phòng chống các dịch bệnh còn khó khăn, với tiêu chí không ai bị bỏ lại phía sau, Bộ Y tế Việt Nam đề nghị Quỹ Toàn cầu cũng như Chính phủ các nước, các cá nhân và tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam phát huy các thành quả đạt được, tiếp cận nhanh hơn với khoa học kỹ thuật, các sáng kiến mới, các thực hành tốt; tiếp tục huy động các nguồn lực và chia sẻ kinh nghiệm để Việt Nam đạt được các mục tiêu đề ra nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS, Lao và loại trừ Sốt rét.

"Hiện nay, giai đoạn phê duyệt kinh phí thực hiện vòng 7 (giai đoạn 2024-2026) của Quỹ toàn cầu, Việt Nam mong muốn tiếp tục được sự ủng hộ và tài trợ của Quỹ toàn cầu" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói./.

Bạn đang đọc bài viết Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ Việt Nam hơn 650 triệu USD trong phòng chống dịch bệnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.