Thứ bảy, 27/04/2024 05:21 (GMT+7)

Sân bay Long Thành, “mắt xích” quan trọng của BĐS phía Đông

MTĐT -  Thứ năm, 08/07/2021 17:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc khởi công xây dựng sân bay quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đã tạo ra những cú hích quan trọng ở thị trường bất động sản phía Đông TP.HCM.

Nhiều dự án trong khu vực này đang hưởng lợi vô cùng lớn…

Sân bay Long Thành trở thành “mắt xích” cho các hoạt động kinh tế của khu Đông

Vào cuối năm 2019, thị trường bất động sản khu Đông TP.HCM có dấu hiệu chững lại sau một thời gian bùng nổ. Nhiều nhà đầu tư cũng bắt đầu tìm kiếm kênh đầu tư khác hoặc thị trường mới. Tuy nhiên, khi kế hoạch xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành được thông báo đến đại chúng, đã tạo ra những cơ hội đầu tư mới ở khu Đông, khiến thị trường ở khu vực này vô cùng sôi động.

Ngày 5/1, dự án Sân bay Long Thành chính thức khởi công giai đoạn 1 và dự kiến sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào cuối năm 2025.  Khi hoàn thành, Long Thành sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế tầm cỡ trong khu vực, phục vụ chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam, trực tiếp chia sẻ gánh nặng cho sân bay Tân Sơn Nhất. Dự án này còn là điểm nhấn thể hiện tầm nhìn chiến lược, đưa quốc gia tăng tốc, hội nhập nhanh hơn.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, dự án Sân bay Long Thành nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Dự án có diện tích 5.000 ha, trong đó diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng Cảng hàng không là 2.750 ha, diện tích đất cho quốc phòng và xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng là 1.050 ha, diện tích đất cho hạng mục phụ trợ, công nghiệp hàng không và công trình thương mại khác là 1.200ha.

Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 336.630 tỉ đồng, tương đương 16 tỉ 030 triệu USD, được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Khi hoàn thành, Sân bay Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Sau khi Sân bay Long Thành khởi công đã khiến cho thị trường bất động sản khu Đông gồm: Tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.Thủ Đức (TP.HCM)…trở nên có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, giá bất động sản đã có sự “nhảy múa” khiến cho nhiều đầu tư trúng lớn!

Sân bay Long Thành khởi công khiến cho thị trường BĐS khu Đông có nhiều chuyển biến tích cực

Theo ghi nhận, trong thời gian qua, giá bất động sản của huyện Long Thành dịch chuyển mạnh. Nếu vào năm 2018, giá mỗi mét đất ở huyện Long Thành từ 8 - 15 triệu đồng thì đến năm 2019, mức giá đã tăng lên từ 15 - 30 triệu đồng/m2. Vào năm 2020, giá đất ở huyện Long Thành đã có sự chuyển biến mạnh lên tới 18 - 36 triệu đồng/m2. Sau khi khởi công Sân bay Long Thành, mức giá đã tăng lên từ 3 - 5% chỉ trong một thời gian ngắn.

Cũng tại huyện Long Thành, đất khu vực các xã Lộc An và Bàu Cạn đã có giá trung bình từ 5 - 6 tỷ đồng/sào. Đối với những vị trí đất đẹp, gần mặt tiền đường có giá từ 6 - 7 tỷ đồng/sào.

Tương tự, đất ở ấp An Viễn, xã Bình An hồi đầu năm 2020 giao dịch thành công với giá 2 tỷ đồng/sào thì hiện tại đã tăng gấp đôi khoảng 4 tỷ đồng/sào. Không thua kém, tại xã Phước Bình giá đất cũng đang tăng mạnh.

Tại khu vực TP.Thủ Đức (TP.HCM), từ khi xuất hiện sân bay Long Thành, giá bất động sản ở khu vực này cũng tăng nhanh. Cụ thể, ghi nhận đến tháng 6/2021, đất nền đường Nguyễn Xiển tăng gần 3%; đường Nguyễn Duy Trinh tăng 2,55%; đường Bưng Ông Thoàn tăng 3,13%; đường Nguyễn Thị Định tăng 13,91%...

Ông Chu Ngọc Trung- CEO Đất Phát Corp cho biết, việc xây dựng Sân bay Long Thành đã có những tác động mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế; Đồng thời, thể hiện được tầm nhìn và chiến lược phát triển kinh tế của Chính phủ. Đối với bất động sản, Sân bay Long Thành là “mắt xích” quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực này.

Giá bất động sản đã có những thay đổi rất lớn nhờ việc xây dựng Sân bay Long Thành. Nhiều nhà đầu tư đi trước đã thu về những khoảng lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, trước sức nóng của sân bay Long Thành, sẽ xuất hiện nhiều kẻ lợi dụng và tạo ra dự án “ma” để lừa đảo. Vì vậy, nhà đầu tư hết sức cảnh giác, thận trọng…”, ông Trung chia sẻ.

Theo DKRA Việt Nam, quý 1/2021, nguồn cung tại thị trường TP.HCM và các tỉnh giáp ranh giảm nhẹ, tuy nhiên tỷ lệ tiêu thụ tăng 37% so với quý trước. Khi quỹ đất sạch tại TP.HCM ngày càng khan hiếm, thị trường đất nền vùng ven tiếp tục giữ vị thế chủ lực.

Châu Bình

Bạn đang đọc bài viết Sân bay Long Thành, “mắt xích” quan trọng của BĐS phía Đông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới