Chủ nhật, 05/05/2024 07:52 (GMT+7)

Sửa đổi Luật Đấu giá tài sản bảo đảm tháo gỡ những bất cập hiện nay

MTĐT -  Thứ năm, 17/08/2023 16:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý cơ quan soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản cần làm rõ việc sửa đổi Luật bảo đảm giải quyết được khó khăn, vướng mắc hiện nay, bắt kịp xu hướng phát triển trên thế giới…

Nâng cao hiệu quả hoạt động đấu giá tài sản

Chiều 16/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, UBTVQH cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thực tiễn thực hiện Luật Đấu giá tài sản cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn; việc áp dụng trình tự, thủ tục đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù còn gặp khó khăn; chất lượng đội ngũ đấu giá viên vẫn còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề; còn tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.

Sửa đổi Luật Đấu giá tài sản bảo đảm tháo gỡ những bất cập hiện nay
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn.

Bên cạnh đó, còn tình trạng người có tài sản đấu giá chưa thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình, thậm chí một số trường hợp còn có biểu hiện thông đồng, móc nối để trục lợi; việc giám sát quá trình đấu giá không thường xuyên, thậm chí là “buông lỏng”.

Nhận thức của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn chưa đúng, chưa đầy đủ về vai trò, trách nhiệm và phạm vi quản lý nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản; công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương còn hạn chế nên việc phát hiện, chấn chỉnh sai phạm có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản cần được ban hành nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa, chuyển đổi số, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, khách quan, tính bền vững của hoạt động đấu giá; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động đấu giá tài sản, cũng như công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản…

Sửa đổi Luật Đấu giá tài sản bảo đảm tháo gỡ những bất cập hiện nay
Chủ nhiệm UBKTQH Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: quochoi.vn.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Chủ nhiệm UBKTQH Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sau hơn 05 năm thi hành.

Việc sửa đổi luật là cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo hướng công khai, minh bạch, áp dụng thống nhất cho các loại tài sản đấu giá nhưng vẫn bảo đảm tính đặc thù của một số loại tài sản đấu giá cụ thể trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Đấu giá tài sản; bảo đảm sự quản lý thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật…

Có thực hiện đấu giá tài sản vô hình?

Thảo luận về dự án luật, Chủ nhiệm UBTPQH Lê Thị Nga cho rằng, về xem tài sản bán đấu giá, khoản 10 Điều 1 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 36 Luật hiện hành, theo đó, khi người tham gia đấu giá có yêu cầu xem tài sản thì tổ chức đấu giá tài sản tổ chức cho người tham gia đấu giá được trực tiếp xem tài sản, hồ sơ, hình ảnh tài sản.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 36 này lại quy định: “Trường hợp tài sản đấu giá là quyền tài sản hoặc tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì tổ chức đấu giá tài sản tổ chức cho người tham gia đấu giá được xem hồ sơ tài sản, giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản và tài liệu liên quan.”

Sửa đổi Luật Đấu giá tài sản bảo đảm tháo gỡ những bất cập hiện nay
Chủ nhiệm UBTPQH Lê Thị Nga góp ý nội dung dự án Luật. Ảnh: quochoi.vn.

Đề nghị làm rõ trong trường hợp tài sản đấu giá quy định tại khoản 2 thì có thuộc loại tài sản quy định tại khoản 1 hay không? Đồng thời, với tài sản đấu giá quy định tại khoản 2 thì có đặt ra yêu cầu “khi người tham gia đấu giá có yêu cầu xem tài sản thì tổ chức đấu giá tài sản tổ chức cho người tham gia đấu giá được trực tiếp xem tài sản” hay không?

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần xác định rõ quan hệ giữa luật hình thức và luật nội dung, làm rõ phạm vi quy định của luật này trong tương quan với các luật khác. Trong nền kinh tế hiện nay, bên cạnh những tài sản hữu hình, còn có những tài sản vô hình, loại tài sản này ngày một nhiều, có giá trị rất lớn.

Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, loại tài sản này có thực hiện đấu giá hay không? Nếu có thì hình thức thực hiện đấu giá như thế nào? Cần phân định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản với các luật khác có liên quan, gồm Bộ luật Dân sự, Luật Quản lý tài sản công, pháp luật về đầu tư kinh doanh vốn nhà nước...

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cơ quan soạn thảo cần làm rõ, việc sửa đổi luật có đảm bảo giải quyết được khó khăn, vướng mắc hiện nay hay không? Để luật Đấu giá tài sản bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới hiện nay, cần có sửa đổi cụ thể như thế nào?

Sửa đổi Luật Đấu giá tài sản bảo đảm tháo gỡ những bất cập hiện nay
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại một số nước, pháp luật có quy định về hình thức “đấu giá lên” và “đấu giá xuống”, tuy nhiên, dự thảo Luật trình lần này chỉ quy định về “đấu giá lên”, chưa bao hàm hình thức “đấu giá xuống”. Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ lý do chưa có hình thức này.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, nhiều nội dung sửa đổi đề xuất trong dự thảo Luật nằm ngoài 3 chính sách đã định. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần thuyết minh rõ về các nội dung này, làm rõ các nội dung sửa đổi là để thực hiện chính sách nào, đảm bảo tính rõ ràng, chặt chẽ.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bán đấu giá tài sản là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, về nguyên tắc là cần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đề nghị nghiên cứu kỹ để không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong kinh doanh.

Trong dự thảo luật hiện quy định về 3 hình thức đấu giá, gồm đấu giá trực tiếp, đấu giá trực tuyến và đấu giá qua hệ thống bưu chính. Đề nghị rà soát kỹ các quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện tiến hành 3 hình thức này để đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ, khả thi.

Đề cập đến vấn đề khó khăn trong bán đấu giá tài sản thi hành án, cần xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo luật có những quy định đặc thù, trình tự thủ tục riêng để tháo gỡ vướng mắc trong bán tài sản thi hành án.

Sửa đổi Luật Đấu giá tài sản bảo đảm tháo gỡ những bất cập hiện nay
Chủ nhiệm UBPLQH Hoàng Thanh Tùng góp ý nội dung dự án Luật. Ảnh: quochoi.vn.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm UBPLQH Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bổ sung thêm các nội dung quy định về hình thức đấu giá, phương thức đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá… để khắc phục những bất cập những vấn đề này.

Chủ tịch Ủy ban Pháp luật cũng cho biết, Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản có quy định “Người được cấp Thẻ đấu giá viên không được kiêm nhiệm hành nghề công chứng, thừa phát lại”. Đây là quy định cần thiết để tránh xung đột lợi ích, tuy nhiên, đây là quy định liên quan đến quyền tự do kinh doanh, do vậy cần nghiên cứu, nếu cần thiết thì phải luật hóa, đưa vào luật sửa đổi bổ sung lần này…

Bạn đang đọc bài viết Sửa đổi Luật Đấu giá tài sản bảo đảm tháo gỡ những bất cập hiện nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Yên Ninh/tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khu công nghiệp trước sức ép "nâng tầm"
Việc chuyển đổi dần từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái không chỉ khắc phục được những hạn chế về môi trường, mà còn gia tăng chuỗi giá trị và thu hút được dòng vốn đầu tư bền vững.