Thứ bảy, 27/04/2024 04:35 (GMT+7)

Tác hại khôn lường của ô nhiễm không khí với cơ thể

MTĐT -  Thứ sáu, 25/12/2020 15:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ô nhiễm không khí có thể tác động tiêu cực đến các bộ phận quan trọng trong cơ thể như não bộ, phổi, gan và tim.

Hàng ngày, các chất gây ô nhiễm không khí được thải ra trên diện rộng. Không có gì ngạc nhiên khi lượng khí thải như vậy gây ô nhiễm nguy hiểm có thể đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Với mỗi hơi thở, bạn sẽ hít vào hàng triệu chất gây ô nhiễm không khí.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiếp xúc các chất ô nhiễm trong thời gian ngắn và dài hạn đều gây nhiều hậu quả bất lợi cho sức khỏe. Dưới đây là những tác động của ô nhiễm không khí với cơ thể mà bạn nên nhận biết sớm để phòng tránh.

Não bộ


Theo The Guardian, đột quỵ, mất trí nhớ và giảm trí thông minh là những tình trạng ảnh hưởng của não liên quan ô nhiễm không khí. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy giấc ngủ kém là hậu quả của việc hít thở không khí độc hại.

Bên cạnh đó, việc hít phải các kim loại nặng khác có thể gây suy yếu thần kinh. Thủy ngân gây độc cho tế bào não, làm rối loạn thần kinh, mangan dẫn đến các khiếm khuyết về thần kinh. Phụ nữ mang thai khi phơi nhiễm cadmium có thể làm giảm nhận thức ở trẻ, đặc biệt là về ngôn ngữ, khả năng phát triển nhận thức chung.

Với mỗi hơi thở hít vào, bạn sẽ hít vào hàng triệu chất gây ô nhiễm không khí. Ảnh: Carehospitals

Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Đại học California (Mỹ) cho biết người lớn tuổi tiếp xúc ô nhiễm không khí có nguy cơ cao bị tích tụ mảng bám (beta-amyloid) bất thường trong não.

18.000 người tham gia nghiên cứu đều bị sa sút trí tuệ hoặc suy giảm nhận thức nhẹ như vấn đề về trí nhớ và suy nghĩ. Họ được chụp cắt lớp PET để tìm các chất lắng đọng beta-amyloid trong não. Kết quả cho thấy 61% có khối beta-amyloid trên bản quét não. Đặc biệt, tỷ lệ này tăng lên khi họ tiếp xúc ô nhiễm không khí.

Những người sống ở những khu vực bị ô nhiễm nặng nhất 14 năm trước đó có bằng chứng về mảng bám cao hơn 10% so với trường hợp sống ở khu vực ít ô nhiễm nhất.

Hệ hô hấp


Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), các nghiên cứu cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có thể làm tăng tần suất dị ứng đường hô hấp, đặc biệt là những người sống ở thành thị. Trẻ em lớn lên ở nơi bị ô nhiễm nặng có khả năng bị thay đổi cấu trúc không đều trong niêm mạc mũi. Điều này có thể gây suy yếu đường thở, nhiễm trùng và viêm phổi.

Ozone là chất gây ô nhiễm oxy hóa mạnh phổ biến. Nồng độ ozone cao có khả năng làm tổn thương mô đường hô hấp, mô phổi, đồng thời khiến triệu chứng hen suyễn nghiêm trọng hơn, thậm chí gây tử vong.

Các chất gây ô nhiễm không khí như oxit lưu huỳnh, oxit nitơ và carbon monoxide rất độc hại. Chúng có thể làm phát triển các biến chứng hô hấp bao gồm tắc nghẽn phổi, tích tụ chất lỏng trong các mô phổi và nhiễm trùng phổi.

Tim mạch


Theo Medical News Today, các chất gây ô nhiễm sinh ra trong không khí bao gồm carbon monoxide, nitơ oxit, sulfur dioxide, ozone, chì và hạt bụi mịn. Chúng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ tim mạch. Các chất này làm tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong do bệnh tim, đặc biệt ở những người bị suy tim sung huyết, rối loạn nhịp tim.

Điều này có thể xảy ra do các chất ô nhiễm làm thúc đẩy tình trạng rối loạn chức năng mạch máu, viêm, hình thành cục máu đông và tăng huyết áp. Ngoài ra, ozone và bụi mịn có thể kích thích phản xạ thần kinh phổi, khiến nhịp tim bất thường.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Ảnh: Thebalance

Thận


Thận là bộ phận dễ bị ảnh hưởng bởi các hóa chất độc hại trong môi trường. Mặc dù thận chỉ nhận khoảng 25% lưu lượng máu từ tim, lượng lớn hóa chất và thuốc trong tuần hoàn của cơ thể đều được chuyển đến thận. Khi đó, các chất ô nhiễm độc hại tích tụ trong dịch ống của nước tiểu. Khi đạt mức độ cao, chúng sẽ làm tăng khả năng chấn thương mô trong thận.

Gan


Các chất gây ô nhiễm không khí có khả năng gây độc cho gan, làm trầm trọng thêm tình trạng viêm gan và tích tụ chất béo.

Gan là bộ phận chuyển hóa và thải độc của cơ thể. Khi bạn tiếp xúc lượng chất ô nhiễm cao và kéo dài, chúng sẽ làm suy giảm chức năng gan, gây tổn thương các tế bào gan. Điều này làm tăng nguy cơ gây các bệnh về gan ở mức độ khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người.

Làn da


Khi tiếp xúc các hạt trong không khí, làn da có thể làm xuất hiện các dấu hiệu lão hóa như đốm sắc tố và nếp nhăn. Vì vậy, người dân sống ở nơi bị ô nhiễm cao có xu hướng mắc bệnh viêm da dị ứng và nổi mề đay nhiều hơn.

Các tổn thương trên da có thể do chất ô nhiễm đi qua da, kích hoạt phản ứng viêm và sản xuất melanin từ melanocytes, gây sạm da. Bên cạnh đó, tình trạng tổn thương da do tiếp xúc chất ô nhiễm cũng làm tác động xấu đến collagen, dẫn đến nếp nhăn trên da.

Khả năng sinh sản


Các chất gây ô nhiễm không khí có thể gây rối loạn nội tiết tố, đồng thời cản trở hoạt động của hormone kiểm soát tăng trưởng, phát triển và khả năng sinh sản. Các chất hóa học độc hại này tác động thụ thể estrogen, androgen và progesterone.

Điều này gây ra những bất thường về sinh sản như sinh non, sẩy thai, dị tật bẩm sinh, lượng tinh trùng giảm và ung thư tuyến tiền liệt. Ô nhiễm không khí cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tinh dịch. Một số nghiên cứu cho thấy nam giới tiếp xúc nhiều với các chất độc hại ở môi trường có thể bị giảm chất lượng và số lượng tinh trùng.

Theo Phương Mai/zingnews.vn

Bạn đang đọc bài viết Tác hại khôn lường của ô nhiễm không khí với cơ thể. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới