Thứ bảy, 04/05/2024 07:04 (GMT+7)

Thiết kế đảo ngược giúp tăng 22,3% hiệu suất pin mặt trời

MTĐT -  Thứ năm, 13/02/2020 14:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các nhà khoa học tìm ra cách kéo dài tuổi thọ và nâng cao hiệu suất chuyển đổi năng lượng của tế bào quang điện perovskite.

Tế bào quang điện perovskite đảo ngược cho hiệu suất cao và tuổi thọ dài. Ảnh: Clean Technica

Các nhà nghiên cứu Đại học Khoa học và Công nghệ King Abdullah (KAUST), Arab Saudi và Đại học Toronto, Canada gần đây đã tìm được cách tối ưu hóa hiệu quả của pin perovskite, khi giới thiệu một thiết kế đảo ngược mới cho phép tăng hiệu suất chuyển đổi năng lượng lên 22,3% (gần bằng con số 25,2% của các perovskite cấu trúc thông thường), đồng thời vẫn cho tuổi thọ hoạt động dài.

Xiaopeng Zheng, trưởng nhóm nghiên cứu cùng các đồng nghiệp đã bổ sung một lượng nhỏ các phối tử alkylamine (AALs) với độ dài mạch khác nhau vào vật liệu perovskite. Điều này cho phép họ thay đổi một số tính chất của vật liệu, dẫn đến hiệu suất chuyển đổi năng lượng cao hơn đáng kể so với những đặc tính thường thấy trong pin tế bào quang điện perovskite hiện có.

Pin perovskite được xem là tương lai của ngành công nghiệp điện mặt trời. Ảnh: Greenomics World

"Chúng tôi nhận thấy chỉ một lượng nhỏ alkylamine thêm vào quá trình chế tạo là đủ để nâng cấp các tính chất của vật liệu bán dẫn perovskite như tăng định hướng hạt tinh thể; giảm mật độ trạng thái bẫy (trạng thái các hạt mang điện bị kẹt trong hệ thống và không tham gia vận chuyển điện tích); giảm sự tái kết hợp không bức xạ chất mang điện tích; tăng cường khả năng vận chuyển, độ dài khuếch tán và ức chế sự di chuyển ion trong perovskite", Yi Hou, một thành viên trong nhóm nghiên cứu giải thích.

Các thử nghiệm cho thấy tế bào quang điện perovskite cấu trúc đảo ngược mới có thể hoạt động trong hơn 1.000 giờ dưới ánh sáng AM1.5, mô phỏng điều kiện ánh sáng mặt trời trung bình trên mặt đất.

"Trong giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu, chúng tôi sẽ xem xét các phương pháp sản xuất tế bào quang điện perovskite để tạo ra các thiết bị diện tích lớn mà không ảnh hưởng đến hiệu suất và tính ổn định", nhóm nghiên cứu cho biết trên tạp chí Nature Energy.

Các tế bào quang điện (PV), tạo ra năng lượng từ ánh sáng mặt trời, rất hữu ích trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay. Trong nỗ lực phát triển các tấm pin mặt trời hiệu quả nhất, một loại pin màng mỏng mới, làm từ chất bán dẫn perovskite, trong những năm gần đây nổi lên như một công nghệ hàng đầu cho tương lai của ngành năng lượng.

Perovskite là vật liệu gốm có cấu trúc tinh thể, cho hiệu quả vượt trội trong việc chuyển đổi ánh sáng thành điện năng. Các tế bào quang điện perovskite có hai kiểu thiết kế chính: cấu trúc thông thường (Nip) và cấu trúc đảo ngược (Pin). Trong khi Nip nhỉnh hơn về hiệu suất, Pin lại cho thời gian hoạt động lâu hơn nhiều.

Theo Đoàn Dương (TechXplore)/Vnexpress.net

Bạn đang đọc bài viết Thiết kế đảo ngược giúp tăng 22,3% hiệu suất pin mặt trời. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Pin thể rắn có sớm thay thế pin truyền thống?
Mặc dù được coi là một sản phẩm không thể thiếu của xã hội hiện đại khi đem lại sức sống cho các thiết bị điện tử dân dụng cũng như xe điện, pin thể rắn vẫn còn là một thách thức chưa dễ hóa giải.

Tin mới

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.