Thứ sáu, 26/04/2024 22:37 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ: Phải phát triển thị trường lao động linh hoạt, bền vững và hội nhập

Yên Hòa -  Thứ bảy, 14/01/2023 19:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 14/1, Thủ tướng CP Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023 do Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức theo hình thức trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội, kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, TP.

Ngày 14/1, tại lễ tổng kết ngành LĐ-TB&XH, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong năm 2022, công tác an sinh xã hội, hỗ trợ ảnh hưởng dịch COVID-19 được Bộ LĐ-TB&XH triển khai hiệu quả, với tổng số tiền hỗ trợ giải ngân đạt trên 100.000 tỉ đồng.

Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2022 vừa qua, riêng đối với lĩnh vực lao động việc làm, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vẫn còn tác động rất lớn. Do đó, công tác cứu trợ khẩn cấp triển khai có hiệu quả với nhiều chính sách đi trước, đi sớm, đời sống nhân dân cơ bản ổn định và từng bước được cải thiện. Cùng với đó, ngành cũng đã tích cực tham mưu các chính sách hỗ trợ hơn 104 nghìn tỷ đồng cho 68,67 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động.

Năm 2022, thị trường lao động cả nước đã có sự phục hồi tương đối khả quan. So với cùng kỳ 2021, lực lượng lao động 9 tháng đầu năm 2022 đạt 51,6 triệu người, tăng 1,2 triệu người. Số lao động có việc làm 9 tháng đầu năm 2022 đạt 50,5 triệu người, tăng 1,5 triệu người. Thu nhập của người lao động bình quân 9 tháng đầu năm 2022 là 6,6 triệu đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ 2021 (trong đó thu nhập của người làm công hưởng lương đạt 7,6 triệu đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2021).

Các giải pháp điều tiết thị trường lao động, các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã giúp thị trường lao động phục hồi nhanh chóng, đã giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, không để gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, góp phần cùng cả nước phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước sau đại dịch COVID -19.

Tuy vậy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thừa nhận, vẫn còn một số tồn tại như: thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động và phát triển không đồng đều; tỷ lệ thất nghiệp chung thấp nhưng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp vẫn còn cao; cung lao động còn nhiều bấp cập, hạn chế; còn xảy ra tình trạng mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ ở một số địa phương, ngành nghề; chất lượng việc làm thấp, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức lớn; trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động mặc dù được cải thiện, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động.

tm-img-alt
Thủ tướng dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành LĐ-TB&XH có đối tượng quản lý nhiều, phạm vi rộng, tính chất phức tạp, nhạy cảm, yêu cầu cao, khả năng đáp ứng có hạn, thời gian thì "không chờ đợi ai".

"Vấn đề là chúng ta phải có cách ứng xử đúng đắn, luôn thích ứng, đổi mới, kịp thời đề xuất các cơ chế, chính sách, vấn đề liên quan đến thể chế, tổ chức thực hiện, phối hợp để quản lý tốt", Thủ tướng nói.

Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành LĐ-TB&XH đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập cần khắc phục trong năm 2023 cũng như thời gian tới. Đó là thị trường lao động phát triển không đồng đều, chưa đáp ứng nhu cầu của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn còn khá cao. Cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm và nâng cao năng suất lao động.

Cạnh đó, tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em có chiều hướng tăng, còn xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ em nghiêm trọng gây bức xúc xã hội…

Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới về phát triển thị trường lao động cần gắn kết cung - cầu lao động, nhất là giữa cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Cuối cùng, Thủ tướng nhắc nhở ngành về việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức. Tập trung xử lý những vấn đề xã hội bức xúc, quan tâm, tạo sự chuyển biến rõ rệt về việc xác nhận, công nhận người có công; tình trạng bạo lực, xâm hại, buôn bán trẻ em, phụ nữ; tình trạng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vi phạm hợp đồng; quản lý lao động người nước ngoài ở Việt Nam…

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ dành nhiều thời gian mà còn trực tiếp chỉ đạo nhiều lĩnh vực, việc thực hiện các chính sách, nhất là các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động để cùng ngành vượt qua thời điểm khó khăn.

Bộ trưởng khẳng định nghiêm túc tiếp thu năm quan điểm, 11 nhiệm vụ mà Thủ tướng đã chỉ đạo tại hội nghị để thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2023.

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng Chính phủ: Phải phát triển thị trường lao động linh hoạt, bền vững và hội nhập. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới