Thực hư thông tin công an giữ 70% tiền phạt vi phạm giao thông
Liên quan đến thông tin lực lượng công an được giữ lại 70% số tiền phạt vi phạm hành chính, Bộ Tài chính đã phát đi thông tin khẳng định nội dung này chưa chính xác.
Những ngày vừa qua, thông tin lực lượng công an được giữ lại 70% số tiền từ việc xử lý vi phạm giao thông đang nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận. Thông tin này càng được chú ý hơn bởi từ 1/1/2020 khi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành với nhiều mức xử phạt hành chính tăng cao.
Liên quan tới việc này, chiều 7/1, trao đổi với báo Lao Động, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông khẳng định: Thông tin 70% số tiền nộp phạt được chi cho lực lượng cảnh sát giao thông là không chính xác.
Theo Thượng tá Nhật, thông tin lực lượng công an được trích lại 70% tiền phạt vi phạm hành chính theo Thông tư số 89/2007/TT-BTC ngày 25/7/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt, quản lý, sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa. Tuy nhiên, thông tư này đã hết hiệu lực.
Bộ Tài chính khẳng định, toàn bộ số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông sẽ được nộp vào ngân sách. |
Cũng trao đổi với báo Tiền Phong về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tất cả số tiền lực lượng công an xử phạt đều nộp về Ngân sách Nhà nước và sẽ được phân bổ cụ thể trung ương là bao nhiêu, địa phương là bao nhiêu dựa theo quy định của luật pháp.
Số tiền đó sử dụng vào việc mua sắm thiết bị hay sử dụng vào việc gì đều căn cứ vào danh mục cụ thể của Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Ngày 7/1, lên tiếng về nội dung này, Bộ Tài chính cho rằng điều này chưa chính xác. Năm 2007, để khắc phục tình trạng tai nạn giao thông có chiều hướng tăng cao, kịp thời hỗ trợ các lực lượng tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhất là mua sắm trang bị, phương tiện phục vụ công việc, ngày 25/7/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 89/2007/TT-BTC quy định tiền phạt vi phạm hành chính được phân bổ cho các lực lượng, trong đó có lực lượng Công an giao thông, Thanh tra giao thông vận tải (bao gồm cả Trạm cân kiểm tra xe, Cảng vụ đường thủy nội địa) với các tỷ lệ phân bổ cụ thể.
Tuy nhiên, đến ngày 6/12/2013, Thông tư 89/2007/TT-BTC nêu trên đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.
Tại khoản 5 Điều 4 Thông tư số 153/2013/TT-BTC nêu rõ: “Tiền thu phạt vi phạm hành chính được nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước... ”.
Như vậy, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Thông tư số 153/2013/TT-BTC thì tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước và được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung đã ký văn bản báo cáo liên quan đến nội dung trên. Thực hiện chỉ đạo của phó thủ tướng Chính phủ và căn cứ vào nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 89/2007/TT-BTC hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa phù hợp với pháp luật ngân sách nhà nước.
Theo Thông tư 89, việc phân bổ tiền thu phạt vi phạm hành chính được thực hiện như sau: Trích 70% cho lực lượng Công an tham gia giữ gìn TTATGT; Trích 10% cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải hoạt động tại địa phương để sử dụng cho công tác bảo đảm TTATGT của địa phương, bao gồm cả việc sử dụng để hỗ trợ kinh phí cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải của Trung ương đóng và hoạt động ổn định tại địa phương theo các nội dung quy định tại điểm 1.1 khoản 1 Mục IV Thông tư này.
Trong đó, nếu tại địa phương có Trạm cân kiểm tra xe, Cảng vụ đường thuỷ nội địa đóng và hoạt động thì: Trích 2% cho Trạm cân kiểm tra xe nhưng tổng số tiền trích không quá 30% số thực thu tiền phạt nộp vào tài khoản tạm giữ phát sinh tại Trạm cân; Trích 2% cho Cảng vụ đường thuỷ nội địa nhưng tổng số tiền trích không quá 40% số thực thu tiền phạt nộp vào tài khoản tạm giữ phát sinh tại Cảng vụ.
Trạm cân kiểm tra xe, Cảng vụ đường thuỷ nội địa sử dụng nguồn kinh phí được trích trên cho các nội dung quy định tại điểm 1.1 khoản 1 Mục IV Thông tư này.
Trích 10% cho Ban An toàn giao thông của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trích 10% cho các lực lượng khác trực tiếp tham gia vào công tác TTATGT tại quận, huyện, thành phố, thị xã và xã, phường, thị trấn (trừ lực lượng Công an và Thanh tra giao thông vận tải địa phương).