Thứ tư, 01/05/2024 12:00 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/12/2023

MTĐT -  Thứ sáu, 08/12/2023 16:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 8/12/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 8/12/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Hà Nội sẽ có 3 thành phố trực thuộc Thủ đô

Sáng 8-12, với 100% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, HĐND TP Hà Nội đã thông qua dự thảo nghị quyết về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Một trong những điểm đáng chú ý của đồ án là Hà Nội định hướng xây dựng ba TP trực thuộc Thủ đô ở phía Bắc, phía Tây và phía Nam. Cụ thể, phía Tây là khu vực Hòa Lạc, Xuân Mai; phía Bắc là Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn; phía Nam là khu vực Phú Xuyên, Ứng Hòa.

Các TP thuộc Thủ đô này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các khu chức năng về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ, logicstics, thương mại quốc tế, tài chính... hình thành các động lực, trung tâm phát triển mới của thủ đô Hà Nội.

Đồ án cũng thể hiện mô hình phát triển đô thị của Hà Nội là chùm đô thị đa cực, đa trung tâm, gồm đô thị trung tâm (đô thị phía nam sông Hồng, đô thị Long Biên, Gia Lâm) và các TP phía Bắc, phía Tây…

tm-img-alt
Các đại biểu HĐND TP Hà Nội bấm nút thông qua dự thảo nghị quyết về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Ảnh: NH

Đặc biệt ở khu vực đô thị trung tâm, Hà Nội sẽ phục dựng, nâng tầm kiến trúc đặc thù “phố Pháp" gắn liền với các hoạt động kinh tế cốt lõi, trung tâm tài chính, thương mại quốc gia. Trong đó, ưu tiên phát triển ngầm tại khu vực này như tuyến phố trung tâm thương mại ngầm dẫn từ nhà ga Hà Nội, trung tâm dọc phố Trần Hưng Đạo kết nối với trục không gian sông Hồng.

Đồ án cũng định hướng phát triển các khu nghiên cứu, đào tạo trên toàn địa bàn TP. Trong đó, khu đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc (huyện Thạch Thất) có quy mô khoảng 1.000 ha, được định hướng là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao, xã hội và nhân văn.

Khu giáo dục đào tạo tại thị xã Sơn Tây được định hướng đào tạo lĩnh vực an ninh quốc phòng, văn hóa, du lịch. Khu giáo dục đào tạo tại thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ) được định hướng là trung tâm giáo dục, nghiên cứu và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục như trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm hỗ trợ nghiên cứu, Lab cộng đồng, trung tâm dịch vụ...

Khu giáo dục đào tạo tại huyện Sóc Sơn, quy mô khoảng 200-300 ha, được định hướng phát triển thành cụm trường đào tạo, nghiên cứu phát triển ngành hàng không, logistic.

Cụm cơ sở nghiên cứu, giáo dục tại huyện Phú Xuyên, quy mô khoảng 200-300 ha, định hướng là khu vực đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ cao, nghiên cứu ngành y - dược - sinh hóa phẩm…

Sắp khởi công 2 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Bộ GTVT đang thẩm định, phê duyệt để có cơ sở lựa chọn nhà đầu tư. Sau khi chọn lựa được nhà đầu tư, dự kiến hai trạm dừng nghỉ sẽ được khởi công xây dựng trong quý I/2024; Hoàn thành đưa vào khai thác trong quý I/2025. Các hạng mục còn lại thi công hoàn thiện vào giữa năm 2025.

Trước đó, Bộ GTVT đã phê duyệt hai vị trí trạm dừng nghỉ trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại Km 144+560 (xã Phong Phú, huyện Tuy Phong) và Km 205+602 (xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc).

Được biết, hai trạm dừng nghỉ (mỗi chiều đường một trạm) có diện tích 5ha/trạm.

Hiện tại, hai tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã thông xe, quãng đường từ TP.HCM đến Vĩnh Hảo dài 250km nhưng trên cả tuyến chỉ có một trạm dừng trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (cao tốc Long Thành).

Nhiều tháng qua, trạm dừng nghỉ cao tốc Long Thành đã quá tải, chật chội, đặc biệt lượng xe cộ tăng đột biến. Khu vực bãi đỗ xe của trạm luôn chật kín.

Giờ cao điểm từng đoàn xe khách, ô tô tấp vào để khách, tài xế ăn uống nghỉ ngơi, khu vực nhà vệ sinh cũng quá tải.

Theo TCVN 5729:2012, trên các tuyến cao tốc sẽ bố trí các trạm dừng nghỉ thông thường với khoảng cách từ 50-60km và các trạm dừng nghỉ lớn với khoảng từ 120-200km.

Các hạng mục công trình cơ bản của trạm dừng nghỉ bao gồm các công trình dịch vụ công được cung cấp miễn phí như: Bãi đỗ xe, không gian nghỉ ngơi, phòng nghỉ tạm thời cho lái xe, khu vệ sinh, nơi cung cấp thông tin.

Bên cạnh đó, là công trình dịch vụ thương mại như khu vực phục vụ ăn uống, giải khát, trạm xăng, dầu, trạm sạc điện, xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, phòng ngủ cho lái xe và hành khách lưu trú qua đêm...

tm-img-alt
Khởi công 2 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết vào năm 2024 (Ảnh: Internet)

Tại quyết định phê duyệt 36 trạm dừng nghỉ trên tuyến Cao tốc Bắc - Nam từ cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) đến Cà Mau, theo Bộ Giao thông vận tải hiện đã có 7 trạm đã được đầu tư toàn bộ hoặc đầu tư một phần, 3 trạm đang đầu tư, 26 trạm chưa đầu tư.

Cục Đường cao tốc Việt Nam thông tin, toàn bộ 26 trạm dừng nghỉ chưa đầu tư sẽ được lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch và hiệu quả.

Lâm Đồng kêu gọi đầu tư vào Công viên Ánh Sáng

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, đây là cơ hội để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được biết về chủ trương thu hút đầu tư Dự án Khu công viên Ánh Sáng.

Theo đó, Dự án Khu công viên Ánh Sáng có địa điểm đầu tư tại Phường 1, Phường 3, Phường 4, TP Đà Lạt. Mục tiêu đầu tư là xây dựng công viên Ánh Sáng thành “điểm nhấn xanh” kết nối với khu vực trung tâm TP Đà Lạt, xây dựng công trình ngầm giải quyết nhu cầu đỗ xe và góp phần giải quyết ùn tắc giao thông của khu vực xung quanh Dự án. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu giá quyền sử dụng đất.

Phạm vi, quy mô hoạch là 10,31ha, trong đó phạm vi, diện tích điều chỉnh, mở rộng là 8,43 ha, phạm vi diện tích không điều chỉnh là 1,88 ha, gồm: diện tích trung tâm thương mại Ánh Sáng là 1,69 ha và diện tích hạ tầng khu thương mại 0,19 ha.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet.

Đối với công viên Ánh Sáng hiện tại do xây dựng dưới thấp, không phát huy được hiệu quả do người dân khó tiếp cận, khuất tầm nhìn, dễ phát sinh một số vấn đề xã hội, khó kiểm soát. Do đó, trong quy hoạch điều chỉnh cần phải nâng mặt bằng khu công viên lên bằng với mặt đường Nguyễn Văn Cừ nối dài để công viên phát huy được tác dụng, người dân dễ dàng tiếp cận, tạo khu công viên mở giữa trung tâm thành phố. Mặt khác nhu cầu giải quyết ùn tắc giao thông khu vực xung quanh ngày càng trở nên cấp bách, bổ sung thêm bãi đậu xe và lối thoát cho khu vực trung tâm. Để giải quyết triệt để các vấn đề trên, việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư và Công viên Ánh Sáng hết sức cần thiết.

Trước đó, ngày 20/11/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh này giai đoạn 2021-2025 đối với Dự án Khu công viên Ánh Sáng với các nội dung thông tin như trên.

Đồng thời, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện công bố, công khai chủ trương thu hút đầu tư dự án; đồng thời hướng dẫn UBND TP Đà Lạt và các sở, ban, ngành liên quan thực hiện các trình tự, thủ tục cần thiết lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy định.

UBND tỉnh cũng giao UBND TP Đà Lạt tổ chức triển khai thực hiện các trình tự, thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định để triển khai thực hiện Dự án đảm bảo đúng chất lượng, tiến độ.

Xuất hiện vết nứt dài hơn 45m tại trạm khí tượng ở Quảng Nam

Ngày 8/12, UBND huyện Bắc Trà My cho biết, vừa phát hiện vết nứt lớn tại khu vực đồi đặt Trạm khí tượng Trà My (tổ Đồng Bàu, thị trấn Trà My, Bắc Trà My) tiềm ẩn nguy cơ sụt lún, sạt lở đất.

Đo đạc ban đầu, vết nứt hình vòng cung, móng ngựa theo hướng Đông Tây, kéo dài hơn 45m, độ sâu khoảng 2,5m, khe hở hơn 18cm, sụt lún mặt bằng khoảng 40cm và đang nới rộng thêm. Phần lớn vết nứt này nằm trong khuôn viên hàng rào Trạm khí tượng Trà My. Một hộ gia đình nằm trong vùng ảnh hưởng. Ngay dưới khu đồi này, công trình làm kè sông Trường đang san ủi, múc đất.

tm-img-alt
Vết nứt xuất hiện tại khuôn viên Trạm khí tượng Trà My.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư công trình kè sông Trường) cho biết, đã phối hợp với các ngành chức năng địa phương đến kiểm tra, tìm nguyên nhân và phương án khắc phục.

Thông tin thêm về vết nứt, Ban Quản lý này cho biết, tổng cộng có 3 vệt nứt. Trong đó, 2 vết nứt trượt cũ trước đây dưới vị trí của trạm khí tượng, cây cối rậm rạp nên không nhìn thấy toàn bộ. Vệt thứ 3 đo đạc được ở cao hơn ngay khu đất của trạm khí tượng. Do nằm ngoài khu vực dự án nên ban đã giao tư vấn khảo sát bổ sung, đề xuất giải pháp đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực.

Về hộ dân ảnh hưởng, ban đã đề nghị UBND thị trấn Trà My thông báo cho hộ dân này (chỉ có 1 người, không thường xuyên ở đây) không lưu trú tại nhà cho hết mùa mưa.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn

Tin trên Báo Xây dựng, mới đây, tại buổi thị sát của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, đại diện Ban Quản lý dự án điện (Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam-CTCP) đã báo cáo tiến độ của dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4. Theo đó, dự án này đã thi công được khoảng hơn 72% so với hợp đồng đã ký kết, cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra. Dự kiến, sẽ phát điện thương mại Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 vào ngày 15/11/2024 và phát điện thương mại Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 4 vào ngày 15/5/2025.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng kiến nghị các cơ quan liên quan hỗ trợ các vấn đề tồn đọng như vướng mắc về thủ tục cho thuê đất, vận hành thí điểm, đấu nối, điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án; điều chỉnh tiến độ hoàn thành Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 vào năm 2024, tiến độ hoàn thành Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 4 vào năm 2025. Đồng thời, đề nghị các đơn vị liên quan hoàn thành thủ tục cho doanh nghiệp thuê đất đối với phần diện tích còn lại của dự án khoảng 37ha.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 là dự án trọng điểm quốc gia, thuộc Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, được Chính phủ giao cho Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power) làm chủ đầu tư. Với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD, Liên danh nhà thầu EPC là Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) và Samsung C&T, dự án được sử dụng các thiết bị chính do GE (Hoa Kỳ) thiết kế và chế tạo.

tm-img-alt
Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3

Đây là dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên tại Việt Nam. Là một trong số ít tổ máy tua-bin khí có công suất (trên 500MW) cũng như hiệu suất khí (trên 60%) lớn nhất trên thế giới. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Chính phủ tại COP26 và bổ sung 9 tỷ kWh điện/năm cho hệ thống điện quốc gia.

Tại dự án cảng Phước An, CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác cảng Phước An cho biết: Theo dự kiến trong quý II/2024 sẽ đưa vào khai thác cầu cảng đầu tiên của dự án. Để đảm bảo tiến độ, chủ đầu tư kiến nghị tỉnh hỗ trợ thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ, trong đó ưu tiên thực hiện 6 điểm quan trọng trước để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định: Dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4 nếu hoàn thành sớm sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện của quốc gia, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các kiến nghị liên quan đến dự án, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị nhà đầu tư bám sát các Sở, ngành của tỉnh để nắm rõ các trình tự thực hiện, thống nhất tiến độ để tháo gỡ các vướng mắc về quy hoạch, đất đai thúc đẩy tiến độ dự án. Đối với dự án xây dựng cảng Phước An, các cơ quan của tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ sớm các vướng mắc đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

TP.HCM kêu gọi đầu tư 41 dự án theo phương thức PPP

Tin trên Một thế giới, ngày 8/12, kỳ họp thứ 13 HĐND TP.HCM khóa 10 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành danh mục dự án để kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực y tế, GD-ĐT, TT-VH.

Theo danh mục, có 41 dự án được kêu gọi đầu tư. Trong đó, y tế 6 dự án, GD-ĐT 12 dự án, TT-VH 23 dự án.

HĐND giao UBND TP tổ chức thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP, Nghị quyết 98 và quy định của pháp luật có liên quan, thực hiện công khai, minh bạch đầy đủ các thông tin về dự án để thuận lợi cho nhà đầu tư và người dân giám sát.

tm-img-alt
HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết kêu gọi đầu tư 41 dự án, tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng theo phương thức PPP - Ảnh: Phong Nguyễn

UBND TP cho biết 41 dự án được đề xuất mời gọi đầu tư là những dự án đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như tính khả thi, sự phù hợp với quy định pháp luật về PPP, có chọn lọc, không trùng lặp với dự án PPP đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định phê duyệt.

Theo UBND TP, việc thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách TP nhất là trong điều kiện nguồn ngân sách TP còn hạn chế để thực hiện các dự án đầu tư công vì giai đoạn 2021-2025 đầu tư công trong lĩnh vực GD-ĐT chỉ chiếm 7,17%; y tế 8,61%; thể thao văn hóa 2,28%.

Trong quá trình triển khai, căn cứ vào tính cấp thiết của các dự án, tình hình quan tâm của các nhà đầu tư và khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách TP, UBND trình HĐND TP việc đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công hoặc hình thức khác phù hợp theo quy định pháp luật.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp diễn ra vào ngày 7.12, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết TP sẽ chuẩn bị kỹ quy trình hồ sơ, trên tinh thần đầu tư theo hình thức PPP phải nhanh hơn đầu tư công, bởi vừa qua TP đã lên danh mục 197 thu hút đầu tư nhưng chưa đạt kết quả.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/12/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới