Thứ sáu, 03/05/2024 17:02 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 17/8/2023

MTĐT -  Thứ năm, 17/08/2023 16:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 17/8/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 17/8/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Hà Nội xây dựng đường gom phía Đông cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành Quyết định số 4021/QĐ - UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường gom phía Đông đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đoạn qua địa phận huyện Thường Tín, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội.

Tuyến đường có chiều dài khoảng 18,970 km, điểm đầu tuyến tại vị trí nút giao với tỉnh lộ 427 thuộc xã Vân Tảo, huyện Thường Tín; điểm cuối tuyến tại vị trí đầu cầu chui đường cao tốc Pháp Vân – cầu Giẽ ra đường gom dân sinh của nút Đại Xuyên và đoạn đấu nối vào nút giao Đại Xuyên, trong đó có 1 cầu vượt trực thông qua đường cao tốc với 3 nhánh tuyến dài khoảng 2,2367 Km.

tm-img-alt

Hà Nội xây dựng đường gom phía Đông cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. (Ảnh: Internet)

Dự án nhằm đầu tư xây dựng tuyến đường gom phía Đông đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, kết nối đồng bộ hệ thống đường giao thông trong khu vực với đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, phục vụ phát triển các khu, cụm và điểm công nghiệp phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với quy hoạch chung của các huyện Thường Tín, huyện Phú Xuyên, đô thị vệ tinh Phú Xuyên.

Đồng thời, góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông theo quy hoạch, tạo ra tuyến đường giao thông có cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh; giảm ùn tắc giao thông và tạo mỹ quan đô thị cho huyện Phú Xuyên, huyện Thường Tín.

Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên quyết tâm hoàn thành GPMB đường vành đai 4

Sáng 17/8, tại tỉnh Bắc Ninh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng Ban chỉ đạo Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo nghe báo cáo tình hình triển khai dự án, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và giải pháp tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cùng chủ trì cuộc họp.

Dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND, các sở, ngành của TP Hà Nội và hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên.

Báo cáo tiến độ thực hiện dự án tại cuộc họp cho thấy, về công tác giải phóng mặt bằng, đến nay, 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên) đã thu hồi 1.194,71/1.382,38ha (đạt 86,42%) và di chuyển 7.000/16.929 ngôi mộ (đạt 41,35%). Trong đó, TP Hà Nội đã thu hồi 694,20/793,80ha (đạt 87,45%) và di chuyển 6.262/10.034 ngôi mộ (đạt 62,37%); tỉnh Hưng Yên đã thu hồi 192,63/230,19ha (đạt 83,68%) và di chuyển 699/4.207 ngôi mộ (đạt 16,6%); tỉnh Bắc Ninh đã thu hồi 307,88/358,39ha (đạt 85,91%) và di chuyển 39/2.688 ngôi mộ ngôi mộ (đạt 1,5%).

Theo đánh giá, về cơ bản công tác giải phóng mặt bằng đã được thực hiện bám sát tiến độ. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng đối với phần đất ở còn chậm, đặc biệt là việc đầu tư các khu tái định cư. Ngoài ra, việc khởi công thi công xây dựng công trình đã được TP Hà Nội triển khai đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ. Việc khởi công xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh dự kiến chậm hơn so với tiến độ yêu cầu khoảng 3-4 tháng.

Về công tác thẩm định Dự án thành phần 3 (Dự án PPP): UBND TP đã trình Hội đồng thẩm định Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hiện nay, Hội đồng thẩm định Nhà nước đang tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, làm cơ sở UBND TP phê duyệt dự án trong tháng 9/2023…

tm-img-alt
Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Internet)

Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội nêu ra 7 nhóm khó khăn, vướng mắc và đưa nhiều đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, tỉnh đang quyết tâm hoàn thành các phần việc cần thiết để khởi công Dự án thành phần 2.2 trong tháng 9/2023.

Hiện nay, một trong những khó khăn rất lớn của tỉnh là phải di dời cơ sở của 17 doanh nghiệp, dự án. Ông Nghĩa cho biết, đây là phần việc rất phức tạp liên quan đến định giá tài sản. Tới đây, tỉnh sẽ thuê tư vấn để định giá tài sản trên đất làm căn cứ đền bù, hỗ trợ.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết, tỉnh đã phê duyệt tổng mức đầu tư dự án thành phần 1.3 là 2.479 tỷ đồng. Khó khăn, vướng mắc hiện nay là giá trị tổng mức đầu tư thực tế của dự án thành phần 1.3 dự kiến khoảng 5.354 tỷ đồng do xác định đơn giá bồi thường đất ở theo giá thị trường (tăng 2.874 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư).

Do đó, tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Ban Chỉ đạo báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo của dự án cho phù hợp…

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm Quốc gia, đi qua 3 địa phương, quy mô chia làm 3 tiểu dự án thành phần nhưng là các dự án lớn nhất của các địa phương.

Theo đó, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng biểu dương, đánh giá cao các tỉnh đã chỉ đạo triển khai bài bản, thực hiện quyết liệt và có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội. Do đó, đã đạt được một số kết quả tương đối tốt trong công tác công tác giải phóng mặt bằng. Cả 3 tỉnh, TP đều thể hiện quyết tâm cuối năm sẽ bàn giao xong mặt bằng cho Dự án.

Thời gian tới, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh phối hợp với Bộ Xây dựng thẩm định hồ sơ thiết kết, cơ sở dự toán để xây dựng dự án thành phần 2.2, 2.3 để lựa chọn nhà thầu, khởi công vào cuối tháng 9/2023.

Tập trung cao độ vào công tác giải phóng mặt bằng các khu tái định cư, bố trí đất ở cho người dân. Trong đó lưu ý phải đầu tư đồng bộ về hạ tầng để tạo thuận lợi cho người dân với tinh thần “nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Cùng với đó, tập trung hoàn thành công tác di chuyển mồ mả vào dịp cuối năm; giải quyết các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn như đường điện lớn và phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng bảo đảm 100% vào cuối tháng 12/2023 theo Nghị quyết của Chính phủ.

Bí thư Thành ủy cũng đề nghị rà soát lại các mỏ vật liệu và cần phải xác định rõ về nhận thức là vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án đường Vành đai 4. Ngoài ra, phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục để tránh thất thoát, lãng phí, không để xảy ra tiêu cực.

Nhấn mạnh “thời gian là vàng là bạc”, đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị phải cố gắng tập trung cao độ, nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tiến độ dự án quan trọng này.

Hai phương án hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam qua Hà Nội

Phương án thứ nhất theo báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao đã trình Chính phủ năm 2019. Phương án này áp dụng cho đường sắt tốc độ cao chỉ chở khách, tốc độ khai thác tối đa khoảng 320 km/h.

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi qua địa phận Hà Nội có điểm đầu tại tổ hợp ga Ngọc Hồi; qua vành đai và đường sắt vành đai phía Tây; qua các huyện Thường Tín, Phú Xuyên về phía tây tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Sau khi vượt qua tuyến nối cao tốc Tây Bắc với quốc lộ 5B, đường sắt tốc độ cao rẽ trái, vượt cao tốc Pháp Vân, đi về phía đông, cùng hành lang tuyến cao tốc và sang địa phận tỉnh Hà Nam.

Nhà ga đầu tuyến được bố trí tại ga Ngọc Hồi (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì) và depot (khu bảo dưỡng, sửa chữa đặt tại huyện Thường Tín).

tm-img-alt
Tàu cao tốc Shinkansen di chuyển tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản (Ảnh: AFP/TTXVN).

Theo đánh giá của Tư vấn lập dự án, phương án trên đồng bộ với các quy hoạch liên quan của TP Hà Nội và quy hoạch mạng lưới đường sắt, đảm bảo kết nối hướng tuyến qua Hà Nam.

Tư vấn dự án đề xuất Hà Nội giữ nguyên hướng tuyến như đã thống nhất với Bộ GTVT, điểm đầu tuyến tại ga Ngọc Hồi. Tuy nhiên, Tư vấn đề nghị xem xét khai thác tàu tốc độ thấp đi đến ga Hà Nội (theo quy hoạch ga Hà Nội là ga đường sắt đô thị) để tăng hiệu quả của dự án đường sắt tốc độ cao.

Đồng thời, tư vấn đề xuất di dời depot Thường Tín về tổ hợp Ngọc Hồi để thuận tiện bảo dưỡng, sửa chữa tàu.

Phương án thứ hai do Tư vấn thẩm tra dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đề xuất, với mục tiêu nghiên cứu bổ sung tuyến đường sắt tốc độ cao khai thác cả tàu hàng và tàu khách, tốc độ thiết kế 200 km/h - 250 km/h.

Theo đó, từ ga Ngọc Hồi, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam khi đến tuyến nối cao tốc Tây Bắc với quốc lộ 5B, sẽ đi thẳng để sang địa phận tỉnh Hà Nam.

Tư vấn thẩm tra đề xuất ga chính Ngọc Hồi (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì) và ga Ngọc Hồi 2 (xã Phương Dực, huyện Phú Xuyên) để kết nối sân bay thứ hai của Hà Nội trong tương lai, đồng thời tích hợp chung ga hành khách và ga hàng hóa để kết nối hệ thống logistic phía bắc.

Tuy nhiên, với phương án này, đơn vị tư vấn lập dự án nhận định "không hiệu quả, làm tăng chi phí đầu tư". Vị trí sân bay thứ hai của Hà Nội chưa được xác định cụ thể trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, nên việc kết nối qua nhà ga Ngọc Hồi 2 chưa khả thi.

Sau khi có ý kiến của Hà Nội về phương án hướng tuyến, vị trí các nhà ga, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 9 tới đây, phê duyệt chủ trương đầu tư trước năm 2025.

Đầu tư tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang với quy mô 2 làn xe

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về đề nghị của UBND tỉnh Tuyên Quang, ý kiến của một số bộ liên quan về việc đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang.

Về quy mô đầu tư dự án, Phó thủ tướng giao UBND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đầu tư dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Tuyên Quang theo Quyết định 17/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với quy mô 2 làn xe, phạm vi giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả và đúng quy định.

Đối với việc đầu tư xây dựng hoàn chỉnh (giai đoạn 1) theo quy mô 4 làn xe, UBND tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan rà soát nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án triển khai phù hợp.

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 là dự án giao thông nhóm A, nằm trong Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phân cấp cho UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt dự án đầu tư.

tm-img-alt
Dự án có tổng chiều dài 104,5 km, trong đó 77 km thuộc tỉnh Tuyên Quang và 27,5 km thuộc tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Internet)

Dự án có tổng chiều dài 104,5 km, trong đó 77 km thuộc tỉnh Tuyên Quang và 27,5 km thuộc tỉnh Hà Giang; điểm đầu tại nút giao cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với QL2D, thuộc xã Nhữ Khê (H.Yên Sơn, Tuyên Quang); điểm cuối tại xã Tân Quang (huyện Bắc Quang, Hà Giang).

Đến nay, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đã hoàn thành thủ tục thiết kế, lựa chọn nhà thầu thi công, đảm bảo tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, đủ điều kiện để khởi công xây dựng công trình.

Dự án giai đoạn 1 hoàn thành sẽ tạo hành lang phát triển kinh tế từ trung tâm Thủ đô Hà Nội theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đến Hà Giang, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao. Đồng thời, giải quyết điểm nghẽn về giao thông liên kết vùng, nội vùng giữa tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.

Bắc Giang: Kêu gọi đầu tư Dự án Chợ Đạo Ngạn tại Việt Yên lần 2

tm-img-alt
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Được biết, Dự án được thông báo mời quan tâm lần đầu vào tháng 5/2023. Có 2 nhà đầu tư là Công ty CP Thương mại Đại Phúc Thành và Công ty CP Địa ốc Kim Thi đăng ký. Tuy nhiên cả 2 nhà đầu tư đều không đáp ứng kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự.

Nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án hạn cuối ngày 14/9/2023.

Thêm 53 tuyến xe khách liên tỉnh được đưa vào khai thác

Trước đó, Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ GTVT về việc giải quyết đề xuất điều chỉnh, bổ sung Danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc.

Căn cứ theo quy định hiện hành, Bộ GTVT thống nhất cập nhật, điều chỉnh, bổ sung 53 tuyến vào Danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc.

Các Sở GTVT Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Lâm Đồng, Gia Lai, Bến Tre, Tây Ninh, Cà Mau, Đồng Tháp, Cần Thơ và TP.Hồ Chí Minh tổ chức triển khai và thực hiện các nội dung quản lý tuyến theo quy định.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng giao Cục Đường bộ chủ trì, phối hợp Trung tâm Công nghệ thông tin cập nhật 53 tuyến vào Danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 22 của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT.

Vụ Vận tải và Cục Đường bộ tổng hợp để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung đối với 53 tuyến tại Phụ lục I của công văn này vào Phụ lục I của Quyết định số 927/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT công bố Danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại lần công bố định kỳ gần nhất.

Đồng thời, các Sở GTVT Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Lâm Đồng, Gia Lai, Bến Tre, Tây Ninh, Cà Mau, Đồng Tháp, Cần Thơ và TP.Hồ Chí Minh cập nhật biểu đồ chạy xe tuyến cố định liên tỉnh vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT đối với tuyến của địa phương mình quản lý.

Công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở các thông tin chi tiết của từng tuyến theo quy định tại Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT.

Thanh Hóa sắp có thêm nhiều dự án khu dân cư

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho nhiều dự án khu dân cư trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, huyện Đông Sơn và Hoằng Hóa...

Dự án Khu dân cư phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa có tổng chi phí thực hiện gần 620 tỷ đồng; tổng diện tích gần 2ha; quy mô dân số khoảng 1.000 người. Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng phần thô và hoàn thiện mặt trước toàn bộ 213 căn nhà ở liền kề theo thiết kế đô thị và quy hoạch.

Sau đó, nhà đầu tư được quyền khai thác, kinh doanh, chuyển nhượng các hạng mục công trình đã đầu tư xây dựng gắn liền với các lô đất ở, bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật liên quan. Thời hạn hoạt động của dự án không quá 50 năm, tiến độ thực hiện trong 3 năm kể từ khi nhà đầu tư được bàn giao đất.

Tiếp đến, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng vừa chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu dân cư mới OM-7 (OM-17, CX7) thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn.

Đây là dự án đầu tư sử dụng đất với diện tích hơn 22ha, sơ bộ tổng chi phí đầu tư dự kiến hơn 281 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của Dự án là 50 năm.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Mục tiêu đầu tư nhằm đầu tư xây dựng khu dân cư nhằm hiện thực hóa quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu dân cư mới OM-7 (OM-17, CX7), thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tạo quỹ đất để phát triển nhà ở cho người dân, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa huyện Đông Sơn...

Sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở: 106 căn nhà ở liền kề xây thô; 32 căn nhà liền kề và 19 căn nhà biệt thự do người mua đất nền gắn liền với quyền sử dụng đất ở tự xây dựng theo quy hoạch được duyệt.

Còn tại huyện Hoằng Hóa, đầu tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư 2 khu dân cư với tổng diện tích đất lập quy hoạch khoảng 60ha, vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng và dân số dự kiến khoảng 9.000 người.

Hai dự án gồm: Khu dân cư đô thị số 01 và Khu dân cư đô thị số 02 cũng vừa được chấp thuận sẽ xây dựng tại tại xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa. Nhà đầu tư của hai dự án nêu trên sẽ được lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật.

Theo đó, Khu dân cư đô thị số 01 có quy mô gần 12ha, với dân số 1.625 người. Dự án được đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình nhà ở. Sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở gồm 325 lô đất (279 lô đất xây dựng nhà ở chia lô và 46 lô biệt thự). Trên tổng 325 lô, dự án dự kiến xây thô và hoàn thiện mặt trước 138 căn nhà ở, còn lại 187 lô đất được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền.

Tổng vốn đầu tư khu dân dân đô thị số 01 là hơn 429 tỷ đồng, sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án hơn 411 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 17,9 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án không quá 4 năm, dự kiến từ năm nay đến năm 2026. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm.

Khu dân cư đô thị số 02 có quy mô 49,6ha, quy mô dân số 7.245 người. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dự án còn hình thành 1.449 lô đất xây dựng nhà ở (1.364 lô liền kề; 85 lô biệt thự) với diện tích 16,3ha.

Trong đó 610 lô đất nằm tại mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị, 824 lô đất được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền tại dự án, và 15 lô đất sau khi hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, nhà đầu tư bàn giao cho Nhà nước để bố trí tái định cư dự án theo quy định. Khu dân cư đô thị số 02 không dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.

Tổng vốn đầu tư khu dân dân đô thị số 02 là hơn 1.954 tỷ đồng, sơ bộ chi phí thực hiện dự án khoảng 1.882 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 72,3 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện không quá 5 năm, dự kiến từ quý I/2023 đến quý IV/2027. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm.

Phú Yên duyệt 6 dự án nhà ở xã hội

Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ông Lê Tấn Hổ vừa ký quyết định phê duyệt danh mục dự án phát triển nhà ở xã hội thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, có 2 dự án thuộc khu dân cư phía Nam là khu du lịch sinh thái Sao Việt và khu dân cư phía Tây trung tâm An điều dưỡng tàu ngầm, xã An Phú rộng 4,32ha, khu đô thị mới Nam Tp.Tuy Hòa rộng 4,55ha thuộc phường Phú Đông, cùng có quy mô từ 10-15 tầng.

Dự án thứ 3 là khu đất rộng hơn 16ha thuộc khu đô thị mới phường Phú Lâm và Phú Thạnh gồm 3 lô đất ký hiệu NƠXH-01, 02, 03 lần lượt có diện tích 4,93ha, 2,04ha và 8,11ha quy mô 7-15 tầng.

3 dự án tiếp theo tại thị xã Đông Hòa được quy hoạch xây dựng NƠXH cao từ 10-15 tầng gồm: Khu đất thuộc khu đô thị mới Hòa Hiệp Bắc rộng 1,36 ha (phường Hòa Hiệp); khu đô thị phía Đông Hòa Vinh rộng 2,17ha (phường Hòa Vinh) và khu vực dự kiến đầu tư khu đô thị dịch vụ ven biển thuộc khu kinh tế Nam Phú Yên rộng 3,52ha xã Hòa Hiệp Trung.

Được biết, 6 dự án phát triển nhà ở xã hội ở các khu đất trên đều có chiều cao tối đa dự kiến 15 tầng; thấp nhất 7 tầng (riêng khu đất tại phường Phú Lâm và Phú Thạnh là 7 tầng).

tm-img-alt
UBND tỉnh Phú Yên đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, các địa phương hoàn thành khoảng 19.668 căn nhà ở xã hội .

Hiện nay, tỉnh Phú Yên mới có 3 dự án nhà ở xã hội đã được chấp thuận chủ trương. Trong đó, Dự án Nhà ở xã hội Nam Hùng Vương đã hoàn thành với quy mô 393 căn nhà ở.

Hai dự án còn lại gồm Dự án Nhà ở xã hội và nhà ở thương mại Bình Kiến quy mô khoảng 980 căn hộ; Dự án Khu nhà ở công nhân phục vụ Cụm xí nghiệp sản xuất An Hưng với quy mô khoảng 1.125 căn hộ đang trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư.

Theo đó, UBND tỉnh Phú Yên đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, các địa phương hoàn thành khoảng 19.668 căn nhà ở xã hội (giai đoạn 2021-2025 là 11.876 căn, giai đoạn 2026–2030 là 7.792 căn) đáp ứng nhu cầu an sinh, xã hội cho người dân trong tỉnh nói chung.

Đề xuất xử lý chống ngập trên Quốc lộ 27 qua Lâm Đồng

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã quan tâm, bố trí vốn đầu tư các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; trong đó có tuyến Quốc lộ 27, góp phần đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, tăng cường kết nối vùng, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, Quốc lộ 27 (đoạn Km188+500 đến Km190+050 qua trung tâm xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương) nằm trong khu vực đông dân cư, vào mùa mưa thường xuyên bị ngập với chiều sâu trung bình từ 0,5m - 1,2m, gây mất an toàn giao thông và khó khăn cho sinh hoạt của nhân dân trong khu vực.

tm-img-alt
Quốc lộ 27, đoạn qua địa bàn huyện Đơn Dương. (Ảnh: Internet)

Trên cơ sở ý kiến của địa phương, vừa qua, Cục Đường bộ Việt Nam đã kiểm tra và có đề nghị Bộ GTVT thống nhất bổ sung cống ngang tại Km189+010 Quốc lộ 27 và hoàn chỉnh hệ thống thoát nước mưa đoạn qua xã Lạc Lâm vào kế hoạch bảo trì năm 2024. Tuy nhiên, đến nay, Bộ GTVT chưa có ý kiến thống nhất.

Để sớm xử lý tình trạng ngập úng tại đoạn tuyến nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho người dân trong khu vực lưu thông trong mùa mưa bão năm 2023 và các năm sau, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ GTVT xem xét thống nhất chủ trương đầu tư bổ sung cống ngang tại Km189+010 Quốc lộ 27 và hoàn chỉnh hệ thống thoát nước đoạn qua xã Lạc Lâm theo đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng cam kết bố trí kinh phí để xử lý thoát nước phần hạ lưu từ cống dẫn ra sông Đa Nhim sau khi được Bộ GTVT thống nhất bổ sung chủ trương các hạng mục nêu trên.

Hoàn thành nhà ga trung tâm tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên

Trong đó, điểm nhấn kiến trúc nổi bật giếng trời lấy sáng (Toplight) thiết kế với hình ảnh hoa sen cách điệu, các vật liệu này được lựa chọn và nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản, có khả năng chống chịu thời tiết tốt cũng như cách âm, cách nhiệt vượt trội. Giếng trời có chức năng chính cung cấp ánh sáng và thông gió cho khu vực phía dưới nhà ga ngầm. Với thiết kế tường kính bao bọc chung quanh tạo nên không gian mở cho công trình, giúp cho du khách có thể nhìn ngắm các hoạt động nhà ga bên dưới.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, hiện tại phần kiến trúc của nhà ga trung tâm Bến Thành đã hoàn thiện 99%, đang trong quá trình sửa chữa lỗi nhỏ để bàn giao cho các gói thầu liên quan trong quá trình nghiệm thu.

tm-img-alt
Phối cảnh ga Bến Thành và dự kiến các tiện ích.

Nhà ga trung tâm Bến Thành được thiết kế ngầm dài 236 m, rộng 60 m, độ sâu khoảng 32 m, gồm 4 tầng.

Trong đó, tầng B1 gồm các trang thiết bị phục vụ hành khách (sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động), phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách, văn phòng ga, phòng thiết bị, phòng xử lý không khí và môi trường, trạm điện (tuyến 4)... Tầng B2 gồm ke ga tuyến 1 và tuyến 3a, nơi có tàu dừng, đỗ để đón và trả khách; ngoài ra còn có văn phòng kiểm soát ke ga, phòng thiết bị PCCC và bơm cấp nước, phòng thiết bị hút và thông gió... Tầng B3 là phòng xử lý không khí, phòng cấp điện, phòng nghỉ nhân viên và ke ga tuyến 4 (trong tương lai). Tầng B4 gồm ke ga tuyến 2, nơi có tàu dừng, đỗ để đón và trả khách.

Không chỉ là đầu mối kết nối nhiều tuyến metro, để phục vụ nhu cầu của người dân, ngoài nhà ga ngầm, TP.HCM sẽ xây dựng trung tâm thương mại ngầm Bến Thành tích hợp tại đây. Theo thiết kế, Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành có quy mô khoảng 45.000 m2 gồm khu vực cửa hàng, thương mại rộng 18.100 m2, hành lang và quảng trường ngầm 21.500 m2, tổng vốn đầu tư hơn 8.400 tỉ đồng.

TP.HCM cam kết xây dựng Cần Giờ 'xanh', hướng tới đô thị sinh thái ven biển

Tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến, giải bài toán vừa đạt mục tiêu phát triển xanh bền vững, vừa bảo tồn các giá trị tự nhiên, văn hóa; đồng thời dựa vào sức mạnh của các giá trị này để thúc đẩy, đảm bảo hơn cho việc phát triển xanh, phát triển bền vững của Cần Giờ và TP.HCM.

Theo đó, các đại biểu tham dự đã hiến kế để xây dựng Cần Giờ thành một đô thị có cấu trúc tốt, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, diện mạo đô thị có nhiều nét khởi sắc, bảo tồn khai thác được các giá trị cảnh quan và di tích đặc thù, mở ra các hướng phát triển tiềm năng về rừng và biển.

TP.HCM cam kết xây dựng Cần Giờ 'xanh', hướng tới đô thị sinh thái ven biển
Một phần huyện Cần Giờ, TP.HCM.

Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch nhận định có những ý tưởng rất hay trong phát triển kinh tế xanh Cần Giờ, từ công nghiệp xanh, dịch vụ xanh, nông nghiệp xanh - sạch - hữu cơ, đô thị xanh, giao thông xanh... Dù vậy, để làm được những điều này là không đơn giản, cần tính toán để có giải pháp cụ thể nhằm đạt mục tiêu, kêu gọi đầu tư.

"Trong đó, Cần Giờ có thể định hướng triển khai 3 ngành khả thi là du lịch biển, kinh tế hàng hải mà gốc là cảng; năng lượng tái tạo vốn là thế mạnh của nơi này. Đây là 3 trụ cột của Cần Giờ", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Một số ý kiến cũng cho rằng, Cần Giờ cần chọn du lịch làm kinh tế mũi nhọn; phát triển các khu đô thị lấn biển kết hợp với du lịch, dịch vụ và thương mại; khai thác tiềm năng điện gió, điện mặt trời; thúc đẩy hoàn thành dự án cảng trung chuyển và kết nối giao thông phá vỡ thế ốc đảo của Cần Giờ.

Nghiên cứu đã giới thiệu mô hình thí điểm kết hợp du lịch sinh thái với sản phẩm OCOP nhằm tăng trải nghiệm của du khách, và hướng đến nhân rộng mô hình trong tương lai.

Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, việc phát triển Cần Giờ được bàn thảo hàng chục năm nay, tuy nhiên, bài toán làm sao để vừa phát triển Cần Giờ, vừa bảo tồn được những giá trị sinh thái rừng ngập mặn luôn được đặt ra. "Sự hiện diện của tôi hôm nay thể hiện cam kết của lãnh đạo TP về quyết tâm xây dựng Cần Giờ xanh, phát triển bền vững. TP cam kết đồng hành với những hoạt động cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu ấy", ông Mãi nhấn mạnh.

TP.HCM cam kết xây dựng Cần Giờ 'xanh', hướng tới đô thị sinh thái ven biển
Cần giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị tự nhiên, văn hóa rất độc đáo của Cần Giờ. Ảnh: Tú Viên

Cần Giờ có vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ với TP.HCM mà cả vùng và quốc gia. Nói cách khác, Cần Giờ là mặt tiền biển, cửa ngõ rất quan trọng của TP.HCM nối ra thế giới. TP.HCM là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trung tâm của miền Nam, đầu mối kinh tế lớn. Cần Giờ là gạch nối quan trọng trong hành lang ven biển. Trong xu hướng phát triển sắp tới, hành lang này ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn, thậm chí quyết định sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương. Những ý tưởng sẽ được đánh giá, sắp xếp ưu tiên nhằm xây dựng chiến lực phát triển Cần Giờ.

“Tôi đề nghị các chuyên gia góp ý thẳng thắn, tập trung vào mục tiêu giữ gìn, bảo tồn và phát triển các giá trị tự nhiên và làm sao phát triển Cần Giờ xanh, bền vững. Ý kiến cần khách quan, khoa học, thẳng thắn, đừng nhìn vào mặt tôi, ý tôi để phát biểu”, ông Mãi nhấn mạnh.

Nói về phát triển Cần Giờ, ông Mãi cho rằng nếu đầu tư phù hợp, Cần Giờ sẽ đại diện TP.HCM kết nối với Vũng Tàu và các địa phương trong hành lang ven biển. Dù vậy, ông tiếp tục trăn trở về trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị tự nhiên, văn hóa rất độc đáo của Cần Giờ.

Tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP cũng bày tỏ vui mừng khi việc phát triển Cần Giờ nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và người dân. Ông mong muốn nhận được nhiều hơn sự quan tâm, đóng góp để TP tìm được lời giải cho phát triển Cần Giờ một cách phù hợp và dựa vào sức mạnh các giá trị để thúc đẩy Cần Giờ phát triển xanh, bền vững.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 17/8/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới