Thứ sáu, 03/05/2024 15:47 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 24/8/2023

MTĐT -  Thứ năm, 24/08/2023 17:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 24/8/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 24/8/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Điều chỉnh quy hoạch phân khu đô thị H2-1 mở rộng trụ sở Bộ Công an

Chiều 23/8, UBND quận Cầu Giấy phối hợp với Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị H2-1, tỷ lệ 1/2.000 tại các ô quy hoạch E2-HH2, E2-NO11, E2-CC2 và đất đường giao thông, tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy.

Theo thuyết minh của đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, khu vực nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch có diện tích khoảng 5,37ha, nằm trên địa bàn phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy.

Về vị trí, phía Nam giáp đường quy hoạch mặt cắt ngang 50m (đường Hoàng Quốc Việt kéo dài); phía Đông giáp đường Phạm Văn Đồng; phía Tây giáp đường quy hoạch mặt cắt ngang 30m; phía Bắc giáp ô quy hoạch ký hiệu E2-QP2 (trụ sở Bộ Công an).

Theo 2 đồ án Quy hoạch phân khu H2-1 tỷ lệ 1/2000 và Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Thành phố giao lưu, tỷ lệ 1/500, khu đất được xác định chức năng là đất hỗn hợp, đất ở đô thị, đất công cộng đơn vị ở và đường giao thông.

Trên cơ sở chủ trương được các cấp thẩm quyền chấp thuận, đề xuất nội dung điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị H2-1 tỷ lệ 1/2000 cụ thể như sau: Điều chỉnh chức năng sử dụng đất tại các ô quy hoạch ký hiệu E2-HH2, E2-NO11, E2-CC2 (đất hỗn hợp, đất ở đô thị, đất công cộng đơn vị ở) và đất đường giao thông cấp khu vực từ đất dân dụng hiện trạng sang thành đất an ninh để thực hiện chủ trương mở rộng trụ sở làm việc Bộ Công an tại số 47 Phạm Văn Đồng.

Về hạ tầng, điều chỉnh chức năng tuyến đường giao thông cấp khu vực phía Nam trụ sở hiện có (mặt cắt ngang rộng 21,5m) thành đất an ninh. Ô đất cần đảm bảo nhu cầu đỗ xe bản thân công trình.

Quá trình triển khai tiếp theo xem xét nghiên cứu bố trí phần đất ở phía Đông ô đất (tiếp giáp với đường Phạm Văn Đồng) để có giải pháp tổ chức đảm bảo giao thông khu vực.

tm-img-alt
Vị trí khu đất lập điều chỉnh quy hoạch. (Ảnh: Internet)

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Đình Cường cho biết, UBND quận Cầu Giấy đã tổ chức lập điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị H2-1, tỷ lệ 1/2000 tại các ô quy hoạch ký hiệu E2-HH2, E2- NO11, E2-CC2 và đất đường giao thông phù hợp với chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy Hà Nội, phù hợp với nhiệm vụ đã được UBND TP giao.

Trong quá trình lập đồ án điều chỉnh quy hoạch đã lấy ý kiến đầy đủ của các sở ngành TP và lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan theo đúng quy định của Luật Quy hoạch đô thị.

Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy giao các đơn vị thuộc quận lưu trữ, quản lý hồ sơ quy hoạch theo đúng quy định. Cùng đó, tổ chức niêm yết, trưng bày công khai, liên tục hồ sơ điều chỉnh quy hoạch để các tổ chức, cá nhân được biết.

Ngoài ra, yêu cầu UBND phường Mai Dịch, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận phối hợp với Cục H02 và Cục H07 (Bộ Công an) thường xuyên kiểm tra, quản lý, giám sát xây dựng theo quy hoạch, báo cáo cấp thẩm quyền xử lý trường hợp xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Hà Nội: Chính thức ra mắt dịch vụ xe đạp điện, xe đạp công cộng

Mục tiêu thực hiện Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, việc chính thức đưa dịch vụ xe đạp điện-xe đạp công cộng vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo ra sản phẩm mới phục vụ du lịch của thành phố.

Ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trí Nam cho biết, việc đưa xe đạp công cộng vào vận hành phù hợp với mục tiêu thực hiện “Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP Hà Nội”.

"Đây là hoạt động phát triển xe đạp điện, xe đạp công cộng theo hình thức xã hội hoá để hỗ trợ, kết nối các phương thức vận tải hành khách công cộng cũng như đa dạng hoá các phương thức giao thông đô thị khu vực trung tâm thành phố; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo ra sản phẩm mới phục vụ du lịch của thành phố”- ông Dân cho hay.

Xe đạp điện, xe đạp công cộng được triển khai thực hiện giai đoạn đầu tại 79 điểm trạm, với 1.000 phương tiện xe trong đó 500 xe đạp điện và 500 xe đạp công cộng được bố trí trên địa bàn 6 quận nội thành gồm: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Ba Đình và Tây Hồ.

tm-img-alt
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cùng lãnh đạo các Sở, ngành và chủ đầu tư nhấn nút khai trương dịch vụ xe đạp điện công cộng trên địa bàn TP Hà Nội.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, với vai trò là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế và khoa học kỹ thuật của cả nước, Hà Nội luôn đặt mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876 ngày 22/7/2022, Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp, trong đó chú trọng vào việc chuyển đổi, phát triển các loại hình phương tiện thân thiện với môi trường trên địa bàn Thành phố nhằm từng bước hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường góp phần xây dựng Thủ đô xanh-văn minh-hiện đại, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.

Việc chuyển đổi sử dụng phương tiện năng lượng sạch trong lĩnh vực giao thông vận tải đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ cho các Sở, ban, ngành xây dựng lộ trình cụ thể nhằm hiện thực hóa cam kết giảm phát thải nhà kính của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Giải pháp sử dụng xe đạp, xe đạp trợ lực điện, xe đạp điện sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu chung của Thành phố.

"Việc phát triển loại hình xe đạp công cộng để hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng khác (đường sắt đô thị, xe buýt) sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường và bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện", Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Cũng theo ông Quyền, thời gian tới đây, Hà Nội cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc triển khai dịch vụ xe đạp đô thị nói riêng và các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch nói chung.

tm-img-alt
Chính thức đưa dịch vụ xe đạp điện-xe đạp công cộng vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. (Ảnh: Internet)

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng lưu ý, trong thời gian thí điểm 1 năm, đề nghị công ty Trí Nam theo dõi phản hồi của khách hàng để hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ; trên cơ sở đó tổng hợp kết quả triển khai sau thời gian thí điểm.

Sở GTVT thường xuyên theo dõi, tình hình thực hiện, sau 12 tháng thí điểm có báo cáo đánh giá về chất lượng, hiệu quả thí điểm mô hình dịch vụ xe đạp công cộng, tham mưu, đề xuất UBND TP phố xem xét, quyết định việc triển khai trong thời gian tiếp theo theo đúng quy định.

Theo ông Đỗ Bá Dân, trong 7 ngày vận hành thử nghiệm (từ 16-22/8), Trí Nam đã tiếp nhận hơn 16.000 tài khoản được mở mới. Khách hàng đã thực hiện hơn 7.000 chuyến đi, trên 46.000km di chuyển, đạt trung bình 6,3km/chuyến. Đặc biệt, 100% các khung giờ đều có khách sử dụng dịch vụ.

Lai Châu: Ra quân tháng cao điểm chỉnh trang, lập lại trật tự đô thị

Theo đó, kể từ ngày 1/8 - 2/9, Đội Quản lý Trật tự đô thị thành phố Lai Châu phối hợp với UBND các xã, phường, Đội Cảnh sát giao thông (Công an thành phố), Thanh tra giao thông (Sở Giao thông - Vận tải) tổ chức ra quân tháng cao điểm chỉnh trang, lập lại trật tự đô thị trên địa bàn thành phố Lai Châu, chào mừng Tuần Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Lai Châu lần thứ I, năm 2023 và các sự kiện Kỷ niệm 20 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu (1/1/2004-1/1/2024).

Các đơn vị phối hợp tổ chức ra quân tuyên truyền đến Nhân dân trên địa bàn chấp hành nghiêm quy chế quản lý đô thị, tự tháo dỡ công trình vi phạm, tự di chuyển chậu hoa, cây cảnh, các vật dụng đang để trái phép trên hành lang vỉa hè, các trường hợp lấn chiếm vỉa hè kinh doanh buôn bán.

Tại phường Đông Phong, các đơn vị thực hiện giải tỏa hành lang trên các tuyến đường như: đường 30/4, Đặng Văn Ngữ, Trường Chinh, Bến xe khách tỉnh và khu vực chợ Đầu Mối; tuyến đường Vừ A Dính, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Chí Thanh và khu vực chợ Đoàn Kết (phường Đoàn Kết); đường Nguyễn Trãi, Võ Nguyên Giáp, 10/10 và khu vực chợ Quyết Thắng (phường Quyết Thắng); đường Tôn Đức Thắng, Bế Văn Đàn (phường Quyết Tiến); đường Trần Phú, Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn, Đại lộ Lê Lợi, Điện Biên Phủ và các khu vực chợ: Trung tâm thương mại, chợ số 1, Hoàng Văn Thái, Trần Quý Cáp, Trần Quốc Mạnh (phường Tân Phong)…

tm-img-alt
Lực lượng trật tự đô thị ra quân trên các tuyến phố chính của thành phố Lai Châu.

Vận động nhân dân phát quang cây cối che khuất tầm nhìn, tự chỉnh trang, sửa chữa hàng rào, nhà ở, dọn dẹp vệ sinh nơi ở và đường phố sạch đẹp, thông thoáng, không vi phạm, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, đua mái che, mái vảy, xả rác thải, tập kết rác không đúng thời gian và phế liệu, chất thải xây dựng không đúng nơi quy định, chăn thả gia súc không đúng nơi quy định gây mất mỹ quan đô thị.

Đối với các nhà dân có mặt tiền tiếp giáp với trục đường chính và các đơn vị hành chính đóng trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, vận động chỉnh trang, trang trí đèn đảm bảo mỹ quan.

Kiên quyết xử lý hành chính đối với trường hợp không chấp hành, cố tình vi phạm (sau khi đã được tuyên truyền, nhắc nhở mà không thực hiện), trường hợp tái diễn vi phạm nhiều lần sẽ đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh (đối với các hộ kinh doanh nếu vi phạm); gửi thông báo đến cơ quan, đơn vị công tác, thông tin tại tổ dân phố, không xem xét đánh giá gia đình văn hóa trong năm. Tuyên truyền và chủ động thực hiện tốt công tác thu gom rác, đảm bảo công sở, khu dân cư sạch, đẹp, nhất là các tuyến đường chính của đô thị. Tuyên truyền, vận động nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức thực hiện tốt các quy định về vệ sinh môi trường; các ngày cuối tuần tổ chức tổng dọn vệ sinh trụ sở cơ quan, nhà ở.

Đến ngày 22/8, các đơn vị đã phối hợp thu giữ 5 xe môtô vi phạm, tháo dỡ 18 trường hợp mái che mái vẩy bạt, 4 trường hợp dựng lều quán trong đất cây xanh đô thị tại khu vực cạnh Bến xe khách tỉnh, 16 biển quảng cáo, 1 xe đẩy bán bánh mỳ...

Tất cả các tang vật vi phạm được các đơn vị bàn giao cho UBND các xã, phường để xử lý theo quy định, 5 xe môtô bàn giao cho Đội Cảnh sát giao thông (Công an thành phố) xử lý.

Lạng Sơn: Chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị mới Đông Kinh 996 tỷ đồng

tm-img-alt
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Diện tích khu đất khoảng 176.486 m2, địa điểm tại phường Đông Kinh, TP. Lạng Sơn, với tổng vốn đầu tư 996,575 tỷ đồng.

Quy mô gồm: 386 lô nhà liền kề với tổng diện tích đất là 32.742 m2, trong đó nhà đầu tư xây dựng thô, hoàn thiện mặt ngoài đối với 41 căn; 2 khu nhà ở xã hội với tổng diện tích đất 8.246 m2; 40 lô đất tái định cư với tổng diện tích 3.653 m2; cùng các công trình thương mại, dịch vụ, nhà văn hóa, trường học..., đáp ứng quy mô dân số 3.200 người.

Thời hạn hoạt động 50 năm, trong đó tiến độ thực hiện 5 năm kể từ ngày nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất./.

Thái Nguyên: Triển khai Dự án nhà ở xã hội đầu tiên theo gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Theo đó, Dự án đã hoàn tất các thủ tục và đang khẩn trương chuẩn bị công tác khởi công, tổ chức thi công xây dựng. Dự án có quy mô 11,3ha, bao gồm các công trình dịch vụ thương mại hỗn hợp phục vụ công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp và khu vực lân cận. Dự án đảm bảo khớp nối về mặt tổ chức không gian và hạ tầng kỹ thuật giữa khu vực lập dự án và các khu vực lân cận, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của công nhân và cư dân.

Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn I là 300 tỷ đồng, bao gồm 11 tòa nhà cao từ 5 đến 10 tầng, do Công ty cổ phần đầu tư Bình Minh Phát làm Chủ đầu tư.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Hiện tại, Dự án đã được giao diện tích đất 92.397m2/113.000m2 để triển khai. Dự kiến khi hoàn thành giai đoạn I, Dự án sẽ cung cấp cho thị trường gần 700 căn nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho hàng nghìn lao động tại các khu công nghiệp, khu hành chính của TP. Thái Nguyên và vùng lân cận.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có trên 100 nghìn công nhân lao động đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Nhiều lao động xa nhà hoặc đến từ ngoại tỉnh phải đi thuê nhà ở trong khi, thu nhập, chi phí sinh hoạt, đời sống còn nhiều khó khăn. Do vậy, việc giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân, người lao động là hết sức cần thiết đối với tỉnh Thái Nguyên.

Tỉnh Thái Nguyên cũng luôn xác định việc phát triển nhà ở xã hội nhằm mục tiêu quan trọng là bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là đối tượng có thu nhập thấp.

Hải Phòng tiến hành thu hồi đất xây dựng khu nhà ở xã hội

Theo đó, UBND Quận Ngô Quyền đã ban hành các Quyết định về việc cưỡng chế thu hồi đất đối với 05 tổ chức và 07 hộ dân, phê duyệt Phương án cưỡng chế, tham vấn các sở, ngành và báo cáo Thành ủy, UBND thành phố theo quy định.

Việc cưỡng chế sẽ được triển khai làm hai đợt. Đợt 1, quận sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Đại Trường Lộc, Công ty TNHH Châu Giang và một số kho của Công ty Cổ phần Giao nhận kho vận ngoại thương Hải Phòng. Thời gian bắt đầu từ ngày 24/8/2023 đến khi hoàn thành.

tm-img-alt
Phối cảnh dự án (Ảnh: Internet)

Đợt 2, quận sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với Công ty TNHH Quang Trung, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ INLACO, các khu vực công trình còn lại của Công ty Cổ phần Giao nhận kho vận ngoại thương Hải Phòng (sau khi cưỡng chế đợt 1) và 07 hộ dân. Thời gian bắt đầu kể từ ngày 22/9/2023 đến khi hoàn thành.

Hiện nay, UBND quận Ngô Quyền vẫn đang vận động các doanh nghiệp, các hộ gia đình, cá nhân khẩn trương di chuyển mọi tài sản, hàng hóa ra khỏi khu vực cưỡng chế; chấp hành bàn giao mặt bằng thực hiện Dự án theo quy định.

Được biết, Dự án Tổng kho 3 Lạc Viên thực hiện thu hồi đất đối với 16,91 ha, ảnh hưởng tới 07 tổ chức và 98 hộ gia đình, cá nhân với quy mô xây dựng gồm 10 block nhà chung cư cao 15 tầng, khoảng 4.456 căn hộ nhà ở xã hội, khoảng 163 căn hộ thương mại cao 07 tầng và hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ với các khu dân cư lân cận. Tổng mức đầu tư cho dự án 4.865 tỷ đồng, khi hoàn thành có thể phục vụ 14.740 người.

Thời gian qua, UBND quận Ngô Quyền đã tập trung tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi chấp hành bàn giao mặt bằng thực hiện Dự án. Đến nay, đã có 02/07 tổ chức và 77/84 hộ dân đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chấp hành bàn giao mặt bằng; còn 05/07 tổ chức và 07/87 hộ dân chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng.

Phú Thọ: Công bố danh mục Dự án Khu đô thị mới Đồng Đè Thàng 2, phường Tiên Cát

tm-img-alt
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Tổng diện tích của khu đất rộng 2.792 m2. Tổng chi phí thực hiện khoảng 33,85 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 0,577 tỷ đồng. Dự kiến, Dự án sẽ được triển khai xây dựng từ quý III/2024 - quý IV/2025.

Dự án có thời gian hoạt động là 50 năm.

Nộp hồ sơ đăng ký về Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ trước 10 giờ ngày 23/9/2023./.

Hải Phòng: Nhà đầu tư đã đăng ký dự án nhà ở xã hội 6.047 tỷ đồng

tm-img-alt
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Cụ thể, Công ty CP Vinhomes và Công ty CP Phát triển kỹ thuật công nghệ DHK là 2 nhà đầu tư đã đăng ký, nộp hồ sơ để thực hiện dự án này.

Tổng chi phí thực hiện dự kiến khoảng 5.834 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 213,5 tỷ đồng; tổng diện tích 28,14 ha. Trong đó, cơ cấu sản phẩm dịch vụ bao gồm: khu nhà ở xã hội (khoảng 4.004 căn hộ); khu nhà ở thương mại (khoảng 284 căn hộ liền kề); các công trình thương mại dịch vụ khoảng 23.097 m2; công trình trường học có diện tích 17.155 m2. Tiến độ triển khai Dự án là 5 năm.

TP.HCM trình Thủ tướng đề án nghiên cứu xây cảng biển ở Cần Giờ

Theo tờ trình của UBND TPHCM, vị trí đặt Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại khu vực Cù lao Con Chó (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Đây là khu vực nằm trong vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ nên không ảnh hưởng trực tiếp đến vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển này.

Dự án có quy mô 7 km cầu cảng và 2 km bến sà lan với nhu cầu sử dụng đất khoảng 571 ha. Cảng có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay là 250.000 DWT (tương đương 24.000 TEU - một TEU tương đương container loại 20 feet), tàu trung chuyển có tải trọng từ 10.000 - 65.000 tấn và sà lan tải trong 8.000 tấn.

Tổng mức đầu tư siêu cảng này ước tính gần 129.000 tỉ đồng - tương đương hơn 5,45 tỉ USD, do Tập đoàn MSC - hãng tàu container tốp đầu thế giới đề xuất đầu tư.

Kế hoạch đầu tư cảng trên cơ sở nhu cầu hàng hóa thông qua cảng, dự kiến phân kì đầu tư trong 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 trước năm 2030 đầu tư 2/7 bến chính. Cụ thể, chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2023 - 2024, xây dựng giai đoạn 2024 - 2026 và khai thác cảng từ năm 2027.

Giai đoạn 2 sau năm 2030 đến 2045 sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các bến chính còn lại. Khi khai thác hết công suất vào năm 2047, mỗi năm Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ góp ngân sách 34.000 - 40.000 tỉ đồng thông qua các khoản thuế, phí, lệ phí.

tm-img-alt
Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: Portcoast

Ngoài ra, dự án tạo việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 nhân viên, lao động làm việc tại cảng và tạo hàng chục nghìn việc làm cho lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan...

Ngoài khu cảng, TP.HCM cũng đầu tư các công trình phục vụ cho hoạt động khai thác cảng như khu nhà ở cán bộ, người lao động, chuyên gia dự kiến khoảng 68 ha. Khu nhà làm việc cơ quan nhà nước về cảng biển như cảng vụ hàng hải, hải quan, biên phòng cửa khẩu và cơ quan kiểm tra chuyên ngành rộng khoảng 4 ha.

Ngoài ra, còn có trung tâm đào tạo chuyên ngành hàng hải, trung tâm dịch vụ tư vấn hàng hải quy mô khoảng 10 ha.

Về nguồn vốn cho việc đầu tư cảng, công trình phụ trợ, trung tâm dịch vụ logistics và khu vực phi thuế quan bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Nhà nước tự bỏ kinh phí hoặc huy động vốn hợp tác công tư để làm hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 24/8/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới