Thứ năm, 02/05/2024 16:13 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 12/12/2023

MTĐT -  Thứ ba, 12/12/2023 17:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 12/12/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 12/12/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Đợt rét sắp tới kéo dài nhiều ngày, cường độ cực kỳ mạnh

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đợt không khí lạnh sẽ diễn ra vào ngày 17/12 dự báo có cường độ cực kỳ mạnh và kéo dài nhiều ngày. Đây là đợt rét hại diện rộng xảy ra đầu tiên trên toàn Bắc Bộ trong mùa đông năm nay, nhiệt độ thấp nhất có thể xuống dưới 11 độ. Vì thế người dân cần chú ý theo dõi, nhất là khu vực Trung Bộ từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi sẽ phải đối mặt với mưa lớn.

tm-img-alt
Miền Bắc sắp đón đợt rét đậm rét hại đầu tiên của mùa đông năm nay.

Hiện nay (12/12), bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang di chuyển xuống phía Nam. Dự báo do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường lệch Đông kết hợp với hội tụ gió trên mực 1500m nên từ chiều tối ngày 12 đến sáng sớm ngày 13/12, ở khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa rào rải rác và có nơi có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 50mm.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, vào khoảng ngày 16/12 sẽ có một đợt gió mùa Đông Bắc mạnh nhất từ đầu mùa tràn xuống nước ta. Do tác động của gió mùa Đông Bắc, từ khoảng đêm 16/12, nền nhiệt ở các tỉnh miền Bắc và cả các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An giảm sâu, có khả năng xảy ra một đợt rét đậm rét hại trên diện rộng. Nhiệt độ ở vùng núi phía Bắc có khả năng xuống dưới 10 độ C, vùng núi cao có nơi xuống dưới 3 độ C.

Đt không khí lạnh lần này có cường độ mạnh, gây ra một đợt mưa vừa mưa to ở khu vực Trung bộ từ ngày 17/12 trở đi. Ngoài rét ở Bắc Bộ, mưa ở Trung Bộ, không khí lạnh sẽ gây ra đợt gió mạnh ở trên Biển Đông. Từ khoảng ngày 16/12 trở đi sẽ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6 cấp 7, khu vực Bắc, giữa Biển Đông có sóng cao từ 3-5m, có thời điểm cao trên 5m gây ra biển động mạnh diện rộng.

Nước về ào ạt, hồ thủy điện tranh thủ tích trữ cho nguồn điện 2024

Theo Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia A0 (thuộc Tập đoàn EVN), từ đầu tháng 12 đến nay, lưu lượng nước về các hồ thủy điện miền Bắc nhìn chung khoảng 70 - 140% so với trung bình nhiều năm. Một số hồ có nước về tốt như Thác Bà (Yên Bái), Bản Vẽ (Nghệ An), Cửa Đạt (Thanh Hóa)...

Tương tự, các hồ thủy điện miền Trung cũng có lượng nước về tốt, hầu hết đều đạt xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm, nhiều hồ thủy điện lớn đang xả điều tiết.

Tình trạng này khiến tính từ đầu tháng 12 đến nay, sản lượng theo nước về trung bình khoảng 301,5 triệu kWh/ngày.

Theo A0, đến nay, các hồ thủy điện đa mục tiêu miền Bắc đã tích được lên xấp xỉ mực nước dâng bình thường và hiện đang vận hành linh hoạt theo lưu lượng nước về nhằm duy trì mực nước để đảm bảo cung cấp điện năm 2024.

Tuy nhiên, việc duy trì mực nước cao sẽ gặp khó khăn trong việc giải quyết lịch sửa chữa, thừa nguồn và có nguy cơ xả tràn khi lưu lượng nước về tăng đột biến.

Trong khi đó, các hồ thủy điện miền Trung và Nam tiếp tục có nước về tốt do ảnh hưởng của mưa lớn, nguồn điện gió phát tăng cao và dịp nghỉ cuối tuần có phụ tải giảm thấp.

tm-img-alt

Về nhiệt điện, các tổ máy tiếp tục được sắp xếp sửa chữa để nhằm nâng cao khả dụng, đáp ứng nhu cầu hệ thống điện trong giai đoạn tích nước cũng như mùa khô 2023 - 2024. Các nhà máy BOT (Nghi Sơn 2, Duyên Hải 2, Phú Mỹ 22, Phú Mỹ 3) được huy động cao để đảm bảo yêu cầu bao tiêu.

Huy động các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc để đảm bảo mục tiêu tích nước phục vụ vận hành năm 2024, miền Trung và miền Nam theo nhu cầu hệ thống. Sản lượng trung bình ngày trong tuần khoảng 370.0 triệu kWh. Tổng công suất các tổ máy nhiệt điện than đang bảo dưỡng, sửa chữa trong tuần ở miền Bắc là 840 MW. Không có tổ máy bất khả dụng do thiếu than.

Trong tuần từ ngày 4/12 - 10/12, sản lượng điện gió, điện mặt trời trung bình ngày trong tuần khoảng 106 triệu kWh.

Bình Thuận: Cần kiểm tra, xử lý bãi tập kết, sàng rửa cát trái phép

Thời gian qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo ráo riết xử lý tình trạng khai thác cát gây ô nhiễm, cũng như ra soát xử lý các bãi tập kết cát trái phép. Tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều điểm chưa được cử lý triệt để, đơn cử một bãi cát đã trở thành điểm tập kết, hút rửa cát trái phép tại khu Dốc Đá, xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Cụ thể là bãi tập kết, sàng rửa cát ngay cổng Công ty CP Năng lượng Phan Lâm 2. Nơi đây hoạt động diễn ra ngang nhiên trái phép mà không có sự giám sát và kiểm soát từ các cơ quan quản lý.

Hoạt động tập kết, hút và sàng rửa cát trái phép này đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường. Hàng ngày có rất nhiều các xe tải vận chuyển cát vào bãi tập kết hút rửa cát, sau khi cát được rửa, sàng lọc, nhiều xe khác chở ra ngoài đưa đi tiêu thụ. Bãi tập kết này đã hoạt động trong thời gian dài và ngày càng mở rộng về quy mô gây khói bụi, tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực và gây ô nhiễm nguồn nước.

Từ thông tin, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã tìm đến bãi tập kết sàng rửa cát để tìm hiểu. Được biết, khu vực tập kết, hút rửa cát trước cổng Công ty CP Năng lượng Phan Lâm 2, nằm tại thửa đất số 36, tờ bản đồ số 84 tại xã Phan Lâm, có diện tích 95823m2, mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm. Thuộc quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Bắc Bình quyết định 199/QĐ-UBND ngày 30/01/2023. Trong đó, 97569m2 đất trồng cây lâu năm, 8253m2 đất nông nghiệp khác. Tại đây chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động nhiều năm qua.

Thời điểm PV ghi nhận thực tế còn cho thấy, một số công nhân đang làm việc tại bãi cát cùng nhiều xe tải ben, xe múc. Với quy mô lớn, lượng cát thành phẩm được đổ cao thành nhiều đống, chất cao như núi. Trữ lượng cát và đất pha cát lên tới hàng nghìn mét khối. Khu vực này nằm sát ngay bên mương hồ Nam Heo, nguồn nước thải sau khi sàng rửa cát được đổ trực tiếp xuống lòng mương này gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

tm-img-alt
Hoạt động tập kết, hút và sàng rửa cát trái phép này đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường

Có thể thấy, bãi tập kết này không khác gì “đại công trường” khi tiếng gầm rú của các động cơ hoạt động hết công suất. Nào là máy hút, máy sàng rửa, tiếng xe vận chuyển cùng 1 chiếc máy múc đang vươn gàu múc hỗn hợp đất, cát đổ lên giàn sàng. Máy nổ công suất lớn liên tục bơm cát lên mặt sàng để tách lấy cát, tất cả tạo ra một âm thanh chát chúa, inh tai nhức óc.

Về sự việc này, PV đã liên hệ với ông Mang Nhu – Chủ tịch UBND xã Phan Lâm cùng địa chính xã cho biết: “Việc sàng rửa cát của đơn vị này, đội cảnh sát kinh tế môi trường đã xử lý 1 lần rồi, nếu như địa phương phát hiện có sai phạm thì sẽ xử lí theo Luật bảo vệ môi trường năm 2020 theo điều 48 về hành vi huỷ hoại môi trường và huỷ hoại đất.

tm-img-alt

Tiếp đến phóng viên cũng liên hệ trao đổi với ông Trần Duy Hùng – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, huyện Bắc Bình, ông Hùng cho biết: “Chưa nắm được thông tin và sẽ cho anh em kiểm tra xử lí ngay và phản hồi cho phóng viên.”

Tình trạng bãi tập kết sàng rửa cát trái phép trước cổng Công ty CP Năng lượng Phan Lâm 2, đã gây nên hậu quả nặng nề cho hệ sinh thái và ô nhiễm nguồn nước. Làm biến dạng địa hình, gây ô nhiễm đất và suy giảm chất lượng đất hoặc suy giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.

Bên cạnh đó, bụi cát và ô nhiễm không khí làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và sức khỏe của người dân xung quanh.

Từ những vấn đề trên, rất mong các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận; UBND huyện Bắc Bình cùng địa phương cần tăng cường giám sát, thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ và xử lý triệt để để ngăn chặn hoạt động tập kết, sàng rửa cát trái phép của doanh nghiệp này.

Phú Quốc nỗ lực xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Phú Quốc, hiện chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố có chiều hướng gia tăng. Ước tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn khoảng 67.396 tấn/năm.

Lượng rác thải phát sinh từ hộ gia đình, cơ quan, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, cửa hàng dịch vụ ăn uống. Các hộ dân sống gần kênh, rạch vẫn còn thói quen vứt rác thải sinh hoạt xuống kênh, rạch. Ngoài lượng rác thải từ các khu dân cư, điểm du lịch, rác thải từ biển tấp vào các bãi biển gây nên tình trạng mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường.

Khối lượng rác thải phát sinh lớn, TP. Phú Quốc đã triển khai nhiều biện pháp xử lý nhưng tính khả thi chưa cao. Thành phố hiện có 1 nhà máy xử lý rác thải Phú Quốc công suất 200 tấn/ngày.

Các khu vực bãi rác tạm như bãi rác Đồng Cây Sao, xã Cửa Dương, bãi rác xã Thổ Châu là địa điểm tập trung rác thải chính của thành phố, nhưng rác thải chỉ được xử lý bằng cách đốt, chôn lấp, phun hóa chất khử mùi, chưa đáp ứng được yêu cầu xử lý rác thải, chưa đảm bảo xử lý được nước rỉ rác, còn phát sinh mùi hôi, việc đốt rác tạo khói gây ô nhiễm môi trường không những trong khu vực bãi rác mà còn ảnh hưởng đến khu vực xung quanh.

tm-img-alt
Cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên tham gia thu gom rác tại bãi biển Dương Tơ, TP. Phú Quốc

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải làm mất mỹ quan, ảnh hưởng đến hoạt động thu hút du lịch của địa phương, UBND TP. Phú Quốc đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm từ rác thải trên địa bàn: Xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện ngày vì môi trường Phú Quốc định kỳ hàng năm với nhiều hoạt động tuyên truyền gắn với ra quân làm vệ sinh môi trường, đổi rác thải nhận quà; tổ chức thi vẽ tranh vì môi trường, tổ chức diễu hành bảo vệ môi trường, ra mắt trạm tập kết xanh, xóa điểm đen về rác thải… thu hút hàng ngàn người dân tham gia, qua đó thu gom hơn 150 tấn rác.

TP. Phú Quốc xây dựng kế hoạch và triển khai thí điểm mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và phân loại rác tại nguồn tại địa bàn các xã, phường; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác và vận động người dân giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

UBND TP. Phú Quốc thí điểm lắp đặt điểm tham quan giảm sử dụng nhựa một lần tại công viên Bạch Đằng và Dinh Cậu, nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa; thí điểm lắp đặt phao quây rác tại rạch Ông Trì, phường Dương Đông.

LHQ: Kêu gọi các nước phát triển thực hiện đầy đủ cam kết về khí hậu

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28) ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Tổng thư ký Guterres khẳng định tầm quan trọng của việc các nước phát triển đáp ứng các cam kết về tài chính và thích ứng một cách đầy đủ và minh bạch.

Ông nhấn mạnh nhiều nước đang phát triển hiện chìm trong nợ nần, không có dư địa tài chính và gặp khó khăn trong việc ứng phó với khủng hoảng khí hậu. Trước tình hình này, ông cho rằng thế giới đang phải chạy đua với thời gian và kêu gọi các nước hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu.

tm-img-alt
Tổng Thư ký Liên hợp quốc - Antonio Guterres phát biểu tại Hội nghị COP28. (Ảnh: Reuters)

Tổng thư ký LHQ cũng kêu gọi hợp tác đa phương để giải quyết thách thức chung mà nhân loại đang phải đối mặt. Ông nhận định trong thế giới rạn nứt và chia rẽ như hiện nay, COP28 có thể cho thấy rằng chủ nghĩa đa phương vẫn là niềm hy vọng tốt nhất để giải quyết các thách thức toàn cầu. Đối với các hành động khí hậu, ông Guterres lưu ý rằng cần xem xét các trách nhiệm chung, cũng như khả năng và hoàn cảnh khác nhau của các quốc gia.

Về quá trình chuyển đổi sang một tương lai xanh hơn, Tổng thư ký nhấn mạnh rằng các chính phủ cũng phải đảm bảo hỗ trợ, đào tạo và bảo trợ xã hội cho những người có nguy cơ hứng chịu tác động tiêu cực. Theo ông, các nước cần tăng vốn và cải cách mô hình kinh doanh của các ngân hàng phát triển đa phương để tăng cường hỗ trợ trực tiếp, tận dụng nhiều nguồn tài chính tư nhân hơn với chi phí hợp lý để thúc đẩy nỗ lực hành động khí hậu của các nước đang phát triển. Ông nhấn mạnh kết thúc COP28, các chính phủ cần nắm được các nhiệm vụ phải làm từ nay cho tới COP30 ở Brazil.

Liên hợp quốc kêu gọi nỗ lực chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch

Cùng ngày, Thư ký Điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC), ông Simon Stiel đã kêu gọi các quốc gia loại bỏ những rào cản trong nỗ lực tiến tới chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Phát biểu với báo giới tại COP28, ông Stiel nhấn mạnh sự cần thiết cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính và hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch. Vì vậy, quan chức cấp cao về khí hậu của Liên hợp quốc cho rằng điều đầu tiên cần làm là loại bỏ những rào cản không cần thiết để đạt được những nỗ lực như vậy.

Bên cạnh đó, ông Stiel cho rằng các nước cần tiếp tục thực hiện các hành động tham vọng và quyết liệt hơn, nhằm hướng đến mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Đề xuất “giảm dần/loại bỏ” việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nội dung được đưa vào bản dự thảo đầu tiên của thỏa thuận hành động chống Biến đổi Khí hậu. Đây là vấn đề mà các đại biểu của khoảng 200 nước đang nỗ lực tìm tiếng nói chung tại COP28. Ít nhất 80 quốc gia đã lên tiếng yêu cầu một thỏa thuận về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Trong khi đó, đại diện thường trực của UAE tại Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), Tiến sỹ Nawal Al Hosany, đánh giá Hội nghị COP28 đã mang lại những kết quả vượt mong đợi về các cam kết tài chính và cam kết toàn cầu hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với Biến đổi Khí hậu.

Phát biểu với hãng tin WAM của UAE bên lề hội nghị COP28, Tiến sỹ Al Hosany đánh giá cao thành công đạt được trong mỗi ngày tại hội nghị trong đó có việc tăng cường các sáng kiến tài chính và động lực toàn cầu, đồng thời nêu bật thỏa thuận toàn cầu đã đạt được về Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại."

Tiến sỹ Al Hosany hoan nghênh cam kết của hơn 123 quốc gia về tăng gấp 3 lần việc áp dụng năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng vào năm 2030.

Tiến sỹ Al Hosany cũng nhấn mạnh vai trò của IRENA trong việc thuyết phục các quốc gia tham gia cam kết này nhằm đạt mục tiêu kiềm chế mức ấm lên toàn cầu không quá 1,5°C và tăng cường an ninh năng lượng.

Tiến sỹ Al Hosany nêu bật sự hợp tác của IRENA với Chủ tịch COP28 trong khuôn khổ tăng cường khả năng tiếp cận nguồn tài chính, trong đó các sáng kiến được đưa ra tại hội nghị, thu hút nguồn tài trợ vượt 80 tỷ USD.

Theo bà, để đạt được hiệu quả bền vững, cần phải duy trì các cam kết toàn cầu liên quan đến tài chính, cùng với việc chuyển trọng tâm sang phát triển cơ sở hạ tầng giúp cung cấp thêm năng lượng tái tạo cho lưới điện tại các quốc gia đã cam kết.

Ngoài ra, Tiến sỹ Al Hosany nhấn mạnh vai trò tiên phong của thanh niên tại hội nghị về khí hậu đồng thời đề cao tầm quan trọng của việc bồi dưỡng kỹ năng và hỗ trợ các ý tưởng của giới trẻ trong áp dụng các giải pháp cho các vấn đề thách thức về khí hậu và năng lượng tái tạo.

Trước đó, IEA cho rằng loạt cam kết mới được công bố tại Hội nghị COP28 - từ tăng gấp 3 lần năng lượng tái tạo đến hạn chế lượng khí thải methane, là không đủ để kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Đến nay, 130 quốc gia đã nhất trí tăng gấp 3 lần năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi tốc độ cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, trong khi 50 công ty khai thác dầu và khí đốt đã đồng ý cắt giảm lượng khí thải methane và loại bỏ việc đốt dầu sản xuất vào năm 2030 theo Hiệp định khử Carbon trong Dầu khí.

Nếu các bên thực hiện đúng cam kết của mình, thì lượng khí thải nhà kính liên quan đến năng lượng toàn cầu sẽ giảm tương đương 4 tỷ tấn carbon dioxide vào năm 2030. Đây là 1/3 lượng khí thải cần được giải quyết trong 6 năm tới để hạn chế sự nóng lên của Trái Đất ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, như đã nhất trí trong Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu năm 2015.

IEA nhấn mạnh: “(Các cam kết) gần như không đủ để đưa thế giới vào con đường đạt được các mục tiêu khí hậu quốc tế. IEA sẽ tiếp tục theo dõi những diễn biến tại COP28 và cập nhật đánh giá của mình khi cần thiết."

IEA từng cho rằng các nước sẽ cần thực hiện 5 lĩnh vực chính tại COP28 để duy trì khả năng giữ mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở 1,5 độ C. Bên cạnh năng lượng tái tạo, tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng và cắt giảm khí methane, IEA cho biết một cơ chế tài chính quy mô lớn là cần thiết để tăng gấp 3 lần đầu tư năng lượng sạch ở các quốc gia nghèo hơn.

Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber kêu gọi các nước nỗ lực hơn, linh hoạt và chấp nhận thỏa hiệp để đạt được thỏa thuận giải quyết Biến đổi Khí hậu, bao gồm cả cách diễn đạt về tương lai của nhiên liệu hóa thạch. Ông khẳng định việc dập tắt tham vọng của thỏa thuận và thất bại không phải là lựa chọn.

Hội nghị COP28 sẽ kéo dài đến ngày 12/12. Dự thảo văn bản được COP28 công bố ngày 10/12 đề xuất tổ chức hội nghị COP29 vào năm tới tại Azerbaijan trong khoảng thời gian từ ngày 11-22/11. Văn bản cũng đề xuất thời gian diễn ra COP30 ở Brazil là từ ngày 10-21/11/2025.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 12/12/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Hàng tấn cá chết bất thường trên sông Mã
Từ ngày 19/3 đến 28/4, trên địa bàn các xã Thiết Kế, Thiết Ống, Ban Công, Ái Thượng và thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước(Thanh Hóa) xuất hiện hàng tấn cá lồng nuôi chết bất thường có hàng chục trên sông Mã khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng.

Tin mới

“Trường học xanh” - Mô hình giáo dục hiệu quả
"Xây dựng mô hình “Trường học xanh” từ cổng trường, khuôn viên đến bên trong nơi làm việc, phòng học... tạo nên một tổng thể không gian làm việc thoải mái, thân thiện, trong lành, hoà cùng thiên nhiên và mang lại hiệu quả giáo dục tốt nhất”.