Thứ năm, 02/05/2024 03:32 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/11/2023

MTĐT -  Thứ hai, 20/11/2023 16:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/11/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 20/11/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Yên Bái xây dựng nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

tm-img-alt
Sản xuất trong nhà lưới, nhà màng là một giải pháp hiệu quả để hạn chế tác động từ biến đổi khí hậu

Phần lớn hiện nay nền nông nghiệp của tỉnh phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện tự nhiên, khí hậu nên sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Đối mặt với những khó khăn của thời tiết, nhiều năm qua, ngành đã nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất từ làm theo kinh nghiệm, thuận tự nhiên sang áp dụng khoa học kỹ thuật, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu.

Mù Cang Chải là huyện vùng cao, thường xuyên có những đợt rét đậm, rét hại, sương muối, băng giá vào mùa đông. Nhiều năm trước, vào mùa đông, người dân thường không trồng cấy; tình trạng gia súc, gia cầm chết do bệnh, do đói rét khá cao. Sau nhiều năm tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, chỉ đạo quyết liệt, người dân nơi đây đã thay đổi tư duy và hành động.

Ông Lương Văn Thư - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải cho biết: "Để ứng phó với BĐKH, ngành đã hướng dẫn người dân lựa chọn, đưa các giống cây trồng mới, các giống lúa, ngô chịu hạn, chịu rét tốt, cho năng suất cao vào sản xuất, vận động nhân dân sản xuất đúng khung lịch thời vụ, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật… Đồng thời, ngành cũng vận động người dân tận dụng hỗ trợ Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh để thay đổi hình thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang hàng hóa, từ chăn thả tự do sang chăn nuôi bán chăn thả; tăng cường tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, chủ động ứng phó với thời tiết khắc nghiệt”.

Nhờ đó, Mù Cang Chải hiện nay có những vườn cây ăn quả ôn đới rụng lá vào mùa đông, bật lộc đầu xuân được hỗ trợ mở rộng diện tích: hồng giòn từ 1 ha lên 30 ha; lê tai nung lên 70 ha; đào, mận khoảng trên 50 ha…

Trên những diện tích ruộng cạn không lấy được nước cũng dần được chuyển đổi sang các cây trồng khác phù hợp. Hình ảnh những thửa ruộng vẫn xanh ngát rau cải mèo, cải mầm đá, su hào vào mùa đông; những túp lều ăm ắp rơm, rạ được dự trữ, những chuồng trại dựng lên kiên cố, có mái che, bạt quây đã trở nên phổ biến.

Hiện nay, dưới tác động của BĐKH, mùa hè nắng nóng nhiều hơn làm tăng diện tích đất đai bị khô hạn, giảm năng suất cây trồng, giảm diện tích đất trồng lúa. Mùa đông có những đợt rét đậm, rét hại, sương muối, khô hạn làm cây trồng kém phát triển, nhiều vật nuôi bị chết do nhiệt độ xuống thấp. Ngoài ra, các đợt mưa lớn kéo dài cũng làm rửa trôi chất dinh dưỡng, thoái hóa đất, giảm năng suất cây trồng.

Để thích ứng với BĐKH, ngành nông nghiệp đã chủ động công tác theo dõi sát dự báo thời tiết, chủ động trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc để chống xói mòn, duy trì lớp thảm thực vật, đảm bảo khung thời vụ gieo trồng; đồng thời, tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên...

Đến nay, nhiều hợp tác xã nông nghiệp, nông dân dần thay đổi tư duy sản xuất cũ làm theo kinh nghiệm sang áp dụng khoa học như: trồng trong nhà kính, nhà lưới; tưới nước tiên tiến; canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… không phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết. Các biện pháp canh tác bền vững trên đất dốc để giữ nước, giảm xói mòn cũng được phổ biến, nhân rộng. Phần lớn diện tích sản xuất lúa khó khăn về nguồn nước đã được chuyển đổi sang các mô hình cây trồng khác chịu hạn tốt hơn.

Anh Hoàng Văn Hải ở xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ: "Gia đình tôi có khoảng 2 sào ruộng ở gò cao, khó lấy nước, ít màu mỡ. Sau nhiều năm không canh tác được gì, tôi đã chuyển sang trồng bưởi da xanh. Đến nay, tôi đã bán được 2 vụ, số lượng chưa nhiều nhưng cũng thu đến đâu bán được đến đó”. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều giải pháp đã được nông dân tích cực thực hiện như: chủ động nguồn thức ăn tại chỗ; xây dựng hệ thống máng ăn, máng uống tự động, sử dụng đệm lót sinh học, men vi sinh để vệ sinh chuồng trại…

Trong xu hướng hiện nay, thích ứng tốt với BĐKH là yêu cầu cấp thiết để phát triển. Bởi vậy, cách làm của ngành nông nghiệp cùng nông dân Yên Bái không chỉ để thích ứng với BĐKH mà còn giảm thiểu rủi ro, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng ngành nông nghiệp theo hướng điện đại, bền vững.

Yên Bái: Tổ chức Hội thi “Thiết kế và trình diễn thời trang xanh"

Hướng tới kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2023), Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trấn Yên vừa tổ chức Hội thi “Thiết kế và trình diễn thời trang xanh”.

Hội thi “Thiết kế và trình diễn thời trang xanh” Trường THPT Lê Quý Đôn có 71 sản phẩm tham gia.
Hội thi “Thiết kế và trình diễn thời trang xanh” Trường THPT Lê Quý Đôn có 71 sản phẩm tham gia.

Tham gia Hội thi có 71 sản phẩm, trong đó, 70 sản phẩm là của các em học sinh và 1 sản phẩm của giáo sinh thực tập tại trường. 100% sản phẩm là những bộ trang phục được làm từ nguyên liệu xanh, thân thiện với môi trường như: lá cây, bìa các-tông, giấy, rau củ quả tươi hoặc khô… Trang phục sáng tạo theo các chủ đề: dạ hội, thể thao, dân tộc… Tất cả các bộ trang phục dự thi được đánh giá là sáng tạo, phù hợp với lứa tuổi, mang thông điệp sống xanh.

Hội thi hướng tới mục đích tuyên truyền giáo dục thái độ, hành vi cho học sinh trong hoạt động bảo vệ môi trường xanh, sạch, an toàn. Đồng thời là sân chơi bổ ích, lý thú, có tính giáo dục cao nhằm tuyên truyền, rèn luyện phẩm chất tốt đẹp của học sinh trong thời đại mới.

Hội thi cũng nhằm rèn luyện năng lực của học sinh, góp phần xây dựng hình ảnh nhà trường, gắn kết tình thầy trò, bạn bè hướng tới mục tiêu xây dựng "trường học hạnh phúc”.

Trường THPT Lê Quý Đôn (Trấn Yên) tổ chức Hội thi “Thiết kế và trình diễn thời trang xanh"

Một thiết kế thời trang xanh của học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn tại Hội thi.

Kết thúc Hội thi, Ban tổ chức đã trao một giải Nhất cho Chi đoàn 10A5 cùng 2 giải Nhì, 3 giải Ba và nhiều giải phụ khác.

Một tàu nước ngoài vớt được 14 thuyền viên gặp nạn ở vùng biển Bình Thuận

Ngày 20/11, UBND tỉnh Bình Định đã có công văn số 8755/UBND-KT về việc hỗ trợ cứu nạn khẩn cấp 14 thuyền viên trên tàu cá BĐ 98268 TS bị phá nước và chìm trên vùng biển tỉnh Bình Thuận.

Trước đó, rạng sáng 20/11, Tàu cá BĐ 98268 TS (do ông Huỳnh Văn Bạn, ở phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng) đang hoạt động tại vùng biển cách Đông Bắc đảo Phú Quý, Bình Thuận khoảng 92 hải lý thì bị phá nước, chìm tàu. Các thuyền viên đã cố gắng bám vào các vật thể nổi của tàu.

Để kịp thời cứu nạn tàu cá BĐ-98268 TS và 14 thuyền viên trên tàu, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Bình Định đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, Quân chủng Hải quân Việt Nam chỉ đạo lực lượng chức năng bố trí phương tiện, nhân lực hỗ trợ cứu nạn khẩn cấp. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Định đã cử ngay đoàn công tác của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh phối hợp, triển khai tổ chức tìm kiếm cứu nạn với đơn vị chức năng tỉnh Bình Thuận.

Đến khoảng 7 giờ 20 phút, tàu cảnh sát biển CSB 6007 đang làm nhiệm vụ gần đảo Phú Quý, Bình Thuận đã xuất phát ra khu vực tàu cá bị nạn để ứng cứu, tổ chức tìm kiếm cứu nạn.

Tại khu vực tàu cá Bình Định bị nạn, tàu cá PY 96292 TS và tàu cá PY 92628 TS đang tổ chức tìm kiếm 14 thuyền viên. Ngoài ra, 2 tàu cá khác của Bình Định gần khu vực này cũng tham gia hoạt động cứu nạn, cứu hộ.

Đến 12 giờ 20 phút ngày 20/11, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định nhận được thông tin từ Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn khu vực 3, tàu Barzan (quốc tịch Đức) hành trình từ Trung Quốc đi Singapore đã vớt được 14 ngư dân. Ngay sau đó, thuyền trưởng tàu Barzan thông báo qua điện thoại tới Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 3.

Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã điều tàu cảnh sát biển CSB 6007 ra tiếp nhận 14 ngư dân. Hiện, sức khỏe các thuyền viên đều ổn định.

Sạt lở kè biển ấp Bào, xã Hiệp Thạnh

Trong 02 ngày 18 và 19/11, kè biển tại ấp Bào, xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải xuất hiện điểm sạt lở nghiêm trọng khiến nhân dân địa phương hoang mang, lo lắng.

Điểm sạt lở mới nhất có diện tích khoảng 150m², các cấu kiện bê-tông đã bị sóng biển làm sạt lở, sụt lún tạo ra “hàm ếch” lớn, khoét sâu vào mái kè.

Nguyên nhân được xác định do đến mùa gió chướng, tác động của triều cường, nước biển dâng cao, gió mạnh và sóng lớn, ngoài ra đoạn kè biển này cũng đã xây dựng trên 16 năm, nhiều đoạn xuống cấp, chân kè yếu.

tm-img-alt

Trong buổi sáng ngày 19/11, sau khi phát hiện tình trạng sạt lở, Chi cục Thủy lợi tỉnh Trà Vinh đã điều động đơn vị thi công cùng sự hỗ trợ của lực lượng dân quân địa phương nhanh chóng khắc phục sự cố.

Đơn vị thi công tiếp tục tăng cường lực lượng, nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục, sửa chữa, tránh tình trạng điểm sạt lở lan rộng. Lãnh đạo xã Hiệp Thạnh cũng đã phân công cán bộ, phối hợp cùng đơn vị thi công bám sát công trình. Tận dụng tối đa thời gian lúc thủy triều xuống thấp để thi công, phấn đấu hoàn thành khắc phục sự cố trong vòng 01 tuần.

Ngoài vị trí sạt lở này, trên toàn tuyến kè biển ấp Bào, xã Hiệp Thạnh cũng đã xuất hiện thêm 03 điểm sụt lún mới, có nguy cơ sạt lở. Chi cục Thủy lợi tỉnh Trà Vinh yêu cầu đơn vị thi công tiến hành gia cố các điểm này để đảm bảo an toàn kè biển, tránh xảy ra sạt lở nghiêm trọng hơn.

Bến Tre: Xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024 sớm, sâu và kéo dài

Dự báo, xâm nhập mặn khả năng sẽ xâm nhập sớm vào các sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre từ nửa cuối tháng 11/2023, ranh mặn xâm nhập sâu nhất trên các sông xuất hiện trong tháng 2 và 3/2024.

Tỉnh Bến Tre đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024, được ngành chuyên môn nhận định là xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn khả năng sẽ xâm nhập sớm vào các sông trên địa bàn tỉnh từ nửa cuối tháng 11/2023.

Trong tháng 12/2023, xuất hiện 2 đợt xâm nhập mặn, đợt 1 từ ngày 7 đến ngày 12 và đợt 2 từ ngày 21 đến ngày 26. Dự báo ranh mặn xâm nhập sâu nhất trên các sông xuất hiện trong tháng 2 và 3/2024.

tm-img-alt
Hệ thống cống giúp chủ động điều tiết nước ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất ở Bến Tre. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Độ mặn 1‰ có khả năng xâm nhập toàn khu vực tỉnh từ tháng 1 đến tháng 5/2024, nhất là các hệ thống sông Hàm Luông, Cửa Đại, kênh Giao Hòa-An Hóa vào sông Ba Lai, do tác động thêm của công trình cống, đập giữ nước tại thượng nguồn tỉnh và tại các địa phương giáp ranh tỉnh, sự vận hành các đập trên sông Mekong theo hướng tích nước.

Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương, người dân cập nhật kịp thời thông tin dự báo khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn và triển khai biện pháp chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết ngay từ cuối tháng 5, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành, cấp, địa phương khẩn trương, quyết liệt trong chuẩn bị phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn năm 2023-2024; chủ động biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Tỉnh tuyên truyền, phát động việc trữ nước mưa, nước ngọt ngay trong mùa mưa năm 2023 bằng nhiều hình thức như: tận dụng dụng cụ trữ nước đã được hỗ trợ, trữ nước trong các ống hồ, mái, lu, bồn chứa, túi chứa nước; đào hố trải bạt, ngăn chứa nước trong ao hồ, mương vườn, đập cục bộ từng khu vực. Đồng thời, áp dụng biện pháp khác đảm bảo có đủ nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và sản xuất trong trường hợp xâm nhập mặn tăng đột biến, bất thường.

Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống, ứng phó theo phạm vi quản lý của ngành, địa phương phù hợp với tình hình dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn. Ngành chức năng rà soát khả năng đáp ứng nhu cầu dùng nước của hệ thống công trình thủy lợi, cấp nước để có phương án vận hành linh hoạt.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre khuyến cáo, các địa phương bố trí lịch thời vụ gieo trồng hợp lý phù hợp với điều kiện nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn, bảo đảm tránh thời điểm xâm nhập mặn lên cao trùng với thời kỳ sinh trưởng nhạy cảm của cây trồng. Các diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn cần lùi thời vụ xuống giống đến khi nguồn nước bảo đảm đủ cung cấp.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho hay, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống công trình phòng, chống hạn mặn chưa hoàn thành. Tỉnh có những phương án đắp đập tạm để trữ nước trong điều kiện hệ thống công trình chưa hoàn chỉnh, cần có những giải pháp trước mắt.

Bên cạnh giải pháp công trình, những giải pháp phi công trình cũng rất cần thiết vì đã chứng minh hiệu quả trong thời gian qua. Điển hình như việc đào ao trữ nước, trữ nước cục bộ trong dân thông qua hệ thống lót bạt trữ nước tạm thời, được xem là giải pháp hết sức quan trọng. Với khả năng trữ nước và điều tiết nước hợp lý, có thể giảm nhẹ rất nhiều yếu tố ảnh hưởng của hạn mặn trong mùa khô - ông Huỳnh Quang Đức nhấn mạnh.

Cùng đó, ngành nông nghiệp tăng cường hướng dẫn giải pháp phòng, chống hạn mặn đã áp dụng hiệu quả trên cây trồng trong thời gian qua. Ví dụ như: tránh việc để ra hoa và nuôi trái trong điều kiện hạn mặn cao điểm; giữ ẩm cho vườn cây ăn trái; có biện pháp cắt tỉa cành đối với một số cây trồng trước thời gian hạn mặn xảy ra để giảm tác động của hạn mặn…

Động đất mạnh tại Nhật Bản, 2 người bị thương

Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), trận động đất có độ sâu chấn tiêu 50 km, được xếp cấp độ 4 trên thang cường độ địa chấn 7 cấp của Nhật Bản.

JMA cho biết tâm chấn của trận động đất nằm ở ngoài khơi tỉnh Chiba tại vị trí 41,2 độ vĩ Bắc và 142,3 độ kinh Đông. Trận động đất không có nguy cơ gây sóng thần.

Sở cứu hỏa địa phương cho biết 2 nam thiếu niên bị thương do kính vỡ trong quá trình sơ tán. Theo truyền thông địa phương, cơ quan chức năng không phát hiện bất thường tại nhà máy điện hạt nhân Onagawa hiện đã ngừng hoạt động cũng như cơ sở xử lý chất thải hạt nhân ở tỉnh Aomori.

Mưa lũ và bão lớn đang hoành hành tại nhiều nước, gây thiệt hại nghiêm trọng

Ngày 19/11, bão mang theo gió mạnh đã ảnh hưởng một số khu vực ở vùng Siberia của Nga, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Quan chức thành phố Novokuznetsk cho biết, bão mạnh khiến cây đổ đè lên một xe ô tô làm 2 người thiệt mạng và 2 người khác phải nhập viện. Thị trưởng thành phố Novokuznetsk, ông Sergei Kuznetsov, đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại thành phố này sau khi gió mạnh làm gián đoạn mạng lưới điện và hư hỏng nhiều tòa nhà. Các trường học và nhà trẻ trong thành phố sẽ đóng cửa trong ngày 20/11. Theo ông Kuznetsov, tổng cộng 6 người dân đã bị thương trong các sự cố do bão. Ngoài ra, truyền thông Nga đưa tin gió mạnh cũng gây thiệt hại vật chất ở các vùng Kemerovo, Krasnoyarsk, Novosibirsk và Omsk.

Tương tự, các trận gió mạnh quét qua Bulgaria và nước láng giềng Romania trong đêm cũng đã khiến ít nhất 2 người thiệt mạng. Mưa lớn và tuyết rơi làm gián đoạn mạng lưới điện, gây ngập úng, chia cắt nhiều tuyến đường ở miền Đông của 2 quốc gia này. 

Cụ thể, thành phố Varna ven Biển Đen của Bulgaria và hai thành phố lân cận đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì thời tiết xấu. Thông báo từ cảnh sát nêu rõ gió mạnh khiến cây gãy đổ đè chết 1 người ở Varna và khiến 2 nhân viên cứu hộ bị thương. Trong khi đó, ở vùng ngoại ô Sofia, cây đổ đè vào xe ô tô khiến 1 người tử vong và 1 người bị thương nghiêm trọng. Thị trưởng Varna, Blagomir Kotsev, cho biết thời tiết xấu khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn và người dân nên tránh ra đường trong điều kiện gió mạnh và mưa lớn hiện nay.

Mạng lưới điện đã bị gián đoạn ở cả 5 quận trong thành phố Varna. Hàng tấn thân và cành cây đổ gãy chắn ngang nhiều tuyến đường, làm gián đoạn lưu thông người và xe cộ. Sân bay Varna vẫn hoạt động nhưng một số chuyến bay đã bị hoãn hoặc hủy. Dịch vụ tàu hỏa cũng gián đoạn vì cây đổ đè lên đường ray. Nhiều tuyến đường chính ở vùng Đông Bắc Bulgaria cũng tê liệt vì băng tuyết khiến các phương tiện bị mắc kẹt, không thể di chuyển

Cơ quan Thời tiết quốc gia Bulgaria đã ban hành cảnh báo mức cam về gió mạnh nguy hiểm tại toàn bộ miền Đông Bulgaria trong ngày 19/11, cảnh báo gió giật có thể lên đến 100 - 125 km/h, gây ra các cột sóng có thể cao tới 5m ven biển Đen.

Trong khi đó, ở nước láng giềng Romania, gió mạnh quét qua vùng Đông Nam khiến nhiều cảng ở Biển Đen không thể hoạt động. Cơ quan thời tiết của nước này ban hành mức cảnh báo đỏ cao nhất về mưa lớn và gió mạnh ở 2 vùng giáp Biển Đen, gần biên giới Bulgaria. Các cơ quan khẩn cấp gửi tin nhắn khuyến nghị người dân tránh ra ngoài. Hàng nghìn hộ gia đình mất điện, các lực lượng cứu hỏa đã dọn dẹp 140 thân cây gãy đổ, 40 xe ô tô bị hư hại.

Tại CH Dominicana, các nhà chức trách cho biết ít nhất 21 người, trong đó có 3 trẻ em, đã thiệt mạng sau khi những trận mưa xối xả trút xuống nước này cuối tuần qua.

tm-img-alt
Mưa lũ khiến 21 người thiệt mạng tại CH Dominicana. Ảnh: EPA

Theo Tổng thống CH Dominicana Luis Abinader, đây là đợt mưa lớn nhất từ trước đến nay tại quốc gia Caribe này. Mưa to đã gây lũ lụt, làm sập nhà và hư hại cơ sở hạ tầng tại CH Dominicana. Cơ quan khẩn cấp cho biết  khoảng 13.000 người trên cả nước đã phải sơ tán và phần lớn trong số 32 tỉnh đang trong tình trạng báo động do mưa lũ. Học sinh nghỉ học đến ngày 22/11 để đảm bảo an toàn.

Trong số nạn nhân thiệt mạng trong đợt mưa lũ tại CH Dominicana có 4 người Mỹ. Đại sứ quán Mỹ cảnh báo mưa lớn do áp thấp nhiệt đới có thể tiếp diễn trên cả nước CH Dominicana trong 24 giờ tới.

Cùng ngày 19/11, công ty đường sắt nhà nước Kenya thông báo các dịch vụ chở hàng đến và đi từ thành phố cảng Mombasa gián đoạn vì mưa lớn và lở đất xảy ra dọc vùng duyên hải đất nước. Trong những tuần gần đây, vùng Sừng châu Phi đã hứng chịu mưa lớn và lũ quét do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến hàng chục người thiệt mạng, trong đó có ít nhất 46 người ở Kenya.

Thông báo từ Công ty đường sắt Kenya nêu rõ lở đất và lũ lụt trong những ngày gần đây đã cản trở hoạt động vận chuyển hàng hóa từ Mombasa và Nairobi, cũng như các hoạt động đưa hàng hóa đến cảng Mombasa. Cụ thể, các dịch vụ vận chuyển đường sắt, chất hàng và bốc dỡ hàng tại cảng Mombasa đã bị ảnh hưởng. Một đoạn đường sắt nối Mombasa và Nairobi hiện không thể sử dụng vì lở đất. Các tàu chở khách vẫn hoạt động nhưng có lúc cũng bị gián đoạn.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/11/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái: 1 người bị sét đánh tử vong
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, người tử vong do sét đánh là ông Mè Văn Th. (sinh năm 1979, ở tổ dân phố Suối Khoáng, thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn).
Thời tiết ngày 1/5: Bắc Bộ có mưa rào và dông
Do ảnh hưởng của không khí lạnh yếu kết hợp với hội tụ gió trên mực 1.500 m nên ngày và đêm 1/5, ở Bắc Bộ, khu vực Thanh Hóa - Nghệ An có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30 mm, có nơi trên 50 mm.

Tin mới