Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 17/11/2023
Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 17/11/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 17/11/2023 trên moitruongvadothi.vn.
Dự kiến vận hành thương mại Metro Nhổn - ga Hà Nội dịp 30/4/2024
Tại cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề do HĐND TP Hà Nội tổ chức ngày 16/11, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đặt lộ trình chạy thử vào tháng 12 tới và dự kiến vận hành chính thức vào 30/4/2024.
Tuyến này đi vào hoạt động sẽ tăng tỉ lệ vận tải hành khách công cộng và đạt mục tiêu tỉ lệ vận tải hành khách công cộng 30% vào năm 2025.
Hà Nội đang nghiên cứu 2 đề án hạn chế phương tiện cá nhân là cấm xe máy tại các quận năm 2030 và thu phí phương tiện vào nội đô. Tuy nhiên, chỉ khi vận tải công cộng đạt 30 - 35% mới tính đến khả năng hạn chế phương tiện cá nhân.
Theo quy hoạch, đến năm 2030 Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417 km, trong đó có 342 km đi trên cao, ngầm 75 km. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có tuyến Cát Linh-Hà Đông được đưa vào hoạt động.
Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5km và đoạn đi ngầm Cầu Giấy - ga Hà Nội dài 4km. Dự án khởi công 2009, kế hoạch hoàn thành 2015, nhưng sau 4 lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới của toàn tuyến dự kiến là 2027.
Hà Nội: 16 dự án trọng điểm sẽ đưa vào khai thác vào năm 2025
Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về tiến độ triển khai các công trình trọng điểm thành phố giai đoạn 2021 - 2025.
Tổng số dự án, công trình trọng điểm của Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 sau khi được HĐND TP Hà Nội thông qua là 42 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến 353.192 tỷ đồng thuộc 11 lĩnh vực.
Trong đó có 35 dự án sử dụng vốn ngân sách và 1 dự án đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư); 6 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
Đến cuối tháng 10/2023, đã có 2 công trình được hoàn thành và đưa vào khai thác gồm tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; 13 dự án đầu tư được bố trí kế hoạch vốn năm 2023 để triển khai thực hiện.
Đồng thời 4 dự án đầu tư mới được phê duyệt chủ trương, hiện chưa phê duyệt dự án; 7 dự án đầu tư đã được giao nhiệm vụ nhưng chưa phê duyệt chủ trương đầu tư; 1 dự án đầu tư chưa được giao nhiệm vụ.
Tuy nhiên các dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa còn chậm. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ quyết liệt triển khai, phấn đấu hoàn thành và đưa vào khai thác 16 dự án.
Đáng chú ý có có 14 dự án sử dụng vốn ngân sách; 1 dự án đầu tư theo hình thức PPP, 1 dự án đầu tư trực tiếp theo hình thức xã hội hóa.
Tập trung hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh việc thực hiện 26 dự án theo kế hoạch hoàn thành sau năm 2025.
Để thực hiện kế hoạch này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung vào 4 nhiệm vụ, giải pháp.
Thứ nhất, đẩy nhanh các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trọng điểm.
Thứ hai, tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư công.
Thứ ba, tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm.
Thứ tư, nâng cao trách nhiệm, tính chủ động, quyết liệt của các chủ đầu tư, các cơ quan nhà nước quản lý hợp đồng, cơ quan được giao lập hồ sơ đề xuất, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư và nhà đầu tư (đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP và xã hội hóa).
Quy hoạch đô thị xanh, thông minh rộng hơn 600 ha tại Hải Dương
Khu vực nghiên cứu quy hoạch thuộc phân khu 4B - khu vực phường Tân Hưng thuộc địa giới các phường Tân Hưng, Thạch Khôi và xã Gia Xuyên (TP Hải Dương). Trong đó, theo lãnh đạo UBND phường Tân Hưng, có khoảng 500 ha nằm trên địa bàn phường này, diện tích còn lại ở phường Thạch Khôi và xã Gia Xuyên. Vị trí quy hoạch phía bắc giáp dân cư phường Hải Tân và nghĩa trang thành phố; phía nam giáp đường Vành đai 1 và cụm công nghiệp Thạch Khôi - Gia Xuyên; phía đông giáp mương hiện trạng, dân cư thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn và dân cư phường Hải Tân; phía tây giáp quốc lộ 37, cầu Phú Tảo và dân cư phường Thạch Khôi.
Đô thị xanh, thông minh tại Hải Dương rộng khoảng 606ha, trong đó, có khoảng 500 ha nằm trên địa bàn phường Tân Hưng, diện tích còn lại ở phường Thạch Khôi và xã Gia Xuyên. Quy mô dân số hiện trạng trong khu vực quy hoạch hơn 10.000 người. Dự báo dân số năm 2040 trong khu vực quy hoạch từ 48.000-49.500 người.
Quy hoạch đô thị xanh, thông minh trên là một trong 5 quy hoạch phân khu trên địa bàn với tổng diện tích hơn 3.200ha, với mục đích hình thành các khu đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị vui chơi, giải trí.
Cụ thể, Quy hoạch phân khu 3C (Phân khu Khu vực phường Thạch Khôi), TP. Hải Dương, tỷ lệ 1/2000, là khu vực phát triển đô thị gắn với du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng, phát triển dân cư mới đan xen đồng bộ với các dự án dân cư đô thị đang triển khai thực hiện và dân cư hiện hữu phía Nam thành phố; phát triển các khu chức năng dân cư đô thị, công cộng, công viên cây xanh và các tiện ích đô thị.
Quy hoạch phân khu 5A (phân khu Khu vực phường Nam Đồng), TP. Hải Dương, tỷ lệ 1/2000, là khu vực phát triển khu đô thị dịch vụ sinh thái mới đan xen các khu dân cư hiện hữu mật độ thấp, đồng bộ hệ thống hạ tầng gắn kết với cửa ngõ phía Đông của thành phố Hải Dương và vùng sinh thái nông nghiệp.
Quy hoạch phân khu 5B (phân khu Khu vực Quyết Thắng), thành phố Hải Dương, tỷ lệ 1/2000, là khu vực phát triển khu đô thị sinh thái gắn với cảnh quan sông Hương; khu vực dịch vụ du lịch trải nghiệm vùng sinh thái nông nghiệp; khu công viên tổng hợp gắn với trung tâm văn hóa mới đô thị mới phía Đông thành phố...
Quy hoạch phân khu 6B (phân khu phường Ái Quốc và khu vực lân cận), TP. Hải Dương, tỷ lệ 1/2000, là khu vực phát triển đô thị mới với mô hình hiện đại về dịch vụ, thương mại phía Đông Bắc của thành phố. Hoàn thiện hạ tầng, phát triển cụm công nghiệp Ba Hàng, thu hút hoạt động với mô hình công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao. Khai thác lợi thế giao thông phát triển trung tâm logistics – trung tâm giao thương hàng hóa.
Mục tiêu quy hoạch nhằm cụ thể hóa Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2040 đã được phê duyệt và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của TP Hải Dương. Xác định theo quy hoạch chung là khu phát triển đô thị xanh, thông minh phía nam thành phố. Định hướng cải tạo chỉnh trang khu vực hiện hữu, cảnh quan tự nhiên gắn với xây dựng các khu chức năng mới, kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chung; kết nối thông suốt với các khu vực lân cận xung quanh.
Định hướng quy hoạch xây dựng: khu đô thị mới gắn với mô hình đô thị xanh, thông minh, sinh thái, khớp nối đồng bộ hạ tầng với các dự án khu dân cư đô thị đang đầu tư xây dựng và đang triển khai thực hiện theo quy hoạch đan xen với các khu dân cư hiện hữu mật độ thấp; nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân trong khu vực. Tạo thành một khu đa chức năng đáp ứng nhu cầu sống và làm việc của cư dân trong khu vực, tạo một điểm hấp dẫn mới với nhiều phân khúc tiện nghi, thu hút cư dân đến sinh sống tại đây.
Đà Nẵng ra quân xử lý nạn bò thả rông gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông
Theo ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, nhiều năm qua, tại Đà Nẵng xảy ra tình trạng rất nhiều con bò thả rông "lông nhông" trên nhiều tuyến đường, khu đô thị mới. Những đàn bò này không chỉ phá nát cây xanh của người dân, phóng uế bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông. Thậm chí, buổi tối, còn thấy cảnh đàn bò đứng, nằm nghỉ nhởn nhơ giữa đường phố.
Sau thời gian liên tục tuyên truyền, quán triệt về việc nuôi trâu, bò thả rông đến các hộ gia đình trên địa bàn, tuy nhiên vẫn phát hiện nhiều đàn bò không có người trông coi, ung dung dạo phố.
Ngày 15/11, UBND phường Hoà Minh (quận Liên Chiểu) đã thuê người có kinh nghiệm đi cùng lực lượng quy tắc đô thị để kiểm tra, bắt và tạm giữ nhiều con bò thả rông trong khu đô thị Phước Lý và Kim Long.
Những con bò bị tạm giữ được đánh dấu và chở đi gửi chăm sóc tại trang trại ở xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang). Sau đó, cơ quan chức năng của phường Hòa Minh sẽ mời chủ của số gia súc trên lên làm việc, lập biên bản xử phạt hành chính theo luật môi trường (mức phạt khoảng 750.000 đồng).
Theo ông Phạm Ngọc Lãnh - Phó chủ tịch phường Hòa Min, chủ hộ vi phạm khi nhận lại bò sẽ phải nộp phí 200.000 đồng/con/ngày cho chủ trang trại chăm sóc. Riêng người có kinh nghiệm được thuê đi bắt bò, phường phải trả công 500.000 đồng mỗi ngày.
Được biết, sau đợt ra quân xử lý tình trạng thả rông bò trong khu đô thị này, UBND phường Hòa Minh sẽ tiếp tục duy trì hoạt động 3 ngày 1 tuần trong thời gian tới.
Long An: Sắp thông xe đường vành đai hơn 1.500 tỷ đồng
Dự án đường vành đai TP.Tân An dài gần 23 km, có điểm đầu giao ngã tư Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa và điểm cuối giao quốc lộ 1 tại phường 5, TP. Tân An.
Tuyến đường vành đai được khởi công xây dựng từ năm 2019, số vốn đầu tư ban đầu khoảng 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó dự án được điều chỉnh vốn đầu tư tăng lên hơn 1.500 tỷ đồng.
Sau 4 năm triển khai, tuyến đường quan trọng này hiện đã thành hình và dự kiến sẽ chính thức thông xe vào dịp Tết dương lịch 2024.
Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An cho biết, đến nay dự án gần như cơ bản hoàn thành các trục lộ tuyến chính, cầu Bảo Định, cầu Tổng Uẩn.
Cụ thể, 6 gói thầu từ quốc lộ 1 nối liền đến đường tỉnh 827A dài hơn 5km hoàn thành, đã quyết toán ba gói thầu, một gói đang trình UBND tỉnh phê duyệt quyết toán, hai gói lập thủ tục quyết toán trong năm 2023.
Hai gói thầu cầu Rạch Chanh và Vàm Cỏ Tây các nhà thầu đã thi công hoàn chỉnh mặt cầu, nối thông tuyến, hiện tập trung thi công đường dẫn vào cầu, lề đường, hệ thống thoát nước và chiếu sáng. Một số gói thầu khác hoàn thành láng nhựa và hệ thống an toàn giao thông.
Dự án đường vành đai TP. Tân An sau khi hoàn thành không chỉ có ý nghĩa lớn với sự phát triển của địa phương mà còn góp phần cải thiện mạng lưới giao thông liên kết khu vực.
Dự án sẽ giảm áp lực cho quốc lộ 1, tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP. Tân An và đường Hùng Vương, Hùng Vương (nối dài). Đồng thời đây cũng là cầu nối giữa các tỉnh miền Tây với cửa ngõ TP.HCM và các tỉnh miền Đông.
Đường Vành đai TP. Tân An kết nối các tỉnh miền Tây và miền Đông đi qua TP.HCM, đồng thời phát triển trong xây dựng đô thị loại I của TP Tân An.
TP.HCM: Tăng cường công tác quản lý về trật tự xây dựng
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đã giao Sở Xây dựng, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường theo dõi, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm xây dựng trên địa bàn.
Cùng với đó, thực hiện quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng gắn với việc kiểm tra, giám sát chất lượng công trình xây dựng, nhất là công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được duyệt, độ an toàn công trình trước và trong suốt quá trình thi công theo quy định pháp luật.
Đồng thời, có biện pháp xử lý, đề xuất xử lý hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện công trình vi phạm các quy định về quản lý chất lượng, an toàn lao động trong thi công xây dựng. Việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi tiếp nhận thông báo khởi công, khởi công xây dựng công trình cho đến khi công trình bàn giao đưa vào sử dụng.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố, sau khi công trình bàn giao đưa vào sử dụng, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện có trách nhiệm quản lý và xử lý nếu phát sinh vi phạm; Kiên quyết không để xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý Nhà nước dẫn đến các trường hợp vi phạm không được kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Ông Cường cũng yêu cầu các cơ quan nêu trên phải tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác cấp giấy phép xây dựng; giám sát việc quản lý, xử lý đối với các trường hợp xây dựng chuyển đổi công năng từ nhà ở riêng lẻ thành căn hộ cho thuê, chia nhỏ nhà ở riêng lẻ thành nhiều căn để bán hoặc cho thuê; Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm khi phát sinh vi phạm.
Phải tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng, giám sát các công trình xây dựng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Bùi Xuân Cường cũng giao UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện khẩn trương rà soát, thống kê các quyết định xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng còn tồn đọng trên địa bàn; tổ chức cưỡng chế, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm xây dựng còn tồn đọng theo quy định pháp luật và thẩm quyền được phân công tại Quyết định số 3580/QĐ-UBND ngày 21/8/2019 của UBND Thành phố; UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm trong việc lập, thẩm tra, phê duyệt thiết kế phương án, giải pháp phá dỡ và tổ chức phá dỡ công trình vi phạm theo quy định pháp luật.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kiên quyết không để xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, dẫn đến vi phạm xây dựng không được kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
TP.HCM: Đã di dời 657 căn nhà trên và ven kênh rạch
Năm 2021, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND TP.HCM ban hành Quyết định 3837/QĐ-UBND về Kế hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn TP giai đoạn 2021 – 2025 và các năm tiếp theo, trong đó đã đặt ra chỉ tiêu di dời 6.500 căn. Dự kiến đến hết năm 2025 sẽ bồi thường, di dời được 4.250/6.500 căn, đạt tỷ lệ 65% chỉ tiêu đề ra. Trong đó, có 7 dự án dự kiến hoàn thành công tác di dời trước ngày 30/4/2025.
Trọng tâm kế hoạch trên là dự án rạch Xuyên Tâm (quy mô di dời 2.134 căn), đã được UBND TP phê duyệt dự án đầu tư; dự án Bờ Bắc kênh Đôi (1.017 căn) hiện đã được Sở Xây dựng báo cáo trình UBND TP phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư công vào kỳ họp cuối năm 2023.
Rạch Xuyên Tâm chảy qua hai quận Bình Thạnh, Gò Vấp, dài gần 9 km, sẽ được nạo vét, cải tạo, làm đường mới hai bên giúp chỉnh trang đô thị, giảm ô nhiễm.
Đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, đại diện Sở Xây dựng cho biết, từ năm 2020, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP không còn quy định về hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (Hợp đồng BT); nhà đầu tư sẽ không được thanh toán bằng quỹ đất, mà chỉ có thể khai thác, kinh doanh trên phần diện tích đất sau khi đã di dời nhà trên và ven kênh rạch, nên không hấp dẫn trong việc mời gọi đầu tư. Do đó, Quyết định 3837/QĐ-UBND không đề ra chỉ tiêu hoàn thành bồi thường, di dời của nhóm này mà giao các Sở ngành, quận huyện tập trung hoàn tất thủ tục điều chỉnh quy hoạch, chuẩn bị các bước để sớm đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư sau năm 2025.
Thời gian qua, Sở Xây dựng đã thành lập các tổ công tác liên ngành (hoặc tham mưu UBND TP thành lập Tổ công tác) để xử lý toàn diện các công việc liên quan đến các thủ tục thực hiện 3 tuyến rạch trên địa bàn quận 7 và dự án Bờ Nam kênh Đôi quận 8. Trong thời gian tới, các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách sẽ sớm được triển khai.
Để giải quyết những khó khăn, Sở Xây dựng cho biết đã kiến nghị UBND TP quan tâm, ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn cho các dự án sử dụng vốn ngân sách, để không chỉ thực hiện được mục tiêu của Kế hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025, mà còn thực hiện mục tiêu của Kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải của TP giai đoạn 2020-2030.
Đồng thời, giao Sở TN&MT – thường trực Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hướng dẫn UBND quận, huyện. Cụ thể, quận 6 xử lý, giải quyết dứt điểm 88 căn chưa di dời do khiếu nại về chính sách, đơn giá bồi thường của dự án kênh Hàng Bàng giai đoạn 2.
Ngoài ra, Sở cũng đã xây dựng Đề án, trình UBND TP giải pháp thí điểm cho tất cả các đối tượng là hộ gia đình đang có nhà trên và ven kênh rạch được thuê nhà ở xã hội (hoặc thuê mua tùy khả năng) để người dân ổn định cuộc sống. Sau khi Đề án được UBND TP thông qua, sẽ tạo điều kiện để UBND quận, huyện triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường của dự án.
T.Anh (T/h)