Thứ năm, 02/05/2024 13:05 (GMT+7)

Trao đổi kinh nghiệm và chính sách phát triển khu công nghiệp sinh thái

An Na -  Thứ ba, 12/09/2023 15:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 11/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội thảo "Trao đổi kinh nghiệm và chính sách phát triển khu công nghiệp sinh thái giữa Việt Nam và Indonesia".

tm-img-alt
Hội thảo Trao đổi kinh nghiệm và chính sách phát triển khu công nghiệp sinh thái giữa Việt Nam và Indonesia. 

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án "Triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu".

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau 30 năm hình thành và phát triển, tính đến cuối tháng 8/2023, Việt Nam đã có hơn 412 khu công nghiệp (KCN), trong đó có 293 KCN đang hoạt động trên 61 tỉnh thành và 119 KCN đang trong quá trình xây dựng. Ước tính tổng giá trị xuất khẩu từ các KCN của Việt Nam tăng trưởng hàng năm khoảng 19% và chiếm trên 55% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

"Các khu công nghiệp đã khẳng định vị trí ngày càng quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh", Vụ trưởng Vụ quản lý khu kinh tế nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Quân cho biết, theo xu thế phát triển, các mô hình tổ chức kinh tế theo lãnh thổ đang có sự thay đổi về mục tiêu phát triển. Theo đó KCN, KKT đang được chuyển đổi mạnh mẽ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh dựa trên mô hình quản lý tiên tiến, khả năng hợp tác để sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên, khả năng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý, sản xuất. Theo đó, phát triển các KCN sinh thái được coi là tối ưu cho các mục tiêu trên nhằm thực hiện kinh tế tuần hoàn thay thế kinh tế tuyến tính truyền thống.

Theo đó, tại Việt Nam, từ 2015-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO, SECO và các nhà tài trợ khác triển khai thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ. Đã có trên 72 doanh nghiệp thực hiện hơn 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 76 tỷ đồng/năm và huy động được khoảng 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, cắt giảm được 32 Kilo tấn khí CO2 hằng năm, bước đầu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Trong giai đoạn 2020 - 2023, Chính phủ Thụy Sỹ tiếp tục hỗ trợ 3 khu công nghiệp tại TP.HCM, Hải Phòng và Đồng Nai chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái theo khung quốc tế, là tiền đề để nhân rộng mô hình này trên cả nước.

KCN sinh thái là đòi hỏi bức bách hiện nay

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), TBT Tạp chí Nhà đầu tư khẳng định, phát triển KCN sinh thái là đòi hỏi bức bách thời điểm hiện tại.

Theo đó, Việt Nam đã tham gia 16 FTA với các nước, đặc biệt các FTA thế hệ mới đều đòi hỏi khắt khe về phát triển xanh, tăng trưởng xanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. "Nếu không kịp chuyển sang phát triển xanh, các sản phẩm sản xuất trong nước sẽ không thể xuất khẩu sang các quốc gia khác. Vì vậy, vấn đề sản xuất sạch trong KCN, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ngày càng trở nên bức thiết", ông Tuấn nói.

Đại diện VAFIE cho biết, Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm tới phát triển bền vững trong đó có chính sách cụ thể để phát triển KCN sinh thái. Các nghị định ban hành mới đây, trong đó Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và KKT là bước tiến mới trong phát triển KCN Việt Nam nói chung, trong đó có KCN sinh thái.

Theo đó, định hướng phát triển KCN sinh thái thời gian tới, có 2 xu hướng được đề ra. Một là xây dựng mới KCN sinh thái ngay từ đầu và hai là chuyển đổi KCN hiện có sang KCN sinh thái.

"Phương án chuyển đổi từ KCN hiện có sang KCN sinh thái là không đơn giản. Điều này đòi hỏi từ bản thân quy hoạch KCN chuyển sang mô hình tuần hoàn. KCN Nam Cầu Kiền là một mô hình hay, sinh động, dường như không có chất thải mang ra khỏi KCN. Ngay cả các doanh nghiệp xử lý lại chất thải cũng có lợi nhuận khá tốt", TS. Nguyễn Anh Tuấn dẫn chứng.

Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực VAFIE khuyến nghị, thách thức lớn nhất của chuyển đổi là tài chính, để chuyển sang phát triển xanh đòi hỏi sản xuất sạch hơn, cần có kinh phí chuyển đổi. Điều này đặt vấn đề cho các cơ quan quản lý cần có chính sách cụ thể hơn nữa để doanh nghiệp thấy rằng, khi nhận được chứng chỉ KCN, doanh nghiệp sinh thái sẽ được nhận sự hỗ trợ gì từ Chính phủ, từ chính quyền địa phương, được tiếp cận tín dụng xanh, tài chính xanh ra sao?

Ngoài ra, TS. Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, cần có phương thức truyền thông phù hợp để KCN truyền thống, doanh nghiệp nhận thấy sự cần thiết của chuyển đổi sang sinh thái. Cùng với đó, các doanh nghiệp, KCN làm được cần được công nhận từ Chính phủ, được truyền thông về các mô hình tiên phong giúp lan toả mô hình ngay trong nước.

Có điểm tương đồng trong phát triển KCN Việt Nam, ông Heru Kustanto, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Bộ Công nghiệp Indonesia và đại diện các Bộ ngành, nhà đầu tư phát triển khu công nghiệp của Indonesia thể hiện sự quan tâm sâu sắc về những thành công, thách thức và bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam. Đặc biệt, đại diện Indonesia đặc biệt quan tâm tới các cơ chế, chính sách ưu đãi của Việt Nam đang thiết kế để thúc đẩy KCN sinh thái; cơ chế xử lý chất thải trong KCN; cơ chế giao đất và giá đất cho nhà đầu tư....

Các cơ quan liên quan của Indonesia đánh giá cao định hướng chính sách của Chính phủ Việt Nam về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và bền vững, theo đó mô hình khu công nghiệp sinh thái là một trong những giải pháp khả thi để thực hiện định hướng này.  

Bạn đang đọc bài viết Trao đổi kinh nghiệm và chính sách phát triển khu công nghiệp sinh thái. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nam Định: Gia tăng thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp
Hiện nay, tỉnh Nam Định có nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại và được nhà đầu tư tích cực triển khai, khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước và tạo nhiều công ăn việc làm ổn định cho người lao động.

Tin mới