Thứ bảy, 27/04/2024 01:18 (GMT+7)

Trung Quốc: Lượng khí thải CO2 có thể đạt đỉnh trong năm 2023

MTĐT -  Thứ hai, 15/05/2023 11:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lượng khí thải carbon của Trung Quốc dự kiến đạt kỷ lục mới vào năm 2023, nhưng đây cũng sẽ là đỉnh trước khi có đợt giảm nhờ ứng dụng năng lượng sạch.

Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu về Năng lượng và Khí sạch (CREA), phát hành ngày 12/5, cho biết lượng khí thải carbon của Trung Quốc có thể đạt kỷ lục mới trong năm 2023, nhờ sự phục hồi kinh tế và tiến trình đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng xanh.

Báo cáo phân tích Trung Quốc, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, đã chứng kiến lượng khí thải carbon dioxide trong quý 1/2023 đạt hơn 3 tỷ tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi sự phục hồi kinh tế, sau khi Bắc Kinh từ bỏ chính sách “không COVID” và ban hành nhiều biện pháp kích thích kinh tế.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, nó còn xuất phát từ việc các nhà máy thủy điện của Trung Quốc đang hoạt động yếu đi do hạn hạn, dẫn đến việc các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than phải gia tăng công suất, để bù đắp phần thiếu hụt điện.

Báo cáo chỉ ra rằng trong 4 tháng đầu năm 2023, sản lượng điện từ than của Trung Quốc đã tăng 2% so với một năm trước.

Số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy vào mùa Hè năm ngoái, khi các đợt nắng nóng và hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ tấn công thủy điện, nguồn năng lượng lớn thứ hai của Trung Quốc, sản lượng than sử dụng trong nước đã tăng 11% vào năm 2022 so với năm 2021.

Nguyên nhân nữa làm tăng khí thải, theo các nhà phân tích của CREA, là khối lượng sản xuất vật liệu xây dựng cao hơn, chủ yếu là thép và ximăng, được thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích của chính phủ đối với ngành sản xuất và xây dựng.

Chuyên gia Lauri Myllyvirta và Qi Qin đánh giá khi nền kinh tế Trung Quốc đang tập trung toàn lực vào phục hồi, mọi hoạt động sản xuất dự kiến đều phát triển trở lại. Điều đó có nghĩa là lượng khí thải carbon sẽ gia tăng nhanh chóng, có khả năng đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm 2023, vượt qua mức cao nhất trước đó vào năm 2021.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng việc lượng khí thải có thể sớm đạt đỉnh còn là do Trung Quốc đang tăng tốc cho tiến trình chuyển đổi năng lượng, thể hiện qua việc các hợp đồng lắp đặt năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió tại nước này đang ở mức cao kỷ lục.

Số liệu mới nhất do Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA) phát hành cho thấy, công suất lắp đặt điện năng lượng Mặt Trời tại nước này đã tăng lên mức kỷ lục 34 gigawatt (GW) trong ba tháng đầu năm nay, gần gấp ba lần mức kỷ lục cũ là 13GW trong cùng kỳ năm 2022.

Việc lắp đặt điện gió mới cũng đạt mức cao kỷ lục. Số liệu của NEA cho thấy 10,4GW từ năng lượng gió đã được bổ sung vào lưới điện quốc gia trong vòng ba tháng, tính đến tháng 3/2023, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022.

Các nguồn năng lượng này, bao gồm cả năng lượng tái tạo và hạt nhân, lần đầu tiên đã vượt quá 50% công suất lắp đặt điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch của Trung Quốc trong quý 1/2023.

Số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế lớn nhất châu Á ghi nhận các tín hiệu phục hồi trong quý đầu năm nay, với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 4,5%. Bắc Kinh trước đó đã đặt mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” cho năm 2023, nhưng nhiều ngân hàng đầu tư đã nâng dự báo của họ lên trên 5,5%.

Trung Quốc được kỳ vọng đạt mục tiêu về đạt đỉnh khí thải CO2 vào năm 2030. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại lượng phát thải của nước này có thể vẫn tăng đáng kể trong thập kỷ này do Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng có phát thải nhiều nhằm giải quyết lo ngại về an ninh năng lượng và ổn định kinh tế. Theo CREA, lượng khí thải CO2 của Trung Quốc càng cao thì nước này sẽ càng khó đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

Đại Phong (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Trung Quốc: Lượng khí thải CO2 có thể đạt đỉnh trong năm 2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới