Thứ sáu, 06/12/2024 16:58 (GMT+7)

Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030

Tùng Anh -  Thứ ba, 09/11/2021 19:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 9-11, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổ chức Hội thảo chuyên đề “Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

tm-img-alt

Đây là 1 trong 10 Hội thảo chuyên đề thuộc khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số” tổ chức từ ngày 9/11 - 6/12/2021.

Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển , qua 35 năm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam đã có bước chuyển đổi sâu sắc. Từ một quốc gia kém phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, đến nay Việt Nam đã thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, vị thế trên trường quốc tế ngày càng cải thiện và được đánh giá cao. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên.

Cơ cấu kinh tế ngành và nội ngành chuyển biến tích cực; cơ cấu các ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo; một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu có quy mô lớn, chiếm vị trí vững chắc trên thị trường thế giới...

Tuy vậy, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước còn chậm; năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp. Việc tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực. Nhận thức về phát triển nhanh (rút ngắn) quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chưa đầy đủ...

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, Việt Nam đã xác định mục tiêu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện được các mục tiêu đó, một trong những nhiệm vụ then chốt được Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định là “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Bên cạnh đó, thực tiễn 35 năm qua tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phải tập trung giải quyết để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn, đạt được các mục tiêu đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII. Đồng thời, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tạo những thay đổi lớn về tư duy và giải pháp phát triển những ngành, lĩnh vực khác thuộc nội hàm của công nghiệp hóa, hiện đại hóa như về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ; phát triển đô thị và kinh tế đô thị…

"Vấn đề đặt ra là Việt Nam cần nhận diện được bối cảnh, các xu thế lớn của công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời đại ngày nay để có những tư duy và tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa", ông Nguyễn Đức Hiển chỉ rõ.

Cũng theo ông Hiển, Việt Nam còn nhiều điều kiện hạn chế về nguồn lực tài chính, nhân lực, trình độ khoa học công nghệ, do đó cần xác định được mô hình, con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và lựa chọn chính sách cho phù hợp.

Tại Hội thảo, các đại biểu trong và ngoài nước đã trao đổi, làm rõ các vấn đề về bối cảnh, xu thế lớn của công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên thế giới cũng như những kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh nghiệm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế hậu COVID-19...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, ngành công nghiệp Việt Nam còn nhiều điểm nghẽn. Đó là nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu; nguồn nhân lực công nghiệp còn yếu kém; trình độ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp trong nước thấp; nguồn lực xã hội chưa tập trung nhiều đầu tư vào sản xuất...

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu định hướng chiến lược trong thời gian tới là cần hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật làm nền tảng, tạo động lực phát triển công nghiệp và thay đổi tư duy, hướng tiếp cận về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với đó, cần phân bổ, sử dụng hợp lý nguồn lực để phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, trên nguyên tắc dựa trên lợi thế của đất nước, hình thành chuỗi cung ứng trong nước; nâng cao năng lực, tính chủ động của các địa phương, tăng cường liên kết giữa các địa phương, các vùng; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và mức độ thông minh.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
Bạn đang đọc bài viết Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới