Thứ tư, 08/05/2024 08:22 (GMT+7)

Túi ni lông tự hủy: Dự án môi trường sau “Giấc mơ sinh tử”

Vi Hằng -  Thứ hai, 10/08/2020 08:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau bạo bệnh ung thư, bà Phan Thị Thúy Phượng âm thầm tuyên truyền, cổ động để tiểu thương các chợ sử dụng túi ni lông sinh học tự phân hủy bảo vệ môi trường.

Ranh giới tử sinh

Năm 1992, bà Phan Thị Thúy Phượng làm nghề báo cùng với chồng là nhà báo Nguyễn Công Hà (đã mất năm 2001). Sau khi chồng mất, bà Phượng gác lại việc viết lách, sang công tác tại Phân viện Khoa học địa chất khoáng sản, đào tạo các lớp Giám đốc Điều hành mỏ và chỉ huy nổ mìn. Thời gian này, bà hiểu rõ tác hại lớn của rác thải nhựa và túi nylon gây ô nhiễm các tầng đất đai và mạch nước ngầm. Vì vậy, năm 2011, khi bà tình cờ gặp ông Lê Lộc - Giám đốc Công ty Phúc Lê Gia - người đầu tiên đưa bao bì tự hủy về VN, bà nhận lời ông Lộc về công ty ông làm. 

Bà Thúy Phượng kiên trì cổ động dự án môi trường

Thời điểm đó, vì phải nhập khẩu nguyên liệu, chất phụ gia và máy móc từ nước ngoài về, chi phí sản xuất bao tự hủy luôn cao hơn 30% so với bao ni lông thông thường. Chưa kể, luật Thuế bảo vệ môi trường (có hiệu lực năm 2012) đánh 40.000 đồng/kg khiến nhiều đơn vị lao đao. Các công ty sản xuất túi tự hủy chỉ có cách xuất khẩu để sống và nằm chờ thời ở thị trường nội địa. 

Năm 2013, anh Lộc mất đột ngột, Phúc Lê Gia tan rã. Dù rơi vào khủng hoảng tài chính và tinh thần nhưng tôi cùng một số anh em khác lên kế hoạch lập công ty mới để tiếp tục sản xuất bao bì tự hủy”, bà Phượng hồi tưởng.

Khoảng đầu năm 2014, bà Phượng đi khám bác sĩ và biết mình bị ung thư vú. Hoàn toàn sụp đổ nhưng giấu không cho ai biết, trong một tuần lễ, bà Phượng làm việc ngày đêm để bàn giao mọi việc lại cho con gái đang học năm thứ ba đại học rồi đi mổ. 

 Khi mê man trong phòng hồi sức, bác sĩ thông báo có lẽ bà không qua khỏi. Giữa lằn ranh sống - chết, khi đó, bà Phượng mơ thấy mình đang tiếp tục… làm bao bì tự hủy sinh học. “Chắc vì cả tuần đó chẳng lúc nào trong đầu tôi không nghĩ đến dự án này. Bác sĩ bảo nhờ ý nghĩ đó mà Diêm vương cho tôi sống lại”, bà kể.

Rồi vượt qua giai đoạn hóa trị, xạ trị khắc nghiệt làm hao mòn thể xác và tinh thần, năm 2016 bà hồi phục sức khỏe. Kinh tế gia đình xuống dốc trầm trọng, nhưng lúc ấy bà lại từ chối lời mời làm quản lý, giám đốc một công ty về sở hữu trí tuệ vì “không muốn làm gì khác ngoài bao bì tự hủy”. 

 Năm 2017, ở tuổi 57, bà kết nối với Công ty tổng hợp II và nhận dự án của Hội LHPN TP.HCM, một lần nữa đưatúi ni lông phân hủy sinh học ra khắp các chợ trên địa bàn thành phố.

Dự án gian truân

“Chị cho em thêm một ít để xài thử, đây là túi ni lông sinh học thân thiện với môi trường, phân hủy hết từ 6 tháng đến 2 năm”. Bà Phan Thị Thúy Phượng (60 tuổi, Giám đốc đối ngoại Công ty tổng hợp II) đi khắp các chợ lớn nhỏ để kiên trì chia sẻ câu chuyện môi trường với các tiểu thương. Suốt nhiều năm qua, bà cùng Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP.HCM miệt mài với dự án này. 

 Bà Phượng chia sẻ: “Chợ chiếm đến 65% tổng lượng túi ni lông thải ra môi trường hằng ngày. Ô nhiễm, nghẹt cống rãnh, mất mỹ quan đô thị… nhưng không doanh nghiệp sản xuất túi tự hủy nào nhai nổi “khúc xương” này. Rào cản lớn nhất chính là giá thành. Ở chợ, người tiêu dùng không có quyền lựa chọn, tiểu thương gói bằng cái gì, họ cầm về cái đó, thậm chí còn cho thêm 1, 2 túi ni lông để đựng. Nếu không thuyết phục được tiểu thương chia sẻ lợi nhuận để bảo vệ môi trường sẽ không thể giải quyết được lượng rác ni lông khổng lồ đó”.

Ngoài ra, đặc điểm ở chợ là không xuất hóa đơn nên các cơ sở sản xuất túi ni lông truyền thống có thể “né” thuế môi trường để bán cho tiểu thương với giá rất thấp. Đại diện Ban quản lý chợ cho biết: “Túi tự hủy giá cao, số lượng ít mà lại không dai như túi ni lông thường, đựng đồ nặng dễ rách. Chợ buôn bán khó khăn nên tiểu thương phải cân nhắc từng li từng tí”. 

Nhiều người nói, “biết là tốt rồi đó, nhưng hồi nào Nhà nước trợ giá túi rẻ thiệt rẻ đi thì tui mới xài”. Hiểu khó khăn đó, bà Phượng đề nghị công ty hạ giá thật thấp, không đặt lợi nhuận lên trên. Ở chợ, bà bỏ giá xấp xỉ túi thường, gần như cho không, để thật sự lan tỏa đến tiểu thương.

Trước năm 2017, một số đơn vị cũng ra thị trường chợ theo lời kêu gọi của Hội LHPN, nhưng phải bỏ cuộc vì quá khó và dự án mấy lần bỏ dở. Một đơn hàng ở siêu thị hay công ty, số lượng tính bằng tấn. Ở chợ thì đơn hàng vài chục ký là nhiều vì không có chỗ chứa. Khi nào hết họ lại gọi thêm, đôi khi 5 kg, 10 kg, bà Phượng cũng giao tận nơi, cứ kiên trì như vậy hết ngày này sang ngày khác. 

Túi ni lông gây hủy hoại môi trường mà chợ chiếm đến 65% tổng lượng túi ni lông thải ra.

Năm 2017, bà chủ yếu đi… cho. Tới đâu tặng tới đó, cả năm trời chưa bán được 1 tấn! Kiến tha lâu đầy tổ, năm 2018 - 2019 tháng cao nhất bà bán được gần 1 tấn.

Nhiều người cũng bắt đầu hiểu về vấn đề môi trường hơn khi phong trào được nhắc nhiều trên báo. Bà lại phấn chấn tinh thần: “Nhiều lúc cũng muốn buông vì kinh tế gia đình. Nhưng thấy tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa quá khủng khiếp, lại xách túi lên mà đi”.

Quyết không từ bỏ…

Chuẩn bị đề án hạt phân hủy phụ gia để thuyết trình trong cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, đi dạy giám đốc điều hành mỏ để lấy tiền trang trải chi phí sinh hoạt…, bà làm tất cả những gì có thể để sống với giấc mơ môi trường ấy.

Căn nhà nhỏ của bà trở thành kho chứa hàng. Buổi tối, mấy mẹ con lụi cụi ngồi xếp túi ni lông, bấm ghim thành những mẫu nhiều kích cỡ, màu sắc, để ngày mai lại mang ra chợ, hội chợ… Bà Cổ Tấn Mỹ Dung (Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN TP.HCM) nhận xét: “Tôi rất bất ngờ khi một người hồi phục từ bệnh ung thư, mà lại nhiều sức sống đến thế. Nếu không có lòng yêu môi trường mãnh liệt thì không thể đi được như vậy. Mấy năm trời đâu có lợi nhuận gì đâu”.

Không chỉ là đơn vị cung cấp túi tự hủy, bà Phượng còn như một tuyên truyền viên môi trường. Tất cả các phong trào khác của Hội LHPN TP, quận, phường về hạn chế rác thải nhựa như phân loại tại nguồn, thu hồi vỏ hộp sữa… bà Phượng đều tham gia phát miễn phí, thu túi thường đổi túi tự hủy sinh học cho người dân. Ngoài ra, bà Phượng còn kết hợp với Ban Quản lý chợ Tân Định hỗ trợ in logo chợ cùng tên sạp miễn phí trên túi ni lông tự hủy để kích thích tiểu thương sử dụng.

Bạn đang đọc bài viết Túi ni lông tự hủy: Dự án môi trường sau “Giấc mơ sinh tử”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nam: Chung tay phòng, chống đuối nước ở trẻ em trong dịp hè
Hà Nam là địa bàn có hệ thống sông, hồ, ao, đầm dày đặc, đây là một trong những nguy cơ cao tiềm ẩn tai nạn về đuối nước cho trẻ em và thanh thiếu niên. Phòng, chống đuối nước sẽ là cơ sở góp phần giảm thiểu những tai nạn do đuối nước trên địa bàn

Tin mới