Thứ bảy, 27/04/2024 00:36 (GMT+7)

Về Vân Dương ngoạn cảnh làng quê - nơi lưu dấu Chủ tịch Hồ Chí Minh

MTĐT -  Thứ ba, 24/08/2021 20:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Làng Vân Dương thuộc xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cách không xa với trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 20 km, cách thị xã Phổ Yên 10 km và cách thủ đô Hà Nội chừng 55km.

Đình làng Vân Dương, xã Hồng Tiến (Phổ Yên, Thái Nguyên) thờ Cao Sơn Quý Minh, Tam Tư thời Hùng Vương thứ 18.

Điểm thăm quan thứ nhất là địa bàn xóm Ngoài có khu đình, chùa, đền Đông làng Vân Dương. Khu di tích này nằm ở trung tâm của làng. Giữa khu rừng còn khá nhiều cây cối thâm u, tĩnh mĩnh. Đình Vân Dương kỳ thật xưa kia to lớn nhất vùng thời kháng chiến chống Pháp phải tiêu thổ kháng chiến.

Hiện nay đình được thu nhỏ giống như ngôi Đền nhưng vô cùng cổ kính có một gian hai dĩ, bốn mái bốn đao cong cong và hậu cung. Phải nói hiếm có di tích nào có được đầy đủ tài liệu hiện vật như đình Vân Dương: bộ lộ bố (đồ khí trượng thờ), kiệu cổ dùng để rước trong hội làng ngày 25 tháng 10, án gian cổ được chạm khắc tứ linh tứ quý cầu kỳ, đồ thờ, hoành phi, câu đối, đạc biệt 6 đạo sắc phong do các vua triều nhà Nguyễn phong cho làng thờ các vị thần: Cao Sơn, Quý Minh, Dương Tự Minh.

Sắc phong Cao Sơn Quý Minh (Dương Tự Minh) thượng đẳng thần, đình Vân Dương (1903), xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên.

Cái độc đáo của phong tục, tập quán nới đây có lệ “ông 59 giữ sắc phong”. Hằng năm, đến hẹn lại lên, xuân thu nhị kỳ làng tổ chức lễ hội đền, đình có chon ra ông 59. Tức là năm nay ông nào đến tuổi 59 gia đình song toàn, không tang chở tư cách đạo đức, làng tín nhiệm “cất giữ sắc phong”. Đến ngày 25 tháng 10 lệ làng cũng là Hội làng rước sắc phong ra đình làm lễ bàn giao. Có thể nói, đây là một trong những phong tục, tập quán còn ít thấy trong văn hoá ở các làng quê Việt. Chùa làng Vân Dương nằm sau đình. Chùa thờ Phật với tất cả sự từ bi hỷ xã, ngôi chùa của làng quê bình yên là chốn sinh hoạt của nhân dân địa phương.

Đến với xóm Ngoài, chúng ta không thể không đến địa điểm Đồi Cò, có ngôi Miếu Thổ kỳ của xóm với nhiều cây đa cổ thụ che rợp bóng mát. Chứng kiến khu đồi với nhiều cây xanh ta lại nghĩ đó là những dấu vết của rừng xưa. Nhưng cái lạ ở đây là những đàn cò trắng cứ đua nhau về đây làm tổ. Cò sống tự nhiên, tự nhiên đến là lạ kỳ. Chúng cứ từng đôi, từng đôi làm tổ ở trên ngọn các cây đa. Tiếng ríu rít kêu gọi nhau từng đàn, từng lũ kéo đến. Người đi dưới gốc đa coi nhưng không làm chúng sợ. Qua tìm hiểu anh Thư - người địa phương bảo từ xưa đến giờ cò làm tổ ở đây không ai săn bắn, giết thịt. Miếu thiêng cò đậu. Thực sự dưới tán các cây đa có hai ngôi Miếu thờ thổ địa của nhân dân. Thực sự ở đây đã tạo dựng nên một phong cảnh yên bình của làng quê Vân Dương.

Điểm thứ hai khách vãng lai không được bỏ qua đó là địa bàn xóm Giếng. Mộc mạc, thân thuộc đến lạ - xóm Giếng đặc trưng nơi đây. Từ xưa đến nay, xóm có chiếc một cái Giếng xinh đẹp, nước trong, nước nhiều cao hơn cả mặt ao. Nay vẫn còn được duy trì bảo tồn, giếng vẫn được bảo vệ như mắt rồng “long tỉnh” của làng xóm, nguồn nước mát có tính linh thiêng của nhân dân nơi đây. Vừa qua, dân xóm giếng làm mới con đường khang trang bằng bê tông lại muốn đặt tên cho thêm hay gọi là đường Giếng ngọc. Tại phía tây xóm Giếng có đồi Thu Hà xưa toàn trồng thông đẹp lắm. Thông là loại cây cổ thụ, lá kim xanh mướt. Cây Thông mang đặc trưng cốt cách của người quân tử đã từng đi vào thơ ca: “Ta muốn làm cây thông trên đỉnh núi/ Chẳng muốn làm cây liễu rủ bên sông” (Lôi Phong). Đây là khu thắng cảnh đẹp của làng Vân Dương. Nay đồi Thu Hà vẫn trồng thông. Tại đây, có ngôi Đền Mẫu cổ kính, chắc vì cảnh đẹp, địa linh, sinh nhân kiệt.

Ngày 1/1/1964, chuyến thăm cuối cùng của Bác Hồ, vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, một danh nhân văn hoá thế giới đã đặt chân đến đây. Khi ấy, vào khoảng gần 10 giờ rưỡi ngày 1/1/1964, sau khi về thăm nhân dân và Khu gang thép tỉnh Thái Nguyên, Bác Hồ cùng đoàn công tác qua khu ga Lương Sơn, rồi đi tắt qua con đường tới địa bàn xóm Giếng làng Vân Dương, mục đích của Người muốn thăm cán bộ công nhân đang làm nhiệm vụ ươm cây giống phục vụ trồng cây gây rừng ở khu Vườn Ươm - ngành nông nghiệp Tỉnh lúc ấy đang có cơ sở ươm giống cây lâm nghiệp Bác liền tới thăm. Vị trí ấy gần với Đền Mẫu.

Trước khi thăm Vườn Ươm, Bác Hồ đã vào đền Mẫu thắp hương. Sau đó, Bác ra ngồi nghỉ dưới gốc cây thông to. Nhà nhiếp ảnh ở Thông tấn xã Việt Nam đi cùng đoàn đã chụp được tấm ảnh Bác Hồ ngồi tại gốc thông. Hình ảnh Bác mặc bộ quân áo kaki trắng, đầu đội mũ cát, chân đi đôi dép cao su, vầng trán rộng mênh mông: “Bác Hồ đó, ung dung châm lửa hút/ Trán mêng mông thanh thản một vùng trời” (Tố Hữu).

Bác Hồ nghồi nghỉ trưa dưới gốc thông làng Vân Dương (ngày 1/1/1964) - ảnh Tư liệu - ảnh đang được nhân dân lưu tại di tích lịch sử Đền Mẫu, xã Hồng Tiến (Phổ Yên, Thái Nguyên).

Từ ngày Bác Hồ mất (2/9/1969), nhân dân địa phương đã lấy ngày sinh nhật Bác (19/5) hằng năm là ngày lễ hội của đền để tưởng nhớ Bác. Đây là lễ hội duy nhất có trong tỉnh tưởng niệm Bác Hồ ở làng cổ. Đền Mẫu nay đã trở thành khu di tích lịch sử văn hoá cấp Tỉnh, nơi ghi dấu lưu niệm in dấu chân Người về thăm đã được dựng bia tôn tạo, giáo dục truyền thống cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đền Mẫu là một trong 3 di tích lịch sử của làng Vân Dương đều được UBND tỉnh xếp hạng đó là Đình, chùa Vân Dương, Đền Đông, Đền Tây (tức Đền Mẫu) từ năm 2010.

Vào xóm Giếng có lẽ quý khách không nên bỏ qua thăm ngôi nhà cổ của gia đình ông Dương Văn Lượt, một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật dân gian còn ít thấy, có giá trị về nghiên cứu về mặt kiến trúc, điêu khắc gỗ, về văn hóa dân tộc gắn với dòng họ có từ lâu đời ở đây. Ngôi nhà cổ của gia đình ông Dương Văn Lượt là một trong những ngôi nhà còn ít giữ được ở địa phương, xưa kia thuộc làng Vân Dương Thượng, tổng Mạt Hương, huyện Tư Nông, phủ Phú Bình, nay thuộc xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên. Chủ nhân ngôi nhà cổ này xưa kia là của gia đình cụ Thơ ký, Hộ lại tên là cụ Dương Văn Đang là cha đẻ của ông Dương Văn Lượt. Ông Dương Văn Lượt là người thừa kế ngôi nhà cổ hiện nay.

Ngôi nhà cổ gia đình ông Dương Văn Lượt ở xóm Giếng, xã Hồng Tiến (thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên) đang được bảo tồn, gìn giữ.

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngôi nhà là một trong những mục tiêu ném bom ở địa bàn. Bởi vùng xã Vân Dương Thượng cùng với các xã trong huyện Phổ Yên lúc bấy giờ có một số cơ quan, đơn vị thuộc ngành Quân đội sơ tán, gần Quốc lộ III (Hà Nội - Cao Bằng) và đường sắt (Hà Nội - Thái Nguyên) chạy qua và là một trong những huyện ở đầu cửa ngõ Thủ đô Hà Nội từ đồng bằng lên miền núi. Qua khảo sát, ngôi nhà được xây dựng theo kiểu nhà đại khoa. Ngôi nhà có 5 gian được làm toàn bằng gỗ lim, 3 gian chính, 2 gian buồng. Ngôi nhà có chiều dài 13m, lòng nhà rộng 6,5m, có 4 hàng chân cột, 8 cột cái, 10 cột quân và 6 cột hiên, chu vi mỗi cột cái khoảng 25 cm, cái chân cột đều được kê đá tảng. Ngôi nhà có 6 bộ vì làm theo kiểu “kẻ chuyền, con chồng”, trên đó còn giữ được cả thước thợ (sào nhà). Tổng diện tích ngôi nhà rộng 84,5 m2.

Về cơ bản, kiến trúc gỗ của ngôi nhà này vẫn giữ được như ban đầu khởi dựng: hai bức thuận ngăn cách giữa 3 gian vẫn còn được đóng bằng gỗ, Bàn thờ Thổ công ở góc phải nhà vẫn được thờ theo chiều dọc ngôi nhà. Trên cây nóc (thượng lương) của ngôi nhà còn ghi hàng chữ gồm có 42 chữ Hán Nôm ghi năm khởi dựng ngôi nhà:“Hoàng triều Bảo Đại thập tam niên trung thu nguyệt nhị thập lục nhật (cố) thượng ốc trung thượng gian đệ nhất trực đề phúc tinh cáo chiếu cát khuông phù thượng hoàng hạ cấu đường … … …” (nghĩa là đặt trụ thương lương ngôi nhà vào giờ tốt ngày 26 tháng 8 triều vua Bảo Đại năm thứ 13 (1928) tức là cách ngày nay gần một thế kỷ (93 năm). Tuy đã trải qua ngót gần một trăm năm nhưng gỗ của ngôi nhà vẫn còn đen bóng.

Ngôi nhà được người xưa thiết kế bộ khung, bộ vì theo lối truyền thống, tổng số 24 cột. Câu đầu phải và trái của ngôi nhà được làm bằng một cây gỗ lim chắc khỏe, trên đó được chạm trổ rất cầu kỳ giữa câu đầu tạo hình một “lá điệp”ghi dòng chữ Hán Nôm gồm 9 chữ mỗi bên, nội dung lấy trong Kinh dịch, lá Số tử vi soi lòng chính trực, cầu mong niềm vui vẻ, gặp nhiều điều tốt đẹp. Các cột đều là những cây gỗ lim thẳng dựng thành hàng thứ tự từ ngoài vào: cột hiên, cột quân, cột cái. Ba gian chính các bộ vì được cham trổ kênh, bong, trang trí rất nhiều hoa văn, họa tiết chủ yếu như đề tài: tứ linh, tứ quý, hoa văn lá lật. Các vì nách có nhiều con giường chồng người nghệ nhân dân gian tạo ra một bức tranh sống động chạm bong hình rồng, lá lật, chạm nổi chữ Thọ, có chỗ chạm tứ quý: thông trúc, cúc mai hoặc đào mai, cúc tùng.

Bức Hoành phi, câu đối trong ngôi nhà ông Dương Văn Lượt 

Ngăn cách giữa nhà ngoài với buồng được bưng ván co soi gờ chỉ. Trên các khung cửa được soi nổi gờ chỉ. Lối vào buồng có cửa ở vị trí ngoài sát cột hiên gọi là hiên nhà. Ngôi nhà xung quanh được xây kín bằng gạch chỉ trát vữa đầu nhà xây theo kiểu tường hồi bít đốc mái lợp ngói mũi. Bộ cửa ngôi nhà vẫn bảo tồn được nguyên bản cửa bức bàn, gian giữa theo kiểu thượng song, hạ bản. Từ bậc thềm xuống sân gạch có 5 bậc lát gạch bát. Gian giữa ngôi nhà được bài trí trang nghiêm. Giữa ngôi nhà trước đây có đầy đủ như: án gian, giường hành, ban thờ tổ tiên bày các đồ thờ cúng như: Bát hương sứ cổ, đỉnh trầm, tam sơn, lọ hoa, cây đèn, mâm bồng, độc bình, 20 chiếc bát cổ vẽ hình “Bát tiên” (8 ông tiên), giá ảnh thờ có bức ảnh chân dung ông Dương Văn Cang là ông nội của ông Dương Văn Lượt ... Hướng ngôi nhà quay hướng nam phía trước là chiếc sân lát gạch vuông bát tràng rộng 150 m2 dùng để làm chỗ phơi phóng thóc lúa khi thu hoạch hoặc tổ chức lễ khi nhà có việc giỗ tết, cưới xin ... Trước sân có vườn, hai bên là công trình phụ như: nhà bếp, giếng nước, nhà vệ sinh, chuồng lợn, chuồng gà, chuồng trâu, bò.

Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chứng kiến biết bao biến đổi của xã hội, đã qua mấy đời chủ nhân của nó và gìn giữ được cho đến ngày nay với dáng vẻ gần như nguyên vẹn về kết cấu kiến trúc nghệ thuật ban đầu. Đây là một ngôi nhà cổ còn giữ gìn được kiến trúc nghệ thuật cổ, là một công trình kiến trúc dân gian, có giá trị nghiên cứu về kiến trúc nghệ thuật dân gian truyền thống.

Về Vân Dương là về với vùng quê, với nông thôn đặc trưng Việt Nam, với làng quê sau luỹ tre bình yên. Tôi thấy với các điểm tham quan mang bản sắc văn hoá của vùng nông thôn nhưng giàu tính nhân văn và các di tích lịch sử có giá trị lịch sử văn hoá. Những di sản văn hoá đó cần được bảo tồn và gìn giữ, kết hợp giữa xây dựng cuộc sống mới ở nông thôn, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân đồng thời chú ý gìn giữ bảo tồn và phát huy vốn văn hoá bản sắc dân tộc, đặc biệt tuyên truyền về các phong tục tập quán tốt đẹp, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” như đối với danh nhân văn hoá Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các di sản văn hoá của quê hương Vân Dương, xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên như những viên ngọc quý, càng mài càng sáng. Trong tương lai, với tốc độ phát triển ngày một vươn xã tiến tới thị xã Phổ Yên sẽ thành lập là thành phố Phổ Yên, các di sản văn hoá của vùng quê xã Hồng Tiến sẽ góp phần tích cực, là cơ sở thúc đẩy tăng cường phát triển chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội đưa thành Phố Yên lên một tầm cao mới, xứng đáng với truyền thống của một vùng quê giàu lịch sử văn hoá./.

Nguyễn Đình Hưng

(Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên)

Bạn đang đọc bài viết Về Vân Dương ngoạn cảnh làng quê - nơi lưu dấu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới