Thứ ba, 19/03/2024 15:11 (GMT+7)

Cần biện pháp mạnh phòng chống thảm họa môi trường

MTĐT -  Thứ năm, 16/11/2017 10:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ góc độ sinh thái và môi trường mà xét, rừng là lá phổi của quả đất, là nòng cốt cân bằng sinh thái.

Thông qua tác dụng quang hợp, rừng xanh duy trì sự cân bằng giữa khí cacboníc và khí ôxi trong không khí. Ngoài ra rừng còn có nhiều chức năng khác.

Rừng có thể lưu chứa nguồn nước, cản trở nước xói mòn đất. Theo tính toán, rừng so với diện tích không rừng, mỗi mẫu (1 mẫu bằng 667,7m2 ) có thể chứa 20m3. Lượng nước 10 vạn mẫu rừng chứa tương đương với lượng của một hồ nước cỡ vừa , tức là 20 triệum3. Rừng còn là “điều động viên” về nước. Mùa mưa, rừng có thể phân tán nước, làm đỉnh lũ xuất hiện chậm. Mùa khô rừng giữ cho lượng nước sông vẫn bình thường.

Rừng có thể điều tiết khí hậu, ngăn gió, chắn cát. Diện tích rừng lớn có thể làm thay đổi bức xạ ánh nắng mặt trời và tình trạng lưu thông không khí. Trong rừng các cây tán lớn và thân cây cản làm giảm tốc độ gió. Mỗi ha rừng một năm có thể bốc hơi 8 tấn nước, khiến cho không khí trong rừng mát mẻ có tác dụng điều hòa khí hậu.

Nếu không có rừng thì ước khoảng 4,5 triệu loài vật trên quả đất bị tiêu diệt, lũ lụt lan tràn, sa mạc không ngừng mở rộng, môi trường sinh sống của con người sẽ vô cùng tồi tệ. Hiện nay, ngăn chặn chặt phá rừng, bảo vệ cân bằng sinh thái là nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta. Chỉ có bảo vệ rừng tốt thì quả đất của chúng ta mới có thể ngày càng tốt đẹp.
Việt Nam ta do công tác quản lý rừng không tốt. Rừng luôn bị tàn phá vì mục đích khai thác gỗ, làm thủy điện và phá rừng vì các mục đích cá nhân.

Theo TS.Đào Trọng Hưng, thành viên Ban tư vấn VRN, thủy điện đang tàn phá rừng trầm trọng. Để có 1MW điện thì mất 16 ha rừng. Ông gọi: “Những dự án phá rừng mang tên thủy điện. Thủy điện nhỏ nhưng mất rừng không nhỏ”.

Do mưa lớn, hầu hết các hồ chứa Bắc Bộ, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và các hồ chứa nhỏ ở Nam Trung Bộ đã đầy nước. Cả nước hiện có 1.200 hồ chứa bị xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có 350 hồ xung yếu, là những quả “bom nước” có thể vỡ bất cứ lúc nào.

Nhà máy Lee & Man thừa nhận gây ô nhiễm khi chạy thử. Ảnh TL

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đợt mưa, lũ sau bão 12 khiến khoảng 19 tỷ m3 đổ xuống khu vực Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa, Tây Nguyên. Đã xuất hiện lũ rất lớn ở Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Lũ ở trên sông Hương xấp xỉ trận lũ lịch sử năm 1999. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước xảy ra 18 sự cố về hồ. Ngoài các sự cố nói trên, còn có các sự cố ở Thái Nguyên (1 hồ), Hòa Bình (4 hồ), Thanh Hóa (3 hồ), Nghệ An (1 hồ), Hà Tĩnh (1 hồ), Phú Yên (2 hồ), Bà Rịa - Vũng Tàu (1 hồ). Hiện các hồ trên đã được xử lý khẩn cấp để đảm bảo an toàn trước mắt.

Mưa dồn dập khiến lũ trên các sông ở Hà Tĩnh lên nhanh. Mực nước lúc 4h ngày 10/10/2017 trên sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ đạt 11,56m, dưới báo động hai 0,44m; tại Hòa Duyệt 7,24m; sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm 9,25m; Sông La tại Linh Cảm 2,92m. Ông Lê Quang Hồ - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Sơn cho biết, nước lũ đã ngập Cầu Tràn đoạn qua xã Sơn Giang và thị trấn Phố Châu. Quốc lộ 8A đoạn qua thôn Kim Cương 2 bị ngập sâu đến 1m, chiều dài hơn 200m. Khu công nghiệp Đại Kim xã Sơn Kim bị lũ bao vây. Quốc lộ 15B nước trắng xóa. Một chiếc xe tải mạo hiểm lưu thông trên quốc lộ, đến đoạn qua xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc thì bị nước lũ cuốn trôi, tài xế kịp thoát ra ngoài. Tại thành phố Hà Tĩnh, giao thông trên nhiều tuyến đường bị tê liệt.

Chiều 8/11/2017, Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, thống kê đến 17 giờ cùng ngày, mưa bão số 12 làm chết 106 người, 25 người mất tích.

Số người chết ở từng tỉnh: Khánh Hòa 39 người, Bình Định 17 người, Quảng Ngãi 8 người, Quảng Nam 24 người, Thừa Thiên - Huế 10 người, Lâm Đồng 3 người, Đắc Lắc 1 người, Quảng Trị 1 người, Đà Nẵng 1 người. Vẫn còn 25 người mất tích (Quảng Nam 11 người, Bình Định 8 người, Khánh Hòa 5 người, Phú Yên 1 người).

Chỉ sau một đêm, thủ phủ nuôi tôm hùm ở thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đang nhộn nhịp, trù phú trở thành tan hoang, người nuôi tôm trắng tay, ngập trong nợ nần. Vào đầu thôn Vịnh Hòa, lồng bè nuôi tôm nằm la liệt chất chồng lên nhau, dày đặc bãi biển. Trước khi được vớt vào bờ, những chiếc lồng này nuôi nhiều tôm hùm.Thường thì người dân ở đây thả nuôi từ 50 - 60 con/lồng. Bây giờ lồng tôm trống không.

Mưa lũ lớn cũng làm nhiều địa phương bị ngập nặng: Thừa Thiên - Huế hơn 70.000 nhà ngập 0,2 - 0,8m; Đà Nẵng trên 11.500 nhà (chủ yếu khu vực Hòa Vang, Ngũ Hành Sơn); Quảng Nam trên 4.800 nhà; Quãng Ngãi có 53 xã (phường) thuộc 8 huyện, thành phố đã bị ngập; Phú Yên gần 7.800 nhà (chủ yếu là huyện Tuy An và Đồng Xuân); Quảng Trị trên 760 nhà ngập 0,3 -1m, có nơi ngập tới 2m (chủ yếu ở khu vực Hải Lăng, Triệu Phong, Quảng Trị).

Bão số 12 (Damrey) chỉ trong phút chốc ập vào bờ biển Quy Nhơn (Bình Định) sáng 4/11 đã đánh đắm một lúc 8 con tàu hàng đang neo đậu, nhấn chìm gần 100 thuyền viên. Giữa bão bùng, 71 thuyền viên được cứu sống, 13 thuyền viên mất tích, sau đó tìm được 11 thi thể, 1 tàu hàng khác bị bão đánh dạt vào bờ mắc cạn, may mắn 15 thuyền viên sống sót, trong số tàu bị đắm có một chiếc chứa 130 tấn dầu, nếu bị tràn dầu thì đây là một thảm họa khó lường.

Những thiệt hại to lớn vừa qua là hậu quả của quá trình phá rừng như câu thơ:

“Rừng là của quý ai ơi
Phá rừng, sát hại loài người dã man”

Tuy phải gánh hậu quả nặng nề của việc quản lý kém và phá rừng nhiều năm qua. Nhưng trong năm 2017, chúng ta cũng đã có rất nhiều cố gắng, hạn chế được một số vụ hiểm họa ô nhiễm:
- Đã giám sát kỹ các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường của công trình luyện kim Formosa để ngăn chặn ô nhiễm biển miền Trung như trước đây.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiêm khắc giám sát Nhà máy giấy Hậu Giang. Bắt buộc nhà máy phải có các công trình xử lý môi trường đạt chuẩn mới được sản xuất để tránh ô nhiễm giết chết sông Hậu.
- Do dư luận của quần chúng, sự tích cực lên tiếng của các nhà khoa học, chúng ta đã chấm dứt được việc nhấn chìm 2,4 triệu tấn bùn thải xuống biển Bình Thuận.
- Trên cơ bản đã chặn được việc khai thác cát trộm trên các tuyến sông gây sạt lở nghiêm trọng.
- Kịp thời ngăn chặn được việc tỉnh Vĩnh Phúc định phá rừng phòng hộ ở Tam Đảo để làm nghĩa trang.
- Thảm hoạ môi trường đã làm chết rất nhiều người, tàn phá xóm làng, thiệt hại của cải. Vì vậy cần phải có nhiều biện pháp mạnh để ngăn ngừa thảm họa môi trường.

Ngày nay, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng đang được đặt ra như một yêu cầu cấp bách cho nhiều quốc gia và trên toàn cầu. Trên nguyên lý chung của sự phát triển bền vững, tính bền vững của rừng được đánh giá là dựa trên sự ổn định về diện tích, về khả năng cung cấp gỗ và chất lượng gỗ, về chức năng bảo tồn đa dạng sinh học, về mặt sinh thái, tính bền vững của kinh tế - xã hội và bảo đảm việc làm cho con người (Wolfgang Tzchupke, 1998).

Hệ thống rừng phòng hộ bao gồm các khu rừng đầu nguồn, rừng chắn cát và chắn sóng ven biển. Rừng đặc dụng gồm các vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên và khu dành cho văn hoá, lịch sử, môi trường. Hiện nay trong 19 triệu ha đất lâm nghiệp chỉ có 3,5 triệu ha là rừng phòng hộ và 0,9 triệu ha là rừng đặc dụng.

Một số chính sách và giải pháp quản lý phát triển tài nguyên rừng
- Quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp và xác định thực hiện giao đất khoán rừng đều có chủ, áp dụng các chính sách và hình thức thích hợp trong quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Thực hiện các chương trình trồng rừng và xã hội hoá nghề rừng. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động định canh, định cư thông qua các dự án của Nhà nước. Vấn đề định canh định cư, hạn chế đốt nương làm rẫy, nâng cao đời sống và dân trí cho đồng bào dân tộc ít người ở các vùng núi là một trong những chính sách quan trọng mà Chính phủ quan tâm nhằm tăng cường việc bảo vệ và quản lý tốt rừng tự nhiên hiện có.
- Chương trình 327 đã được thực hiện từ 1993, sau đó được bổ sung vào năm 1995. Năm 1998 chúng ta bắt đầu thực hiện chương trình 5 triệu ha rừng. Mục tiêu chính của Chương trình 327 là nhằm phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ rừng và môi trường. Định canh, định cư gắn liền với phát triển kinh tế xã hội. Ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho những người mới định cư. Tăng cường sự phục hồi tài nguyên đất nước. Tăng cường an ninh quốc phòng quốc gia. Kết quả của Chương trình 327 đã quản lý và bảo vệ 1,6 triệu ha rừng, trồng được trên 1,3 triệu ha rừng (Jyki Salmi và cộng sự, 1999). Những thành quả này không được quản lý chặt chẽ cũng sẽ bị bọn lâm tặc và các người di cư tự do phá hoại.
- Chương trình phục hồi 5 triệu ha rừng (gọi tắt là chương trình 5 triệu ha)
Thực hiện Quyết định 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998, Chính phủ Việt Nam đã cho tiến hành chương trình quốc gia nhằm khôi phục 5 triệu ha rừng. Dự án kéo dài trong 13 năm, từ 1998 đến 2010 với các mục tiêu chủ yếu là:
+ Thiết lập 5 triệu ha rừng bằng tái sinh tự nhiên và trồng mới để đưa diện tích che phủ cả nước lên 43% (tương ứng vào năm 1943) được coi là tỷ lệ an toàn sinh thái - môi trường, nhằm giảm thiểu các thảm hoạ tự nhiên, bảo vệ nguồn nước và bảo vệ đa dạng sinh học.
+ Sử dụng có hiệu quả đất trống đồi núi trọc, tạo việc làm, góp phần xoá đói giảm nghèo, định canh, định cư, tăng thu nhập cho người địa phương, ổn định chính trị - xã hội và an ninh quốc phòng các vùng biên.
+ Cung cấp gỗ, củi, làm nguyên liệu giấy và cung cấp cho các ngành công nghiệp khác, thoả mãn nhu cầu gỗ củi cho tiêu dùng trong nước cũng như cho xuất khẩu. Góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng núi.

Rừng là một tài nguyên quan trọng của đất nước, nó không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có vai trò to lớn bảo vệ môi trường sinh thái. Tất cả các chính sách, giải pháp được đưa ra đều nhằm mục đích quản lý bền vững tài nguyên hiện có phát triển vốn rừng cho tương lai.

Phải ngừng các công trình thuỷ điện phá hoại rừng, không ai được phép phá rừng dưới bất kỳ chiêu bài nào. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Không ai được phép hễ có dự án du lịch, sân golt là phá rừng”.

Vì vậy, bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn xã hội. Nhà nước phải tăng cường chỉnh đốn hệ thống quản lý rừng. Phải xử lý nghiêm những kẻ quản lý rừng lại tiếp tay cho bọn lâm tặc phá hoại rừng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên, rừng phòng hộ là rất chính xác, đồng thời đề cao trách nhiệm và năng lực quản lý rừng của các cấp địa phương. Nơi nào để xảy ra tệ nạn phá rừng, người đứng đầu phải bị kỷ luật. Bọn lâm tặc phải bị xử lý thật nghiêm khắc. Xem phá rừng như tội giết người. Vì nó không chỉ làm hại một người mà làm hại cả xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo đóng cửa rừng - quyết định hợp lòng dân. Ảnh TL

Mặt khác, phải có các chế tài, các quy định pháp luật xử lý nghiêm khắc các kẻ khai thác khoáng sản vô tổ chức, phá hoại môi trường. Những bọn “cát tặc” phá hoại các dòng sông, bờ sông gây xói lở, làm sập nhà của dân gây nên cảnh nhiều gia đình sống bơ vơ vì mất nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi theo dòng sông./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Cần biện pháp mạnh phòng chống thảm họa môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xây dựng, phát triển TOD theo mô hình 3 cấp độ
3 cấp độ xây dựng, phát triển mô hình TOD gồm cấp vùng, cấp đô thị và cấp điểm. Nguyên tắc quy hoạch dựa trên trục xương sống là đường sắt đô thị và ưu tiên thúc đẩy đi bộ.
Hướng đến nền nông nghiệp đô thị, sinh thái
Với định hướng xây dựng nền nông nghiệp đô thị, sinh thái gắn với du lịch, ngành Nông nghiệp Hà Nội không chỉ đơn thuần là sản xuất, mà phải là nền nông nghiệp của thị trường với hệ thống kinh doanh số hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.

Tin mới

Bài thơ: Im lặng để mất nhau
Anh im lặng , em cũng sẽ lặng im////Dù con tim hình bóng anh khuất lấp///Niềm nhớ thương dành cho anh duy nhất///Cũng im lìm chẳng nhắn gọi anh đâu...
Bài thơ: Lòng cỏ
Đôi khi lòng đau như cỏ///Vết chân vô ý lướt qua,///Có khi lòng vui như cỏ///Bàn chân mềm mại thướt tha.