Thứ sáu, 26/04/2024 11:38 (GMT+7)

UBND xã Phù Đổng làm ngơ cho các cơ sở sản xuất gỗ ép xả thải?

Khánh An - Triệu Trang -  Thứ bảy, 25/08/2018 09:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mỗi ngày, hàng chục ống khói từ các xưởng sản xuất gỗ tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội thi nhau xả khói đen bao trùm không khí gây bức xúc cho người dân.

Mới đây, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có bài phản ánh về tình trạng các xưởng sản xuất gỗ ép trên địa bàn xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) xả thải ra môi trường.

Với diện tích đất rộng tại nông trường bò sữa thuộc Công ty Giống gia súc Hà Nội, hơn chục xưởng sản xuất gỗ ép thuê lại một phần diện tích đất của công ty này xây dựng lên các xưởng sản xuất gỗ ép tập trung. Mỗi ngày, hàng chục ống khói từ các xưởng sản xuất này thi nhau xả cả ngày lẫn đêm, màu khói đen xì và khét lẹt.

Hàng chục ống khói từ các xưởng sản xuất gỗ ép thi nhau xả cả ngày lẫn đêm màu đen xì và khét lẹt.

Để làm rõ thông tin, PV đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Thúy, Phó chủ tịch và Cán bộ môi trường của UBND xã Phù Đổng. Bà Thúy cho biết: “Các xưởng sản xuất gỗ ép mà  PV phản ánh thuộc vị trí quản lý của địa phương. Nhưng diện tích đất này là của Công ty CP Giống gia súc Hà Nội. Công ty này cho các chủ xưởng gỗ ép này thuê lại để sản xuất. Mới đây, UBND xã cũng đã có nhận được văn bản của UBND huyện Gia Lâm (ngày 22/5) về việc thành lập đội liên ngành kiểm tra các cơ sở sản xuất gỗ ép trên địa bàn và xã cũng có phối hợp. Đối với diện tích đất của Công ty Giống gia súc Hà Nội thì có 7 cơ sở thuộc địa bàn của xã Phù Đổng (7 cơ sở còn lại thuộc sự quản lý của xã Dương Hà).

UBND xã thường xuyên phối hợp với tổ liên ngành của huyện về kiểm tra các cơ sở đó, người ta cũng chấp hành đầy đủ. Thật ra thì các xưởng sản xuất này đều nằm cách xa khu dân cư”.

Ông Đinh Văn Quang - Cán bộ môi trường xã Phù Đổng cùng PV đi thực tế tại các xưởng sản xuất gỗ ép.

Ông Đinh Văn Quang – Cán bộ phụ trách vấn đề môi trường UBND xã Phù Đổng cho biết: “Về công tác quản lý đối với cơ sở sản xuất gỗ ép thì là do địa phương không đủ thẩm quyền để kiểm tra, vì các cơ sở này thuộc UBND huyện Gia Lâm quản lý.

Các biên bản kiểm tra, biên bản làm việc, kết quả kiểm tra đối với các cơ sở này, xã chỉ phối hợp cùng huyện, chứ không đủ thẩm quyền để cung cấp cho các chị (PV). Nếu các chị muốn lấy các văn bản này thì phải liên hệ với Phòng TNMT huyện - là đơn vị trực tiếp quản lý các cơ sở này".

Ông Quang khẳng định trong quá trình đi kiểm tra, các cơ sở này đều có đầy đủ giấy tờ về bảo vệ môi trường, có báo cáo quan trắc, có đề án bảo vệ môi trường đơn giản, có hệ thống phòng cháy chữa cháy. Và các hồ sơ này thì UBND xã không quản lý. Sau khi kiểm tra thì Phòng TN&MT huyện có ra quyết định xử phạt, xử lý như thế nào huyện sẽ gửi trực tiếp cho chủ các cơ sở này chứ không thông qua UBND xã.

Cống nước thải tại các xưởng sản xuất gỗ ép này đều nhuốm một màu đen sì.

Sau khi làm việc với UBND xã Phù Đổng, PV đã được Cán bộ môi trường xã đưa đi thực tế các cơ sở sản xuất gỗ ép này. Tuy nhiên chủ các xưởng này đều không có mặt tại đây. Khi được hỏi cảm nhận về vấn đề môi trường tại các xưởng sản xuất này như thế nào thì ông Quang cho rằng: “Tôi thấy nó bình thường, các xưởng đốt để lấy hơi nên sẽ có khói đen thôi, không có nước thải. Còn các chị thấy cay mắt thì là do keo sử dụng trong gỗ ván ép. Mà keo này thì đạt quy chuẩn rồi”.

Như vậy, sau khi Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử có bài phản ánh, UBND huyện Gia Lâm thành lập đoàn liên ngành đi kiểm tra, xử phạt thế nhưng qua thực tế thì các xưởng sản xuất gỗ ép này vẫn hoạt động xả thải bình thường, công tác phòng cháy chữa cháy cũng không được đảm bảo.

Chủ tịch UBND xã Phù Đổng và Dương Hà phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm nếu để các cơ sở sản xuất gỗ ván ép trên địa bàn vi phạm pháp luật.

Trong văn bản kết quả kiểm tra của UBND huyện Gia Lâm ghi rõ, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng và Dương Hà phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm nếu để các cơ sở sản xuất gỗ ván ép trên địa bàn vi phạm pháp luật. UBND xã phải kịp thời báo cáo lên UBND huyện để có quyết định xử phạt hành chính tạm thời đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở cố tình vi phạm.

Người dân đặt câu hỏi có hay không UBND xã Phù Đổng vẫn “làm ngơ” trước những sai phạm của các xưởng sản xuất gỗ ép trên địa bàn?

Theo Văn bản Số 04/BC-ĐKT của Đoàn liên ngành UBND huyện Gia Lâm ngày 25/7 về việc báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ sở sản xuất ván ép tại Dương Hà và Phù Đổng cho biết, hiện tại trên diện tích đất của Công ty CP Giống gia súc Hà Nội có 12 cơ sở sản xuất gỗ ép đang hoạt động tổng diện tích khu vực sản xuất này là 8.650m2.

Trong báo cáo kết quả kiểm tra ghi rõ các cơ sở sản xuất gỗ ép này đều đã lập cam kết bảo vệ môi trường đơn giản, được UBND huyện Gia Lâm phê duyệt năm 2014; các cơ sở đều thực hiện quan trắc môi trường định kỳ năm 2018, tuy nhiên báo cáo quan trắc định kỳ chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng; các cơ sở này đã ký hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại với Công ty CP Công nghệ môi trường An Sinh; các cơ sở cũng đã nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.

Tuy nhiên, qua kiểm tra hiện trạng thì các cơ sở này đều có kho lưu giữ chất thải nguy hại nhưng không đảm bảo đúng quy định; có 11 cơ sở phát sinh khí thải từ lò hơi trong công đoạn ván ép, và kết quả quan trắc của đoàn kiểm tra cho thấy thông số CO vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 1,1 đến 2 lần.

Về công tác Phòng cháy chữa cháy thì tất cả các cơ sở sản xuất gỗ ép này đều không đảm bảo quy định.

Và theo kết quả kiểm tra thì ngày 17/7 UBND huyện Gia Lâm đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tất cả các cơ sở sản xuất gỗ ép trên cả 2 địa bàn xã Dương Hà và Phù Đổng (14 cơ sở) với số tiền phạt là 188.250.000 đồng.

Bạn đang đọc bài viết UBND xã Phù Đổng làm ngơ cho các cơ sở sản xuất gỗ ép xả thải?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.