Thứ sáu, 26/04/2024 13:06 (GMT+7)

Bắc Giang: Cựu chiến binh Bùi Văn Hùng làm giàu nhờ tâm huyết trồng rừng kinh tế

Trần Ngọc Sơn -  Thứ tư, 14/12/2022 11:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Năm 2003: Cựu chiến binh Bùi Văn Hùng(1969) ở thôn Ngoài, xã Đông Phú, huyện Lục Nam, Bắc Giang bắt đầu mua một vài ha đất trồng rừng từ tiền chăn nuôi lợn, gà. Đến nay, gia đình ông Hùng sở hữu 30 ha rừng trồng Keo, Bạch đàn trị giá bạc tỷ trong tay.

Một buổi chiều mùa đông, ngày trung tuần tháng 12, chúng tôi có dịp theo chân anh Nguyễn Quý Trí, sinh năm 1983-Trạm trưởng, Trạm Kiểm lâm địa bàn Đông Phú, Hạt Kiểm lâm Lục Nam tới thăm gương tiêu biểu làm giàu nhờ phát triển trồng rừng kinh tế trồng ở thôn Ngoài, xã Đông Phú, huyện Lục Nam (Bắc Giang). 

tm-img-alt
Ngút ngàn màu xanh rừng trồng xã Đông Phú (huyện Lục Nam) - Ảnh nhìn từ trên cao.  

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà một tầng mái thái khang trang, diện khoảng 150 m2, qua câu chuyện, ông Hùng nhớ lại kể, tháng 3/1989, ông lên đường nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ quân sự biên chế vào Tiểu đoàn Thông tin - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn.

Đến tháng 6/1992, hoàn thành nghĩa vụ, ông trở về địa phương làm nông nghiệp cùng vợ, con canh tác mấy sào ruộng khoán, kết hợp chăn nuôi con lợn, đàn gà. Bấy giờ, kinh tế khó khăn, nuôi các con ăn học chật vật.

Sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi giá cả bấp bênh, chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Năm 2003, ông Hùng lóe lên ý nghĩ, quê mình có đất, có rừng vậy phải trồng rừng mới phát triển kinh tế khá lên được, nguyên liệu gỗ rừng trồng không bao giờ sợ mất giá.

Ông Hùng đem chuyện bàn với vợ con, được vợ, con ủng hộ, ông mang hết số tiền tiết kiệm được từ chăn nuôi, đi vay mượn thêm các nguồn, ông Hùng đi hỏi mua lại số đất rừng ở 02 thôn Ải và Cai Vàng, xã Đông Phú của các hộ dân không có nhu cầu sử dụng. Mỗi năm, gia đình ông lại tiết kiệm tiền mua thêm một số diện tích (tùy theo khả năng kinh tế). 10 năm sau, năm 2013 gia đình ông Hùng đã sở hữu trong tay 30 ha đất rừng

tm-img-alt
Cựu chiến binh Bùi Văn Hùng cùng anh Nguyễn Quý Trí - Trạm trưởng, Trạm Kiểm lâm địa bàn Đông Phú chuẩn bị đi kiểm tra rừng. 

Chúng tôi đề xuất muốn đi thăm khu rừng trồng của gia đình, ông vui vẻ và đưa chúng tôi tới thôn Ải xã Đông Phú, cách nhà ông Hùng chừng gần 2 km. Anh Nguyễn Quý Trí giới thiệu, đi cùng chúng tôi có ông Lương Xuân Viễn, sinh năm 1962, ở thôn Ải - Phó Ban Lâm nghiệp xã Đông Phú, người đồng hành giúp UBND, gắn bó với Trạm Kiểm lâm địa bàn Đông Phú tham mưu trong công tác Quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đến nay đã có thâm niên hơn 30 năm. 

Đường đi thăm rừng, theo con đường bê tông ra khỏi thôn Ải là một cánh đồng lúa rộng mênh mông sau vụ gặt. Một số đất ruộng được bà con canh tác trồng rau màu, cà chua và khoai tây xanh mướt.

Qua khoảng cánh đồng chừng gần cây số, chúng tôi được hòa mình vào khung cảnh yên tĩnh giữa mênh mông núi rừng xanh ngắt. Vượt qua con dốc khá cao, chúng tôi gặp ngay một đập nước lớn.

Ông Viễn giới thiệu đập nước có tên Chùa Ông được xây dựng vào khoảng năm 1965-1966, diện tích rộng khoảng hơn 7,0 ha. Đập Chùa Ông có nhiệm vụ điều tiết, phục vụ nước tưới canh tác nông nghiệp cánh đồng các thôn: Hố Nứa; Phong Quang; Ải; Đức Giang.

Ào ào, bỗng tiếng động cách chúng tôi khoảng chừng 35 m, một đàn vịt trời, le le đi kiếm ăn ở góc hồ phía trước gần đó, phát hiện có tiếng người bèn vỗ cánh kêu ríu rít báo hiệu gọi nhau bay vụt tản trên không trung, mất hút khuất vào phía sau tán rừng phía trước. 

tm-img-alt
Một góc rừng trồng Bạch đàn 3,5 tuổi (giống DH 32-29 ) của gia đình CCB Bùi Văn Hùng tại thôn Ải Quang (xã Đông Phú). Ảnh chụp từ trên cao. 

Chả mấy chốc, chúng tôi đã tới lô rừng của gia đình ông Hùng nằm ở phía trong cùng cuối con đập. Trước mắt chúng tôi, rừng cây Bạch đàn mọc thẳng tắp như bó đũa hòa vào màu xanh trù phú giữa mênh mông những cánh rừng Keo, Bạch đàn xung quanh như hòa quyện tạo nên bức tranh thủy mặc sơn thủy hữu tình in bóng mặt nước trên hồ.

Chiều cao vút ngọn cây trung bình từ 8-10 m. Đo thử một số cây đại diện, đường kính ngang ngực đạt khoảng từ 35 - 45 cm/cây. Hùng cho hay, lô rừng trồng của gia đình có diện tích 7,0 ha, trồng được 3,5 năm tuổi.

Cây trồng giống Bạch đàn DH 32-29, mật độ trồng là 1650 cây/ha., hố được cuốc đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật kích thước các anh Kiểm lâm địa bàn hướng dẫn. Hố được phơi ải và bón lót phân bón NPK Đầu trâu Bình Điền. 

tm-img-alt
Thăm mô hình phát triển kinh tế rừng của gia đình CCB Bùi Văn Hùng. 

Được biết, năm 2009, một phần diện tích rừng trồng của gia đình ông Hùng bắt đầu cho khai thác lứa gỗ đầu tiên. Tiền bán gỗ, củi thu được, một phần ông Hùng trả nợ số tiền vay đầu tư mua đất rừng những năm trước, một phần ông tiếp tục đầu tư trồng rừng mới ngay sau khi khai thác.

Đất rừng không bỏ trống, luôn được khoác lên mình một màu xanh bởi những lứa rừng mới được trồng kế tiếp. Khoảng 5-6 năm trở lại đây, nhờ áp dụng các thành tựu khoa học, các loài cây trồng rừng giống mới được nuôi cấy, gieo ươm bằng phương pháp mô, hom chất lượng cao, nguồn gốc, xuất xứ địa chỉ rõ ràng.

Sức đề kháng của cây chống chịu thời tiết khắc nghiệt, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng lập địa, cho sản lượng gỗ năng xuất đạt cao, khai thác đạt từ 130 - 140 m3/ha. Ông Hùng bỏ công sức, tiền của đầu tư cây giống, thuê nhân công cải tạo trồng thay thế bổ xung những lô rừng cây chậm phát triển, thay thế bằng cây giống mới cho sản lượng, năng xuất cao hơn. 

tm-img-alt
CCB Bùi Văn Hùng (đầu tiên bên phải ), Phó Ban Lâm nghiệp xã Đông Phú Lương Xuân Viên (giữa) và Trạm trưởng Kiểm lâm địa bàn Đông Phú Nguyễn Quý Trí (thứ ba từ phải sang trái) thăm rừng Bạch đàn 3,5 năm tuổi của gia đình ông Hùng. 

“Với 30 ha rừng trồng, tôi quy hoạch trồng 25 ha rừng Bạch đàn mô giống DH 32-29 và 05 ha rừng Keo mô dòng BV 10. Từ năm 2020 trở đi, cứ 02 năm/một chu kỳ khai thác diện tích khoảng 7- 8 ha, gia đình tôi thu về khoảng từ 1,1 tỷ  - 1 tỷ 150 triệu đồng từ tiền khai thác bán gỗ, củi. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, ước thu lãi về khoảng 800 - 850 triệu đồng một chu kỳ”, - ông Bùi Văn Hùng chia sẻ. 

tm-img-alt
CCB Bùi Văn Hùng phát dọn thực bì phòng, chống cháy rừng.  

Nhờ lòng đam mê, tâm huyết đầu tư trồng rừng kinh tế, mấy năm gần đây, gia đình ông Bùi Văn Hùng đã có của ăn của để. Gia đình ông Hùng đầu tư xây dựng 01 cơ sở trông trẻ số tiền trên 400 triệu đồng với diện tích 150 m2 tại khuôn viên của gia đình. Hợp đồng từ 3 - 4 lao động với mức lương 6 triệu đồng/tháng, đảm nhiệm trông giữ trẻ dưới 03 tuổi, số lượng từ 20 - 25 cháu.

Khuôn viên trông giữ trẻ được gia đình ông Hùng đầu tư sân vui chơi như một cơ sở Mầm non thu nhỏ, các cháu tới đây được vui chơi, tự tin như chính ở ngôi nhà của mình. Ông Hùng còn đầu tư mua thêm 01 mảnh đất ở, khu vực trung tâm xã Đông Phú, tính nay mai xây ngôi nhà cho cậu con trai duy nhất tách ra ở riêng. 

Ở xã Đông Phú (huyện Lục Nam) 5 - 6 năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình nhờ tâm huyết đầu tư trồng rừng kinh tế, ổn định cho thu nhập cao, từng bước tiến tới làm giàu.

Ngày càng xuất hiện nhiều những mô hình làm giàu bằng phát triển kinh doanh rừng, thu nhập hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhiều Hội viên CCB trên địa bàn xã đầu tư trồng rừng, phát triển kinh tế tiêu biểu như cựu chiến binh Đào Mạnh Hùng (thôn Trong); Đinh Ngọc Thiện (thôn Đồng Tiến); Hà Viết Sơn (thôn Đoàn Tùng). 

“Tấm gương tâm huyết, phát triển trồng rừng phát triển kinh tế, đem lại màu xanh cho môi trường sinh thái, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình của CCB Bùi Văn Hùng đáng trân trọng học tập. Tháng 11/2022 vừa qua, là một 04 hội viên tiêu biểu điển hình được Hội Cựu chiến binh xã Đông Phú bình bầu, đề nghị các cấp hội CCB khen thưởng. Bản thân ông Nguyễn Văn Hùng được đề nghị Hội CCB tinh Bắc Giang khen thưởng thành tích đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2022”,  - ông Đinh Văn Điện, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đông Phú thông tin. 

Chia tay những cánh rừng thôn Ải trong buổi chiều đông muộn. Ánh nắng mặt trời yếu ớt đang khuất dần sau mỏm núi phía đằng Tây. Những đàn chim gọi nhau ríu rít, xếp hàng từng tốp mải miết sải cánh vội vã bay về tổ ấm.

Bỗng những đợt gió Bắc thổi ào về se lạnh, nâng những cành lá cây Keo, Bạch bồng lên đu đưa như những bàn tay vẫy vẫy, bịn rịn chào tiễn chân chúng tôi. Màu xanh của những cánh rừng xanh trùng điệp, ngút ngàn của những lứa rừng trồng chuần bị đến kỳ cho khai thác. Báo tín hiệu vui, nông thôn nơi đây đang dần đổi đời, giàu lên từ phát triển kinh tế rừng. Bỗng âm thanh thật gần vọng lại từ chiếc loa truyền thanh cuối thôn ngân lên lời hát du dương: 

“Và tôi vẫn nhớ hoài về một loài cây
Sống gần nhau thân mới thẳng
Có một cây là có rừng
Và rừng sẽ lên xanh
Rừng giữ đất quê hương…”

Bạn đang đọc bài viết Bắc Giang: Cựu chiến binh Bùi Văn Hùng làm giàu nhờ tâm huyết trồng rừng kinh tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.