Thứ bảy, 27/04/2024 02:37 (GMT+7)

Bắc Giang xếp thứ hai với vốn đầu tư đăng ký hơn 1 tỷ USD trong 5 tháng 2023

Khánh Dung -  Thứ bảy, 27/05/2023 08:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hà Nội dẫn đầu về vốn FDI đăng ký với gần 1,87 tỷ USD, trong khi Bắc Giang thu hút hơn 1 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm. Còn TP Hồ Chí Minh (HCM) đứng đầu về số dự án mới, điều chỉnh và GVMCP (góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp) .

tm-img-alt
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang đã từng bước tháo gỡ những khó khăn, điều hành thực hiện hoàn thành các mục tiêu đề ra 

Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa mới công bố, trong 5 tháng đầu năm, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký với gần 1,87 tỷ USD, chiếm gần 17,2% tổng vốn FDI đăng ký cả nước và tăng gấp gần 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Tỉnh Bắc Giang là địa phương xếp thứ hai với vốn đầu tư đăng ký hơn 1 tỷ USD, chiếm hơn 9,4% tổng vốn đầu tư FDI cả nước, tăng gấp gần 2,4 lần so với cùng kỳ.

Theo báo cáo, nếu xét về số dự án, TPHCM là địa phương dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (38,9%), số lượt dự án điều chỉnh (24,9%) và GVMCP (65,4%).

Tính chung cả nước, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và GVMCP của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong 5 tháng đầu năm đã đạt gần 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ.

Vốn đầu tư mới tăng mạnh hơn so với mức tăng trong 4 tháng đầu năm, trong khi số dự án đầu tư mới tiếp tục tăng nhẹ 1,2 điểm % so với 4 tháng và tăng mạnh so với cùng kỳ (+66,4%).

Tốc độ tăng số dự án mới lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư, điều đó cho thấy các nhà ĐTNN quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mới.

Trong khi đó, các tập đoàn lớn đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới, song tổng vốn đầu tư chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 5 tháng.

Trong khi đó, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 7,65 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn đầu tư thực hiện của các dự án ĐTNN giảm so với cùng kỳ song đã có cải thiện so với các tháng đầu năm nay.

Vốn đầu tư điều chỉnh giảm so với cùng kỳ (-59,4%) do không có nhiều dự án điều chỉnh vốn lớn song mức giảm đã được thu hẹp so với các tháng trước đó.

Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng tăng mạnh hơn (+22,8%) so với cùng kỳ thay vì tăng 19,5% trong 4 tháng và 2,6% trong 3 tháng, thậm chí giảm 6,3% trong 2 tháng đầu năm. Điều này khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.

Tính lũy kế đến ngày 20/5, cả nước có 37.238 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 447,67 tỷ USD.

Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút ĐTNN (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) như Hà Nội, Bắc Giang, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng…

Các nhà đầu tư đến từ châu Á, đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong. Riêng 6 đối tác này đã chiếm tới 76,6% tổng vốn đầu tư FDI của cả nước trong 5 tháng.

Xuất khẩu của khu vực ĐTNN tuy giảm song vẫn xuất siêu và bù đắp phần nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước.

Với mức xuất siêu hơn 17,1 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 16,3 tỷ USD không kể dầu thô, khu vực ĐTNN đã bù đắp phần nhập siêu gần 8,9 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, là bệ đỡ giúp cả nước xuất siêu khoảng 8,2 tỷ USD.

Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mở ra nhiều không gian, động lực phát triển mới. Nhiều công trình, dự án lớn, nhất là các công trình giao thông đối nội, đối ngoại quan trọng tiếp tục được đầu tư; đặc biệt, nút thắt cầu Như Nguyệt trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang và tuyến giao thông huyết mạch QL31 gây ra rất nhiều khó khăn những năm qua đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng; công trình cầu Đồng Việt kết nối với tỉnh Hải Dương cũng đã được khởi công, đáp ứng mong đợi của đông đảo Nhân dân. Tỉnh Bắc Giang cũng đã kịp thời giải quyết vấn đề thiếu mặt bằng sạch để thu hút đầu tư sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép tỉnh thành lập mới thêm 02 khu công nghiệp và mở rộng 02 khu công nghiệp.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực tiếp tục được cải thiện. Nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, nút thắt đã được giải quyết, tháo gỡ, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực. Công tác cải cách hành chính được tập trung đẩy mạnh; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; tinh thần, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên. Các chỉ số đánh giá cấp tỉnh về cải cách hành chính (PAR Index), sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp (SIPAS), chuyển đổi số (DTI) duy trì nằm trong tốp 10 cả nước.

Bạn đang đọc bài viết Bắc Giang xếp thứ hai với vốn đầu tư đăng ký hơn 1 tỷ USD trong 5 tháng 2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới