Thứ sáu, 03/05/2024 06:27 (GMT+7)

Bài toán lựa chọn hạn chế sản xuất nhựa hay quản lý chất thải nhựa

Vĩnh Hải -  Thứ ba, 14/11/2023 16:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các cuộc đàm phán về ô nhiễm nhựa được dự báo sẽ rất khó khăn với 2 luồng quan điểm: hạn chế lượng nhựa được sản xuất hay chỉ quản lý chất thải thông qua tái chế, tái sử dụng.

Vòng đàm phán mới nhất do Liên hợp quốc chủ trì về hạn chế ô nhiễm nhựa toàn cầu sẽ diễn ra tại Nairobi, Kenya từ ngày 13/11 đến hết tuần này. Vòng đàm phán thứ 3 của Ủy ban đàm phán liên chính phủ về hạn chế ô nhiễm nhựa nhằm xây dựng một hiệp ước toàn cầu đầu tiên ràng buộc về mặt pháp lý có hiệu lực vào cuối năm 2024.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: AP)

Theo nghiên cứu mới nhất, lượng nhựa đổ vào các đại dương trên thế giới đã tăng với tốc độ “chưa từng có” kể từ năm 2005 và có thể tăng gần gấp 3 vào năm 2040 nếu không giảm sản xuất và sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần như chai đựng đồ uống, bao bì đóng gói và túi đựng hàng chợ. Ngày nay, khoảng 98% nhựa dùng một lần như chai hoặc bao bì, chủ yếu được làm từ nhựa polymer có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch.

Viện 5 Gyres, một tổ chức của Mỹ vận động nhằm giảm ô nhiễm nhựa, ước tính có khoảng 171 nghìn tỷ vi hạt nhựa đã trôi nổi trên các đại dương vào năm 2019. Hạt vi nhựa đặc biệt nguy hiểm đối với đại dương, không chỉ làm ô nhiễm nước mà còn làm hỏng các cơ quan nội tạng của động vật biển vì chúng nhầm nhựa là thức ăn.

Trước sự nguy hại này, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã đề xuất các nước tiến hành đàm phán xây dựng Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa nhằm mục tiêu hướng đến chấm dứt ô nhiễm nhựa, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi những tác động bất lợi trong suốt vòng đời của nhựa; giảm sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa.

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, thế giới hiện đang sản xuất khoảng 400 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, nhưng chưa đến 10% trong số này được tái chế, số còn lại được đưa vào các bãi chôn lấp và dần hủy hoại đại dương. Lượng rác thải này dự kiến sẽ tăng lên trong các thập kỷ tới khi các công ty dầu mỏ, vốn cũng thường sản xuất nhựa, đang tìm các nguồn mới tạo doanh thu trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng khỏi nhiên liệu hóa thạch. Ngày nay, khoảng 98% nhựa dùng một lần có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch. 

Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang hướng tới thỏa thuận đầu tiên về kiểm soát ô nhiễm nhựa, quá trình đàm phán hiện nay được đánh giá là khó khăn trong việc xác định có nên hạn chế lượng nhựa sản xuất ra, hay chỉ tập trung vào việc quản lý rác thải nhựa.

Các cuộc đàm phán sẽ tập trung thảo luận nên đưa lựa chọn nào vào văn kiện mang tính ràng buộc pháp lý về vấn đề ô nhiễm nhựa. Các nước hiện đang cố gắng đạt được mục tiêu này trước cuối năm 2024.

Liên minh châu Âu (EU) cùng hàng chục quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Canada và Kenya đã kêu gọi có một hiệp ước mạnh với các điều khoản mang tính ràng buộc nhằm giảm việc sản xuất và sử dụng nhựa nguyên sinh, được tạo ra từ quá trình chưng cất phân đoạn dầu mỏ, cũng như xóa bỏ hoặc hạn chế các loại nhựa gây ô nhiễm, như PVC và các loại nhựa chứa các nguyên vật liệu độc hại.

Quan điểm này vấp phải sự phản đối từ các nước xuất khẩu dầu mỏ, sản phẩm hóa dầu và nhựa như Saudi Arabia. Theo những quốc gia này, hiệp ước tương lai cần tập trung vào việc tái chế và tái sử dụng nhựa, việc này được đề cập bằng khái niệm "quay vòng" nguồn cung nhựa.

Trong một đề xuất nêu ra trước cuộc đàm phán lần này, Saudi Arabia cho rằng nguồn gốc của ô nhiễm nhựa là "việc quản lý chưa hiệu quả" rác thải nhựa.

Trong các cuộc thảo luận, các nước cũng sẽ thảo luận xem liệu hiệp ước có nên đặt ra tiêu chuẩn về minh bạch việc sử dụng hóa chất trong sản xuất nhựa hay không.

Trước 2 luồng quan điểm khác biệt này, các tổ chức chống biến đổi khí hậu, thanh niên và tổ chức môi trường châu Phi cuối tuần qua đã tuần hành qua thủ đô Nairobi của Kenya đã giương biểu ngữ và hô khẩu hiệu kêu gọi giảm sản xuất nhựa cũng như kêu gọi Hội nghị có quan điểm rõ ràng về vấn đề này.

“Điều chúng tôi hy vọng các nhà lãnh đạo không chỉ lắng nghe các tập đoàn lớn muốn tiếp tục kinh doanh mà thay vào đó phải bàn cách cắt giảm lượng nhựa sản xuất ra để bảo vệ tương lai của thế giới.”

“Chúng tôi đang tìm kiếm không chỉ lời nói mà cần những hành động thực tế, thực chất. Chúng tôi muốn các nhà lãnh đạo tại Hội nghị bày tỏ chính xác quan điểm của họ đối với hiệp ước nhựa toàn cầu và không nên để Hiệp ước tùy chọn mà phải mang tính ràng buộc về mặt pháp lý."

Các nhóm môi trường cho biết họ hy vọng các cuộc đàm phán tập trung vào nội dung của Hiệp ước, không bị “sa lầy” bởi các chiến thuật đánh lạc hướng. Một nhóm gồm 20 nhà khoa học quốc tế hôm qua cũng đã gửi thư ngỏ tới các nhà đàm phán yêu cầu họ đặt vấn đề sức khỏe làm trọng tâm và hướng tới một hiệp ước giảm khối lượng sản xuất nhựa và “bắt buộc phải kiểm tra tất cả các hóa chất trong nhựa”.

Bạn đang đọc bài viết Bài toán lựa chọn hạn chế sản xuất nhựa hay quản lý chất thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.